Cách trình bày báo cáo kết quả kinh doanh dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133

Nội dung được viết bởi Ngọc Diệp

Báo cáo kết quả kinh doanh là đóng vai trò quan trọng trong đối với tài chính của doanh nghiệp vì nó chỉ ra chênh lệch giữa doanh thu và chi phí theo từng giai đoạn hoạt động. Vậy làm thế nào để lập một báo cáo kết quả kinh doanh dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133? Sau đây Gitiho sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn nhé.

XEM NHANH BÀI VIẾT

Nội dung và kết cấu báo cáo kết quả kinh doanh 

Báo cáo kết quả kinh doanh là công cụ giúp doanh nghiệp nắm được tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh, bao gồm kết quả từ hoạt động kinh doanh chính, kết quả từ các hoạt động tài chính và các hoạt động khác của doanh nghiệp.

Một bản báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chuẩn dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133 gồm có 5 cột:

  • Cột 1: Các chỉ tiêu báo cáo
  • Cột 2: Mã số của các chỉ tiêu tương ứng
  • Cột 3: Số hiệu tương ứng với các chỉ tiêu của báo cáo này thể hiện chỉ tiêu trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính
  • Cột 4: Tổng số phát sinh trong kỳ báo cáo năm
  • Cột 5: Số liệu của năm trước (để doanh nghiệp so sánh kết quả kinh doanh giữa các năm)

Cách trình bày báo cáo kết quả kinh doanh dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133

Xem thêm: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì? Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ 2021

Cơ sở lập báo cáo kết quả kinh doanh

Kế toán viên lập báo cáo kết quả kinh doanh dựa trên 2 cơ sở sau đây:

  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm trước.
  • Sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết trong cùng kỳ được dùng cho các tài khoản từ loại 5 đến loại 9.

Các chỉ tiêu trong báo cáo kết quả kinh doanh

Mã 01: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo kết quả kinh doanh

Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, chỉ tiêu này phản ánh tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, bao gồm doanh thu mua bán hàng hóa, doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu bất động sản, và doanh thu khác trong năm của doanh nghiệp. Số liệu được ghi trong mã 01 là lũy kế số phát sinh bên Có của TK 511 trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này không bao gồm các loại thuế gián thu, như thuế giá trị gia tăng (kể cả thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp trực tiếp), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế gián thu khác.

Lưu ý khi lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới, đơn vị cấp trên phải loại bỏ các khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phát sinh từ các giao dịch nội bộ. 

Mã 02: Các khoản giảm trừ doanh thu trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh tất cả các khoản được ghi giảm trừ vào tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm của doanh nghiệp, bao gồm các khoản chiết khấu thương mại, các khoản giảm giá hàng bán, giá trị hàng bán bị trả lại trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu được ghi trong mã 02 là tổng số phát sinh bên Nợ TK 511 đối ứng với bên Có với các TK 111, 112, 131 trong kỳ.

Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản thuế gián thu, phí mà doanh nghiệp không được hưởng phải nộp ngân sách Nhà nước (được kế toán ghi giảm doanh thu trên sổ kế toán TK 511) do bản chất các khoản này là các khoản thu hộ Nhà nước, không thuộc doanh thu của doanh nghiệp nên không được coi là khoản giảm trừ doanh thu.

Mã 10: Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp (mã 01) đã loại bỏ các khoản giảm trừ (mã 02) trong kỳ báo cáo kết quả tài chính. Chỉ tiêu này là công cụ giúp doanh nghiệp xác định kết quả hoạt động kinh doanh.

Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133: Mã 10 = Mã 01 - Mã 02.

Mã 11: Giá vốn hàng bán trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá vốn của hàng hóa, bất động sản đầu tư, giá vốn của thành phẩm đã bán, dịch vụ đã cung cấp, cùng vơi các chi phí khác được tính vào giá vốn hoặc ghi giảm giá vốn hàng bán trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu được ghi vào mã 02 là lũy kế số phát sinh bên Có của TK 632 trong kỳ báo cáo đối ứng bên Nợ của TK 911.

Lưu ý khi lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới, đơn vị cấp trên phải loại bỏ các khoản giá vốn hàng bán phát sinh từ các giao dịch nội bộ.

Mã 20: Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh sự chênh lệch giữa doanh thu thuần về bán hàn và cung cấp dịch vụ (mã 10) với giá vốn hàng bán (mã 11) phát sinh trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133: Mã 20 = Mã 10 – Mã 11.

Cách trình bày báo cáo kết quả kinh doanh dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133

Mã 21: Doanh thu từ hoạt động tài chính trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu hoạt động tài chính thuần phát sinh trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu được ghi vào mã 21 là lũy kế số phát sinh bên Nợ của TK 515 đối ứng với bên Có TK 911 trong kỳ báo cáo.

Lưu ý khi lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới, đơn vị cấp trên phải loại bỏ các khoản doanh thu hoạt động tài chính phát sinh từ các giao dịch nội bộ.

Mã 22: Chi phí tài chính trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí tài chính, bao gồm tiền lãi vay phải trả, chi phí liên quan đến việc cho thuê bản quyền, chi phí hoạt động liên doanh,… phát sinh trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu được ghi vào mã 22 là lũy kế số phát sinh bên Có TK 635 đối ứng với bên Nợ TK 911 trong kỳ báo cáo.

Lưu ý khi lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới, đơn vị cấp trên phải loại bỏ các khoản chi phí tài chính phát sinh từ các giao dịch nội bộ.

Xem thêm: Giới thiệu 15 hàm tài chính trong Excel cơ bản nhất (Phần 1)

Mã 23: Chi phí lãi vay trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh chi phí lãi vay doanh nghiệp phải trả được tính vào chi phí tài chính trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu được ghi vào mã 23 được căn cứ vào số liệu chi tiết về chi phí lãi vay trên TK 635 trong kỳ báo cáo.

Mã 24: Chi phí quản lí kinh doanh trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí quản lý hoạt động kinh doanh phát sinh trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu được ghi vào mã 24 là tổng số phát sinh bên Có của TK 642, đối ứng với bên Nợ của TK 911 trong kỳ báo cáo.

Mã 30: Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh, được tính toán trên cơ sở lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (mã 20) cộng với doanh thu hoạt động tài chính trừ (mã 21), loại trừ chi phí tài chính (mã 22) và chi phí quản lý kinh doanh (mã 24) phát sinh trong kỳ báo cáo. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133: Mã số 30 = Mã số 20 + Mã số 21 – Mã số 22 – Mã số 24.

Mã 31: Thu nhập khác trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản thu nhập khác, phát sinh trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu được ghi vào mã 31 được căn cứ vào tổng số phát sinh bên Nợ của TK 711 (sau khi trừ phần thu nhập khác từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định) đối ứng với bên Có của TK 911 trong kỳ báo cáo. Đối với giao dịch thanh lý, nhượng bán tài sản cố định thì số liệu được ghi vào mã 31 là phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định cao hơn giá trị còn lại của tài sản cố định và chi phí thanh lý.

Lưu ý khi lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới, đơn vị cấp trên phải loại bỏ các khoản thu nhập khác phát sinh từ các giao dịch nội bộ.

Mã 32: Chi phí khác trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh tổng các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu được ghi vào mã 32 được căn cứ vào tổng số phát sinh bên Có của Tài khoản 811 “Chi phí khác” (sau khi trừ phần chi phí khác từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định) đối ứng với bên Nợ của TK 911 trong kỳ báo cáo. Đối với giao dịch thanh lý, nhượng bán tài sản cố định thì số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định nhỏ hơn giá trị còn lại của tài sản cố định và chi phí thanh lý.

Lưu ý khi lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới, đơn vị cấp trên phải loại bỏ các khoản chi phí khác phát sinh từ các giao dịch nội bộ.

Mã 40: Lợi nhuận khác trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa thu nhập khác (sau khi đã trừ thuế giá trị gia tăng phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp) với chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133: Mã số 40 = Mã số 31 – Mã số 32.

Cách trình bày báo cáo kết quả kinh doanh dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133

Xem thêm: Báo cáo tài chính là gì? Cách phân tích báo cáo tài chính căn bản 2021 - Mục tiêu và nguyên tắc

Mã 50: Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh tổng lợi nhuận kế toán thực hiện trong năm báo cáo của doanh nghiệp trước khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phát sinh trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh. Nếu doanh thu thuần nhỏ hơn giá vốn hàng bán thì được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…). Nếu số liệu mã 50 là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133: Mã số 50 = Mã số 30 + Mã số 40.

Mã 51: Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm báo cáo kết quả kinh doanh. Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133, số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào tổng số phát sinh bên Có TK 821 đối ứng với bên Nợ TK 911 hoặc căn cứ vào số phát sinh bên Nợ TK 821 đối ứng với bên Có TK 911 trong kỳ báo cáo. Trường hợp ghi theo số phát sinh bên Nợ TK 821 đối ứng với bên Có TK 911 sẽ được ghi vào chỉ tiêu này bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…)

Mã 60: Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong báo cáo kết quả kinh doanh

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số lợi nhuận thuần (hoặc lỗ) sau thuế thu nhập doanh nghiệp, được tính bởi lợi nhuận trước thuế từ hoạt động của doanh nghiệp (mã 50), loại bỏ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (mã 51) phát sinh trong năm báo cáo kết quả kinh doanh. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133: Mã số 60 = Mã số 50 – Mã số 51.

Xem thêm: Báo cáo kết quả kinh doanh là gì? Cách lập Báo cáo kết quả kinh doanh

Tổng kết

Trên đây là hướng dẫn chi tiết nội dung và các chỉ tiêu cần thiết để kế toán viên trình bày và báo cáo kết quả kinh doanh dựa vào mẫu B02-DNN theo thông tư 133. Hi vọng các bạn đã có thêm kiến thức hữu ích cho công việc của mình.

Gitiho chúc các bạn thành công!

/5 - ( bình chọn)

/5 - ( bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông