Hợp đồng thử việc và những điều cần biết

Nội dung được viết bởi Sabrina

Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 01/01/2021 đã điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến hợp đồng thử việc so với Bộ Luật Lao động năm 2012.

Dưới đây là những vấn đề cần lưu ý khi giao kết hợp đồng thử việc:

1. 07 nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng thử việc

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc thông qua giao kết hợp đồng thử việc.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 24 Bộ luật này (được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH) quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm:

(1) Thông tin về tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

(2) Thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động và một số thông tin khác;

(3) Thông tin về công việc và địa điểm làm việc;

(4) Thời gian thử việc;

(5) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

(6) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.

(7) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: những loại phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của người sử dụng lao động và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy, khác với hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc sẽ không cần có những nội dung sau:

- Chế độ nâng bậc, nâng lương;

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

2. Hợp đồng thử việc có phải tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp không?

Hợp đồng thử việc không phải tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên nếu là hợp đồng lao động quy định thời gian thử việc thì NLĐ và NSDLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc cho quá trình thử việc

3. Thời gian thử việc tối đa bao nhiêu ngày?

Nếu như Bộ Luật Lao động 2012 quy định thời gian thử việc tối đa là 60 ngày đối với lao động có trình độ từ Cao đẳng - Đại học trở lên thì Bộ Luật Lao động 2019 lại có những mốc quy định thời gian thử việc tối đa theo chức danh công việc, cụ thể như sau:

Căn cứ Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, thời gian thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần (không được phép gia hạn thời gian thử việc) đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp thuộc các trường hợp sau:

- Người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty theo khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.

- Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng theo khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như vậy, tùy vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc thì thời gian thử việc tối đa sẽ thực hiện theo quy định nêu trên. Đây chính là một trong những sửa đổi quan trọng của Bộ Luật Lao động 2019 so với Bộ Luật Lao động 2012. Những văn bản đã thỏa thuận trước khi Bộ Luật 2019 có hiệu lực được áp dụng theo Bộ Luật Lao động 2012.

Tuy nhiên, người lao động và người sử dụng lao động cần phải lưu ý, căn cứ khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

4. Có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc không?

Tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động 2019 quy định về thử việc như sau:

Điều 24. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động (NSDLĐ) không bắt buộc phải ký kết hợp đồng thử việc mà có thể thỏa thuận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động.

Ngoài ra Luật cũng không quy định thể thức của hợp đồng thử việc vì vậy NLĐ và NSDLĐ có thể tự do về hình thức hợp đồng thử việc, tuy nhiên cần đảm bảo đầy đủ các nội dung như ở mục 01.

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông