Hướng dẫn cách hạch toán nhập kho nguyên vật liệu với tài khoản 152

Nội dung được viết bởi Ngọc Diệp

Một trong những nghiệp vụ quan trọng trong kế toán kho là hạch toán nhập kho nguyên vật liệu. Trong bài viết ngày hôm nay, các bạn kế toán viên hãy cùng Gitiho tìm hiểu về tài khoản 152 và cách hạch toán nhập kho nguyên vật liệu với tài khoản kế toán này nhé.

Giới thiệu về tài khoản 152

Trước khi đi vào chi tiết cách hạch toán nhập kho nguyên vật liệu, chúng ta sẽ nói về về nội dung, kết cấu và nguyên tắc kế toán của tài khoản 152 trong kế toán kho. 152 là tài khoản gì? Tài khoản này được sử dụng với mục đích như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay thôI!

Nội dung tài khoản 152

Tài khoản 152 là tài khoản kế toán phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm xảy ra với tất cả các loại nguyên vật liệu trong kho của một doanh nghiệp. Các loại nguyên vật liệu được phản ánh là các đối tượng lao động mua ngoài hoặc được doanh nghiệp tự chế tạo để phục vụ cho mục đích sản xuất và kinh doanh của mình.

Cụ thể hơn, các nguyên vật liệu được chia làm 3 nhóm như sau:

  • Nguyên vật liệu chính: Là các nguyên liệu và vật liệu tham gia vào quá trình sản xuất và trực tiếp cấu thành một phần thực thể chính của sản phẩm.
  • Vật liệu phụ: Là các vật liệu tham gia vào quá trình sản xuất nhưng không trực tiếp cấu thành một phần thực thể chính của sản phẩm. Thay vào đó, vật liệu phụ kết hợp với nguyên vật liệu chính để nâng cao chất lượng của sản phẩm hoặc tạo điều kiện cho quá trình sản xuất trở nên thuận lợi hơn.
  • Nhiên liệu: Là các nguồn nhiệt lượng được sử dụng trong quá trình sản xuất. Nhiên liệu có thể tồn tại ở các dạng lỏng, rắn và khí.
  • Vật liệu và thiết bị xây dựng cơ bản: Là các vật liệu và thiết bị xây dựng được sử dụng trong quá trình xây dụng cơ bản, bao gồm thiết bị cần và không cần lắp, các công cụ, khí cụ và vật kết cấu dành cho công trình xây dựng cơ bản.
  • Vật tư thay thế: Là các vật tư được sử dụng như một phương án dự phòng, thay thế cho các thiết bị hỏng trong quá trình sản xuất.

Hướng dẫn cách hạch toán nhập kho nguyên vật liệu với tài khoản 152

Để nắm vững các loại tài khoản, định khoản kế toán cùng các kiến thức khác của kế toán tổng hợp, đăng ký học kế toán tổng hợp ngay với khóa sau tại Gitiho:

Kết cấu của tài khoản 152

Như mọi tài khoản kế toán khác, tài khoản 152 - Nguyên liệu, vật liệu có kết cấu gồm bên nợ và bên có. Tuy nhiên, tài khoản này không có các tài khoản cấp 2.

Bên Nợ

  • Giá trị thực tế của nguyên vật liệu nhập kho
  • Giá trị của nguyên vật liệu thừa sau khi kiểm kê
  • Kết chuyển giá trị thực tế của nguyên vật liệu tồn kho cuối kỳ (áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ)

Bên Có

  • Giá trị thực tế của nguyên vật liệu xuất kho
  • Giá trị của nguyên vật liệu được trả lại người bán hoặc được giảm giá khi mua
  • Chiết khấu thương mại của nguyên vật liệu
  • Giá trị hao hụt của nguyên vật liệu sau khi kiểm kê
  • Kết chuyển giá trị thực tế của nguyên vật liệu tồn kho đầu kỳ (áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ)

Số dư bên Nợ

  • Giá trị thực tế của nguyên vật liệu tồn kho cuối kỳ

Xem thêm: Hướng dẫn cách hạch toán mua hàng trong nước trong kế toán tài chính

Nguyên tắc kế toán của tài khoản 152

Các nghiệp vụ hạch toán nhập kho nguyên vật liệu cũng như xuất kho nguyên vật liệu được ghi nhận bằng tài khoản 152 phải được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc quy định tại chuẩn mực "Hàng tồn kho". Theo đó, nội dung giá gốc của nguyên vật liệu sẽ được xác định dựa trên từng nguồn nhập dưới đây:

  • Nguyên vật liệu mua ngoài: Giá gốc bao gồm giá mua ghi trên hóa đơn, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế bào vệ môi trường (nếu có), các loại chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản,...
  • Nguyên vật liệu tự chế tạo: Giá gốc bao gồm giá thực tế của các nguyên liệu xuất chế tạo và chi phí chế tạo.
  • Nguyên vật liệu thuê ngoài gia công chế biến: Giá gốc bao gồm giá thực tế của các nguyên liệu xuất thuê ngoài gia công chế biến, chi phí vận chuyển đến nơi chế biến và từ nơi chế biến đến doanh nghiệp, tiền thuê ngoài gia công chế biến.
  • Nguyên liệu nhận góp vốn liên doanh, cổ phần: Giá gốc là giá trị được các bên tham gia góp vốn liên doanh thống nhất đánh giá chấp thuận.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể áp dụng một trong ba phương pháp dưới đây để tính giá trị nguyên vật liệu xuất kho trong kỳ:

  • Phương pháp giá thực tế đích danh
  • Phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập hoặc cuối kỳ
  • Phương pháp nhập trước xuất trước

Sau khi quyết định phương pháp tính giá trị nguyên vật liệu, doanh nghiệp cần bảo đảm tính thống nhất xuyên suốt niên độ kế toán.

Xem thêm: Áp dụng phương pháp FIFO để tính giá xuất kho trong Excel (phần 1)

Các nghiệp vụ kế toán kho với tài khoản 152 phải được doanh nghiệp thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm nguyên vật liệu. Nếu doanh nghiệp áp dụng giá hạch toán vào kế toán chi tiết nhập xuất nguyên vật liệu, thì đến cuối kỳ kế toán viên phải tính hệ số chênh lệch giữa giá thực tế và giá hạch toán của nguyên vật liệu.

Dựa vào con số kể trên, kế toán viên sẽ tính giá thực tế của nguyên vật liệu bằng cách áp dụng công thức:

Hướng dẫn cách hạch toán nhập kho nguyên vật liệu với tài khoản 152

Lưu ý: Không phản ánh vào tài khoản 152 đối với cá nguyên vật liệu không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp

Cách hạch toán nguyên vật liệu trên tài khoản 152

Trong phần này, chúng ta sẽ thảo luận về cách hạch toán nguyên vật liệu trên tài khoản 152 dựa vào 2 phương pháp hạch toán hàng tồn kho của doanh nghiệp, bao gồm phương pháp kê khai thường xuyên và phương pháp kiểm kê định kỳ.

Hướng dẫn cách hạch toán nhập kho nguyên vật liệu với tài khoản 152
 

Phương pháp kê khai thường xuyên

Nếu doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, căn cứ vào hóa đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ liên quan, kế toán viên sẽ phản ánh giá trị nguyên vật liệu nhập kho như sau:

  1. Trường hợp thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:
  • Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (giá mua chưa có thuế GTGT)
  • Nợ TK 133 (1331) - Thuế GTGT được khấu trừ
  • Có các TK 111, 112, 141, 331,... (theo tổng giá thanh toán)

2. Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, doanh nghiệp sẽ ghi nhận giá trị nguyên vật liệu bao gồm cả thuế GTGT.

Nếu doanh nghiệp trả lại nguyên vật liệu cho người bán hoặc nhận được các khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán sau khi nhận được nguyên vật liệu, kế toán viên ghi nhận như sau:

1. Trường hợp trả lại nguyên vật liệu cho người bán:

  • Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
  • Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
  • Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

2. Trường hợp nhận được chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán, kế toán viên cần căn cứ vào tình hình biến động của nguyên vật liệu để phân bổ giá trị chiết khấu, giảm giá, sau đó ghi nhận vào sổ:

  • Nợ các TK 111, 112, 331,...
  • Có một trong các lựa chọn sau:
    • Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (nếu nguyên vật liệu còn tồn kho)
    • Có các TK 621, 623, 627, 154 (nếu nguyên liệu đã xuất được sử dụng cho hoạt động sản xuất)
    • Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (nếu nguyên vật liệu đã xuất được sử dụng cho hoạt động đầu tư xây dụng)
    • Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm do nguyên vật liệu tạo thành đã được xác định tiêu thụ trong kỳ)
    • Có các TK 641, 642 (nếu nguyên vật liệu được dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý)
  • Có TK 133 (1331) - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Khi thanh toán tiền nguyên vật liệu với người bán, nếu doanh nghiệp được hưởng chiết khấu thương mại thì kế toán viên ghi nhận khoản chiết khấu này vào doanh thu từ hoạt động tài chính.

  • Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
  • Có TK 515 - Doanh thu từ hoạt động tài chính (chiết khấu thanh toán)

Nếu doanh nghiệp đã nhận được hóa đơn mua hàng như chưa nhập kho nguyên vật liệu thì kế toán viên cần lưu lại hóa đơn vào một tập hồ sơ riêng "Hàng mua đang đi đường" để phân biệt với các nguyên vật liệu còn lại khi thực hiện nghiệp vụ kế toán kho.

1. Trường hợp nguyên vật liệu được nhập kho trong tháng thì kế toán viên ghi nhận vào tài khoản 152 dựa vào hóa đơn và phiếu nhập kho.

2. Trường hợp nguyên vật liệu chưa được nhập kho trong tháng thì kế toán viên ghi nhận giá trị theo giá tạm tính:

  • Nợ TK 151 - Hàng mua đang đi đường
  • Nợ TK 133 (1331) - Thuế GTGT được khấu trừ
  • Có một trong các lựa chọn sau:
    • Có TK 331 - Phải trả cho người bán
    • Có các TK 111, 112, 141,...

 

 

Đến tháng sau, khi doanh nghiệp nhận được nguyên vật liệu và tiến hành nhập kho, kế toán viên dựa vào hóa đơn và phiếu nhập kho, ghi:

  • Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
  • Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường

Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, kế toán viên ghi nhận với tài khoản 152 như sau:

  • Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
  • Có TK 331 - Phải trả cho người bán
  • Có các TK ghi nhận thuế
  • Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)
  • Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
  • Có TK 3381 - Thuế bảo vệ môi trường

1. Trường hợp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào cửa hàng nhập khẩu, kế toán viên ghi kèm theo:

  • Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
  • Có TK 3331 (33312) - Thuế GTGT phải nộp

2. Trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào cửa hàng nhập khẩu:

  • Có TK 3331 (33312) - Thuế GTGT phải nộp

Nếu doanh nghiệp mua nguyên vật liệu dưới hình thức trả trước một phần bằng ngoại tệ thì giá trị nguyên vật liệu tương ứng với phần tiền trả trước sẽ được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước. Phần giá trị còn lại sẽ được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm doanh nghiệp mua nguyên vật liệu.

Xem thêm: Hướng dẫn nguyên tắc kế toán của tài khoản 133 (thuế GTGT được khấu trừ) chính xác năm 2020

Ngoài ra, các chi phí phát sinh khác cũng cần được ghi nhận thông qua tài khoản 152.

Kế toán viên thực hiện bút toán dưới đây để hạch toán chi phí thu mua, bốc xếp, vận chuyển nguyên vật liệu từ nơi bán về kho doanh nghiệp:

  • Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
  • Nợ TK 133 (1331) - Thuế GTGT được khấu trừ
  • Có các TK 111, 112, 141, 331,...

Nếu doanh nghiệp thuê gia công bên ngoài, kế toán viên ghi nhận như sau:

1. Khi đưa nguyên vật liệu đi gia công:

  • Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

2. Khi phát sinh chi phí thuê ngoài:

  • Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Nợ TK 133 (1331) - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
  • Có các TK 111, 112, 131, 141,...

3. Khi nhập kho nguyên vật liệu sau khi đã hoàn thành gia công bên ngoài:

  • Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
  • Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nếu doanh nghiệp tự tiến hành chế tạo nguyên vật liệu, cách hạch toán nhập kho nguyên vật liệu với tài khoản 152 trong kế toán kho như sau:

1. Khi xuất kho nguyên vật liệu tự chế tạo:

  • Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

2. Khi nhập kho nguyên vật liệu tự chế tạo:

  • Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
  • Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Sau quá trình kiểm kê kế toán kho, nếu phát hiện nguyên vật liệu thừa , doanh nghiệp cần xác định nguyên nhân thừa và ghi vào sổ.

1. Trường hợp chưa tìm ra nguyên nhân thì kế toán viên ghi nhận dựa vào giá trị của nguyên vật liệu thừa như sau:

  • Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
  • Có TK 338 (3381) - Phải trả, phải nộp khác

2. Sau khi đã có quyết định xử lý nguyên vật liệu thừa, kế toán viên dựa vào quyết định để ghi:

  • Nợ TK 338 (3381) - Phải trả, phải nộp khác
  • Có các tài khoản liên quan

Trong trường hợp doanh nghiệp xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nguyên vật liệu thừa thuộc về các bên doanh nghiệp khác nhưng họ chưa ghi tăng tài khoản 152 khi nhập kho, thì doanh nghiệp không ghi nhận bên Có của tài khoản 338 (3381). Thay vào đó, doanh nghiệp cần chủ động ghi chép và theo dõi nguyên vật liệu trong hệ thống quản trị kế toán kho, sau đó trình bày trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.

Xem thêm: Cách lập bản thuyết minh báo cáo tài chính chính xác nhất năm 2020

Phương pháp kiểm kê định kỳ

Khi doanh nghiệp kết chuyển giá trị nguyên vật liệu tồn kho đầu kỳ, kế toán viên ghi nhận như sau:

  • Nợ TK 611 - Mua hàng
  • Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Đến cuối kỳ, kế toán viên tiến hành hạch toán nhập kho nguyên vật liệu dựa vào kết quả kiểm kê giá trị nguyên vật liệu tồn kho cuối kỳ.

  • Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
  • Có TK 611 - Mua hàng

Tổng kết

Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu xong cách thức hạch toán nhập kho nguyên vật liệu bằng tài khoản 152. Tùy theo phương pháp doanh nghiệp lựa chọn để hạch toán hàng tồn kho, kế toán viên sẽ ghi nhận các bút toán khác nhau. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn nắm rõ kiến thức về nghiệp vụ kế toán kho.

Để tìm hiểu thêm về các tài khoản kế toán và các nghiệp vụ kế toán khác trong kế toán kho cũng như kế toán tổng hợp, các bạn hãy tham khảo các bài viết về chủ đề này trên blog Gitiho nhé.

Gitiho xin cảm ơn bạn đọc và chúc bạn thành công!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông