Master Illustrator: Làm chủ từ tư duy đến công cụ thiết kế
Mục lục
Màu sắc vẫn luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, không chỉ riêng trong thiết kế mà còn trong cuộc sống của chúng ta, bởi chúng xuất hiện ở tất cả mọi nơi. Mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng, và khi đi cùng nhau trong một bảng phối màu, chúng có thể nói lên rất nhiều điều về thiết kế.
Nhưng lý do thật sự bạn cần quan tâm đến bảng phối màu là gì? Mình có thể tóm gọn trong 2 từ: thương hiệu (branding) và quảng cáo (marketing). Bảng phối màu là đối tượng truyền tải trực tiếp thông điệp của một thương hiệu, như những gì chúng ta cảm nhận về logo của các nhãn hàng nổi tiếng mà mình sẽ cùng bạn tìm hiểu ở phần dưới của bài viết.
Với kiến thức về màu sắc và các nguyên tắc màu sắc cơ bản, thứ bạn tạo nên không chỉ đơn thuần là một bảng phối màu, mà còn là các quyết định về branding và marketing cho thương hiệu của mình.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tạo bảng phối màu cho thiết kế của mình, nhất định bạn cần phải tìm hiểu ngay 6 nguyên tắc phối màu cơ bản dưới đây!
Nguyên tắc phối màu đầu tiên, cũng là nguyên tắc đơn giản nhất dành cho bảng phối màu của bạn, là Monochromatic - Phối màu đơn sắc. Bạn có thể hiểu một bảng màu đơn sắc cũng tương tự như các font chữ trong cùng một họ, với các màu sử dụng đều sở hữu cùng một hue.
Các màu trong bảng phối màu đơn sắc được tạo nên bởi các sự kết hợp shade, tone và tint khác nhau, do đó ta sẽ thấy một dải màu duy nhất với các sắc thái từ nhạt đến đậm.
Một logo nổi tiếng sử dụng nguyên tắc phối màu đơn sắc chính là logo Paypal như bạn có thể thấy trong hình dưới đây.
Tại sao lại nói Monochromatic là bảng phối màu an toàn nhất? Lý do là vì dường như không có bất kì sự xung khắc nào giữa các màu trong cùng một gam. Nguyên tắc phối màu này tạo ra một sự hài hòa về mặt thị giác, giúp chúng ta dễ dàng tập trung vào nội dung của thiết kế. Có lẽ rắc rối duy nhất bạn có thể gặp phải với bảng phối màu đơn sắc là khi bạn quá lạm dụng nó, dẫn đến thiết kế bị phản tác dụng.
Nếu bạn tìm kiếm một ứng dụng thực tế của bảng phối màu đơn sắc vào các thiết kế nghệ thuật thì hãy chiêm ngưỡng loạt poster siêu ấn tượng của bộ phim bom tấn Godzilla: King of the Monsters dưới đây.
Nguyên tắc phối màu Analogous - Phối màu tương đồng là sự kết hợp của các màu sắc đứng cạnh nhau (thường là 3 màu) trong bánh xe màu sắc, ví dụ như đỏ, cam, vàng. So với bảng phối màu đơn sắc, bảng phối màu tương đồng có phần đa dạng hơn về các gam màu sử dụng.
Do vị trí liền kề của các gam màu trong bảng phối màu tương đồng, các màu sắc sẽ có sự thống nhất và từ đó tạo nên một sự dễ chịu về mặt thị giác cho người xem.
Thông thường, để tận dụng bảng phối màu kiểu này, chúng ta sẽ cần bắt đầu với việc chọn ra một gam màu chủ đạo cho thiết kế. Màu này sẽ được sử dụng cho các phần nội dung chính của thiết kế. Dựa vào màu chủ đạo, chúng ta sẽ quyết định các màu phụ trợ còn lại để hoàn thành bảng phối màu dựa trên điều kiện chúng kết hợp ăn ý với màu chủ đạo.
Các logo sử dụng bảng phối màu tương đồng có thể kể đến như Red Bull, Mastercard, BP,...
Người ta thường nói "Trái dấu thì hút nhau". Điều này không chỉ đúng với các mối quan hệ trong cuộc sống, mà đôi khi còn có thể được áp dụng vào màu sắc. Nguyên tắc phối màu Complementary - Phối màu bổ túc trực tiếp là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Một bảng phối màu bổ túc trực tiếp được tạo nên từ các gam màu nằm ở vị trí đối lập trên bánh xe màu sắc.
Khi sử dụng bảng phối màu bổ túc trực tiếp, sự đối lập giữa các gam màu sẽ tạo ra các điểm nhấn cho các chi tiết chính trên thiết kế. Nếu sự nổi bật là phong cách bạn muốn tạo ra cho thiết kế của mình, bảng phối màu bổ túc trực tiếp chính là vũ khí tối thượng. Còn nếu như bạn hướng đến phong cách nhẹ nhàng, hãy tránh sử dụng bảng phối màu này nhé.
Để giữ được sự hòa hợp trong yếu tố màu sắc, bạn sẽ cần điều chỉnh sắc độ của các gam màu trong bảng phối màu của mình để không gây chói mắt và khó chịu. Một khi đã có được bảng phối màu bổ túc trực tiếp với sự kết hợp vừa ý, thiết kế của bạn chắc chắn sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.
Rất nhiều thương hiệu trên thế giới sử dụng bảng phối màu bổ túc trực tiếp để tạo nên các logo ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, ví dụ như các thương hiệu bia Heineken, đội bóng rổ Lakers, hay công ty vận chuyển quốc tế FedEx,...
Không phải nguyên tắc phối màu dễ áp dụng nhất, nhưng Triadic - Phối màu bộ ba là lựa chọn an toàn hàng đầu nếu bạn muốn tạo nên một bảng phối màu sặc sỡ. Nguyên tắc phối màu bộ ba là sự kết hợp của 3 màu cách đều trên bánh xe màu sắc.
Vì 3 gam màu trong bảng phối màu lúc này nằm ở vị trí 3 đỉnh tam giác cân trên bánh xe màu sắc, chúng sẽ tạo nên sự cân bằng về mặt thị giác cho thiết kế. Nếu như điểm mạnh của bảng phối màu bổ túc trực tiếp nằm ở các điểm nhấn mạnh mẽ, thì bảng phối màu bộ ba lại tập trung vào sự hài hòa giữa các gam màu.
Do bảng phối màu bộ ba hướng đến sự cân bằng, nếu bạn không điều chỉnh sắc độ các gam màu, thiết kế của bạn có thể bị nhận xét là đơn điệu và quá an toàn, thậm chí là không có điểm nhấn. Để sử dụng nguyên tắc phối màu bộ ba một cách hiệu quả, trước hết bạn hãy chọn một màu chủ đạo dành cho bảng phối màu, sau đó chọn các gam màu phụ trợ và điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với thiết kế.
Dưới đây là một số logo sử dụng bảng phối màu theo bộ ba, gồm các thương hiệu Burger King, Fanta và series phim hoạt hình nổi tiếng Toy Story.
Được biết đến như nguyên tắc phối màu khó nhất, Tetradic - Phối màu bộ bốn được tạo thành bởi 2 cặp màu bổ túc trực tiếp. Một tên gọi khác của bảng phối màu kiểu này là "bảng phối màu chữ nhật", vì như bạn thấy, các gam màu tạo với nhau một hình chữ nhật trên bánh xe màu sắc.
Sự đối lập màu sắc trong bảng phối màu bộ bốn sẽ tạo ra các điểm nhấn độc đáo cho thiết kế của bạn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của 4 gam màu tách biệt trên một khung hình rất dễ trở thành một bước đi sai lầm nếu như bạn không biết cách cân bằng và tiết chế chúng. Do đó, hãy chọn một gam màu chủ đạo trước, sau đó thêm các gam màu còn lại để tôn lên những chi tiết chính trong thiết kế.
Một khi bạn đã làm chủ được bảng phối màu bộ bốn, bạn sẽ cho ra đời các ấn phẩm cực kì ấn tượng như các poster trong chiến dịch quảng cáo A little taste of summer của McDonald's...
hay các poster phim phá cách...
và tất nhiên là cả các logo sáng tạo nhưng không kém phần chuyên nghiệp.
Một khi bạn nắm được mối liên hệ của màu sắc, bạn sẽ có thể tạo nên một bảng phối màu như ý và áp dụng nó để thiết kế các ấn phẩm để đời.
Vậy là bạn đã học được các nguyên tắc phối màu cơ bản nhất trong thiết kế. Hãy nhớ kỹ và thực hành vận dụng các nguyên tắc trên vào bảng phối màu để không còn cảm thấy có gì đó sai sai về màu sắc của thiết kế từ nay về sau nữa nhé.
Không chỉ riêng đối với thiết kế, mà bạn sẽ thấy sự hiện diện 6 nguyên tắc phối màu trong chính cuộc sống của mình, bởi mọi thứ xung quanh bạn đều có màu sắc của nó. Chính vì vậy, hiểu biết về bảng phối màu sẽ giúp bạn có một cái nhìn sâu sắc hơn về chúng.
Nếu bạn muốn học thiết kế bài bản, hãy cùng Gitiho tham gia vào khóa học Master Illustrator để làm chủ công cụ thiết kế đình đám này nhé. Nếu như có bất kỳ câu hỏi nào về bài học, bạn chỉ cần bình luận, và giảng viên sẽ giải đáp cho bạn chỉ trong vòng 24 giờ. Vậy thì bạn còn chần chừ gì mà không đăng ký ngay nào!
Gitiho xin cảm ơn bạn đọc và chúc bạn thành công!