Nếu bạn là một marketer, chắc hẳn bạn đã ít nhiều nghe nói đến tháp nhu cầu Maslow. Vậy bạn đã thực sự biết những gì về tháp Maslow và tầm quan trọng của nó trong marketing? Cùng Gitiho tìm hiểu về tháp nhu cầu Maslow ngay trong bài viết này nhé!
Đăng ký Khóa học Marketing Foundation - Marketing căn bản cho người mới bắt đầu
Trong một nghiên cứu năm 1943 mang tên “Lý thuyết về động lực của con người”, nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow đã chỉ ra rằng quá trình đưa ra quyết định của con người được chi phối bởi một hệ thống các nhu cầu tâm lý. Đến năm 1954, hệ thống các nhu cầu này được Maslow công bố thông qua một tựa sách. Cũng kể từ đó, chúng ta bắt đầu quan tâm và sử dụng thuật ngữ tháp nhu cầu Maslow để chỉ 5 mức độ nhu cầu tạo nên nền tảng cho động lực hành vi con người. Vậy thực chất tháp nhu cầu Maslow là gì? Cùng mình khám phá ngay dưới đây!
Mục lục
Tháp nhu cầu Maslow là một trong những mô hình lý thuyết kinh điển nhất về tâm lý và động lực của con người. Nó chỉ ra rằng mọi hành vi của chúng ta đều được sinh ra từ các tầng nhu cầu sinh lý và tâm lý. Các tầng trong tháp nhu cầu Maslow được sắp xếp theo hình dáng của một kim tự tháp, với nhu cầu sinh lý ở tầng đáy và cao dần theo các mức độ nhu cầu phức tạp hơn.
5 tầng trong tháp nhu cầu Maslow bao gồm:
Vậy là bạn đã trả lời được câu hỏi “Tháp nhu cầu Maslow là gì?”. Giờ thì hãy cùng mình tìm hiểu kỹ hơn về từng tầng trong tháp nhu cầu Maslow nhé!
Tầng đầu tiên của tháp nhu cầu Maslow là nhu cầu sinh lý (physiological needs). Đây là các nhu cầu tới từ bản năng sinh tồn của con người, bao gồm thức ăn và nước uống, không khí để thở, quần áo, nơi trú ẩn, nghỉ ngơi, sức khỏe (ở mức độ cơ bản nhất) và khả năng sinh sản. Nói về nhu cầu sinh lý, Maslow đã nhấn mạnh rằng con người bắt buộc phải cảm thấy thỏa mãn các nhu cầu căn bản này trước khi chạm tới các tầng nhu cầu cao hơn trong tháp Maslow.
Ví dụ: Khi bạn cảm thấy cơn đói cồn cào đang trỗi dậy, bạn sẽ không thể tập trung làm hay nghĩ đến bất kỳ thứ gì khác ngoài việc tìm đồ ăn để lấp đầy chiếc dạ dày trống rỗng của mình. Chính vì thế chúng ta mới hay nói vui với nhau “Có thực mới vực được đạo”.
Nếu bước vào các khu chợ, bạn có thể thấy các tiểu thương ở đó không cần bất kỳ một tên thương hiệu hay một chiến dịch quảng cáo nào để đều đặn mỗi ngày bán đến lúc hết hàng. Nguyên nhân chính là bởi các mặt hàng được bán ở chợ đều là các sản phẩm thiết yếu và bắt buộc đối với người tiêu dùng.
Nằm ở tầng 2 của tháp nhu cầu Maslow, ngay phía trên nhu cầu sinh lý, là nhu cầu an toàn (safety needs). Khi con người đã được đảm bảo sự tồn tại, chúng ta sẽ mưu cầu sự an toàn và an ninh trong cuộc sống. Cụ thể hơn, tầng nhu cầu này trong tháp Maslow bao gồm nhu cầu được bảo vệ khỏi bạo lực, trộm cướp, tai nạn và bệnh tật, nhu cầu về ổn định cảm xúc, bảo đảm sức khỏe vật chất và tinh thần, nhu cầu an ninh tài chính.
Nhu cầu an toàn cùng với nhu cầu sinh lý là các tầng nhu cầu cơ bản nhất của tháp nhu cầu Maslow. Các tầng này đóng vai trò nền tảng hình thành nên mọi hành vi của con người.
Ví dụ: Mình, bạn, và tất cả mọi người đều đi làm để kiếm tiền, hay nói cách khác là kiếm sự bảo đảm về măt tài chính trong cuộc sống. Tương tự với việc chúng ta tích lũy tiền trong tài khoản tiết kiệm để bảo vệ tương lai khỏi sự nghèo đói.
Trên một tầng so với nhu cầu an toàn trong tháp nhu cầu Maslow là nhu cầu xã hội (social needs). Vì tất cả chúng ta đều sinh sống và sinh hoạt theo tập thể, nên các mối quan hệ sẽ tự động được thiết lập giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tập thể hoặc giữa các tập thể với nhau. Khi bạn mong muốn tìm được sự kết nối giữa mình và người khác, đó là lúc nhu cầu xã hội của bạn lên tiếng. Trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu xã hội thể hiện sự gắn kết về mặt cảm xúc như tình bạn, tình thương gia đình, tình yêu đôi lứa và cảm giác thực sự là một phần của tập thể.
Ví dụ: Khi bạn tham gia vào một câu lạc bộ đại học, quyết định này được đưa ra dựa trên nhu cầu kết nối với những con người có chung sở thích và đam mê. Điều này thể hiện nhu cầu xã hội của bạn.
Tiến thêm một bậc trên tháp nhu cầu Maslow, chúng ta sẽ chạm tới nhu cầu được quý trọng. Bắt đầu từ đây, các tầng nhu cầu tiếp theo trong tháp Maslow sẽ bắt nguồn từ cái tôi của con người và đồng thời đóng vai trò thúc đẩy hành vi mạnh mẽ. Nhu cầu được quý trọng trên tháp nhu cầu Maslow bao gồm nhu cầu được quý trọng bởi người khác và nhu cầu cho lòng tự trọng của chính bản thân.
Tại tầng nhu cầu này của tháp Maslow, sự tôn trọng và tôn vinh của xã hội trở nên vô cùng thiết yếu. Con người mong muốn đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc đời, và sau đó là mong muốn được công nhận cho những gì mình đã bỏ ra. Tuy nhiên, mong muốn được công nhận bởi xã hội là chưa đủ. Chúng ta cần nhận được sự công nhận từ chính bản thân, rằng mình là một cá nhân sáng giá.
Ví dụ: Tại sao một số bố mẹ lại bắt ép con em mình học tập không ngừng nghỉ và tham gia các cuộc thi lớn nhỏ? Dựa theo tháp nhu cầu Maslow, quyết định này có thể đến từ nhu cầu được xã hội công nhận và tán dương.
Trên đỉnh của tháp nhu cầu Maslow là nhu cầu thể hiện bản thân (self-actualization needs). Đây là nhu cầu hướng đến sự phát triển và khai phá mọi tiềm năng của bản thân mà không để tâm đến ý kiến của bất kỳ ai khác. Theo như định nghĩa của Maslow về cụm từ self-actualization, bạn chỉ đạt đến tầng nhu cầu này khi đã thực sự biến toàn bộ tiềm năng của bản thân trở thành tài năng, và tận dụng mọi tài năng đó trong cuộc sống của mình.
Lý do nhu cầu này nằm trên đỉnh tháp Maslow là vì nó nằm ở chặng cuối của hành trình phát triển của một con người, và bạn sẽ phải đi một chặng đường rất dài và vượt qua rất nhiều thử thách để thực sự chạm đến nhu cầu này. Bản thân Maslow cũng chỉ ra rằng: Để mở khóa được nhu cầu thể hiện bản thân, một người không những cần thỏa mãn tất cả các tầng thấp hơn trong tháp nhu cầu Maslow, mà quan trọng hơn là phải làm chủ được chúng. Do đó, có thể nói đỉnh của tháp nhu cầu Maslow là một tầng rất khó để chạm đến.
Với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng marketing cá nhân hóa, khả năng thấu hiểu tâm lý và hành vi khách hàng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là lúc bạn cần đến tháp nhu cầu Maslow.
Tại sao lại như vậy? Chúng ta sẽ lùi một bước để nói về kiến thức đã được học trong bộ môn marketing căn bản. Đích đến cuối cùng của marketing là kết nối người tiêu dùng đến với sản phẩm và dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của họ. Để có thể làm được điều này, bạn cần phải biết động cơ nào khiến cho khách hàng mua hàng? Đến đây, có lẽ vai trò của tháp nhu cầu Maslow đối với marketing đã trở nên quá rõ ràng.
Một trong những câu hỏi đầu tiên bạn cần đặt ra trước khi kinh doanh là “Mình sẽ bán sản phẩm cho ai?”. Tháp nhu cầu Maslow sẽ chỉ ra cho bạn các phân cấp thị trường dựa theo các tầng nhu cầu, tương ứng với là các đặc điểm hành vi khác nhau. Từ đó, bạn có thể xác định được đúng phân cấp mình cần nhắm đến và đặt ra các kế hoạch tiếp thị hợp lý, đánh trúng tâm lý khách hàng để có thể chiếm lĩnh được thị phần.
Khách hàng của bạn là ai? Hãy phác thảo những nét đặc điểm chính của họ và đối chiếu với tháp yêu cầu Maslow để hiểu được loại nhu cầu nào sẽ dẫn đến quyết định mua hàng của họ. Việc xây dựng persona qua ống kính của tháp Maslow sẽ giúp bạn nhận biết sâu hơn về các mặt sinh lý, tâm lý, tài chính và xã hội của một khách hàng lý tưởng. Dựa vào đó, bạn có thể lên ý tưởng cho các nội dung quảng cáo đánh trúng vào động cơ mua hàng của họ.
Giờ thì bạn đã biết khách hàng của mình là ai. Vậy thì làm cách nào để cá nhân hóa nội dung quảng cáo để chạm tới họ? Điểm mạnh của tháp nhu cầu Maslow là nó có thể dẫn lối bạn đi vào tâm lý khách hàng, từ đó nắm bắt những điểm đau (pain point) và mong muốn của họ. Đồng thời, dựa vào insight có được từ tháp nhu cầu Maslow, bạn sẽ chọn được cách truyền tải thông điệp phù hợp nhất đối với đối tượng khách hàng cụ thể của mình.
Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta đã cùng tìm hiểu về tháp nhu cầu Maslow và vai trò quan trọng của nó đối với marketing. Thông qua việc nghiên cứu tháp Maslow, bạn có thể lấy được rất nhiều insight hữu ích về nhu cầu và động cơ mua hàng của khách hàng mục tiêu, từ đó lên kế hoạch cho các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu. Do đó, đây là một mô hình chắc chắn mọi marketer cần nắm vững.
Nếu bạn mới bắt đầu tìm hiểu về marketing, hãy tham gia ngay khóa học Marketing Foundation cùng Gitiho để tìm hiểu về quy trình marketing từ A-Z nhé. Với lộ trình bài bản và cấu trúc dễ học, chắc chắn bạn sẽ nắm được các kiến thức nền tảng quan trọng nhất về marketing. Nếu như có bất kỳ câu hỏi nào về bài học, bạn chỉ cần bình luận, và giảng viên sẽ giải đáp cho bạn chỉ trong vòng 24 giờ. Vậy thì bạn còn chần chừ gì mà không đăng ký ngay nào!
Gitiho xin cảm ơn bạn đọc và chúc bạn thành công!