Chào em, trước tiên cô cảm ơn em về câu hỏi rất hay này nhé, cô sẽ trả lời từng vế một nhé.
Về BHXH, Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 11/2016/NĐ-CP), những người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp được hiểu là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của 01 doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại tại Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước ít nhất 12 tháng liên tục.
Về vấn đề tham gia BHXH của người nước ngoài, khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc nếu có đồng thời hai điều kiện sau:
- Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề.
- Có hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Cùng với đó, điểm a khoản 2 Điều này cũng nêu rõ:
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Để xác định mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp của người nước
ngoài, cần xác định tình trạng cư trú của người nước ngoài (cư trú hoặc không
cư trú). Đối với người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ được xác định là cư
trú tại Việt Nam, Công ty thực hiện kê khai thuế thu nhập cá nhân
tương tự như người lao động Việt Nam
Đối với người lao động nước ngoài không cư trú tại Việt Nam,
thực tế diễn ra trường hợp này là người lao động (thường là Nhà quản lý hoặc Giám đốc điều hành) là người nước ngoài di chuyển nội bộ nhưng không có mặt tại Việt Nam từ
183 ngày trở lên và không có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam nên thuộc trường hợp
cá nhân không cư trú theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Nghị Định
65/2013/NĐ-CP. Chúng ta có thể xem xét nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của người
lao động nước ngoài di chuyển nội bộ trong hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ
không cư trú tại Việt Nam nhưng phát sinh thu nhập tại Việt Nam, Công ty thực hiện kê khai thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền lương/ tiền
công phát sinh tại Việt Nam.
Trường hợp 2: Người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ
không cư trú tại Việt Nam và không phát sinh bất kỳ thu nhập nào tại Việt Nam,
không được hưởng tiền lương/ tiền công cho công việc thực hiện ở Việt Nam. Theo
đó, người nước ngoài không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy
nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 của Nghị Định 126/2020/NĐ-CP,
kể từ ngày 01/10/2020, Công ty vẫn phải thực hiện kê khai thuế thu
nhập cá nhân cho người lao động nước ngoài hàng quý cho dù có phát sinh trả thu
nhập chịu thuế hay không.
=> Qua câu hỏi này cô muốn các em hiểu: Các vấn đề nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam luôn phức tạp về quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng, đặc biệt trong trường hợp người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ, việc xác định nghĩa vụ của họ càng trở nên khó khăn bởi vì họ thường xuyên thay đổi nơi cư trú giữa quốc gia gốc và Việt Nam. Vì vậy, khi làm những trường hợp này các em nói riêng (Công ty nói chung) cần xem xét, tìm hiểu kỹ quy định pháp luật và thường xuyên tham vấn ý kiến của chuyên gia trong việc xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội để tránh vi phạm trong quá trình thực hiện.