Quản trị tài chính doanh nghiệp chính là tổng thể các hoạt động của doanh nghiệp nhằm thiết lập định chế. Trước hết, là các định chế tài chính nội bộ, tổ chức bộ máy quản trị và kiểm soát tài chính, khai thác và sử dụng tốt mọi nguồn tài lực tài chính từ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp (huy động vốn) phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với mục tiêu cốt lõi là tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ tốt lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan (nhà đầu tư, cổ đông,…)
Nhiều chủ doanh nghiệp có kỹ năng và năng lực cao đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ, nhưng họ lại thiếu nhiều kỹ năng để quản trị doanh nghiệp hiệu quả, đặc biệt về quản trị tài chính.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay thường gặp khó khăn gì về việc quản lý tài chính công ty?
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, kể cả các nước có trình độ phát triển cao. Ở Việt nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số doanh nghiệp (khoảng 700.000 doanh nghiệp), cung cấp việc làm cho 78% lực lượng lao động và đóng góp 49% vào GDP, và 41% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mỗi tháng có khoảng 7000 doanh nghiệp đóng cửa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có năng lực quản trị tài chính yếu: quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn còn hạn chế, đầu tư vào tài sản cố định và đầu tư dài hạn còn ít, khả năng quản trị vốn còn nhiều bất cập, khả năng sinh lời thấp.
Trao đổi với các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy các chủ doanh nghiệp có kỹ năng và năng lực cao đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ, nhưng họ lại thiếu nhiều kỹ năng để quản trị doanh nghiệp hiệu quả, đặc biệt về quản trị tài chính. Nhiều chủ doanh nghiệp không trực tiếp hoặc không muốn trực tiếp liên quan đến hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp. Điều này có thể do chủ doanh nghiệp quá bận rộn với các hoạt động khác của doanh nghiệp như sản xuất, tìm kiếm thị trường, quản trị nhân sự, hoặc không có kiến thức (hoặc mối quan tâm) về các hoạt động tài chính và quản trị tài chính. Họ dựa nhiều vào bộ phận kế toán của mình, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận kế toán riêng. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê kế toán bên ngoài để lập sổ sách kế toán của doanh nghiệp, và các sổ sách này chủ yếu phục vụ kế toán thuế.
Một trong những rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu vốn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn đã đành nhưng các doanh nghiệp đã hoạt động cũng thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao nhưng vẫn thiếu vốn. Vốn là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại cho một doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường nói rằng kiểm soát dòng tiền hiệu quả là mối quan tâm lớn nhất của họ.
Quản trị dòng tiền là một trong những nội dung quan trọng nhất trong quản trị tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết quả thống kê ở Mỹ cho thấy 82% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thất bại do gặp vấn đề về dòng tiền. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không phân biệt được lợi nhuận và dòng tiền. Kế toán tổng hợp không tập trung vào dòng tiền, mà tập trung vào thu nhập ròng hoặc lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có lợi nhuận nhưng vẫn gặp vấn đề về dòng tiền. Quản trị dòng tiền là một trong những chìa khóa để thành công trong bất kỳ hoạt động kinh doanh.
Vì sao các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải hiểu rõ & sâu về Quản trị dòng tiền?
Dòng tiền và lợi nhuận không giống nhau. Về lâu dài, khi doanh nghiệp đã tạo ra lợi nhuận, lợi nhuận và dòng tiền sẽ tạo nên dòng tiền vào, nhưng sự khác biệt quan trọng là thời gian. Thời gian có thể rất quan trọng cho một doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ: khi doanh nghiệp bán hàng và cho phép khách hàng trả chậm 30 ngày, doanh nghiệp ngay lập tức được ghi nhận doanh thu cho đơn hàng này. Đó gọi là kế toán dồn tích. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa nhận được tiền. Doanh nghiệp chỉ có tiền khi khách hàng trả tiền…Như vậy, có thể thấy doanh thu không đồng nhất với dòng tiền vào. Tương tự, khi doanh nghiệp nhập hàng để bán, doanh nghiệp trả tiền hàng, tuy nhiên dòng tiền ra này không được xem là chi phí cho đến khi doanh nghiệp bán hàng. Một trường hợp khá phổ biến ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, nhưng lợi nhuận lại vượt xa số tiền mặt thực tế nhận được. Loại tình huống này làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị cạn kiệt tiền mặt.
Khi thiếu hụt tiền mặt, các doanh nghiệp lớn có thể dễ dàng huy động vốn trên thị trường tài chính, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không dễ dàng như vậy. Khó khăn trong việc tiếp cận vốn là một trong những rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và trong trường hợp này, nếu không có vốn tài trợ cho dòng tiền âm này, doanh nghiệp trên sẽ thất bại.
Vấn đề dòng tiền phát sinh trong một doanh nghiệp nhỏ và vừa vì hai lý do chính:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa không bán được hàng, không có doanh thu để trang trải các chi phí
Doanh nghiệp có doanh thu, có lợi nhuận nhưng không kiểm soát được dòng tiền. Doanh nghiệp không xây dựng được kế hoạch quản trị dòng tiền, không có các quy trình quản lý và quản lý tài chính nội bộ tốt để hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể chạy theo doanh thu và không kiểm soát được dòng tiền, gặp khó khăn trong việc thu tiền, tích trữ quá nhiều hàng tồn kho
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu tập trung vào lợi nhuận - trước hoặc sau thuế. Mặc dù dòng tiền và lợi nhuận đều quan trọng trong kinh doanh, nhưng như cha đẻ của quản trị hiện đại Peter Drucker đã nói “Nhiều chủ doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng lợi nhuận là quan trọng nhất đối với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ ở vị trí thứ hai. Dòng tiền là quan trọng nhất”. Dòng tiền là dòng máu của tất cả các doanh nghiệp. Cũng như máu trên cơ thể của bạn. Nếu bạn mất hết máu, bạn sẽ chết. Điều này cũng tương tự trong kinh doanh: không có tiền mặt và doanh nghiệp cuối cùng sẽ thất bại. Mặc dù một doanh nghiệp có thể duy trì dòng tiền âm trong một thời gian nếu có dự trữ tiền mặt dồi dào, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có, do đó dòng tiền âm thường xuyên sẽ xóa sổ một doanh nghiệp.
Và như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hiểu được dòng tiền và xây dựng, thực hiện kế hoạch quản trị dòng tiền. Nếu không xây dựng kế hoạch quản trị dòng tiền, doanh nghiệp rất khó có thể kiểm soát dòng tiền ra vào của mình và dự báo nhu cầu tiền mặt để có thể có kế hoạch tài trợ cho những thời điểm thiếu hụt dòng tiền.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lưu ý những vấn đề gì khi xây dựng kế hoạch Quản trị dòng tiền
Như đã nói ở trên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường nói rằng việc không thể kiểm soát dòng tiền là vấn đề lớn nhất của họ. Một chìa khóa quan trọng để quản trị dòng tiền hiệu quả là lập ngân sách và dự báo. Tất cả các doanh nghiệp - lớn và nhỏ - đều nên chuẩn bị một kế hoạch tài chính. Thông thường, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên lập kế hoạch ngân sách theo năm bao gồm dự đoán doanh thu và chi phí của doanh nghiệp hàng tháng. Từ nguồn này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ sở số liệu liên quan đến thu nhập và dòng tiền ra hàng tháng. Ngân sách dự đoán lợi nhuận của doanh nghiệp, trong khi dự báo dòng tiền dự đoán dòng tiền ròng. Trên cơ sở dự báo dòng tiền, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có kế hoạch gọi vốn cho các trường hợp thiếu hụt dòng tiền. Cũng giống như một cá nhân hoặc một gia đình, các doanh nghiệp cần một “chỗ dựa” về nguồn vốn. Điều này mang lại cho họ sự an toàn trong những khoảng thời gian kinh doanh không ổn định. Nó cũng cung cấp một cơ hội để tận dụng các khoản đầu tư chiến lược hoặc cắt giảm chi phí.
Khi gặp thiếu hụt tiền mặt, các doanh nghiệp thường có hai lựa chọn: hoặc huy động thêm vốn chủ sở hữu (tức là bỏ thêm tiền của mình vào), hoặc huy động vốn vay từ bên ngoài (ngân hàng, thị trường tài chính). Do hạn chế về việc tiếp cận thị trường tài chính, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường sử dụng vốn chủ sở hữu, ít sử dụng các nguồn vốn chính thức bên ngoài để tài trợ cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ có hạn, thiếu vốn khiến các doanh nghiệp không thể đầu tư mở rộng sản xuất, tăng năng suất, phát triển thị trường và tạo thêm việc làm.
Vay vốn được xem là một đòn bẩy tài chính. Bên cạnh việc cung cấp nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp, vốn vay cũng góp phần làm tăng khả năng sinh lời của doanh nghiệp, ngoài ra, chi phí lãi vay được xem là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế. Tuy vậy, theo nhiều khảo sát trên thế giới cũng như ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trả lời họ không có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Điều này có thể gợi ý rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không nhận thức được lợi ích và việc sử dụng vốn vay hợp lý. Theo tôi, cần phải thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về việc sử dụng vốn vay. Nếu sự ác cảm với các khoản vay này không được giải quyết, nó có thể là một trở ngại đáng kể cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì hầu hết các dự án mở rộng đều được tài trợ bằng vốn vay. Thông thường, lợi nhuận không đủ lớn để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng và việc chỉ dựa vào nguồn vốn nội bộ có thể kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo dõi website Gitiho để cập nhật những kiến thức mới nhất về quản trị doanh nghiệp.