Trước khi bắt tay vào bất cứ công việc gì thì điều chúng ta cần làm là lên kế hoạch hoặc chiến lược cho nó. Cụ thể trong hoạt động bán hàng, bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng đều phải chú trọng xác định hướng đi cụ thể và chính xác để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Theo đó, chiến lược bán hàng được ra đời để thực hiện nhiệm vụ dẫn đường cho các doanh nghiệp khi chuẩn bị bước vào thị trường đầy biến động hiện nay. Bạn đã biết cách xây dựng chiến lược bán hàng hiệu quả?
Xây dựng chiến lược bán hàng hiệu quả không phải là công việc đơn giản. Đây là cả một quá trình nghiên cứu, sáng tạo và cải tiến. Do đó, người lập chiến lược cần am hiểu về kinh doanh cũng như có cái nhìn bao quát về toàn bộ thị trường.
Vậy làm thế nào để xây dựng chiến lược bán hàng hiệu quả? Cùng tham khảo các bước để xây dựng chiến lược ngay dưới đây:
1. Đánh giá nguồn lực hiện tại của doanh nghiệp
Đánh giá nguồn lực của doanh nghiệp là xem xét những yếu tố mà doanh nghiệp hiện đang có. Nguồn lực có thể là nhân sự, tài chính hoặc những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp.
Qua đánh giá, bạn mới có thể biết được mình cần làm gì trong tương lai và định hướng thông qua bản kế hoạch chi tiết.
Nếu nguồn lực đã đủ tốt, chiến lược bán hàng cần đẩy mạnh hơn những yếu tố đó để tăng doanh thu và phát triển thương hiệu. Ngược lại, nếu nguồn lực doanh nghiệp còn yếu, hãy lựa chọn những hướng đi cẩn trọng, an toàn để có thể tiến hành các bước tiếp theo hiệu quả.
2. Phân tích và đánh giá thị trường
Trong mọi chiến lược bán hàng, việc phân tích và đánh giá thị trường là một công đoạn không thể thiếu. Khi phân tích và đánh giá thị trường, bạn có thể tiến hành theo các khía cạnh: quy mô, phân khúc, xu hướng, tốc độ tăng trưởng, mức độ cạnh tranh, kênh phân phối, các quy định, chính sách… Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp.
Phân tích và đánh giá thị trường một cách chính xác, khách quan sẽ giúp bạn xác định được tâm lý, nhu cầu của khách hàng. Từ đó, tạo kênh giao tiếp với khách hàng hiệu quả. Các chiến lược, hành động sẽ được đưa ra đúng lúc và kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
3. Xác định mục tiêu cụ thể
Một chiến lược bán hàng được đưa ra nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra ban đầu, nếu không đạt được điều đó tức là chiến lược thất bại.
Bạn cần xác định mục tiêu trong từng giai đoạn và đưa ra con số cụ thể. Ví dụ mục tiêu doanh thu trong vòng 6 tháng, 1 năm, 2 năm… Với việc đề ra con số như vậy, người thực thi sẽ nắm rõ được vai trò và trách nhiệm của mình khi thực hiện từng nhiệm vụ.
Để xác định mục tiêu một cách chính xác, hiệu quả, bạn có thể áp dụng theo mô hình SMART, trong đó:
S – Specific: mục tiêu cụ thể
M – Measurable: đo lường được
A – Achievable: trong khả năng có thể đạt được
R – Realistic: thực tế, không viển vông
T – Time bound: thời hạn thực hiện để đạt được mục tiêu
4. Lập kế hoạch triển khai
Sau khi chuẩn bị được những bước ở trên, bạn sẽ tiến hành lập kế hoạch triển khai cụ thể. Bạn có thể chuẩn bị các vấn đề như:
Nguồn tài chính
Để bắt đầu một chiến lược bán hàng hiệu quả, tài chính luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Khi bạn xác định được nguồn tài chính cụ thể sẽ dễ dàng hơn trong việc sử dụng nó.
Nguồn hàng
Có thể bạn đã xác định được một nguồn hàng kinh doanh trước đó, tuy nhiên khi thực thi chiến lược, hãy xem xét lại một lần nữa sự lựa chọn ấy. Mỗi chiến lược bán hàng đều hướng đến doanh thu, chính vì vậy bạn cần tìm những nhà cung cấp uy tín, chất lượng với chi phí hợp lý.
Giá bán, kênh bán
Giá sản phẩm bán ra cho người tiêu dùng là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau. Quan trọng hơn hết, giá bán cần làm sao vừa phù hợp với thị trường vừa tạo ra được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bạn không nên vì cạnh tranh giá thành rẻ mà chọn những nguồn hàng kém chất lượng, nhưng cũng nên cân nhắc các nhà cung cấp có giá thành cao xem thử mức đó có phù hợp với mặt bằng chung hay không. Tóm lại, để định giá đúng cho sản phẩm, bạn cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường để tạo ra hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp và khách hàng của mình.
Sau khi xác định giá bán, hãy tiến hành chọn kênh bán phù hợp. Các kênh bán hiện nay đều sở hữu rất nhiều tiềm năng và dễ dàng để tiếp cận bao gồm cả hình thức online và offline. Sau khi chọn kênh bán, bạn có thể thiết lập cửa hàng và mở rộng quy mô thông qua hệ thống đại lý, cộng tác viên…
Chương trình khuyến mại
Đối với hoạt động kinh doanh, việc triển khai chương trình khuyến mại được tiến hành khá thường xuyên. Đây cũng là một cách để tri ân và thu hút khách hàng đến với doanh nghiệp.
Bạn có thể tạo ra các đợt tri ân giảm giá cho khách hàng để vừa giải quyết được số lượng hàng tồn kho, vừa tạo hiệu ứng quảng bá thương hiệu rộng rãi trên thị trường. Nếu chưa biết cách lên một chương trình khuyến mại hợp lý, bạn có thể làm theo các đợt sale lớn trong năm hoặc các chương trình lớn của sàn thương mại điện tử để tạo hiệu ứng tốt nhất.
Lên kế hoạch quảng cáo
Đây là hoạt động nhằm đưa sản phẩm và thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. Việc triển khai quảng cáo hiện nay rất dễ dàng với nhiều cách thể hiện khác nhau và khả năng triển khai trên nhiều nền tảng bán hàng. Hãy xác định mục tiêu bạn đang hướng đến là gì để triển khai kế hoạch quảng cáo phù hợp.
Bạn có thể lên các kịch bản quảng cáo chi tiết và kết hợp với kế hoạch Marketing để tăng độ nhận diện thương hiệu và tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
5. Triển khai chiến lược
Sau khi hoàn thành công đoạn chuẩn bị, bạn có thể bắt đầu triển khai chiến lược dựa theo những định hướng đã đưa ra.
Việc triển khai chiến lược cần có sự kết hợp giữa nhiều bộ phận khác nhau để tạo ra sự thống nhất. Mỗi bước trong kế hoạch cần được triển khai một cách cẩn thận, chỉn chu và dứt điểm. Với mỗi chu trình, bạn nên tiến hành các đợt báo cáo tổng kết để nhìn nhận lại những hiệu quả cũng như hạn chế đang tồn tại.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai chiến lược cần đảm bảo được yếu tố về mặt thời gian và mục đích đã đặt ra ban đầu. Hoàn thiện từng giai đoạn nhỏ sẽ giúp bạn nắm bắt tình hình và triển khai tốt các bước sau đó.
6. Đo lường hiệu quả đạt được
Việc cần làm sau khi hoàn tất chiến lược là đo lường các kết quả đã đạt được. Dựa theo những số liệu về doanh số, khách hàng, hiệu suất công việc để đánh giá sự thành công của chiến lược đó.
Bạn cần thu thập kết quả của mỗi bước đã đặt ra sau đó tổng hợp lại để có cái nhìn bao quát nhất. Ví dụ như chiến lược Marketing có hiệu quả hay không, tỷ lệ chuyển đổi như thế nào, các chính sách ưu đãi đã đủ hấp dẫn hay chưa.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần ghi nhận những phản hồi của khách hàng về thái độ của nhân viên, chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Từ những kết quả đó, đối chiếu với mục đích đặt ra để đo lường hiệu quả chiến lược. Nếu có những hạn chế cũng cần được lưu ý để cải tiến trong những chiến lược về sau.
Để không bỏ sót bất kỳ dữ liệu nào, công đoạn đo lường nên thực hiện sau mỗi tiến trình, bước đi. Bạn sẽ có rất nhiều yếu tố cần thu thập và đo lường trong suốt quá trình kinh doanh. Và việc chia ra từng giai đoạn nhỏ sẽ khiến việc đo lường diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn. Nó cũng giúp bạn nhanh chóng đề ra phương án chiến lược để cải thiện tình hình kinh doanh kịp thời, mang đến kết quả cuối cùng tốt nhất.
Lời kết
Dù doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ, hoạt động theo mô hình nào thì việc lập ra một chiến lược bán hàng luôn là điều cần có. Đó không chỉ là những dòng chữ được viết trên giấy mà là cả một định hướng đúng đắn cho những bước đi của doanh nghiệp trong tương lai.
Do đó, đừng xem nhẹ hay bỏ qua phần việc này mà hãy tận dụng nó để tạo ra hiệu quả bán hàng tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn nhé.
Theo dõi website Gitiho để cập nhật những kiến thức mới nhất về quản trị doanh nghiệp.