Làm thế nào để sở hữu kỹ năng thuyết trình ấn tượng?

Nội dung được viết bởi Hà Đinh

 Ai cũng biết kỹ năng thuyết trình là kỹ năng cực kỳ quan trọng. Không chỉ đối với người đi làm, mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bạn đã phải rèn luyện kỹ năng này. Tuy vậy vẫn còn rất nhiều người sợ hãi, run lẩy bẩy khi đứng trước đám đông để trình bày vấn đề và đưa ra thuyết phục. Vậy làm thế nào để có bài thuyết trình đắt giá? Có cách nào để cải thiện kỹ năng thuyết trình không? Hãy cùng Gitiho đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.

Kỹ năng thuyết trình là gì?

Nhiều người coi thuyết trình đó là việc đứng nói trước nhiều người khác. Nhiều người khác lại nghĩ rằng thuyết trình đơn giản là trình bày một vấn đề có tính thuyết phục. Những khái niệm này đều không sai bởi không có một nguyên tắc đóng khung nào cho kỹ năng thuyết trình.

Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng trình bày quan điểm thuyết phục một nhóm người
Thuyết trình là kỹ năng trình bày quan điểm thuyết phục một nhóm người

Có thể hiểu thuyết trình là một quá trình “đóng đinh” vào đầu người khác, chúng ta ghim tất cả suy nghĩ, quan điểm vào người khác khiến cho họ có cùng niềm tin với chúng ta. Vậy Kỹ năng thuyết trình giúp ích gì cho chúng ta, mời bạn hãy tìm hiểu chi tiết trong phần tiếp theo.

Lợi ích của kỹ năng thuyết trình

  • Mở rộng cơ hội việc làm: Một người nhân viên chưa biết có thành tựu như nào, xuất sắc ra sao nhưng khéo ăn nói, tự tin trong việc xây dựng mối quan hệ thì chắc hẳn cơ hội việc làm sẽ tới. Những công việc như MC truyền hình, MC đám cưới,... chỉ cần bạn có kỹ năng nói tốt là bạn đã có lợi thế so với những người khác rồi.
  • Giúp bạn tự tin trước đám đông: Những người có khả năng chia sẻ thuyết phục người khác đều có dáng đứng dáng đi rất linh hoạt, trông rất tự tin. Khi bạn tự tin bạn hoàn toàn có thể nói trước ống kính, nói trước nhóm nhỏ hay là đám đông.
  • Nâng cao sự hiểu biết: Khi bạn chia sẻ một bài thuyết trình, người học được nhiều nhất chính là bạn. Trước khi thuyết trình bạn phải nghiên cứu, tổng hợp thông tin, sau khi tổng hợp thông tin bạn phải hiểu thì mới thuyết trình lưu loát được. Nếu người nghe có cơ hội được nghe một lần thì người nói như bạn đã nằm lòng những kiến thức đó rồi.
  • Mang lại thu nhập cao: Có ky năng thuyết trình bạn có thể chia sẻ, huấn luyện team, đội nhóm của mình. Cao hơn nữa bạn có thể chia sẻ đến các cấp trưởng phòng, quản lý,... Người có khả năng thuyết phục người khác bao giờ thu nhập cũng cao hơn so với người bình thường.  
  • Tạo ra nhiều mối quan hệ: Khi bạn giao tiếp tốt, khéo ăn nói bạn sẽ có nhiều mối quan hệ xung quanh.

Làm thế nào để sở hữu kỹ năng thuyết trình?

 Sử dụng phi ngôn từ 

Tại sao ngôn ngữ cơ thể lại quan trọng khi thuyết trình? Bởi vì ngôn ngữ cơ thể cũng có thể phát ra ngữ điệu và giọng nói đấy. Hãy sử dụng những phi ngôn từ dưới đây để tăng ấn tượng cho bài thuyết trình nhé:

Ánh mắt

Trong khi thuyết trình một ánh mắt biết cười với khán giả là điều khiến họ cảm thấy được tôn trọng, chứng tỏ người thuyết trình rất quan tâm đến cảm xúc của họ. Ánh mắt biết cười đó là ánh mắt nhìn thẳng và nở nụ cười với khán giả. Nếu bạn không biết làm thế nào để nhìn bao quát toàn bộ khán giả của mình, hãy nhìn theo góc cạnh đường chữ “M” hoặc chữ “W”. Đây là cách dễ nhất để khiến khán giả thấy bạn đang chú ý đến họ. Trong trường hợp bạn cảm thấy hồi hộp khi nhìn vào mắt khán giả, bạn có thể nhìn vị trí khác trên khuôn mặt của họ như trán, mũi, lông mày,..

Sử dụng ánh mắt để giữ kết nối với người nghe xuyên suốt buổi thuyết trình
Sử dụng ánh mắt để giữ kết nối với người nghe xuyên suốt buổi thuyết trình

Gương mặt

Một gương mặt thần thái thể hiện ra sự nhiệt tình, mắt to rõ ràng, muốn chia sẻ một cách nhiệt huyết hơn chắc chắn sẽ thu hút khán giả. Nếu là nữ bạn có thể trang điểm nhẹ, tô son để khiến cho khuôn mặt thu hút hơn, nếu là nam bạn có thể đánh phấn nhẹ để gương mặt trông sáng hơn.  

Bàn tay và cánh tay

Với cánh tay, bạn có thể đưa lên, đưa xuống, sang trái, sang phải  khi đưa lên tuyệt đối không đưa qua đầu. Với bàn tay bạn có thể hướng ra ngoài, hướng vào trong hoặc xoay chiều. Sau khi sử dụng cánh tay bạn có thể đưa tay về trước bụng để hờ.

Ngữ điệu, giọng nói

Một giọng nói hay sẽ phát ra âm thanh êm ái chiều lòng người khác. Khi nói cần phát âm rõ ràng, tròn vành rõ chữ, âm thanh phát ra phải vang, trầm, bổng. Bên cạnh đó bạn hãy luyến láy nhấn nhá vào những nội dung chính.

Trang phục phù hợp

Hãy chuẩn bị trang phục phù hợp với môi trường và bối cảnh. Nếu buổi thuyết trình diễn ra với quy mô lớn và môi trường chuyên nghiệp, bạn hãy mặc trang phục lịch sự. Nam có thể mặc vest để trông chỉn chu, nữ mặc đồ công sở. Nếu buổi thuyết trình diễn ra ngoài trời bạn có thể mặc áo polo có cổ để trông vừa lịch sự lại vừa năng động, hòa nhập vào bối cảnh.

Khi thuyết trình cần lưu ý mặc trang phục lịch sự
Khi thuyết trình cần lưu ý mặc trang phục lịch sự

Chuẩn bị bài thuyết trình

Chuẩn bị bài thuyết trình là bước chắc chắn bạn phải làm để có một buổi thuyết trình suôn sẻ. Vậy cần phải chuẩn bị những gì? Bạn hãy thử chuẩn bị theo công thức sau nhé.

Bước 1: Xác định rõ thông tin về chủ đề

Bạn cần xem xem chủ đề bạn muốn diễn thuyết là gì, là kỹ năng mềm, kỹ năng sống, về hướng nghiệp, hay vấn đề về kinh tế xã hội,… 

Bước 2: Xác định thời gian

Có nhiều bạn được chỉ định chia sẻ trong 30 phút nhưng thực tế bạn thuyết trình lên đến 1 tiếng, điều này khiến khán giả ngồi nghe rất mệt. Nhưng nếu như thời gian chỉ định là 30 phút và bạn chỉ chia sẻ trong 10 phút thì sẽ khiến người nghe cảm thấy hụt hẫng. Vì vậy việc xác định thời gian thuyết trình rất quan trọng. 

Bước 3: Xác định nội dung chính

Hãy tưởng tượng ngày hôm đó bạn sẽ trình bày những nội dung nào, nội dung số 1 số 2 số 3 là gì. Ví dụ bạn chia sẻ về chủ đề thuyết trình, bạn có thể phân chia nội dung như sau:

  • Phần số 1: chia sẻ cách dẫn dắt gây ấn tượng cho người khác.
  • Phần số 2: cách thuyết trình lôi cuốn người nghe.
  • Phần số 3: Cách kết thúc nhận được cái gật đầu hài lòng của khán giả.

Bước 4: Thu thập thông tin

Hãy tìm kiếm thông tin trên internet, qua sách vở, báo chí,… và tổng hợp lại. Ngoài ra bạn có thể tìm kiếm những kiến thức trên mạng xã hội như Youtube, Facebook,...

Thu thập tổng hợp thông tin là bước quan trọng khi chuẩn bị bài thuyết trình
Thu thập tổng hợp thông tin là bước quan trọng khi chuẩn bị bài thuyết trình

Bước 5: Chắt lọc thông tin đắt giá

Trong quá trình thu thập và tổng hợp thông tin, bạn sẽ thấy thông tin nào cũng quan trọng và muốn đưa vào bài thuyết trình của mình. Nhưng bài thuyết trình có thời gian nhất định, bên cạnh đó khi diễn thuyết quá thời gian chưa chắc khán giả đã hăng say lắng nghe. Vì vậy bạn phải chắt lọc ra những nội dung đắt giá cho người người nghe của mình. 

Bước 6: Xây dựng kịch bản nội dung thuyết trình

Xây dựng kịch bản tức là bạn lên ý tưởng nội dung cho dàn bài mà bạn sẽ thuyết trình. Bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy để dễ hình dung. Việc lên ý tưởng sẽ giúp bạn nắm rõ những nội dung mà mình sẽ nói trong buổi thuyết trình.

Bước 7: Luyện tập

Phải hành động thì mới có kết quả. Mọi sự chuẩn bị ở các bước trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không luyện tập. Luyện tập cho đến khi tự tin, trôi chảy chính là bước quan trọng để có bài thuyết trình ấn tượng.

4 bước để thuyết trình thành công

Bước 1: Mở đầu bằng phương pháp sáng tạo

Bạn có thể mở đầu bằng video, bằng hình ảnh, bằng câu chuyện hay bằng một trò chơi thực tế. Bất cứ hình thức nào cũng được miễn là khiến người nghe thích thú. Đừng bao giờ đi trực tiếp luôn vào bài thuyết trình, bởi điều này sẽ khiến người nghe buồn ngủ. Chỉ cần thu hút người nghe ở những giây đầu tiên thì bài thuyết trình của bạn đã được điểm cộng trong mắt mọi người rồi.

Bước 2: Chia sẻ những chủ đề và liệt kê ý chính

Hãy nhắc đến chủ đề chính, sau đó liệt kê ra từng ý và kết hợp với ngôn ngữ cơ thể đó là cánh tay. Nội dung số 1 sẽ có bao nhiêu ý, có thêm câu chuyện, trải nghiệm gì không? Nội dung số 2 3 4,... cũng tương tự như thế.

Liệt kê những ý chính giúp người nghe dễ dàng nhớ nội dung
Liệt kê những ý chính giúp người nghe dễ dàng nhớ nội dung  

Bước 3: Nhấn mạnh vào lợi ích mà người nghe nhận được

Hãy mang đến cho mọi người một thông điệp tích cực, những lợi ích mà khán giả sẽ nhận được sau khi lắng nghe bài thuyết trình của bạn.

Bước 4: Kết thúc một cách dư âm trong lòng khán giả

Có kết thúc bằng video, câu chuyện hay bằng 1 câu nói truyền cảm hứng, 1 câu ca dao tục ngữ,.. hay là một hành động trò chơi để khán giả lưu luyến và nhớ đến mình.

Kết luận

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về kỹ năng thuyết trình, tầm quan trọng cũng như cách để có một bài thuyết trình ấn tượng. Hi vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu và bắt đầu luyện tập kỹ năng thuyết trình để phát triển bản thân, mở ra nhiều cơ hội trong tương lai bạn nhé.

Gitiho cảm ơn bạn đọc và chúc bạn thành công!
 

5/5 - (2 bình chọn)

5/5 - (2 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông