Phân biệt SEO và SEM: Đâu là chỉ số bạn nên quan tâm để tối ưu traffic?

Nội dung được viết bởi Ngọc Diệp

Giống như 2 mặt trên một đồng xu, SEO và SEM có nhiều điểm chung và cả những điểm khác biệt khó nhận ra. Tuy nhiên, hiểu được sự khác biệt giữa SEO và SEM chính là mấu chốt để bạn đưa ra các quyết định chính xác nhằm đẩy mạnh traffic của mình. Cùng Gitiho tìm hiểu về 2 thuật ngữ này trong bài viết ngày hôm nay nhé.

Đăng ký khóa học HERO SEO để thành thạo kỹ năng SEO cho marketer

Tìm hiểu về SEO và SEM

SEO là gì?

SEO (Search Engine Optimization), hay còn gọi là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, là một quy trình nâng cao thứ hạng của một nội dung trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Cốc Cốc,… Mục đích của SEO là giúp người dùng dễ dàng tìm thấy và truy cập vào webstie thông qua bảng kết quả tìm kiếm.

Cụ thể hơn, bạn hãy thử tìm kiếm một từ khóa bất kỳ trên Google, giao diện trang tìm kiếm sẽ hiển thị 2 loại kết quả:

  • Kết quả tìm kiếm có trả phí (Paid results): Các kết quả tìm kiếm quảng cáo phải trả tiền để được hiển thị
  • Kết quả tìm kiếm tự nhiên (Organic results): Các kết quả tìm kiếm tự nhiên phù hợp với từ khóa tìm kiếm
seo và sem 1

Nếu bạn muốn người dùng dễ dàng nhìn thấy bài viết của mình và đem về traffic cho website, có 2 cách giúp bạn làm được điều này. Cách đầu tiên là trả tiền cho Google để quảng cáo bài viết, hoặc cách thứ hai là thực hiện các hoạt động SEO để nâng cao thứ hạng bài viết của mình trong phần kết quả tìm kiếm tự nhiên.

Dưới đây là các loại hình SEO phổ biến nhất hiện nay mà bất kỳ SEO-er nào cũng phải nắm rõ:

  • On-page SEO: Hoạt động tối ưu website thông qua các từ khóa để chạm đến khách hàng mục tiêu khi họ tìm kiếm trên Google, Bing,…
  • Off-page SEO: Hoạt động tối ưu website thông qua các backlink dẫn đến website đó
  • Technical SEO: Hoạt động tối ưu website thông qua các điều chỉnh đáp ứng nhu cầu kỹ thuật của Google, Bing,…

Xem thêm: Bài viết chuẩn SEO là gì? Hướng dẫn các bước viết bài chuẩn SEO

SEM là gì?

SEM (Search Engine Marketing), hay còn gọi là tiếp thị trên công cụ tìm kiếm, là tất cả các hoạt động giúp nâng cao thứ hạng của một nội dung trên trang tìm kiếm, bao gồm cả nội dung trả phí (PPC) và nội dung miễn phí (SEO). Như vậy, có thể hiểu rằng SEO là một nhánh nhỏ của SEM.

Trên thực tế, nhắc tới SEM, phần lớn các marketer sẽ nghĩ đến các hoạt động trả phí giúp nội dung quảng cáo hiển thị ở các vị trí top đầu của trang tìm kiếm. Do đó, chúng mình sẽ sử dụng định nghĩa này trong bài viết để dễ dàng phân biệt SEO và SEM.

Mô hình SEM phổ biến nhất hiện nay là PPC (paid per click), mô hình trả tiền quảng cáo dựa trên các lượt click chuột của người dùng. Cơ chế hoạt động của PPC chủ yếu dựa trên bidding (đấu thầu) áp dụng cho từ khóa cụ thể. Cụ thể hơn, marketer sẽ cài đặt một mức tiền họ sẵn sàng trả cho mỗi lượt click chuột vào quảng cáo của họ thông qua thao tác tìm kiếm từ khóa.

Thứ hạng hiển thị trên trang tìm kiếm thường tỷ lệ thuận với số tiền bidding của marketing. Nếu bạn là người đưa ra giá thầu cao nhất, quảng cáo của bạn sẽ hiển thị trên đầu trang kết quả.

seo và sem 2

Xem thêm: Tổng quan về Google Ads - Những điều cơ bản nhất bạn cần biết trước khi chạy quảng cáo Google

So sánh SEO và SEM

Sự giống nhau giữa SEO và SEM

Quả thực, SEO và SEM có nhiều điểm tương đồng, khiến cho nhiều người dễ đánh tráo 2 khái niệm này với nhau.

  • Mục đích: SEO và SEM đều hướng tới mục đích tăng thứ hạng của nội dung trên trang tìm kiếm, từ đó tăng traffic cho website.
  • Nguyên lý hoạt động: SEO và SEM đều hoạt động dựa vào các từ khóa tìm kiếm.
  • Yêu cầu: SEO và SEM đều yêu cầu sự thấu hiểu người dùng, sự thử nghiệm và cập nhật liên tục để tối ưu từ khóa.

Sự khác nhau giữa SEO và SEM

SEO tập trung vào nội dung tự nhiên, SEM tập trung vào nội dung có trả phí

Sự khác nhau giữa SEO và SEM có thể thấy rõ nhất là đối tượng nội dung mà chúng phục vụ. Trong khi SEO được triển khai để đẩy thứ hạng các nội dung tự nhiên (organic results) trên các trang tìm kiếm, SEM xoay quanh các nội dung trả phí (paid results). Do đó, bạn sẽ thấy SEM hiển thị ký hiệu Quảng cáo hoặc Ads ở đầu nội dung, còn các nội dung SEO thì không có.

SEO mất thời gian nhưng đem lại hiệu quả lâu dài, SEM đem lại hiệu quả tức thì nhưng ngắn hạn

Tốc độ đạt được hiệu quả cũng là một sự khác nhau giữa SEO và SEM. Sự thật là SEO cần rất nhiều thời gian để thấy được hiệu quả, nhất là khi website của bạn còn mới và chưa xây dựng được nhiều backlink.

Trên thực tế, trung bình một website mất đến 2 năm để lọt vào top 10 tìm kiếm của từ khóa Google. Thêm vào đó, phần lớn các nội dung trong trang đầu tìm kiếm đều có tuổi đời từ 3 năm trở lên. Điều này không có nghĩa nội dung của bạn phải mất đến 2 năm để có một vị trí tốt trong xếp hạng tìm kiếm của Google. Nếu bạn nhắm vào các từ khóa đuôi dài (long-tail keyword) và vận dụng đúng các kỹ thuật SEO, có thể bạn sẽ thấy được hiệu quả SEO sau vài tháng.

Ngược lại, nếu bạn tập trung nguồn lực vào hoạt động SEM, cụ thể là PPC (Paid per Click), bạn sẽ thấy được hiệu quả đem lại gần như ngay lập tức. Giả sử bạn chạy một quảng cáo vào buổi sáng, ngay đến chiều cùng ngày, quảng cáo này sẽ đem lại traffic và chuyển đổi. Đây là sự khác nhau giữa SEO và SEM mà bạn cần chú ý.

Xem thêm: Làm thế nào để tăng trưởng số lượng traffic trên website vừa không tốn chi phí vừa mang lại hiệu quả cao?

SEM tiêu tốn chi phí theo mỗi lượt click chuột vào quảng cáo, SEO thì không

Với mô hình 100% PPC được nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ áp dụng hiện nay, hoạt động SEM sẽ tiêu tốn chi phí dựa trên mỗi lượt người dùng click chuột vào quảng cáo. Bạn sẽ phải trả tiền trước cho Google, nhưng ít nhất bạn sẽ cảm thấy yên tâm khi biết rằng số tiền bỏ ra sẽ đem về hiệu quả.

seo và sem 3

Ngược lại, SEO không yêu cầu bạn phải trả tiền mỗi lần người dùng click chuột vào nội dung của bạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa hoạt động SEO miễn phí hoàn toàn. Trên thực tế, một doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra rất nhiều chi phí, thời gian và nỗ lực để đẩy nội dung organic của mình lên top 1 tìm kiếm Google, bao gồm chi phí thuê nhân sự, chi phí công cụ SEO,… Chính vì vậy, về mặt ngắn hạn, chi phí SEO thông thường sẽ nhỉnh hơn chi phí PPC.

Vấn đề lớn nhất đối với PPC là: Khi bạn ngừng tiêu tiền, traffic sẽ trở về con số 0 tròn trĩnh. Mặt khác, đây không phải một vấn đề với SEO. Một khi nội dung của bạn đã được xếp hạng trên trang tìm kiếm Google, rất có thể đây sẽ là vị trí cố định về lâu dài. Do đó, bạn sẽ không còn phải tốn quá nhiều chi phí cho việc duy trì thứ hạng website nữa.

Có thể nói, khi cân nhắc đến chi phí, SEO và SEM đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Sự khác nhau giữa SEO và SEM về chi phí cũng là lý do vì sao các doanh nghiệp thường áp dụng cả 2 hình thức này đồng thời để bổ trợ lẫn nhau.

Nên tập trung vào SEO hay SEM?

Khi nào nên tập trung vào SEO?

Ngân sách marketing hạn chế

Nếu bạn là startup hoặc một doanh nghiệp nhỏ với ngân sách marketing hạn hẹp, bạn nên tập trung vào các hoạt động SEO. Có thể bạn sẽ không thấy một kết quả rõ ràng từ sự đầu tư vào SEO ngay cả khi nhiều tháng, nhiều năm đã trôi qua, nhưng điều này vẫn có ý nghĩa hơn việc đốt tiền vào PPC và chỉ chạy quảng cáo trong vài tuần.

Nội dung của bạn dựa vào các từ khóa thông tin và có thể xếp hạng tốt

Từ khóa thông tin (Information keyword) là các từ khóa tìm kiếm thông tin, ví dụ như “SEO là gì” hoặc “Cách làm SEO”. Các từ khóa thông tin không có tính chuyển đổi cao, nhưng đổi lại volume tìm kiếm của các từ khóa này thường rất cao. Do đó, nếu bạn tự tin mình có thể sáng tạo ra các nội dung đạt thứ hạng cao dựa trên các từ khóa thông tin, hãy đặt cược vào SEO.

Bạn có chiến lược xây dựng liên kết 

Sáng tạo nội dung là trọng tâm của SEO, nhưng chỉ vậy là chưa đủ. Nếu bạn thực sự nghiêm túc với thứ hạng nội dung của mình, bạn sẽ cần một chiến lược xây dựng liên kết (link building) cho nội dung đó. Hệ thống backlink là một trong các tiêu chí giúp Google đánh giá độ tin cậy và chất lượng của một website. Do đó, bạn cần một chiến lược xây dựng các backlink từ các website bên ngoài dẫn đến nội dung của bạn để đảm bảo nội dung được xếp hạng cao như mong muốn.

Khi nào nên tập trung vào PPC?

Có nguồn ngân sách ổn định để chi trả cho quảng cáo

Một điều hay về PPC là bạn có thể cài đặt mức ngân sách cho quảng cáo. Điều này nghĩa là số tiền bạn chi tiêu sẽ không bao giờ vượt quá ngân sách đã được dự tính. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể gặp phải tình trạng lãng phí ngân sách nếu như không biết mình đang làm gì. Chính vì thế, điều nên làm là lên kế hoạch cụ thể cho việc chi tiêu quảng cáo hàng tháng, bao gồm giá thầu, từ khóa mục tiêu, nội dung quảng cáo, landing page và các yếu tố khác.

Bạn có khả năng quản lý tài khoản Adwords

Về mặt lý thuyết, PPC không có gì khó. Bạn chỉ cần trả giá bidding dựa trên từ khóa, sau đó traffic website sẽ tự tăng.

Tuy nhiên, trên thực tế, quản lý một tài khoản Adwords không phải một công việc dễ dàng. Để làm được điều này, bạn phải kiểm soát rất nhiều yếu tố, bao gồm từ khóa mục tiêu, quảng cáo, điểm chất lượng (quality score), ROI, tỷ lệ chuyển đổi,… Không chỉ dừng lại ở đó, bạn còn phải xem xét tất cả các yếu tố này để đưa ra quyết định làm thế nào để chạy ads hiệu quả nhất.

Bạn có khả năng sử dụng landing page

Một trong những điều đầu tiên bạn cần phải biết về PPC là bạn sẽ cần có landing page cho mỗi quảng cáo được chạy. Do đó, để phát huy hiệu quả PPC tối đa, bạn sẽ cần biết cách sử dụng các loại web page khác nhau và tiến hành các bài test A/B để tìm ra đâu là lựa chọn tối ưu.

Cách tối ưu traffic từ việc kết hợp SEO và SEM

Có thể thành công thực hiện SEO và SEM đồng thời không? Câu trả lời là có.

Liệu việc kết hợp SEO và SEM có đem lại hiệu quả cao hơn không? Nếu như các nội dung quảng cáo của bạn bổ trợ cho chiến lược SEO, câu trả lời là có.

Để phát huy tối đa hiệu quả của SEO và SEM, bạn sẽ cần bắt đầu với bước nghiên cứu từ khóa. Đây là bước quan trọng nhất trong SEO. Nếu bạn muốn nội dung của mình có traffic và được xếp hạng cao trên trang tìm kiếm Google, bạn sẽ phải sử dụng một bộ từ khóa cân bằng các yếu tố volume và độ khó. Bạn không nên sử dụng các từ khóa không có lượt tìm kiếm nào, nhưng đồng thời bạn cũng không nên sử dụng các từ khóa có độ khó cao làm từ khóa chính. Do đó, việc nghiên cứu và lựa chọn một bộ từ khóa cho nội dung SEO là vô cùng quan trọng.

seo và sem 4

Vậy thì việc kết hợp SEO và SEM có thể đạt được kết quả gì? Kết quả lý tưởng nhất cho sự kết hợp này là website của bạn lọt vào top organic SERPs, đồng thời cải thiện sự hiển thị (visibility) của các quảng cáo bạn đang chạy. Khi nội dung quảng cáo liên quan đến nội dung organic hoặc liên quan đến từ khóa người dùng cần tìm, khả năng họ nhấn vào quảng cáo sẽ cao hơn.

Tổng kết

Trên đây là tất cả các kiến thức tổng quan về SEO và SEM, cũng như các trường hợp bạn nên chú trọng 1 trong 2 hoạt động. Hy vọng kiến thức trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ sự khác nhau giữa SEO và SEM để tìm ra cách đẩy mạnh traffic dựa vào các hoạt động tối ưu công cụ tìm kiếm.

Để bổ sung kiến thức marketing cho bản thân, bạn hãy tham khảo thêm các bài viết khác về chủ đề này trên blog Gitiho.com nhé.

Gitiho xin cảm ơn và chúc bạn thành công!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông