Hướng dẫn hạch toán doanh thu bán hàng trả chậm và trả góp

Nội dung được viết bởi Ngọc Diệp

Trong bài viết ngày hôm nay, Gitiho sẽ hướng dẫn các bạn kế toán viên cách hạch toán doanh thu trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng theo phương thức trả chậm và trả góp. Hãy cùng tìm hiểu với chúng mình nhé nhé.

Khái niệm hạch toán doanh thu bán hàng trả chậm và trả góp

Trước khi tìm hiểu cách thức định khoản kế toán, chúng ta hãy cùng điểm lại một số khái niệm quan trọng trong bài viết nhé. Hàng bán trả chậm là gì? Hàng bán trả góp là gì? Trong phần này, Gitiho sẽ giải thích rõ để các bạn hiểu và vận dụng kiến thức dễ dàng hơn.

Khái niệm trả chậm trong hạch toán doanh thu bán hàng

Trả chậm là một hình thức mua bán trong đó người mua nhận hàng trước rồi mới tiến hành trả tiền cho người bán theo thời hạn cố định được ghi trên hợp đồng đã lập giữa hai bên. Trong khoảng thời gian này, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về người mua và chỉ được chuyển sang người bán khi đã hoàn tất thanh toán. Mặc dù vậy, người mua vẫn có quyền sử dụng hàng hóa, do đó phải chịu rủi ro cho hàng hóa đã nhận.

Thông thường, hình thức trả chậm được áp dụng với các loại tài sản số lượng nhiều, giá trị lớn, hoặc trong trường hợp người mua chưa có đủ điều kiện kinh tế để trả ngay. Hợp đồng mua bán trả chậm phải được lập thành văn bản, ghi rõ các điều khoản thanh toán hoặc gia hạn hợp đồng.

Khái niệm trả góp trong hạch toán doanh thu bán hàng

Về bản chất, trả góp là hình thức người bán cho người mua vay tiền với các kỳ trả nợ gốc và lãi trùng nhau. Dựa trên thỏa thuận hợp đồng, tổng số tiền cần trả được chia đều, nghĩa là số tiền người mua cần trả trong mỗi kỳ là bằng nhau. Số lãi sẽ được tính theo dư nợ gốc và thời hạn thực tế của kỳ trả nợ.

Hình thức trả góp được tạo ra để đáp ứng nhu cầu sở hữu hàng hóa của người tiêu dùng với điều kiện kinh tế hạn hẹp. Trong thực tế, hình thức này góp được áp dụng rộng rãi trong việc cho vay tiêu dùng hoặc mua bán tài sản với giá trị lớn, với kỳ hạn trả nợ thường được thỏa thuận là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Nhờ sự đơn giản và tiện lợi này, rất nhiều người mua lựa chọn phương thức trả góp cho hàng hóa của mình.

Hướng dẫn hạch toán doanh thu bán hàng trả chậm và trả góp

Khi thực hiện kế toán bán hàng trả chậm, trả góp như sau, kế toán viên ghi sổ như sau:

  • Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng.
  • Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá bán trả tiền ngay chưa có thuế).
  • Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331, 3332).
  • Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa tổng số tiền theo giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay).

Sau đó, tại mỗi kỳ khách hàng thanh toán, nghiệp vụ kế toán bán hàng trả chậm trả góp được ghi nhận vào sổ như sau:

  • Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
  • Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi trả chậm, trả góp).

Xem thêm: Hạch toán là gì? Các nội dung cơ bản về hạch toán kế toán

Hướng dẫn hạch toán doanh thu bán hàng trong các trường hợp khác

Hạch toán doanh thu hàng hóa được xác định là đã bán trong kỳ kế toán

Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, kế toán viên cần hạch toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán (chưa tính thuế). 

Các khoản thuế gián thu phải nộp sẽ được tách riêng ngay khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu. Định khoản kế toán được sử dụng là:

  • Nợ các TK 111, 112, 131,… (tổng giá thanh toán).
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế).
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Đối với trường hợp không thể tách các khoản thuế khỏi doanh thu ngay lập tức, kế toán viên cần hạch toán doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Tại mỗi kỳ kế toán, chúng ta sẽ phải xác định nghĩa vụ thuế phải nộp để ghi giảm doanh thu. Lúc này, định khoản kế toán là:

  • Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Hạch toán doanh thu bán hàng bằng ngoại tệ

Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện bán hàng và cung cấp dịch vụ bằng ngoại tệ, kế toán cần ghi sổ chi tiết số nguyên tệ đã thu hoặc phải thu. Căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế bằng ngoại tệ, chúng ta thực hiện hạch toán doanh thu bằng cách quy đổi đơn vị tiền tệ và ghi TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Nếu doanh nghiệp đã nhận một khoản tiền đặt cọc hoặc ứng trước bằng ngoại tệ từ khách hàng, kế toán viên hạch toán doanh thu ghi nhận số tiền ứng trước sau khi quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận ứng trước.

Hạch toán doanh thu với giao dịch đổi hàng không tương tự

Khi doanh nghiệp xuất sản phẩm, hàng hóa để đổi lấy vật tư, hàng hóa hoặc tài sản cố định không tương tự, kế toán viên cần thực hiện định khoản kế toán phản ánh doanh thu bán hàng dựa trên giá trị hợp lý của tài sản đã nhận, sau khi điều chỉnh các khoản tiền thu thêm hoặc trả thêm. Trong trường hợp không thể xác định được giá trị hợp lý của tài sản đã nhận thì doanh thu sẽ được xác định theo giá trí hợp lý của tài sản đem đi trao đổi sau khi thêm các khoản thu bù trừ.

Cách hạch toán doanh thu như sau:

  • Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán).
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế).
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Cùng lúc đó, kế toán cần thực hiện định khoản kế toán ghi nhận giá vốn hàng đem đi trao đổi:

  • Nợ TK 632 -  Giá vốn hàng bán.
  • Có các TK 155, 156.

Sau khi nhận vật tư, hàng hóa hoặc tài sản cố định từ việc trao đổi, kế toán viên sẽ ghi nhận giá trị vật tư này bằng bút toán:

  • Nợ các TK 152, 153, 156, 211,… (giá mua chưa có thuế GTGT).
  • Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán).

Trong trường hợp doanh nghiệp nhận thêm tiền do giá trị hợp lý của vật tư, hàng hóa hoặc tài sản cố định đem đi trao đổi lớn hơn giá trị vật tư nhận lại, chúng ta sẽ thực hiện định khoản kế toán sau:

  • Nợ các TK 111, 112 (số tiền đã thu thêm).
  • Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp cần trả thêm tiền cho đối tác do giá trị hợp lý của vật tư, hàng hóa hoặc tài sản cố định đem đi trao đổi nhỏ hơn giá trị vật tư nhận lại, doanh nghiệp cần hạch toán:

  • Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng.
  • Có các TK 111, 112,...

Hạch toán doanh thu bán hàng kèm theo sản phẩm thay thế

Trong trường hợp kế toán phản ảnh giá vốn hàng bán bao gồm giá trị sản phẩm, hàng hóa được bán và giá trị sản phẩm, hàng hóa, thiết bị phụ tùng thay thế, kế toán thực hiện bút toán như sau:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
  • Có các TK 153, 155, 156.

Đồng thời, để ghi nhận doanh thu, kế toán viên hạch toán doanh thu bán hàng:

  • Nợ các TK 111, 112, 131.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Hạch toán doanh thu phát sinh từ chương trình dành cho khách hàng truyền thống

Khi doanh nghiệp bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ trong chương trình dành cho khách hàng truyền thống, kế toán viên có nhiệm vụ hạch toán doanh thu dựa trên tổng số tiền thu được, trừ đi phần doanh thu chưa thực hiện, tức là giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc các khoản chiết khấu cho khách hàng. Định khoản kế toán trong trường hợp này như sau:

  • Nợ các TK 112, 131.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Sau khi chương trình đã kết thúc, nếu khách hàng không đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng ưu đãi từ chương trình, doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thanh toán cho khách hàng. Lúc này, kế toán viên chuyển doanh thu chưa thực hiện thành doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, ghi như sau:

  • Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

chương trình giảm giá
 

Nếu khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện hưởng ưu đãi từ chương trình, khoản doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận theo các trường hợp dưới đây.

Trường hợp 1: Người bán trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu cho người mua

Khoản doanh thu chưa thực hiện được kết chuyển sang ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ tại thời điểm người bán thực hiện xong nghĩa vụ chuyển giao hàng hóa, dịch vụ miễn phí, chiết khấu cho khách hàng. Định khoản kế toán được ghi như sau:

  • Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Trường hợp 2: Bên thứ ba là người cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu cho người mua.

Nếu doanh nghiệp đóng vai trò là đại lý của bên thứ ba, tại thời điểm doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thanh toán với bên thứ ba, phần chênh lệch giữa khoản doanh thu chưa thực hiện và số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba sẽ được ghi nhận là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Định khoản kế toán được ghi như sau:

  • Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (phần chênh lệch giữa doanh thu chưa thực hiện và số tiền trả cho bên thứ ba được coi như doanh thu hoa hồng đại lý).
  • Có các TK 111, 112 (số tiền thanh toán cho bên thứ ba).

Nếu doanh nghiệp không đóng vai trò đại lý của bên thứ ba, tức là giao dịch mua đứt bán đoạn. Khi doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba, toàn bộ khoản doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Số tiền này sẽ phải được thanh toán cho bên thứ ba và được ghi nhận vào giá vốn hàng bán như sau:

  • Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba sẽ được coi là giá vốn hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, ghi nhận theo định khoản kế toán dưới đây:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
  • Có các TK 112, 331.

Hạch toán doanh thu khi cho thuê tài sản cố định và bất động sản đầu tư

Khi doanh nghiệp cho thuê tài sản cố định và bất động sản đầu tư, kế toán viên phải hạch toán doanh thu phù hợp với dịch vụ cho thuê đã hoàn thành từng kỳ. Khi phát hành hóa đơn thanh toán tiền thuê, định khoản kế toán được ghi như sau:

  • Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (nếu chưa nhận được tiền ngay)
  • Nợ các TK 111, 112 (nếu thu được tiền ngay).
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

hạch toán doanh thu cho thuê tài sản cố định
 

Trong trường hợp doanh nghiệp thu trước tiền của nhiều kỳ cho thuê, kế toán viên ghi nhận nghiệp vụ phát sinh như sau:

  • Nợ các TK 111, 112 (tổng số tiền nhận trước).
  • Có TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện (giá chưa có thuế GTGT).
  • Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp.

Tại mỗi kỳ tính và kết chuyển doanh thu kế toán, ghi:

  • Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
  • Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113, 5117).

Nếu doanh nghiệp không tiếp tục cho thuê tài sản cố định hoặc bất động sản đầu tư hoặc thời gian thực hiện cho thuê ngắn hơn thời gian đã thu tiền trước, kế toán viên ghi nhận số tiền phải trả lại cho khách hàng như sau:

  • Nợ TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện (giá chưa có thuế GTGT).
  • Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (số tiền trả lại cho bên thuê về thuế.
  • GTGT của hoạt động cho thuê tài sản không được thực hiện).
  • Có các TK 111, 112,… (tổng số tiền trả lại).

Trường hợp thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại điểm 1.6.12 thì kế toán được phép ghi nhận doanh thu đối với toàn bộ số tiền đã nhận trả trước từ khách hàng.

Hạch toán doanh thu bán hàng thông qua đại lý

1. Kế toán ở đơn vị giao hàng đại lý

Khi doanh nghiệp xuất kho sản phẩm và hàng hóa giao đến đại lý bán hàng, doanh nghiệp phải lập Phiếu xuất kho gửi bán đại lý. Dựa vào chứng từ này, doanh nghiệp ghi định khoản kế toán như sau:

  • Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán.
  • Có các TK 155, 156.

Khi hàng hóa tại đại lý đã được bán, kế toán viên dựa vào Bảng kê hóa đơn bán ra tại đại lý để hạch toán doanh thu bán hàng theo giá bán chưa ghi nhận thuế GTGT như sau:

  • Nợ các TK 111, 112, 131,… (tổng giá thanh toán).
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

Đồng thời phản ánh giá vốn của hàng bán ra, kế toán viên ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 157 – Hàng gửi đi bán.

Với số tiền hoa hồng phải trả cho đơn vị đại lý, kế toán viên thực hiện định khoản kế toán dưới đây:

  • Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (hoa hồng đại lý chưa có thuế GTGT).
  • Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).
  • Có các TK 111, 112, 131,…

2. Kế toán ở đơn vị nhận đại lý

Khi nhận hàng đại lý, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép thông tin về toàn bộ giá trị hàng hoá nhận bán đại lý trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.

Khi hàng hoá nhận bán đại lý đã bán được, căn cứ vào Hoá đơn GTGT hoặc Hoá đơn bán hàng và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh số tiền bán hàng đại lý phải trả cho bên giao hàng trong định khoản kế toán như sau:

  • Nợ các TK 111, 112, 131,…
  • Có TK 331 – Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).

Định kỳ, khi xác định doanh thu hoa hồng bán hàng đại lý được hưởng, kế toán viên ghi nhận vào các tài khoản dưới đây:

  • Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có).

Khi trả tiền bán hàng đại lý cho bên giao hàng, định khoản kế toán được ghi như sau:

  • Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán.
  • Có các TK 111, 112.

Xem thêm: Hướng dẫn cách hạch toán doanh thu bán hàng chi tiết cho kế toán

Hạch toán doanh thu bán trong nội bộ doanh nghiệp

Trường hợp 1: Không ghi nhận doanh thu giữa các khâu nội bộ mà chỉ ghi nhận doanh thu thực bán hàng ra ngoài.

1. Kế toán tại đơn vị bán

Khi xuất hàng hóa, dịch vụ đến các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp, kế toán lập Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc Hóa đơn GTGT và ghi:

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (giá vốn).
  • Có các TK 155, 156.
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Khi nhận được thông báo từ đơn vị mua là sản phẩm, hàng hóa đã được tiêu thụ ra bên ngoài, đơn vị bán hạch toán doanh thu, giá vốn như sau:

  • Phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:
    • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
    • Có 136 – Phải thu nội bộ.
  • Phản ánh doanh thu, ghi:
    • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ.
    • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

2. Kế toán tại đơn vị mua

Khi nhận được sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ do đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp chuyển đến, kế toán căn cứ vào các chứng từ có liên quan, ghi:

  • Nợ các TK 155, 156 (giá vốn).
  • Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 336 – Phải trả nội bộ.

Khi bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ ra bên ngoài, kế toán ghi nhận doanh thu, giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường.

Với trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp hạch toán đến kết quả kinh doanh sau thuế, kế toán phải kết chuyển doanh thu, giá vốn cho đơn vị cấp trên theo định khoản kế toán dưới đây.

  • Kết chuyển giá vốn, ghi:
    • Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ.
    • Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
  • Kết chuyển doanh thu, ghi:
    • Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
    • Có TK 336 – Phải trả nội bộ.

Trường hợp 2: Ghi nhận doanh thu bán hàng cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp.

Trong trường hợp này, kế toán viên cần thực hiện định khoản kế toán như sau:

  • Nợ các TK 136 – Phải thu nội bộ.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán hàng nội bộ).
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Sau đó, kế toán viên ghi nhận giá vốn hàng bán như đối với các giao dịch bán hàng thông thường.

Hạch toán doanh thu với hoạt động gia công hàng hóa

1. Kế toán tại đơn vị giao hàng để gia công

Khi xuất kho giao hàng để gia công, kế toán viên ghi:

  • Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
  • Có các TK 152, 156.

Ghi nhận chi phí gia công hàng hoá và thuế GTGT được khấu trừ:

  • Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
  • Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có các TK 111, 112, 331,…

Khi nhận lại hàng gửi gia công chế biến hoàn thành nhập kho, kế toán viên ghi:

  • Nợ các TK 152, 156.
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

hoạt động gia công hàng hóa 2. Kế toán tại đơn vị nhận hàng để gia công.

Khi nhận hàng để gia công, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép thông tin về toàn bộ giá trị vật tư, hàng hoá nhận gia công trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.

Khi hạch toán doanh thu từ số tiền gia công thực tế được hưởng, kế toán viên ghi:

  • Nợ các TK 111, 112, 131,…
  • Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

Hạch toán doanh thu hợp đồng xây dựng

Trường hợp 1:  hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch.

Khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, thì kế toán căn cứ vào chứng từ phản ánh doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành (không phải hoá đơn) do nhà thầu tự xác định tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, ghi vào sổ kế toán như sau:

  • Nợ TK 337 – Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111).

Dựa vào Hoá đơn GTGT được lập theo tiến độ kế hoạch để phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch đã ghi trong hợp đồng, kế toán viên ghi:

  • Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng.
  • Có TK 337 – Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

Sau đó, khi nhận được tiền do khách hàng trả, hoặc nhận tiền khách hàng ứng trước, định khoản kế toán được ghi nhận vào sổ như sau:

  • Nợ các TK 111, 112,…
  • Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

Trường hợp 2: Hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện.

Khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định một cách đáng tin cậy và được khách hàng xác nhận, thì kế toán phải lập Hoá đơn GTGT trên cơ sở phần công việc đã hoàn thành được khách hàng xác nhận, căn cứ vào Hoá đơn GTGT, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112, 131,…
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111).
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

Khoản tiền thưởng thu được từ khách hàng trả phụ thêm cho nhà thầu khi thực hiện hợp đồng đạt hoặc vượt một số chỉ tiêu cụ thể đã được ghi trong hợp đồng. Lúc này, ké toán viên ghi:

  • Nợ các TK 111, 112, 131,…
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111).
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

Trong trường hợp doanh nghiệp nhận được khoản bồi thường thu được từ khách hàng hay bên khác để bù đắp cho các chi phí không bao gồm trong giá trị hợp đồng như sự chậm trễ do khách hàng gây nên hoặc sai sót trong các chỉ tiêu kỹ thuật hoặc thiết kế và các tranh chấp về các thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, kế toán viên sẽ ghi nhận như sau:

  • Nợ các TK 111, 112, 131,…
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111).
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có).

Khi nhận được tiền thanh toán khối lượng công trình hoàn thành hoặc khoản ứng trước từ khách hàng, kế toán viên hạch toán doanh thu như sau:

  • Nợ các TK 111, 112,…
  • Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

Hạch toán doanh thu từ trợ cấp, trợ giá của Nhà nước

Khi doanh nghiệp nhận được thông báo của Nhà nước về trợ cấp, trợ giá, kế toán viên sẽ ghi nhận như sau:

  • Nợ TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339).
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5114).

Sau đó, khi doanh nghiệp nhận được tiền Ngân sách Nhà nước thanh toán, định khoản kế toán ghi nhận nghiệp vụ này như sau:

  • Nợ các TK 111, 112,…
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339).

Hạch toán doanh thu thanh lý bất động sản đầu tư

Để hạch toán doanh thu thanh lý bất động sản đầu tư, kế toán viên cần thực hiện hai định khoản kế toán dưới đây.

  • Ghi nhận doanh thu bán bất động sản đầu tư:
    • Nợ các TK 111, 112, 131, … (tổng giá thanh toán).
    • Có TK 5117 – Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư.
    • Có TK 3331 – Thuế GTGT (33311 – Thuế GTGT đầu ra).
  • Ghi nhận giá vốn bất động sản đầu tư:
    • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại).
    • Nợ TK 214 – Hao mòn lũy kế (2147) (nếu có).
    • Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (nguyên giá).

Hạch toán doanh thu khi trả lương thưởng cho người lao động bằng hàng hóa

Trong trường hợp doanh nghiệp trả lương cho người lao động bằng sản phẩm hoặc hàng hóa, kế toán phải hạch toán doanh thu từ các sản phẩm đó như các giao dịch bán hàng thông thường bằng định khoản kế toán như sau:

  • Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (tổng giá thanh toán).
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

Nếu các sản doanh nghiệp tặng cho người lao động được chi trả bằng quỹ khen thưởng, phúc lợi thì kế toán viên phải hạch toán doanh thu với các sản phẩm đó như đối với giao dịch bán hàng thông thường. Định khoản kế toán được ghi như sau:

  • Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng giá thanh toán).
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

Hạch toán doanh thu với hàng hóa trả lại

Trong quá trình kinh doanh, nếu doanh nghiệp phát sinh các khoản giảm giá hàng bán và chiết khấu thương mại đối với người mua hoặc hàng đã bán bị trả lại, kế toán viên cần điều chỉnh hạch toán doanh thu như sau:

  • Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu.

Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp cần kết chuyển doanh thu thuần sang TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh bằng định khoản kế toán như sau:

  • Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

Xem thêm: Hướng dẫn hạch toán bán hàng xuất khẩu trực tiếp chi tiết nhất

Tổng kết

Qua bài viết ngày hôm nay, chúng ta đã cùng tìm hiểu cách hạch toán doanh thu trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng trả chậm và trả góp. Bên cạnh đó là các phương pháp định khoản kế toán với các hình thức mua bán khác. Để học thêm các kiến thức cần thiết cho kế toán viên, các bạn hãy tham khảo các bài viết trên blog Gitiho và đăng kí ngay khóa học Kế toán tổng hợp với chúng mình nhé.

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông