Thương hiệu là gì? Tìm hiểu về sức mạnh của thương hiệu doanh nghiệp

Nội dung được viết bởi Ngọc Diệp

Ngày nay, chúng ta bắt gặp cụm từ thương hiệu ở khắp mọi nơi từ đường phố cho đến những trang báo điện tử. Tuy nhiên, thương hiệu là gì? Đó là một câu hỏi mà không phải ai cũng trả lời đúng. Vậy thì hãy cùng Gitiho đi tìm câu trả lời trong bài viết ngày hôm nay bạn nhé.

Đăng ký Khóa học Marketing Foundation - Marketing căn bản cho người mới bắt đầu

Thương hiệu là gì?

Thương hiệu là cách thức một sản phẩm, doanh nghiệp hoặc một cá nhân được ghi nhớ trong lòng những người đã từng trải nghiệm. Về mặt bản chất, bạn có thể hiểu thương hiệu chính là sự cảm nhận và đánh giá của người tiêu dùng đối với sản phẩm, nhãn hàng. Theo cách hiểu này, thương hiệu không chỉ dừng lại ở một cái tên hay một thiết kế logo, mà nó đại diện cho cái nhìn của người tiêu dùng. 

thuonghieulagi1

Giờ thì hãy cùng mình trả lời câu hỏi dưới đây:

Thương hiệu Apple là gì?

Câu trả lời không phải iPhone, iPad, Macbook hay những sản phẩm công nghệ cao cấp của hãng mà ai cũng muốn sở hữu. Câu trả lời cũng không phải những chiến dịch quảng cáo rầm rộ hay những cửa hàng popup mang hơi hướng tương lai của Apple mỗi lần phát hành sản phẩm mới. Ngay cả cái tên Apple và logo quả táo cắn dở nổi tiếng cũng không thể bao quát toàn bộ khái niệm về thương hiệu Apple.

thuonghieulagi2

Thương hiệu Apple không phải một thứ gì đó bạn có thể cầm, nắm hay chạm vào. Đó là bởi vì thương hiệu tồn tại ở trong tâm trí của những người đã từng trải nghiệm sản phẩm, bao gồm nhân viên doanh nghiệp, nhà đầu tư, giới truyền thông, và quan trọng nhất là người tiêu dùng.

Do đó, hiểu một cách đơn giản thì thương hiệu chính là cách nhìn nhận. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chỉ những người trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ mới có thể định nghĩa về thương hiệu của một doanh nghiệp. Thay vào đó, thương hiệu đến từ chính doanh nghiệp và những gì doanh nghiệp muốn người khác nhìn nhận về sản phẩm, dịch vụ của mình.

Vậy thì doanh nghiệp làm thế nào để tạo dựng thương hiệu của mình? Làm thế nào mà Apple trở thành một trong những thương hiệu thành công nhất trên thế giới hiện nay? Chúng ta hãy bóc tách thương hiệu thành những thành phần nhỏ hơn nhé.

Các yếu tố của thương hiệu

Thương hiệu được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chúng ta sẽ đề cập đến 8 yếu tố căn bản và quan trọng nhất:

  1. La bàn thương hiệu (Brand compass)
  2. Hình mẫu thương hiệu (Brand archetype)
  3. Tính cách thương hiệu (Brand personality)
  4. Khác biệt thương hiệu (Brand differentiation)
  5. Lời hứa thương hiệu (Brand promise)
  6. Nhận diện thương hiệu (Brand identity)
  7. Trải nghiệm thương hiệu (Brand experience)
  8. Thông điệp thương hiệu (Brand messaging)

La bàn thương hiệu

La bàn thương hiệu là tổng hợp những thông tin cơ bản nhất xoay quanh thương hiệu, ví dụ như mục đích, mục tiêu chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị thương hiệu, cũng như định hướng dành cho thương hiệu của bạn. Đây là thành phẩm của quá trình xây dựng chiến lược thương hiệu, bao gồm các bước nghiên cứu và định vị thương hiệu.

thuonghieulagi3

Như định nghĩa về một chiếc la bàn chúng ta thường thấy, la bàn thương hiệu là công cụ dẫn lối cho mọi bước tiến và cột mốc phát triển của thương hiệu sau này.

Hình mẫu thương hiệu

Khi bạn hình dung thương hiệu trong hình dạng của một con người, bạn sẽ có được hình mẫu thương hiệu. Nhắc đến một đối tượng cụ thể, chắc chắn bạn sẽ được gợi nhớ lại những cảm xúc và cảm giác nhất định. Đó cũng chính cơ sở tạo nên hình mẫu thương hiệu của bạn.

thuonghieulagi4

 

Có 12 hình mẫu thương hiệu cơ bản, bao gồm:

  1. Người ngây thơ (The innocent) - các thương hiệu điển hình bao gồm Coca Cola, Dove, Nintendo Wii,…
  2. Nhà thám hiểm (The explorer) - các thương hiệu điển hình bao gồm The North Face, Jeep, Red Bull,..
  3. Nhà hiền triết (The sage) - các thương hiệu điển hình bao gồm Google, BBC, Oxford,…
  4. Người bình thường (The everyman) - các thương hiệu điển hình bao gồm IKEA, eBay, Target,…
  5. Tình nhân (The lover) - các thương hiệu điển hình bao gồm Chanel, Victoria's Secret, Haagen Dazs,…
  6. Chú hề (The jester) - các thương hiệu điển hình bao gồm M&M'S, Ben & Jerry's, Old Spice,…
  7. Anh hùng (The hero) - các thương hiệu điển hình bao gồm Adidas, Nike, FedEx,…
  8. Kẻ nổi loạn (The outlaw) - các thương hiệu điển hình bao gồm Diesel, Harley-Davidson, Virgin,…
  9. Ảo thuật gia (The magician) - các thương hiệu điển hình bao gồm Disney, Dyson, TedX,…
  10. Người chăm sóc (The caregiver) - các thương hiệu điển hình bao gồm Unicef, WWF, Johnson & Johnson,…
  11. Người sáng tạo (The creator) - các thương hiệu điển hình bao gồm Lego, Adobe, Apple,…
  12. Kẻ thống trị (The ruler) - các thương hiệu điển hình bao gồm Louis Vuitton, Mercedes-Benz, Rolex,…

Bằng cách xác định hình mẫu chuẩn cho thương hiệu, bạn có thể truyền tải đến khán giả một thông điệp mạnh mẽ về thương hiệu của bạn và thậm chí còn có khả năng tạo ra sợi dây liên kết với khán giả dựa theo những cảm xúc mà thông điệp mang lại.

Tính cách thương hiệu

Tính cách thương hiệu là một bộ những đặc điểm và hành vi mang tính độc nhất đối với một thương hiệu. Nếu như hình mẫu thương hiệu được xây dựng một cách tổng quan xoay quanh cảm nhận bạn muốn mang lại cho khán giả, thì tính cách thương hiệu đi vào chi tiết hơn, cụ thể là diện mạo, giọng nói của thương hiệu trong hình dáng con người.

Tính cách thương hiệu là lý do khiến cho một thương hiệu trở nên nổi bật so với các đối thủ và có khả năng tạo dựng cộng đồng khách hàng trung thành. Chính tính cách thương hiệu đã tạo nên một hình ảnh Apple hiện đại, tân tiến và là người đi đầu của phong cách tối giản (minimalism) trong công nghệ như những gì chúng ta đang nhìn nhận về doanh nghiệp này.

Khác biệt thương hiệu

Khác biệt thương hiệu là USP (Unique Selling Point), hay còn gọi là các điểm bán hàng độc nhất của doanh nghiệp. Đây là các đặc điểm khiến doanh nghiệp trở nên độc nhất khi đứng trong thị trường với đầy rẫy các đối thủ cạnh tranh. Không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, các USP còn giúp người dùng dễ dàng nhận diện một thương hiệu khi bắt gặp ở bất kỳ đâu.

Khi thương hiệu của bạn sở hữu các USP đủ sức nặng, kèm theo đó là sự giao tiếp hiệu quả với khách hàng, chắc chắn thương hiệu sẽ giữ một vị trí đặc biệt trong lòng khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ khiến khách hàng không thể quên thương hiệu của mình.

Lời hứa thương hiệu

Lời hứa thương hiệu là những gì bạn đã cam kết với những người mình phục vụ, trong đó bao gồm người tiêu dùng. Hãy thử nghĩ đến sự đổi mớiApple. Trước đây, Apple đã cam kết với người tiêu dùng về một "lối suy nghĩ khác biệt". Sự thật là thương hiệu này đã giữ đúng lời hứa của mình trong suốt những thập kỷ qua, bằng chứng là những dòng sản phẩm công nghệ tân tiến với những tính năng độc nhất vô nhị.

thuonghieulagi5

Nhận diện thương hiệu

Mặc dù thương hiệu là một tài sản vô hình của doanh nghiệp, tuy nhiên thì sẽ rất khó để một thương hiệu chạm được đến người tiêu dùng nếu không có gì hữu hình. Chính vì thế, chúng ta tạo nên bộ mặt của thương hiệu để người tiêu dùng có thể nhìn thấy. Đó chính là nhận diện thương hiệu.

thuonghieulagi6
Lịch sử “tiến hóa” logo quả táo cắn dở kinh điển của Apple

Nhận diện thương hiệu bao gồm các yếu tố hình ảnh như màu sắc, font chữ, logo,… giúp thương hiệu trở nên hữu hình và dễ dàng thu hút người tiêu dùng. Có thể nói, một bộ nhận diện thương hiệu chỉn chu và làm nổi bật tính cách thương hiệu chính là vũ khí giúp bạn ghi bàn thắng đầu tiên trong lòng người tiêu dùng.

Xem thêm: 10 thiết kế logo line art đỉnh cao khai phá sức sáng tạo trong bạn

Trải nghiệm thương hiệu

Trải nghiệm thương hiệu là cách người tiêu dùng sẽ tương tác với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, câu hỏi mấu chốt chính là:

Sản phẩm của bạn sẽ truyền tải giá trị của nó theo cách nào?

Cách bạn truyền tải giá trị của sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ quyết định trải nghiệm của họ, từ đó hình thành những nhận định và đánh giá từ phía người tiêu dùng dành cho không chỉ sản phẩm mà còn cả thương hiệu của bạn. Do đó, bạn sẽ cần chú trọng vào các điểm chạm trên hành trình khách hàng và từ đó xây dựng những hành động phù hợp tại mỗi điểm chạm.

Thông điệp thương hiệu

Nếu như nhận diện thương hiệu là bộ mặt, thì thông điệp thương hiệu là giọng nói của thương hiệu. Giọng nói này không chỉ đại diện cho những điều bạn cần nói, mà còn cả cách thức bạn truyền tải chúng. Cụ thể hơn, thông điệp thương hiệu bao gồm tagline, tuyên ngôn định vị (positioning statement), tuyên ngôn về lời hứa thương hiệu (brand promise statement), và các nội dung copywriting của thương hiệu.

Thông điệp thương hiệu là một yếu tô vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu, vì những điều thương hiệu nói và cách thương hiệu truyền tải sẽ góp phần định nghĩa thương hiệu. Một thông điệp thương hiệu tốt phải liên kết chặt chẽ với tính cách thương hiệu và luôn luôn gắn liền với những gì thương hiệu đang sở hữu.

Giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp

Mặc dù là tài sản vô hình, nhưng thương hiệu lại có sức mạnh tạo nên những kết quả hữu hình đối với doanh nghiệp, điển hình là sự biến đổi đối với chỉ số tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ROI (Return On Investment). Đó là lý do tại sao thương hiệu là tài sản giá trị nhất của doanh nghiệp.

Có lẽ bạn đã từng nhìn vào giá các sản phẩm của Apple và thắc mắc vì sao chúng lại đắt đỏ đến thế. Quan trọng hơn, vì sao các dòng sản phẩm mới của Apple sở hữu mức giá ngất ngưởng nhưng luôn cháy hàng ngay từ khi được mở bán?

thuonghieulagi7
Hình ảnh xếp hàng thường thấy tại các cửa hàng Apple mỗi dịp ra mắt sản phẩm mới

Câu trả lời chính là thương hiệu. Không sai khi nói rằng thay vì bán các món đồ công nghệ, Apple thực chất đang bán thương hiệu Apple. Người dùng sẵn sàng chi trả một khoản tiền lớn để sở hữu iPhone, iPad, Macbook chứ không phải chỉ một chiếc điện thoại tốt, một chiếc máy tính bảng xịn hay một chiếc laptop đa năng. Trên thực tế, chất lượng sản phẩm của Apple vẫn luôn gây ra tranh cãi khi đặt lên bàn cân cùng các sản phẩm tương tự đến từ các thương hiệu khác như Samsung, Sony, Asus,…

Nếu chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm, có lẽ Apple khó có thể chiếm được ưu thế trên thị trường. Tuy nhiên, tại sao trong 10 người thì có đến 8, 9 người dùng iPhone mà không phải Samsung? Đó chính là sức mạnh đến từ logo quả táo cắn dở mà bất cứ ai cũng có thể nhìn rõ khi bạn trả lời các cuộc điện thoại.

thuonghieulagi8

Từ câu chuyện của Apple, chúng ta có thể thấy được giá trị khổng lồ của thương hiệu. Một thương hiệu tốt sẽ tăng khả năng sản phẩm của bạn lọt vào mắt xanh của người tiêu dùng và mang lại lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Xét về mặt lâu dài, thương hiệu đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều giá trị khác nhau mà bạn có thể nhìn thấy ở trường hợp của Apple.

Tổng kết

Như vậy, chúng ta đã cùng bàn luận về định nghĩa thương hiệu và giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp. Hy vọng kiến thức trong bài viết đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Thương hiệu là gì?”. Để tìm hiểu về các thuật ngữ marketing khác, bạn hãy tham khảo các bài viết về chủ đề marketing trên blog Gitiho nhé.

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về thương hiệu cũng như các yếu tố quan trọng khác trong marketing, hãy tham gia ngay khóa học Marketing Foundation cùng Gitiho để mở khóa các kiến thức nền tảng dành cho marketer nhé. Ngay cả khi bạn là người mới bắt đầu học markeing, bạn cũng không cần phải lo lắng vì toàn bộ kiến thức đã được sắp xếp theo một lộ trình đi từ dễ đến khó. Nếu như bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bài học, bạn chỉ cần đặt câu hỏi trong phần thảo luận, đội ngũ giảng viên sẽ giải đáp câu hỏi của bạn ngay trong vòng 24 giờ.

Gitiho xin cảm ơn bạn đọc và chúc bạn thành công!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông