Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới Dòng tiền trong Doanh nghiệp

Nội dung được viết bởi Hương Đinh

Quản trị tài chính doanh nghiệp là một trong những công việc quan trọng của giám đốc tài chính. Quản trị tài chính tốt không những giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí, gia tăng lợi nhuận mà còn đưa công ty vượt đà phát triển. Muốn quản trị tốt được tài chính doanh nghiệp chắc chắn bạn phải quan tâm đến những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền trong doanh nghiệp.

Quản trị tài chính doanh nghiệp là gì?
Quản trị tài chính doanh nghiệp là việc lên các kế hoạch, lựa chọn và đưa ra quyết định tài chính phù hợp nhất với mục tiêu của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.

Quản trị tài chính tốt sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ hiệu quả công việc hiện tại và hoạch định được những chính sách đúng đắn trong tương lai. Các mục tiêu chính của quản trị tài chính là:

Tối đa hoá giá trị mà doanh nghiệp đang sở hữu đi kèm với việc tối đa hoá lợi nhuận 
Đảm bảo nguồn cung và cầu sao cho hoạt động sản xuất luôn được diễn ra một cách liên tục. 
Tối ưu nguồn vốn và tối thiểu chi phí trong dài hạn.
Đảm bảo lợi ích cho các cổ đông, cán bộ công nhân viên trong công ty.
Dòng tiền luôn được xem như dòng máu của doanh nghiệp. Nhưng khi được hỏi doanh nghiệp bạn làm gì để "bảo vệ" dòng máu quan trọng ấy thì hầu như các doanh nghiệp đều chưa có một kế hoạch "cụ thể" và "chủ động". Thay vào đó chỉ là các chốt chặn để "báo hiệu" sự suy yếu của dòng tiền qua sự sụt giảm của các chỉ số thanh toán.

Chúng ta có thể tối ưu độ mạnh của "khả năng sinh tiền" bằng các kế hoạch tăng trưởng dòng tiền

4 kế hoạch cơ bản:

Doanh nghiệp sẽ để lại bao nhiêu tiền mặt tại quỹ
Doanh nghiệp sẽ "mang nợ" nhà cung cấp bao nhiêu tiền
Doanh nghiệp sẽ "cho nợ" khách hàng bao nhiêu
Doanh nghiệp sẽ "đầu tư" bao nhiêu hàng tồn kho

3 kế hoạch chủ động gia tăng dòng tiền

Tập trung vào gia tăng doanh số bán hàng
Duy trì và tăng trưởng lợi nhuận gộp
Sử dụng đòn bẩy hoạt động hợp lý qua chiến lược đầu tư tài sản cố định
"Giữa việc "mang nợ" và "cho nợ" chiến lược nào quan trọng hơn trong việc quản trị dòng tiền? "Đa phần các bạn chắc sẽ chọn chính sách "Cho nợ - Nợ phải thu" là quan trọng hơn cả. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ thực sự quan tâm đến "dòng tiền" khi gặp vấn đề về "khả năng trả nợ". Áp lực từ những cuộc điện thoại đòi nợ dồn dập, chính sách "không giao hàng" từ nhà cung cấp, những chính sách giải quyết "nợ phải trả" mang tính tạm thời, không triệt để nang những rắc rối kéo dài và những hệ lụy đáng sợ cho doanh nghiệp...Do vậy, chính sách "mang nợ" có phần quan trọng hơn.

Nói một cách khác, chiến lược "tồn kho" - "tồn tiền" - "tồn nợ" được gọi là chiến lược chủ động. Chiến lược "thu nợ" là chiến lược bị động vì bạn không thể 100% kiểm soát việc thanh toán công nợ từ người mua hàng. Vậy hãy bắt đầu một chiến lược "chủ động" để kiểm soát dòng tiền doanh nghiệp.

Những yếu tố cần quan tâm trong mặt trận tài chính
Những điều bạn phải quan tâm đầu tiên là Doanh số và Chiết khấu Thương mại cho đối tác hoặc cho khách hàng. Phần còn lại là Doanh thu. Sau khi có Doanh thu, lấy Doanh thu trừ đi Chi phí, cuối cùng sẽ có một khoản Lợi nhuận.

Ví dụ:

Doanh số = Giá bán niêm yết x Số lượng hàng bán

Sau khi bán cho đối tác thì phải có một khoản chi phí cho họ gọi là Chiết khấu Thương mại.

Phần còn lại chúng ta thu về gọi là Doanh thu.

Sau đó lấy Doanh thu – Chi phí = Lợi nhuận.

Lợi nhuận thể hiện cho việc kinh doanh có lãi hay không. Tuy nhiên liệu bạn đã có thể thu về phần “Lợi nhuận” này hay chưa?

Nếu bạn bỏ vốn ra 10đ để mua su hào, sau đó bán ra với Giá 12đ, thu về Lợi nhuận 2đ. Nhưng khi mua khách hàng lại muốn nợ bạn 3đ. Vậy thì bạn đã bị hụt vốn.

Cuối cùng, càng bán càng hết tiền, càng kinh doanh càng lỗ, mặc dù lợi nhuận trên giấy tờ vẫn có.

Từ đó bạn lại phải quan tâm đến Dòng tiền. Nghĩa là nếu bạn có Lợi nhuận, nhưng Công nợ và Tồn kho càng ngày càng nhiều thì Dòng tiền sẽ bị mất đi. Vì vậy, cần phải kiểm soát được hạn mức công nợ và tồn kho của doanh nghiệp.

Sau khi Lợi nhuận và Dòng tiền đã ổn, việc tiếp theo bạn cần quan tâm đến chính là Thời gian thu hồi vốn.

Hội đồng cổ đông sẽ thống nhất với nhau Trích quỹ đầu tư như thế nào từ lợi nhuận?

Hội đồng cổ đông sẽ thống nhất với nhau Trích quỹ dự phòng như thế nào từ lợi nhuận?

Hội đồng cổ đông sẽ thống nhất với nhau Trích quỹ thưởng như thế nào từ lợi nhuận?

Còn lại hội đồng cổ đông chia cổ tức bao nhiêu phần trăm?

Tuy nhiên, từ đây sẽ có vấn đề phát sinh khi tài chính không cân bằng với “lòng tham của cổ đông” thì ngay lập tức sẽ nảy sinh mâu thuẫn.

Mâu thuẫn đầu tiên chính là mâu thuẫn về lợi nhuận. Ví dụ, nếu người điều hành doanh nghiệp chấp nhận mức lợi nhuận là 20% trên tổng vốn đầu tư, trong khi các cổ đông còn lại lại mong muốn lợi nhuận đến 60% thì lúc này hội đồng cổ đông sẽ xảy ra vấn đề bất đồng và lục đục.

Lúc này chắc chắn doanh nghiệp sẽ đi xuống và có nguy cơ thất bại vì hội đồng cổ đông bị chia tách, không thống nhất. Vì vậy, để vấn đề này không xảy ra, Tỷ suất lợi nhuận phải cân bằng với lòng tham cổ đông.

Mâu thuẫn tiếp theo là mức độ khẩn cấp về tiêu tiền của mỗi người là khác nhau.

Ví dụ: Tôi cần phải xây cho gia đình một cái nhà, thì cần phải chi tiền ngay. Nhưng với người đã đủ tiền rồi, xây được nhà cho gia đình rồi, mua được xe hơi cho vợ rồi thì họ sẽ không có nhu cầu mang tiền về nữa và muốn dùng tiền để đầu tư cho việc khác.

Tương tự, một cổ đông cảm thấy đã có đủ tài chính, không cần dùng đến phần lợi nhuận thu về và muốn dùng nó để trích quỹ đầu tư và không cần chia cổ tức. Trong khi một nhóm cổ đông khác có mức độ khẩn cấp về tiêu tiền nhiều hơn lại muốn được chia cổ tức.

Lúc này chắc chắn sẽ sinh ra cãi nhau giữa các cổ đông.

Vậy vấn đề ở đây là mức độ hưởng thụ của các cổ đông là khác nhau. Vì vậy, là người kinh doanh mở doanh nghiệp, bạn phải cân bằng về mức độ mong muốn tiêu tiền của các cổ đông.

Một trong những phương pháp để cân bằng đó là khi lựa chọn cổ đông hãy tìm được người phù hợp và thống nhất cùng về mức độ mong muốn tiêu tiền như thế nào trước. Đồng thời, trước khi góp vốn, hãy thẩm định con người thật kỹ.

Tóm lại, Mặt trận Tài chính của Doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Doanh nghiệp phải có lợi nhuận.
Dòng tiền không bị gãy.
Thống nhất giữa các cổ đông hàng năm về trích quỹ đầu tư, trích quỹ dự phòng, trích quỹ thưởng, chia cổ tức.
Thống nhất mức độ tiêu tiền của cổ đông.
Phương pháp quản trị tài chính trong doanh nghiệp 
Quản trị tài chính luôn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp. Một số phương pháp quản trị tài chính doanh nghiệp như sau:

Phương pháp thứ nhất: Doanh nghiệp phân tích báo cáo tài chính để đánh giá tình hình hoạt động sản xuất. Từ đó nắm bắt được các cơ hội kinh doanh mới và định hướng phát triển trong tương lai.

Phương pháp thứ hai: Doanh nghiệp quản lý cơ chế nguồn vốn thông qua việc điều chỉnh lại cơ cấu thu chi. Cắt giảm chi phí đầu vào hoặc tìm kiếm nguồn doanh thu mới là 2 phương pháp điển hình giúp doanh nghiệp kiểm soát được tình hình bội chi, tiến tới sự cân bằng giữa nguồn vốn và doanh thu.

Phương pháp thứ ba: Doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn và phải coi chi phí đầu tư cho việc kêu gọi nguồn vốn là một phần của hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Phương pháp thứ tư: Doanh nghiệp đầu tư vào đội ngũ chuyên gia tài chính nhằm đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động sản xuất của công ty.

Sau mỗi quyết định đưa ra để luân chuyển dòng tiền ra, vào là cả một sự tính toán lớn đối với các giám đốc tài chính. Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp các bạn có thêm những thông tin hữu ích về quản trị tài chính doanh nghiệp.

Theo dõi website Gitiho để cập nhật những kiến thức mới nhất về quản trị doanh nghiệp.

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông