Nếu bạn là người mới bắt đầu tìm hiểu về nhiếp ảnh, một trong những yếu tố đầu tiên bạn cần nắm vững chắc chắn là bố cục ảnh. Vậy thì trong bài viết này, bạn hãy cùng G-Multimedia tìm hiểu ngay về 5 bố cục ảnh cơ bản nhất bạn cần biết nhé.
Đăng ký ngay Khóa học Nghệ thuật nhiếp ảnh cơ bản dành cho người bắt đầu
Bố cục ảnh là cách sắp xếp các đối tượng hình ảnh bên trong một khung hình. Định nghĩa tưởng chừng đơn giản là vậy, nhưng thực tế thì không hề dễ dàng để bạn có thể chọn được một bố cục ảnh đẹp cho bức hình của mình. Thậm chí đối với nhiều người, bố cục chụp ảnh vẫn luôn là một thử thách khó nhằn bậc nhất khi cầm máy ảnh lên.
Bố cục ảnh đóng vai trò như một hướng dẫn viên dẫn dắt người xem nhìn vào các đối tượng đặt trong bức ảnh. Do đó, việc chọn một bố cục ảnh tốt sẽ giúp bạn thu hút mọi cặp mắt vào đúng vật thể chính cần được làm nổi bật.
Trong nhiếp ảnh, bố cục ảnh là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Để nói rõ hơn về sức nặng của bố cục ảnh, bạn có thể hiểu như sau: Ngay cả khi tất cả các yếu tố ánh sáng, địa điểm, màu sắc, styling,… đều 10 điểm, một bức ảnh cũng không thể coi là đẹp nếu như không có bố cục tốt.
Làm thế nào để có một bố cục chụp ảnh đẹp? Không có một câu trả lời nào là tuyệt đối cho câu hỏi này. Để tạo nên một bố cục ảnh tốt, bạn phải quan tâm đến nhiều hơn là chỉ đối tượng chính trong khung hình. Vậy thì hãy cùng mình tìm hiểu 5 bố cục ảnh cơ bản nhất dành cho người mới bắt đầu ngay dưới đây nhé.
Quy tắc ⅓ là một trong những quy luật kinh điển nhất trong nhiếp ảnh. Theo đó, khi chia khung hình thành 9 phần bằng nhau với 2 đường kẻ dọc và 2 đường kẻ ngang, bạn cần tập trung các yếu tố trọng tâm trong ⅓ bố cục ảnh, đồng thời cân bằng không gian trong ⅔ còn lại của khung hình.
Để phát huy tối đa hiệu quả của bố cục ảnh ⅓, hãy đặt đối tượng chính của ảnh tại giao điểm của các đường thẳng bạn nhé. Bằng cách này, bạn vừa có thể tạo ra điều hướng người xem đến phần trọng tâm, vừa tạo ra sự thú vị cho bức ảnh của mình so với việc đặt đối tượng chính tại giữa khung hình.
Trong bố cục đối xứng, bức ảnh sẽ được chia thành 2 nửa giống nhau giống như chụp với một bức gương. Bố cục ảnh này sẽ nhấn mạnh sự cân bằng và hài hòa của các đối tượng, hạn chế tối đa sự tương phản giữa các thành phần có mặt trong khung hình.
Sự phản chiếu của các đối tượng qua gương hoặc mặt nước chính là một trong những ví dụ thường gặp nhất của bố cục đối xứng trong nhiếp ảnh.
Để chụp ảnh theo bố cục đối xứng, bạn sẽ cần đứng ở một vị trí trung tâm để có thể bắt trọn toàn bộ các đối tượng, sau đó giữ máy ảnh ở vị trí song song với các đối tượng và căn chính xác tâm của khung hình. Nhấn nút chụp và thế là bạn đã có một bức ảnh đẹp và nghệ thuật.
Nếu như bố cục đối xứng mang lại cho bạn cảm giác quá ảo và quá cứng nhắc, hãy cân nhắc sử dụng bố cục cân bằng. Với bố cục cân bằng, sự đối xứng vẫn đóng vai trò nền tảng, tuy nhiên toàn bộ các đối tượng không nhất thiết phải giống nhau như sao y bản chính giữa 2 nửa bức ảnh. Thay vào đó, các phần trong bức ảnh sẽ bổ trợ và cân bằng lẫn nhau và tạo nên một tổng thể bố cục ảnh mãn nhãn.
Nếu như bố cục ⅓ cân bằng bức ảnh bằng cách đặt các đối tượng chính ở ⅓ khung hình thì với bố cục ảnh cân bằng, bạn sẽ cần tạo ra một khoảng không gian trống giữa 2 đối tượng chính ở 2 nửa khung hình.
Để điều hướng người xem đến đúng trọng tâm của bức ảnh, các đường dẫn sẽ là công cụ hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ đường dẫn trong nhiếp ảnh chỉ là “đường” theo nghĩa đen nhé. Không chỉ dừng lại ở các con đường dẫn về phương xa, đường dẫn còn có thể là một cánh tay đang vươn ra hay một cành cây đang mọc - bất kỳ thứ gì có thể dẫn lối người xem đến một vật thể trong khung hình.
Bố cục ảnh theo đường dẫn sẽ tạo ra hiệu ứng chiều sâu cho bức ảnh của bạn, như thể người xem không chỉ nhìn vào một mặt phẳng, mà còn đang đắm chìm và chu du tại một một chiều không gian khác bên trong bức ảnh. Như vậy, bức ảnh sẽ có sức nặng hơn và thu hút hơn rất nhiều.
Một bố cục ảnh khác giúp bạn thêm chiều sâu cho bức ảnh của mình là bố cục đóng khung. Với bố cục ảnh này, bạn hãy đặt đối tượng chính vào trong một chiếc khung, có thể là một mái vòm, cửa sổ, hàng rào,… Bằng cách này, người xem sẽ ngay lập tức chú ý đến vật thể được đặt trong khung và không bị xao nhãng bởi các đối tượng bổ trợ khác.
Bên cạnh tính thẩm mỹ, bố cục ảnh đóng khung còn có thể giúp bạn truyền tải mạnh mẽ cảm xúc và thông điệp của bức ảnh. Ví dụ một bức ảnh chụp bầu trời xanh qua khung cửa sổ trong căn phòng tối hay một bức ảnh chụp lâu đài cổ kính từ xa qua vòm lá xanh. Về cảm xúc của các bức ảnh này, có lẽ mình sẽ để bạn tự suy ngẫm. Điều quan trọng hơn là bạn đã hiểu được sức mạnh của bố cục đóng khung.
Trên đây là 5 bố cục ảnh đơn giản nhất dành cho người mới bắt đầu với nhiếp ảnh. Tuy là những bố cục ảnh cơ bản và không yêu cầu kỹ thuật cầu kỳ, bạn cũng đừng vội đánh giá thấp sức mạnh của chúng nhé. Một khi bạn thành thạo các bố cục ảnh này, chắc chắn bạn sẽ thấy những bức ảnh của mình được nâng lên một tầm cao mới. Khi đó, bạn có thể thử sức với những bố cục chụp ảnh mới và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn.
Để học nhiếp ảnh một cách bài bản kèm theo một lộ trình cụ thể, hãy tham khảo ngay khóa học Nghệ thuật nhiếp ảnh dành cho người mới bắt đầu của Gitiho tại đây bạn nhé. Khóa học sẽ giúp các bạn nắm rõ những kỹ năng, thông số cơ bản nhất trong nhiếp ảnh để có thể tự cho ra được một bức ảnh đẹp.
G-Multimedia xin cảm ơn và chúc bạn trở thành nhiếp ảnh gia thành công!