Có lẽ bạn đã biết 4P trong Marketing bao gồm các thuật ngữ Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm) và Promotion (quảng bá). Vậy ý nghĩa của mô hình marketing mix là gì? Làm thế nào để áp dụng nó vào chiến lược marketing của thương hiệu? Hãy cùng Gitiho tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Đăng ký Khóa học Marketing Foundation - Marketing căn bản cho người mới bắt đầu
Trước khi thuật ngữ 4P chính thức được ra đời và sử dụng rộng rãi như ngày hôm nay, nó được biết đến với cái tên marketing mix (marketing hỗn hợp). Vậy marketing mix là gì? Có sự khác biệt gì giữa marketing mix và 4P? Dưới đây là câu trả lời.
Thuật ngữ marketing mix (marketing hỗn hợp) lần đầu được sử dụng vào năm 1949 bởi giáo sư Neil Borden, chủ tịch Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ thời bấy giờ. Theo đó, marketing mix được hiểu là một tập hợp các công cụ marketing doanh nghiệp có thể tận dụng để tiếp cận đúng mục tiêu khách hàng của mình. Như vậy, marketing mix có thể bao gồm rất nhiều yếu tố như sản phẩm, giá cả, khuyến mãi, cách thức phân phối, thương hiệu,…
Kể từ sau ngày được giới thiệu, marketing mix đã nhận được rất nhiều sự chú ý cũng như tranh luận xoay quanh cách thức xây dụng một chiến lược marketing hiệu quả. Thuật ngữ này cũng đặt tiền đề tạo nên mô hình 4P nổi tiếng trong marketing mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
Được giới thiệu lần đầu vào năm 1964 trong tựa sách Marketing căn bản (Basic Marketing) của E. J. McCarthy, 4P là tập hợp 4 yếu tố căn bản và quan trọng bậc nhất trong một chiến lược marketing: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm) và Promotion (quảng bá). 4 yếu tố này cấu thành nên mô hình marketing mix lý tưởng dành cho mọi chiến lược marketing hàng hóa hoặc dịch vụ đến với đại chúng.
Hiểu một cách đơn giản, mô hình 4P đưa ra 4 câu hỏi một doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi lên kế hoạch cho toàn bộ quá trình marketing của họ:
Câu trả lời của bạn cho 4 câu hỏi trên sẽ quyết định mức độ thành công của chiến lược marketing và sau đó là doanh thu đến từ sản phẩm của doanh nghiệp.
Yếu tố Product trong 4P đặt ra câu hỏi:
Bạn sẽ bán sản phẩm gì?
Sản phẩm trong 4P là hàng hóa hoặc dịch vụ được bán bởi doanh nghiệp. Trong điều kiện lý tưởng nhất, một hàng hóa được gọi là sản phẩm cần phải đáp ứng một nhu cầu nhất định của khách hàng hoặc hấp dẫn đến mức khách hàng tin rằng họ cần phải sở hữu nó và từ đó sản phẩm tạo nên nhu cầu mới. Để thành công, các marketer cần phải hiểu được dòng đời của sản phẩm, và các chuyên viên kinh doanh phải lên được kế hoạch bán hàng tương ứng với mỗi giai đoạn trong dòng đời sản phẩm. Với mô hình marketing 4P, loại hàng hóa doanh nghiệp đang bán cũng sẽ ảnh hưởng đến mức giá của sản phẩm, nơi cần bày bán sản phẩm và các chiến dịch quảng bá cho sản phẩm trên thị trường.
Yếu tố Price trong 4P đặt ra câu hỏi:
Bạn sẽ bán sản phẩm với giá bao nhiêu?
Về cơ bản, giá cả là chi phí khách hàng bỏ ra để mua một sản phẩm. Khi nhắc đến giá cả, chúng ta cần đặt yếu tố này trong mối liên kết với giá trị thực (real value) và giá trị cảm nhận (perceived value) về sản phẩm, đồng thời chúng ta cũng phải cân nhắc đến các yếu tố chi phí của doanh nghiệp cũng như giá bán của các đối thủ trong ngành. Tùy vào định vị sản phẩm mà doanh nghiệp sẽ đưa ra quyết định về giá bán cho sản phẩm của mình.
Giá cả sản phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, xuyên suốt quá trình bán hàng, marketer sẽ cần cân nhắc lúc nào là thời điểm thích hợp để áp dụng các chương trình ưu đãi, giảm giá cho khách hàng khi mua sản phẩm. Cần lưu ý rằng chương trình ưu đãi có thể giúp doanh nghiệp thu hút nhiều khách hàng hơn, tuy nhiên nó cũng có thể ảnh hưởng xấu đến giá trị cảm nhận của sản phẩm trong mắt khách hàng. Đây cũng chính là lý do tại sao bạn thấy các thương hiệu cao cấp không bao giờ giảm giá sản phẩm của mình để tăng doanh thu.
Yếu tố Place trong 4P đặt ra câu hỏi:
Khách hàng có thể tìm mua sản phẩm ở đâu?
Một yếu tố khác của mô hình 4P trong marketing là địa điểm, hay nói cách khác là nơi mà khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm của doanh nghiệp. Tất nhiên, mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp là giới thiệu sản phẩm tại nơi mà có khả năng tiếp cận được nhiều khách hàng nhất. Địa điểm bán hàng có thể là các cửa hàng offline, nhưng cũng có thể là trang web bán hàng và nền tảng thương mại điện tử. Các chương trình TV, mạng xã hội cũng là một địa điểm khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể xem xét các kênh phân phối mới hoặc mở rộng phạm vi kinh doanh ra nước ngoài.
Yếu tố Promotion trong 4P đặt ra câu hỏi:
Khách hàng có thể tìm hiểu thêm thông tin về sản phẩm như thế nào?
Quảng bá trong mô hình 4P nghĩa là các hình thức giúp doanh nghiệp đưa các thông tin về sản phẩm đến với nhiều người dùng hơn. Mục đích của hoạt động quảng bá sản phẩm là khiến người dùng hiểu được tại sao họ cần sản phẩm và tại sao họ nên bỏ một khoản tiền ra để sở hữu sản phẩm.
Trong hầu hết các chiến dịch marketing, yếu tố quảng bá và yếu tố địa điểm của 4P thường xuyên đi kèm với nhau để doanh nghiệp có thể tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng. Trong thời đại ngày nay, doanh nghiệp có thể áp dụng rất nhiều chiến thuật quảng bá khác nhau, online và offline. Một số hình thức phổ biến có thể kể đến như quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, các sự kiện quảng bá đặc biệt (triển lãm, hội chợ, cửa hàng pop-up,…), quảng bá qua điện thoại (telemarketing),… Để chọn ra hình thức quảng bá phù hợp nhất, doanh nghiệp sẽ cần phụ thuộc vào ngân sách và đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.
4 yếu tố trong marketing mix 4P có thể được áp dụng để giúp doanh nghiệp xây dựng một chiến lược marketing mới hoặc đánh giá chiến lược hiện tại. Các bước cơ bản để áp dụng 4P trong marketing như sau:
Bước 1: Xác định sản phẩm bạn muốn phân tích.
Bước 2: Review và trả lời 4 câu hỏi tương ứng với 4P.
Bước 3: Sau khi đã lên được một marketing mix lý tưởng cho sản phẩm của mình, hãy thử nghiệm nó dưới góc độ của một người tiêu dùng. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể sử dụng trong bước này:
Bước 4: Tiếp tục tối ưu marketing mix 4P bằng cách đặt ra các câu hỏi và điều chỉnh chiến lược của mình.
Bước 5: Review mô hình của mình thường xuyên để đáp ứng với những thay đổi liên tục của thị trường.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu các kiến thức cơ bản nhất xoay quanh mô hình 4P và cách áp dụng 4P trong marketing cho doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ được nền tảng của marketing mix và các yếu tố P cốt lõi trong quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Để học tất tần tật kiến thức cơ bản về marketing với một lộ trình bài bản, bạn hãy tham khảo ngay khóa học Marketing Foundation của Gitiho nhé. Khóa học sẽ cung cấp cho bạn một nền tảng vững chắc để tiến xa hơn trên con đường marketing. Trong quá trình học, nếu bạn gặp bất cứ khó khăn gì, bạn chỉ cần để lại câu hỏi và sẽ được đội ngũ giảng viên giải đáp ngay trong vòng 24 giờ. Cùng đăng ký học và trải nghiệm bạn nhé!
Gitiho xin cảm ơn bạn đọc và chúc bạn thành công!