“Điều đã xảy ra và câu chuyện”: Mắt nhìn thấy chưa hẳn đã là sự thật

Nội dung được viết bởi Thái Minh

Trong cuộc sống, con người thường đối diện với vô số tình huống phức tạp. Có những điều xảy ra trước mắt chúng ta, mắt thấy tai nghe rõ ràng nhưng sự thật thì câu chuyện lại không phải như vậy. 

Đó chính là điều đã xảy ra và câu chuyện, mọi thứ diễn ra đều mang một câu chuyện và sự tình nào đó mà chỉ có lắng nghe, thấu hiểu bạn mới có thể hiểu được. Vậy làm thế nào để phân biệt được điều đã xảy ra và câu chuyện đằng sau, cùng Gitiho tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Câu chuyện nồi cơm của Khổng Tử 

Một lần Khổng Tử đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề đã được một nhà hào phú đem biếu thầy trò một ít gạo. Thời ấy khó khăn, chiến tranh liên miên nên ai cũng đói khổ và lầm than vì vậy được cho gạo là điều gì đó rất quý. Thầy Khổng Tử đã giao việc nấu cơm cho Nhan Hồi - đệ tử đạo cao đức trọng mà ông đặt rất nhiều kỳ vọng. Sau đó, một số môn sinh vào rừng kiếm rau còn Nhan Hồi thổi cơm dưới bếp, Khổng Tử thì đọc sách. 

Đang đọc sách thì Khổng Tử mới nghe được một tiếng “cộp” dưới bếp, ông nhìn xuống thì thấy cảnh tượng Nhan Hồi đang ăn vụng cơm. Thấy vậy, Khổng Tử thất vọng thở dài và trong bữa cơm ông dạy học trò của mình rằng: Thầy rất mừng vì đất nước đói khổ mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, một lòng theo thầy. Hôm nay là ngày đầu tiên trên đất Tề chúng ta may mắn có được bữa cơm và làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương. Vì thế thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy.

Câu chuyện về niêu cơm đã giúp Khổng Tử nhận ra rằng có những việc mắt thấy tai nghe nhưng chưa hẳn là sự thật
Câu chuyện về niêu cơm đã giúp Khổng Tử nhận ra rằng có những việc mắt thấy tai nghe nhưng chưa hẳn là sự thật

Nghe vậy, học trò đều chắp tay đồng ý. Thế nhưng thầy lại nó ý rằng không biết nồi cơm này có sạch hay không?

Lúc đó Nhan Hồi mới thưa rằng: Nồi cơm này không được sạch và tường thuật lại rằng vì đang nấu cơm thì chẳng may có làn gió tràn vào nên bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cơm. Vì thế, Nhan Hồi mới xới lớp cơm bẩn ra để ăn trước, còn phần cơm sạch còn lại để thầy và huynh đệ dùng.

Nghe xong, Khổng Tử đã hiểu rõ ràng sự việc và than rằng: “Chao ôi, thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ rồi”

Chắc hẳn trong cuộc sống nhiều người đã ở trong hoàn cảnh của Khổng Tử, khi mắt nhìn thấy chưa hẳn đã là sự thật mà bạn phải tìm hiểu và lắng nghe để hiểu vấn đề hơn. Đây chính là câu chuyện dẫn đến chủ đề điều đã xảy ra/câu chuyện đằng sau mà bạn sẽ được tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Điều đã xảy ra/câu chuyện là gì?

Điều đã xảy ra/câu chuyện là một kiến thức thuộc vùng con người không biết là mình không biết. Kiến thức này nhìn nhận rằng con người đã vận hành dựa trên 2 thế giới, một thế giới là điều đã xảy ra và một thế giới là những câu chuyện do con người tự suy diễn ra. Cả 2 thế giới đều hiện ra rất mạnh mẽ với con người.

“Điều đã xảy ra và câu chuyện”: Mắt nhìn thấy chưa hẳn đã là sự thật

Ví dụ khi bạn chào sếp của mình thì anh ấy không trả lời ngay lập tức và thế là bạn suy nghĩ rằng sếp đang giận mình. 

Sau đó ở quán cà phê, bạn lại nhìn thấy sếp đang ngồi uống cà phê và trò chuyện với chị giám đốc nhân sự, sếp nhìn bạn rồi lại tiếp tục cuộc trò chuyện. Tình huống đó càng làm bạn chắc chắn thêm rằng sếp đang giận bạn, trong đầu bạn bắt đầu dựng lên một loạt các tiếng nói nhỏ ôi mình đã làm gì sai rồi, có lẽ sếp sa thải mình mất.

Nhưng thực tế sếp đã quá tập trung suy nghĩ và thảo luận xem sắp tới sẽ thăng chức cho bạn vào chức vụ nào cho xứng đáng với những gì bạn đã cống hiến chứ không phải đang giận bạn như bạn suy nghĩ. Như vậy là bạn đã bị mắc kẹt trong câu chuyện do chính mình tự suy diễn ra.

Đây cũng là tình huống nhiều người gặp phải hiện nay, khi sự thật không phải như vậy nhưng họ lại cứ suy diễn khiến cho mọi thứ nghiêm trọng hơn. 

Trong câu chuyện trên, thật đáng tiếc nếu như bạn có quyết định nghỉ việc ngay sau đó bởi bạn nghĩ trước sau sếp cũng sẽ sa thải mình. 

Tại sao chúng ta cần phân biệt 2 thế giới đó?

Trước hết chúng ta cần hiểu tại sao con người lại vận hành trên 2 thế giới điều đã xảy ra - câu chuyện. Đây là cơ chế phòng vệ bản năng được hình thành một cách tự nhiên trong não bộ giúp con người tồn tại và tránh được các mối đe dọa.

Cơ chế này được hình thành từ thuở sơ khai khi con người mới xuất hiện và di chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác qua hàng chục ngàn năm cho tới bây giờ. Vậy bạn có thắc mắc cơ chế này hoạt động như thế nào không? 

Cơ chế này liên tục cập nhật và lưu giữ những kinh nghiệm sống của não bộ trong suốt quá trình của con người lớn lên, những kinh nghiệm này không chỉ được tích lũy từ trải nghiệm cá nhân mà còn được truyền đạt từ người khác.

Sau đó khi đứng trước mọi tình huống não bộ căn cứ vào những kinh nghiệm đã được lưu giữ để suy diễn nhận định ra các mối đe dọa tiềm ẩn nắm giữ an toàn cho mình.

“Điều đã xảy ra và câu chuyện”: Mắt nhìn thấy chưa hẳn đã là sự thật
 

Trong xã hội loài người từ thuở sơ khai chỉ có các mối đe dọa về mặt sinh mạng nhưng trong thời đại văn minh còn có các mối đe dọa về mặt xã hội đó là vị thế, quyền tự trị, sự chắc chắn, sự công bằng.

Ví dụ một bạn sinh viên chưa có trải nghiệm sẽ không suy diễn ra điều gì khi thấy sếp liên tục nhìn mình từ xa. Nhưng nếu đã từng được nghe câu chuyện về một người bị sếp liên tục nhìn từ xa sau đó trừng phạt thì rất có thể bạn sinh viên đó sẽ suy diễn ra câu chuyện rằng mình có thể sắp bị sếp trừng phạt.

Con người không thể tắt đi cơ chế đó, việc sống trong 2 thế giới đó cũng không làm cho con người xấu hay tốt vì đó là phản xạ tự nhiên ai cũng có. Tuy nhiên nếu không phân định ra 2 thế giới này, con người sẽ bị sống trong một vòng luẩn quẩn. Và rất có thể sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của cá nhân và tổ chức.

Vậy làm thế nào để phân định thế giới của những điều đã xảy ra và thế giới của câu chuyện?

Trong công việc khi nhận thấy bản thân đang dùng các tính từ để kết luận đánh giá về một sự vật hiện tượng hay tình huống rất có thể chúng ta đang dựng lên câu chuyện. Ngay khi đó hãy xác nhận lại với những người có liên quan trong câu chuyện của mình.

Để không bị phạm sai lầm và đánh mất cơ hội khi không hiểu rõ về những điều đã xảy ra trên thực tế, bản thân bạn phải suy nghĩ và đánh giá được thông tin. 

Hiểu rõ về thực tế

Hãy luôn tìm hiểu và suy xét tình hình thực tế một cách cẩn thận trước khi đưa ra quyết định. Hãy tìm kiếm nguồn thông tin đáng tin và thảo luận với những người có kinh nghiệm để có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn thay vì suy luận hay dựa vào những giả định chưa được kiểm chứng. 

Không kết luận điều gì quá vội vàng

Quá vội vàng khi đưa ra những kết luận sẽ khiến bạn phải hối hận hoặc gây ảnh hưởng đến người khác. Vì vậy, hãy tránh đưa ra những quyết định dựa trên cảm xúc mà bạn vẫn chưa chắc chắn. 

Hãy lắng nghe

Lắng nghe là kỹ năng quan trọng để bạn hiểu rõ bản thân, người khác và tình hình xung quanh. Khi bạn biết cách lắng nghe một cách tập trung và chân thành, bạn có thể sẽ nhận được những thông tin và thông điệp một cách toàn diện, giúp bạn hiểu sâu hơn về những điều đã xảy ra. 

Xem thêm: Lắng nghe tương lai mặc định là gì và làm thế nào để thay đổi suy nghĩ?

Xây dựng tư duy tích cực

Khi có một tư duy tích cực bạn sẽ đón nhận mọi tình huống theo chiều hướng khách quan và lạc quan hơn rất nhiều. Hãy tập trung vào những khía cạnh tích cực và tìm cách giải quyết những khó khăn một cách bình tĩnh và tự tin. 

Qua bài viết có một số câu hỏi mà bất kỳ ai cũng nên chiêm nghiệm như:

  • Những tình huống tôi đã từng sống trong câu chuyện là gì?
  • Trong tình huống đó điều đã xảy ra là gì? Tôi đã dựng lên câu chuyện như thế nào? 
  • Khi sống trong câu chuyện do mình dựng lên, cảm xúc như thế nào? 
  • Sau đó tôi có phát hiện ra sự thật điều đã xảy ra là gì?
  • Bài học tôi rút ra là gì? 

Con người sống và vận hành trong 2 thế giới song song: thế giới của điều đã xảy ra và thế giới của những câu chuyện. Cả 2 thế giới này đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người. Việc phân biệt và nhận ra sự khác biệt giữa 2 thế giới là cách để không bị vướng vào vòng luẩn quẩn của hiểu lầm và đánh mất cơ hội thực sự. Hãy suy nghĩ và đánh giá thông tin thật khách quan, lắng nghe để hiểu rõ hơn về thực tế và không rơi vào những câu chuyện do chính mình suy diễn.

/5 - ( bình chọn)

/5 - ( bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông