Tại sao Sản phẩm tốt nhưng không bán được hàng?

Nội dung được viết bởi Hương Đinh

Bạn có bao giờ thắc mắc sản phẩm của mình rất tốt so với thị trường nhưng lại không bán được như các sản phẩm cùng loại khác?

Câu chuyện “Anh rất tốt nhưng em rất tiếc” 

Anh bạn tôi cao to đẹp trai, tính tình trung thực, thẳng thắn. Nhà mặt phố, bố làm quan chức rất to. Là ông chủ tiệm vàng nổi tiếng khắp vùng Nghĩa Đô. Anh bán hàng xởi lởi và hào sảng nên bạn bè ai cũng đến mua ủng hộ.

Anh thích 1 cô người nhỏ nhắn xinh xắn, làm truyền thông. Vốn nghĩ mình có quá nhiều ưu thế, cơ hội lại nắm mười mươi. Tự chấm điểm mình trên bản đồ chiến lược. Anh lựa chọn vùng TẤN CÔNG.

Tỏ tình, tặng hoa, tặng quà, anh thích là tặng, không cần biết cô gái có thích hay không. Tất nhiên là bị từ chối. Càng bị từ chối a lại tự có suy nghĩ biện hộ rằng cô này khá, không vì vật chất mà lung lay. Đây đúng là mẫu người lý tưởng để mình lấy làm vợ.

Ngặt nỗi, càng ngày hẹn hò càng khó. Đỉnh điểm là 1 hôm anh tặng hoa cho cô gái trước mặt nhiều người. Sau đó anh chính thức bị cô gái Block.

Không chấp nhận thua cuộc, anh lại tự biện minh cho mình rằng chắc nó làm kiêu vậy cho cao giá, chứ mình tốt thế này, không lấy mình thì đúng là loại ngu. Nghĩ vậy, liền chơi 1 ván lớn.

“Thưa cô, tôi không muốn phí thì giờ nói những câu vô ích. Tôi xin hỏi cô một câu rất ngắn gọn và rõ ràng: Cô có muốn làm vợ tôi không?”. Cô gái sửng sốt, không tin ở tai mình – “Ý cô thế nào? Cô nhận lời tôi nhé? Tôi xin cô hãy suy nghĩ trong năm phút” – Edison nhắc lại lời cầu hôn cấp tốc của mình. “Năm phút cơ à? thế thì lâu quá! Vâng em nhận lời” – đỏ mặt lý nhí, Mary đáp.

Vốn học kỹ thuật, nên anh rất thích Edison. Khi đọc câu chuyện cầu hôn trên của Edison anh rất lấy làm phấn khích. Nghĩ thế làm thế. Anh bắt chước và nhắn giống hệt Edison:

“Thưa cô, tôi không muốn phí thì giờ nói những câu vô ích. Tôi xin hỏi cô một câu rất ngắn gọn và rõ ràng: Cô có muốn làm vợ tôi không?”

Cô em làm truyền thông đọc xong cũng rất sửng sốt không tin vào mắt của mình. Tất nhiên là cô từ chối!

Anh rất tốt nhưng em rất tiếc!

Câu chuyện về tình yêu nói trên cũng rất giống với câu chuyện về kinh doanh. Rất nhiều Ông chủ tôi quen luôn trăn trở với câu hỏi. Tại sao sản phẩm của tôi rất tốt mà không bán được hàng?

Chúng ta đang sống trong thời đại của cạnh tranh gay gắt, chất lượng tốt là đương nhiên, phục vụ khách hàng tốt là bắt buộc. Ai cũng phải làm tốt 2 điều đó nếu muốn tồn tại và phát triển, do vậy 1 sản phẩm có chất lượng tốt, dịch vụ tốt vẫn không đảm bảo cho chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến kinh doanh.

Sai tệp khách hàng 

Bạn đã từng nghe qua câu chuyện “bán lược cho sư thầy” chưa? Có thể bạn đã từng nghe nhưng không nhớ.

Sản phẩm của bạn cực kỳ tốt. Nhưng bạn hết post lên Facebook rồi lại chạy quảng cáo mà vẫn không bán được.

Giá sản phẩm thì không hề đắt. Mà sao toàn khách hỏi giá xong rồi im lặng?

Đã đến lúc bạn cần xem lại tập khách hàng của mình. Có thể bạn đang ra sức bán hàng cho những người hoàn toàn không có nhu cầu.

Hoặc có nhu cầu nhưng không đủ khả năng chi trả.

Vì vậy việc bạn cần làm ngay là vẽ lại chân dung khách hàng của mình. Bạn càng chần chừ ngày nào thì tiền vốn, quảng cáo…càng đội lên ngày đó.

Có thể bạn sẽ nói: “Ai có tiền thì đều là khách hàng của tôi!”. Đúng là như vậy!

Nhưng bạn có nghĩ rằng khi bán đúng cho khách hàng thì họ sẽ mua nhiều hơn và mua lại nhiều lần. Họ sẽ trở thành khách hàng thân thiết và bạn có thể bán đến suốt đời.

Ví dụ như khi giương cung vào 1 tấm bia, bạn sẽ muốn nhắm vào hồng tâm để lấy 10đ phải không nào? Nếu trượt thì trúng vòng 9đ hay 8đ cũng được.

Vì vậy vẽ chân dung khách hàng chính là định vị khách hàng có nhu cầu & khả năng chi trả cao nhất cho sản phẩm của bạn.

Nhờ đó bạn sẽ giảm được chi phí marketing & công sức bỏ ra.

Chất lượng tốt thuần về lý tính không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả kinh doanh 

1 nghiên cứu trên trang Harvard Business Review cho thấy cứ 3 trong số 5 CEO của hơn 1300 Công ty lớn nhất nước Mỹ cho biết chất lượng sản phẩm của họ được cải thiện và tốt lên. Chỉ 13% được hỏi nói rằng chất lượng sản phẩm của họ tệ đi. Trong cùng nghiên cứu đó thì có tới 49% trong số 7000 người tiêu dùng nói rằng chất lượng sản phẩm họ mua đang tệ đi!

Tại sao lại có sự đánh giá gần như ngược nhau đó?

Các ông chủ thông minh đều biết rằng tại Nhà máy Chất lượng sản phẩm được đánh giá bởi các chỉ tiêu kỹ thuật. Ra thị trường, chất lượng sản phẩm được đánh giá bởi CẢM NHẬN của khách hàng!

Vì TIÊU CHÍ để đánh giá chất lượng của người bán hàng và người mua hàng khác nhau. Khách hàng đánh giá chất lượng sản phẩm thông qua rất nhiều tiêu chí, các tiêu chí này có thể không liên quan đến sản phẩm. Đó có thể là thái độ nhân viên, hình ảnh thương hiệu,dịch vụ, giá cả, mức độ thuận tiên và nỗ lực của họ phải bỏ ra khi mua hàng, thông qua trải nghiệm của khách hàng khác phản hồi, thông qua truyền miệng…

Ngoài tiêu chuẩn KỸ THUẬT, các Ông chủ thông minh luôn bổ sung thêm tiêu chuẩn KHÁCH HÀNG để kiểm soát sản phẩm.

Bạn không chịu cập nhật các phương thức kinh doanh mới 

Hiện tại phương thức kinh doanh truyền thống đã quá bão hòa. Nhiều phương thức kinh doanh mới xuất hiện như kinh doanh online, kinh doanh ở hội chợ, kinh doanh qua truyền miệng. Khách hàng ngày càng ưa thích sự thuận tiện, tính tiện lợi nên các dịch vụ giao hàng tận nơi, dịch vụ tư vấn... đang ngày càng phát triển. Nếu bạn không thích ứng kịp thì bạn rất khó bán được hàng.

Khách hàng không thích thái độ bán hàng của bạn 

Hãy luôn luôn giữ thái độ vui vẻ và nhiệt tình. Không ai muốn bước chân vào cửa hàng và đặc biệt là mua hàng của bạn khi họ cảm thấy không thoải mái. Hãy cho khách hàng thấy họ luôn là thượng đế khi vào cửa hàng của bạn. Tạo một ấn tượng tốt trong mắt khách hàng, bạn không chỉ bán được hàng mà còn khiến họ có thể sẽ quay lại mua hàng của bạn trong những lần tiếp theo.

Theo dõi website Gitiho để cập nhật những kiến thức mới nhất về quản trị doanh nghiệp.

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông