Thiết kế logo tưởng chừng như là một công việc đơn giản, nhưng thực chất logo đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn bạn tưởng. Tuy nhiên, chớ vội lo lắng vì G-Multimedia ở đây để hướng dẫn bạn 5 bước để thiết kế một chiếc logo hoàn hảo cho mọi thương hiệu.
Master Illustrator: Làm chủ từ tư duy đến công cụ thiết kế
Giới thiệu về logo
Logo là gì?
Bạn đã thấy một thương hiệu lớn nào mà không có logo chưa? Chắc chắn là chưa, bởi logo là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu mà bất kỳ công ty nào cũng phải có nếu muốn xây dựng thương hiệu thành công. Nhìn vào những logo dưới đây, chắc hẳn trong đầu bạn sẽ tự động hiện lên tên thương hiệu gắn liền đúng không?
Trên đây là các logo đại diện cho một vài trong số những thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới. Như bạn có thể thấy, logo là hình ảnh của thương hiệu trong hình dạng tối giản nhất. Nó thể hiện tính cách, bộ mặt của thương hiệu và cách thương hiệu muốn ghi dấu ấn trong lòng khách hàng.
Một logo cũng có thể là cách thương hiệu đưa ra định nghĩa về sứ mệnh và tầm nhìn của mình. Giả sử như logo kinh điển của Amazon với một hình mũi tên từ chữ a đến chữ z. Thông qua logo, Amazon muốn truyền tải thông điệp về một nền tảng thương mại điện tử có mọi thứ từ A-Z dành cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hình mũi tên này còn mô phỏng một khuôn miệng cười để diễn tả sự hài lòng của người dùng đối với thương hiệu này.
Tất nhiên, logo của bạn không nhất thiết phải truyền tải một thông điệp sâu sắc như những gì Amazon đã làm. Trên thực tế, hầu hết các công ty loay hoay với logo của mình đều bởi vì họ đòi hỏi quá nhiều cho một hình ảnh đại diện.
Hãy ghi nhớ rằng, một logo đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng không phải là tất cả.
Các loại logo
Cho dù bạn có ý định thiết kế logo của mình từ con số 0 hay sử dụng một mẫu, thì điểm khởi đầu tốt là bạn phải tự làm quen với bảy loại logo dưới đây:
- Wordmark logo: Là logo được tạo nên bởi tên doanh nghiệp mà không sử dụng các biểu tượng đồ họa. Logo này là cách quảng bá hiệu quả nhất cho thương hiệu của bạn vì thứ bạn cần người xem ghi nhớ nhất - tên thương hiệu - đã được thể hiện trên logo.
- Brandmark logo: Là logo được tạo nên bởi hình ảnh đặc trưng của doanh nghiệp. Các logo loại này thường sử dụng các biểu tượng đơn giản, dễ nhận diện để in dấu trong tâm trí người dùng.
- Combination mark logo: Là logo được tạo nên bởi cả tên doanh nghiệp và biểu tượng đồ họa đứng bên cạnh.Đây là sự lựa chọn phổ biến nhất cho logo của các công ty lớn.
- Emblem logo: Là logo được tạo nên bởi tên doanh nghiệp lồng ghép trong một hình ảnh.
- Letter mark logo: Là logo được tạo nên bởi các chữ cái viết tắt trong tên doanh nghiệp thay vì tên đầy đủ.
- Mascot logo: Là logo được tạo nên bởi linh vật của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào tính cách thương hiệu của bạn, một logo mascot có thể trở nên vô cùng thú vị.
- Abstract logo mark: Là logo được tạo nên bởi hình ảnh trìu tượng đại diện cho thương hiệu. Thay vì một hình ảnh dễ nhận biết như brandmark logo, abstract logo tập trung vào các hình khối trừu tượng thể hiện hình ảnh của doanh nghiệp.
5 bước thiết kế logo
Giờ thì chúng ta sẽ đi vào các bước thiết kế một logo hoàn chỉnh. Có 2 điều mình cần bạn ghi nhớ trước khi chúng ta đi vào thực hành:
- Thiết kế logo đòi hỏi một chiến thuật. Bạn không chỉ đơn thuần thiết kế một hình ảnh, mà còn phải tư duy về những gì bạn muốn truyền tải. So với việc thiết kế, bạn sẽ cần dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và đưa ra quyết định.
- Bạn không chỉ đang thiết kế một logo, mà bạn đang tạo nên cả một bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp. Chắc chắn bạn sẽ muốn các thành phần trong bộ nhận diện này phối hợp ăn ý với nhau.
Như vậy, bạn có thể thấy thiết kế logo không phải một đầu việc có thể hoàn thành trong vài ngày. Để cho ra đời một logo đủ để bạn hài lòng và người khác trầm trồ, bạn sẽ cần chia nhỏ quá trình thiết kế thành các bước nhỏ và đặt mục tiêu cho từng bước.
Cụ thể hơn, hãy cùng mình bắt đầu với bước 1 ngay dưới đây nhé!
Bước 1: Bắt đầu lên kế hoạch thiết kế logo
Mục tiêu
Mọi thiết kế đều bắt đầu với bước lên ý tưởng. Ở bước này, chúng ta sẽ cần đặt ra các câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho chúng để thu thập đầy đủ thông tin về công ty, các giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh, cũng như các đặc điểm nổi bật khác của thương hiệu cần truyền tải.
Đây cũng là lúc bạn cần đặt ra các kỳ vọng về logo: Logo sẽ trông như thế nào? Logo sẽ mang lại cảm giác gì? Kèm theo đó là những yêu cầu cụ thể về logo.
Tốt hơn hết là bạn hãy ghi ra những câu hỏi cần lời giải đáp thông qua logo sắp được tạo. Bạn sẽ không thể biết được mình còn thiếu điều gì nếu không thật sự có một bảng câu hỏi đặt ở trước mặt.
Cách thực hiện
Bạn có thể sẽ cần những câu hỏi sau cho logo của mình:
- Ý nghĩa/ Câu chuyện đằng sau tên của công ty là gì?
- Đối tượng người xem hướng đến là ai?
- Mình muốn người xem cảm nhận điều gì khi nhìn vào logo?
- Mình muốn thể hiện những giá trị nào thông qua logo?
- Tính cách của thương hiệu có những nét riêng nào?
- Logo sẽ được hiển thị ở đâu? Website? Các trang mạng xã hội? In ấn trên các biển quảng cáo?
- Có yêu cầu gì đặc biệt hay yếu tố bắt buộc cần thể hiện trong logo không?
Thành phẩm
Sau khi trả lời các câu hỏi đã đặt ra trước khi thiết kế logo, bạn sẽ có thể tóm tắt các câu trả lời trong một chiến lược sáng tạo cung cấp tổng quan chung về doanh nghiệp của bạn, trong đó bao gồm: mục tiêu của bạn cho quá trình thiết kế logo, tông màu của thương hiệu, những cân nhắc trực quan và tầm nhìn ban đầu cho hệ thống thiết kế và logo.
Bạn sẽ không chỉ sử dụng chiến lược sáng tạo này để điều hướng cho bước tiếp theo, mà còn sử dụng nó để đánh giá sự thành công của bạn trong suốt quá trình thiết kế logo. Vào cuối mỗi bước, hãy đánh giá thành phẩm của bạn dựa theo tiêu chuẩn đã đặt ra trong chiến lược sáng tạo.
Bước 2: Khám phá các ý tưởng logo
Mục tiêu
Giai đoạn này là lúc nghiên cứu các ý tưởng dành cho logo của bạn, nhưng thay vì "nghiên cứu" thì "khám phá" nghe có vẻ thú vị hơn. Có thể bạn cũng sẽ thấy đây là bước thú vị nhất và hữu ích nhất trong toàn bộ 5 bước thiết kế logo.
Về cơ bản, bạn sẽ hướng sự tập trung của mình ra bên ngoài màn hình Illustrator hay bất cứ phần mềm thiết kế nào khác, để khám phá và chiêm ngưỡng các ý tưởng về logo từ mọi designer trên thế giới. Chính vì vậy, mục tiêu của bạn tại bước này là: Được học và được truyền cảm hứng.
Cách thực hiện
Một logo đẹp đòi hỏi những yêu cầu gì? Hãy bắt đầu bằng cách google các nguyên lý thiết kế, tìm hiểu các yếu tố cơ bản như phong cách thiết kế, bảng phối màu, kết hợp font chữ,...
Tại bước này, các designer lão làng có một lời khuyên dành cho bạn đây: Hãy áp dụng lý thuyết màu sắc bởi nó đặc biệt hữu ích cho việc thiết kế logo. Các màu sắc khác nhau gợi lên những cảm xúc và hành vi khác nhau, giúp bạn tạo ra phản ứng cảm xúc mong muốn từ khán giả của mình. Tin mình đi, đó chính là điểm hấp dẫn của logo.
Ví dụ, logo màu xanh lam khơi dậy lòng tin và sự uy quyền. Đó là lý do màu xanh lam là lựa chọn phổ biến cho logo của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và phần mềm công nghệ. Màu xanh lá cây gợi lên cảm giác hòa bình, tăng trưởng và khỏe mạnh. Vì vậy, bạn có thể thấy các công ty như Whole Foods và BP sử dụng logo màu xanh lá cây để truyền đạt sứ mệnh bảo vệ môi trường và hành tinh của họ.
Hãy khám phá xem màu sắc nào trong logo sẽ khơi gợi cảm xúc mà bạn muốn từ khán giả. Sau khi đã nắm được thông tin cơ bản, đây là lúc bắt đầu thu thập thông tin.
Trước tiên, hãy nhìn vào các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bạn, sau đó đến ngành rộng lớn hơn của bạn. Đừng chỉ nhìn vào logo, mà hãy trải nghiệm toàn bộ hệ thống hình ảnh của họ. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách quan sát cách họ xuất hiện trên nhiều kênh, bao gồm các trang web, các mạng xã hội khác nhau,... Sau đó thì đúc kết các ghi chú: Những yếu tố nào nổi bật với bạn, cả tốt và xấu?
Tiếp theo, hãy nhìn ra bên ngoài ngành của bạn, khám phá những xu hướng đang thịnh hành trong cộng đồng thiết kế. Hãy tìm đến các trang web thiết kế như Pinterest, Dribbble, Behance, Brand New,... để chiêm ngưỡng các tác phẩm gần đây của các designer hàng đầu thế giới. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm theo hashtag #logodesign và các hashtag có liên quan đến logo hoặc thiết kế logo trên Instagram.
Thành phẩm
Sau khi đã hoàn thành công đoạn tìm hiểu logo của các công ty trong ngành và khám phá các thiết kế logo xuất sắc trên mạng, hãy tạo một moodboard để trưng bày các hình ảnh, thiết kế, bảng phối màu, và tất nhiên là cả các logo bạn cảm thấy khớp với ý tưởng dành cho logo của thương hiệu mình.
Nếu bạn bị thu hút bởi nhiều hơn một cảm hứng cho logo, hãy tạo các moodboard riêng biệt cho từng nguồn cảm hứng. Đừng quên thêm các mô tả ngắn gọn về các lựa chọn của mình và cách chúng sẽ thể hiện hình ảnh thương hiệu. Cách lý tưởng nhất là bạn trình bày các mood board với toàn bộ thành viên trong nhóm và cùng họ thảo luận để quyết định một hướng đi cụ thể cho thiết kế.
Bước 3: Thiết kế logo
Mục tiêu
Cuối cùng chúng ta cũng đã đến bước này! Mục tiêu ở đây cực kì rõ ràng: Áp dụng tất cả những gì đã khám phá ở bước 2 để vẽ nên một vài phiên bản logo.
Cách thực hiện
Có rất nhiều đầu mục trong checklist ở bước thiết kế logo này:
- Công cụ: Trước khi bắt đầu, hãy đảm bảo bạn đã chuẩn bị các công cụ cần thiết để thiết kế logo, bao gồm: bút và giấy, phần mềm thiết kế,...
- Loại logo: Chọn ra một loại logo thích hợp nhất cho doanh nghiệp trong số 7 loại logo.
- Biểu tượng cho logo: Nếu bạn muốn có một biểu tượng đồ họa trong logo của mình, bất kể là theo kiểu truyền thống hay trừu tượng, bạn cũng sẽ cần động não để nghĩ ra biểu tượng phù hợp.
- Font chữ: Bạn sẽ sử dụng font chữ có chân hay font chữ không chân? Hay font chữ trang trí? Hãy đưa ra sự lựa chọn của mình nhé!
Chắc chắn đây là bước tốn thời gian nhất trong toàn bộ quá trình thiết kế logo. Tuy nhiên, hãy kiên nhẫn và áp dụng tất cả thành quả của các bước trước đó bạn nhé!
Thành phẩm
Khi kết thúc bước này, bạn nên hoàn thiện ít nhất một phiên bản logo để có thể đánh giá. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể đưa ra nhiều hơn một phiên bản logo, điều này phổ biến hơn bạn nghĩ đấy. Trong bước tiếp theo, chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn về cách đánh giá thiết kế của bạn.
Bước 4: Đánh giá và chỉnh sửa logo
Mục tiêu
Nếu bạn đã kết thúc giai đoạn 3 với nhiều hơn một phiên bản logo, đây là lúc bạn thu hẹp các lựa chọn của mình. Còn nếu bạn đã có một chiếc logo ưng ý? Tuyệt vời! Hãy thử nghiệm nó ngay thôi!
Cách thực hiện
Bạn có thể sử dụng các câu hỏi dưới đây để đánh giá thiết kế logo đã tạo:
- Điều gì làm nên một logo hoàn hảo? - Đơn giản, dễ nhớ và có tính gợi mở
- Logo này sẽ xuất hiện ở đâu? - Các nền tảng mạng xã hội, website công ty và các ấn phẩm truyền thông, banner sự kiện, tuyển dụng,...
Nếu bạn nghĩ rằng mình cần phải thử nghiệm logo với các màu nền, hình ảnh nền khác nhau, bạn đang đi đúng hướng rồi đó! Đừng chỉ dùng lại ở việc cân nhắc mà hãy tạo ngay các mockup mô phỏng logo trên các kiểu background để đảm bảo hình ảnh, từ ngữ và thông
điệp tổng thể được truyền đạt trên mọi phương tiện.
Ngoài ra, một điều quan trọng và cũng là lời khuyên của rất nhiều designer lão làng: Hãy tạo một phiên bản logo đen trắng và đảm bảo rằng nó có thể được đảo ngược màu trên các màu tối. Nếu không, bạn có thể gặp rắc rối khi hiển thị logo trong tương lai.
Thành phẩm
Giờ thì bạn đã có phiên bản logo cuối cùng. Chắc chắn rằng bạn đã mất rất nhiều thời gian chỉnh sửa mọi yếu tố để gọt giũa ra một logo đủ khiến bạn hài lòng. Vậy thì bước 5 - bước cuối cùng - sẽ giúp bạn đảm bảo logo của mình giữ được nét hoàn chỉnh.
Bước 5: Quyết định Style Guide
Mục tiêu
Khi nói đến việc duy trì tính toàn vẹn của bản sắc thương hiệu, chất lượng và tính nhất quán là các từ khóa quan trọng nhất. Do logo của bạn sẽ xuất hiện ở tất cả mọi nơi, và lọt vào mắt của tất cả mọi người, điều thiết yếu lúc này là phải xác định một bộ quy tắc và hướng dẫn về cách sử dụng logo.
Cách thực hiện
Để bắt đầu, hãy ghi ra giấy bất kì hướng dẫn nào bạn có trong đầu, có thể về kích thước logo, màu sắc logo, bố cục logo,...
Bạn có thể đặt ra một số câu hỏi như sau:
- Logo có giới hạn các màu nền phù hợp với nó không?
- Logo có phù hợp để xuất hiện trên các tấm ảnh chụp không? Nếu có, liệu thay đổi màu sắc có giúp logo trở nên nổi bật hơn hay không?
- Nếu bạn có một combination mark logo, liệu các yếu tố trong logo có thể xuất hiện tách biệt trong các tình huống nhất định không?
Để duy trì sức mạnh của logo, đừng ngần ngại đưa vào hướng dẫn một số quy tắc “không bao giờ” để ngăn cản bất kỳ sự sửa đổi hoặc biến dạng nào đối với logo của bạn.
Thành phẩm
Vậy là bạn đã hoàn thành một bộ "hướng dẫn sử dụng" - Style Guide - cho thương hiệu rồi. Style Guide này sẽ giúp bạn và các đồng đội của mình xác định được nhận dạng và bản sắc thương hiệu, qua đó giữ được tính nhất quán trong các thiết kế sau này.
Tổng kết
Cuối cùng chúng ta cũng đã đến phần cuối cùng của bài viết rồi. Rất nhiều kiến thức đã được tiếp thu đúng không nào? Quả thực thiết kế logo chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng. Trên thực tế, bạn có thể mất đến nhiều tuần làm việc để cho ra đời một logo ưng ý. Chính vì vậy, lời khuyên cuối cùng mình đưa ra là: Đừng vội vàng. Hãy dành thời gian để thực hiện các bước thiết kế. Phiên bản logo cuối cùng của bạn sẽ phản ánh mức độ nỗ lực mà bạn dành cho nó.
Nếu bạn muốn học thiết kế bài bản, hãy cùng G-Multimedia tham gia vào khóa học Master Illustrator để làm chủ công cụ thiết kế đình đám này nhé. Nếu như có bất kỳ câu hỏi nào về bài học, bạn chỉ cần bình luận, và giảng viên sẽ giải đáp cho bạn chỉ trong vòng 24 giờ. Vậy thì bạn còn chần chừ gì mà không đăng ký ngay nào!
Hy vọng bài viết ngày hôm nay đã đem lại cho bạn nhiều kiến thức hữu ích trong quá trình thiết kế logo. Chúc bạn có một ngày làm việc vui vẻ và năng suất!