Tài chính - yếu tố quyết định sức khoẻ của Doanh nghiệp!

Nội dung được viết bởi Hương Đinh

Bên cạnh nguồn lực con người thì nguồn lực tài chính đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp, bởi mấu chốt của mọi kế hoạch kinh doanh đều xuất phát điểm từ “nguồn lực tài chính”

Tài chính là yếu tố mục đích và quan tâm hàng đầu trong mỗi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tài chính đối với mỗi doanh nghiệp là máu chảy trong cơ thể và việc quản trị tài chính cũng quyết định sự sống còn của toàn bộ doanh nghiệp. Bài viết dưới đây của Gitiho cung cấp thông tin cơ bản quản trị tài chính là gì, những yếu tố cơ bản của quản trị tài chính và vai trò của quản trị tài chính đối với doanh nghiệp.

Quản trị tài chính là gì?

Tài chính doanh nghiệp là thuật ngữ dùng để mô tả các hoạt động liên quan đến hệ thống quản lý tài chính doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động này gắn liền với việc kiểm soát dòng tiền ra vào doanh nghiệp sao cho hợp lý và tạo ra được lợi nhuận. Nhân viên làm việc trong lĩnh vực này sẽ phải đọc và phân tích các bản báo cáo tài chính; về lợi nhuận hoặc lỗ của doanh nghiệp để xây dựng bảng cân đối kế toán phù hợp.

Quản lý tài chính doanh nghiệp là việc sử dụng các thông tin phản ánh chính xác tình trạng tài chính của một doanh nghiệp để phân tích điểm mạnh điểm yếu của nó và lập các kế hoạch kinh doanh.

Quản trị tài chính là quản trị nguồn vốn (bao gồm vốn tiền mặt, vốn, tài sản và các quan hệ tài chính phát sinh như: khoản phải thu - khoản phải trả), nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp.

Các nhà quản trị tài chính sẽ ra các quyết định về các loại tài sản của doanh nghiệp, tài trợ các loại tài sản đó như thế nào, doanh nghiệp sẽ quản lý các nguồn tài sản của nó ra sao. Nếu như công việc này được thực hiện một cách tối ưu, giá trị doanh nghiệp có thể đạt lớn nhất.

Thực tế cho thấy: “Một doanh nghiệp có lợi nhuận không có nghĩa là có đủ dòng tiền để duy trì công ty”. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng khi cần đến tiền mặt mới ngã ngửa ra là không thấy đâu.

Nguyên nhân là do:

Các CEO bị nhầm lẫn giữa lợi nhuận và dòng tiền: Nhiều CEO luôn nghĩ lợi nhuận đồng nghĩa với tiền mặt mình có. Nhưng thật ra, số tiền ấy chỉ trên sổ sách còn thực tế có thể đang nằm ở công nợ khách hàng chưa thanh toán, hàng hóa tồn đọng, cơ sở vật chất và nhiều khoản khác…….

CEO đang cố gắng kiếm tiền nhưng bỏ quên việc quản lý tiền: Trong doanh nghiệp có rất nhiều các hạng mục và các đầu mục chi phí. Nếu không quản lý kĩ càng, tối ưu chi phí thì cho dù kiếm được bao nhiêu tiền cũng chỉ đủ bù vào vài lần thất thoát. Để rồi khi nhận ra thì doanh nghiệp chỉ biết nao núng, nếu không có nguồn dự phòng thì mất phương hướng và phá sản chỉ là việc sớm hay muộn.

Vì sao phải quản trị tài chính doanh nghiệp?

Huy động đảm bảo đầy đủ và kịp thời vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vai trò của tài chính doanh nghiệp trước hết thể hiện ở chỗ xác định đúng đắn các nhu cầu về vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời kỳ và đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn cho hoạt động của doanh nghiệp. Do trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp thường nảy sinh các nhu cầu vốn ngắn hạn và dài hạn cho hoạt động kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp cũng như cho đầu tư phát triển.

Quản trị tài chính doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư trên cơ sở phân tích khả năng sinh lời và mức độ rủi ro của dự án từ đó góp phần chọn ra dự án đầu tư tối ưu.

Thông qua các tình hình tài chính và việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính, các nhà quản lý doanh nghiệp có thể đánh giá khái quát và kiểm soát được các mặt hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện được kịp thời những tồn tại vướng mắc trong kinh doanh, từ đó có thể đưa ra các quyết định điều chỉnh các hoạt động phù hợp với diễn biến thực tế kinh doanh.
Hiểu được vai trò quan trọng của việc quả trị tài chính trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về vai trò của hoạt động quản lý rủi ro, cân nhắc thiết lập và duy trì một hệ thống quản lý rủi ro trong doanh nghiệp của mình. Thực tế cho thấy, một khi rủi ro được dự báo trước, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng và triển khai những kế hoạch ứng phó hiệu quả và phát triển bền vững.

Những thách thức trong việc quản trị tài chính doanh nghiệp

Đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa có hệ thống quản trị tài chính hoàn chỉnh.Không phải việc đó quá khó mà bởi nhiều CEO vẫn đang chìm đắm trong luồng suy nghĩ mơ hồ, thiếu chính xác khiến doanh nghiệp sớm muộn cũng cận kề cửa tử. Điển hình như:

Công ty còn nhỏ, tài chính bé tí nên quản lý vẫn dễ dàng, chưa cần thiết phải đổ tiền bạc vào nâng cấp hệ thống tài chính. Hơn nữa, còn rất nhiều việc khác cần chi tiêu.
Không xây dựng hệ thống tài chính từ đầu khiến những lỗ hổng ngày càng tích tụ và lan rộng theo sự cồng kềnh của bộ máy.

Chỉ nhìn vào lợi nhuận để đánh giá lãi lỗ vì không hiểu được nội dung báo cáo tài chính.
Không nắm rõ tình hình tài chính doanh nghiệp, đưa ra kế hoạch vượt xa ngân sách nên bất khả thi. Bỏ tiền thuê kế toán về lo hết mọi chuyện thì sếp không cần nhúng tay vào nữa, vì rõ ràng CEO đi lên từ nghề, bản thân không am hiểu bằng họ.

Phải phân biệt rõ: Kế toán chỉ làm được sổ sách thu chi chứ không thể xử lý nội dung tài chính chuyên sâu như tiền phân bổ ở đâu, tối ưu lợi nhuận thế nào.

Tiền về chung 1 túi cả, việc gì phải nặng đầu trong khi còn rất nhiều việc cần giải quyết.

KIỂM SOÁT dòng tiền rất kém tạo ra nhiều lỗ hổng khiến doanh nghiệp thất thoát ngân sách, và phần lớn là do không tối ưu được chi phí, nên nhiều hạng mục lãng phí vẫn phải tiếp tục chi trả.
CEO cần quản trị tài chính như thế nào?

Nguyên tắc vàng để quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp. Bước đầu tiên là cần hiểu đúng và chấp nhận số vốn mà doanh nghiệp cần để vận hành.

Doanh nghiệp của bạn cần bao nhiêu hàng tồn kho? Bạn đang trả khách hàng đúng hạn hay chậm? Bao nhiêu tiền mặt đang bị đọng trong công việc dở dang? Khách hàng đang nợ bạn bao nhiêu? Thời gian bạn có từ lúc bạn phải trả nợ cho nhà cung cấp cho đến khi bạn thu được tiền của khách hàng là bao lâu? Tất cả những điều này sẽ hút hết tiền của bạn như mưa trên sa mạc vậy.

Tiếp theo, hãy đảm bảo rằng công ty có đủ tiền cho các nhu cầu vốn hoạt động của bạn. Người ta thường nói, hãy sẵn sàng lượng tiền mặt đủ cho 3 tháng hoạt động, để phòng tình huống bất ngờ. Nghe có vẻ cổ điển là vậy, nhưng bạn nên có một số tiền dự phòng dưới hình thức tiền cá nhân hay một khoản thấu chi hoặc một khoản tín dụng. Một cách khác là giảm bớt số vốn bạn rút ra, coi như là lợi nhuận giữ lại, để có thêm nguồn vốn hoạt động bổ sung.

Những điều dưới đây là gợi ý để giúp CEO biết cách quản trị tài chính:

Xây dựng CCSC - Central Control System of Company (bộ điều khiển trung tâm doanh nghiệp). CCSC là công cụ giúp hội đồng quản trị có thể giao trách nhiệm chi phí hiệu quả và hạn mức cho CEO. Từ CCSC sẽ bao gồm cả chiến lược của doanh nghiệp bao gồm chiến lược về doanh thu, về con người, sản phẩm và thị trường.

Lên kế hoạch theo từng tháng: Một cách rất dễ áp dụng là sử dụng một mẫu kế hoạch dòng tiền theo tháng để dự đoán trước xem doanh nghiệp có thể trả các khoản chi phí hàng tháng, ví dụ vào ngày 20, hay không. Với cách làm này, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy trước thời điểm nào bạn có khả năng bị thiếu tiền. Từ đó bạn có những hành động phù hợp để đảm bảo khả năng chi trả của mình, ví dụ như dời thời gian chi trả một khoản nào đó. Vấn đề được giải quyết, và cơn đau đầu của bạn cũng tan biến!

Xem xét số liệu và hệ thống của bạn: Rất tiếc phải nói rằng, đây là điểm yếu phổ biến trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bạn có lỡ quên phát hành hóa đơn cho khách hàng không? Bạn phát hành hoá đơn kịp thời hay là mỗi tháng làm một lần? Bạn áp công nợ thu được vào lúc nào? Nhiều doanh nghiệp thậm chí không nắm được tổng số tiền mà khách hàng đang nợ họ và số nợ của họ với nhà cung cấp. Lần cuối mà bạn kiểm tra chi phí từ nhà cung cấp để đảm bảo là bạn không bị tính giá quá cao hoặc bị tính tiền cho hàng hoá mà bạn không nhận được là khi nào?
Luôn tìm kiếm cách thức giảm chi phí và tăng doanh thu: Điều này quá hiển nhiên, phải không bạn? Nếu có điều gì đó khiến chi phí bị tăng hoặc cản trở việc tăng trưởng doanh thu, hãy giải quyết nó. Xem xét lại các nhà cung cấp, xem xét và loại bỏ bớt những sản phẩm hoặc dịch vụ không mang lại doanh thu tốt, đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên… Trong công ty, bạn là người biết rõ nhất có thể làm gì để giảm chi phí và tăng doanh thu.

Quản trị vốn lưu động: Nội dung của hoạt động quản trị vốn lưu động là kiểm soát các tài sản lưu động và nợ ngắn hạn (bao gồm cả nợ dài hạn đến hạn trả) nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ tiền cho các chi tiêu cho hoạt động của mình. Các câu hỏi mà nhà quản trị tài chính thường phải trả lời là: Doanh nghiệp cần phải nắm giữ bao nhiều tiền (tiền mặt và tiền gửi ngân hàng), bao nhiêu hàng dự trữ (bao gồm nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm trong kho)? Trường hợp nào thì doanh nghiệp nên bán chịu, thời hạn bán chịu nên là bao lâu và đối tượng nào sẽ được doanh nghiệp bán chịu? Doanh nghiệp nên vay ngắn hạn hay mua chịu hay thanh toán ngay?

Trên đây là những thông tin về khái niệm, chức năng, vai trò của tài chính doanh nghiệp đã được biên soạn và tổng hợp lại. Mong rằng bài viết sẽ giúp các bạn có một cái nhìn đầy đủ hơn về công tác tài chính trong doanh nghiệp

Theo dõi website Gitiho để cập nhật những kiến thức mới nhất về công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp.

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông