Trong phần 1 của bài viết, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về 2 trong 3 kiểu bố cục thường gặp khi thiết kế slide trong PowerPoint. Trong phần 2 này, hãy cùng Gitiho tiếp tục khám phá kiểu bố cục thứ 3 thường được sử dụng khi thiết kế slide, cũng như các nguyên tắc cần biết khi xây dựng bố cục trong PowerPoint nhé!
Sắp xếp các thành phần, nội dung trên slide theo bố cục lưới nghĩa là: Chia slide thành các cột và các dòng, tạo thành các ô, từ đó tạo thành một lưới thông tin vô cùng thú vị và bắt mắt. Ở mỗi ô, chúng ta sẽ để hình ảnh hoặc icon hoặc nội dung chính ngắn gọn của slide. Số ô của lưới không cố định. Ban có thể lựa chọn tạo ra số ô cho bố cục lưới này tùy theo nhu cầu sử dụng. Bố cục lưới rất phù hợp với những phần nội dung có nhiều mục thông tin mà bố cục trung tâm hay bố cục 1/2 không thể liệt kê hết được. Chúng ta có thể nhìn các ví dụ dưới đây:
Rất thú vị phải không nào? Vậy làm thế nào để tạo nên được kiểu bố cục lưới này? Cùng theo dõi nhé!
Xem thêm: Cách xử lý hình ảnh từ cơ bản đến nâng cao trong PowerPoint (Phần 1)
Để hướng dẫn cách tạo bố cục lưới cho slide một cách dễ hiểu hơn, mình sẽ đi vào thực hành làm lại slide dưới đây nhé:
Phân tích: Như chúng ta đã thấy, ở đây chúng ta có 4 nhân vật. Mình cần 3 ô chính cho mỗi nhân vật: Hình ảnh nhân vật, các thông tin cơ bản nhân vật ( Tên, câu trích dẫn) và biểu tượng liên quan tới nghề nghiệp, vị trí của họ. Vì vậy, chúng ta sẽ cần 4 cột và 3 dòng để tạo thành 12 ô.
Tuy nhiên, trong PowerPoint không có công cụ giúp chia hình khối. Vì vậy, chúng ta sẽ sử dụng tới thủ thuật sau đây.
Vào thẻ Insert > Shapes > Rectangle. Vẽ một hình chữ nhật với chiều rộng (chiều dọc) mong muốn và chiều dài (chiều ngang) bằng với chiều dài của khung slide (Bạn nên để chừa 2 lề 2 bên của trang slide lại 1 chút nhé!
Vào thẻ Shape Format (Format), lấy thông số ở phần ô thứ 2 của Size (chiều dài) chia cho số cột mà bạn muốn chia (ở đây là 4 cột). Sau đó, điều chỉnh lại thông số ở ô đó thành kết quả của phép tình vừa chia. Bạn sẽ nhận được hình chữ nhật có chiều dài bằng 1/4 chiều dài hình chữ nhật ban đầu.
Việc tiếp theo bạn cần làm là nhấn tổ hợp phím Ctrl + D để nhân bản hình chữ nhật vừa thu được thành nhiều hình khác. Xếp các hình chữ nhật thành lưới như mong muốn.
Chỉnh sửa các hình chữ nhật:
Đối với hình chữ nhật muốn chèn ảnh: Chọn hình chữ nhật. Sau đó, nhấp chọn vào mũi tên mở rộng ở nhóm Shape Styles, chọn Picture or texture fill. Chọn hình ảnh bạn muốn chèn.
Đối với hình chữ nhật muốn chèn chữ: Chỉnh sửa màu sắc của hình chữ nhật (shape fill), sau đó vào thẻ Insert > Textbox để chèn chữ mong muốn vào hình.
Chỉnh sửa các định dạng chữ như màu sắc, in đậm, in nghiêng, kiểu font chữ...sao cho phù hợp với nội dung và dễ nhìn nhất. Lưu ý: Không nên chèn nhiều chữ vào ô, chỉ chọn các ý chính nhất hoặc các từ khóa để chèn.
Bạn có thể sắp xếp vị trí của các loại ô (hình ảnh, chữ, biểu tượng) tương ứng hoặc so le nhau tùy theo ý thích. Sắp xếp so le giúp lưới của bạn trở nên thú vị hơn nhiều đó!
Sau khi đã hoàn thành việc tạo bố cục dạng lưới, bạn có thể chèn thêm tiêu đề cho slide vào trên cùng, hoặc chèn tiêu đề vào chính trong bố cục của vừa tạo luôn cũng rất hay đó!
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về bố cục lưới và cách tạo loại bố cục cực kì hay ho này trong PowerPoint. Với việc sử dụng 3 kiểu bố cục khi thiết kế slide: Bố cục trung tâm, bố cục 1/2 và bố cục lưới, chắc chắn slide của bạn sẽ trở nên có chiều sâu, chuyên nghiệp và thu hút hpn rất nhiều đó!
Ngoài 3 kiểu bố cục đẹp mắt và dễ dàng áp dụng này ra, bạn có thể tự bố cục cho riêng mình. Tuy nhiên, để tạo được bố cục chặt chẽ và cuốn hút, bạn cần tuân theo 4 nguyên tắc sắp xếp bố cục khi thiết kế PowerPoint sẽ được giới thiệu ở phần tiếp theo đây.
Để hiểu rõ hơn về 4 nguyên tắc sắp xếp bố cục khi thiết kế slide này, bạn có thể tham khảo bài viết sau đây: 4 nguyên tắc sắp xếp bố cục (layout) cần biết khi thiết kế slide
Qua 2 phần của bài viết, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về 3 loại bố cục đơn chuyên nghiệp lại vô cùng dễ tạo và sử dụng trong PowerPoint. Bên cạnh đó, Gitiho đã giới thiệu tới bạn 4 nguyên tắc cần tuân theo khi sắp xếp bố cục, giúp tạo bố cục đẹp mắt và ấn tượng trong PowerPoint. Bố cục là một trong những yếu tố quyết định sự đẹp mắt, chuyên nghiệp của một slide, vì vậy, đừng bỏ qua một bước "nhỏ nhưng có võ" này nhé!
Chúc bạn học tốt!
Top khóa học Powerpoint được học viên đánh giá cao