Cách xây dựng văn hóa tôn trọng góc nhìn trong giao tiếp

Nội dung được viết bởi Thái Minh

Nhà văn Johann Wolfgang von Goethe đã từng nói: “Không có gì tầm thường trên thế giới. Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn”. 

Cuộc sống này có tốt đẹp hay xấu xa hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó. Thay đổi góc nhìn và đặt mình vào góc nhìn của người khác sẽ giúp bạn mở ra “vùng mình không biết là không biết” và khám phá nhiều cơ hội mới mà trước đó bạn không làm sao thấy được. 

Hơn nữa, việc xây dựng văn hóa tôn tôn trọng góc nhìn trong giao tiếp sẽ giúp cho các tổ chức hình thành được văn hóa sáng tạo và thúc đẩy đội ngũ nhân viên phát triển thông qua việc tìm tòi, học tập. 

Mỗi người đều có một góc nhìn khác nhau

Đứng trước một sự việc, một vấn đề hay sự cố, mỗi người lại có những suy nghĩ riêng biệt bởi góc nhìn của họ khác nhau. Điều này dựa trên sự đa dạng kinh nghiệm, kiến thức, giáo dục và môi trường mà họ đã trải qua. Góc nhìn của mỗi người phản ánh cách họ hiểu và tiếp nhận thế giới xung quanh như thế nào. 

Bạn thấy gì qua hình ảnh số 01 và số 02?

Cách xây dựng văn hóa tôn trọng góc nhìn trong giao tiếp

Một số người trả lời rằng 01 là một vật thể hình tròn, một số người khác trả lời rằng 02 là hình chữ nhật. Cả 2 câu trả lời đều đúng và ví dụ trên đại diện cho 2 góc nhìn của một ống thép màu đen. 

Cách xây dựng văn hóa tôn trọng góc nhìn trong giao tiếp

Nếu nhìn với góc nhìn trực diện từ đầu ống thép bạn sẽ thấy đây là hình tròn. Đổi góc nhìn từ phía ngang của ống thép, bạn sẽ thấy hình chữ nhật đen. Có nghĩa là cả 2 góc nhìn đều đúng nhưng nó không phải là sự thật bởi không có cái nhìn toàn diện và chính xác nhất. 

Nếu mọi người tôn trọng góc nhìn của nhau và đặt mình vào góc nhìn của người khác thì có lẽ cả 2 đều nhìn thấy được rằng đây là một ống thép hoàn chỉnh. 

Hay có câu chuyện cười thế này, một giáo viên ngoại ngữ viết lên bảng dòng chữ “A woman without her man in nothing”, yêu cầu đặt ra là học sinh hãy thêm các dấu câu để trở thành một câu có nghĩa. 

Hầu hết học sinh nam trong lớp đều viết: “A woman, without her man, is nothing”. (Một người phụ nữ, (mà) không có người đàn ông của mình, (thì) chẳng là gì cả)”. Còn các bạn học sinh nữ lại viết: “A woman: without her, man is nothing”. (Một người phụ nữ: nếu không có cô ấy, (thì) đàn ông chẳng là gì cả)”. 

Chỉ là cách thay đổi vị trí của dấu câu, mà ý nghĩa lại hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy điều này xuất phát từ đâu? Đó chính là cách nhìn nhận của mỗi người dựa trên suy nghĩ của họ.

Nếu ai cũng cho là mình đúng sẽ không tìm được tiếng nói chung

Mỗi người đều có góc nhìn của riêng mình nhưng nó chưa hẳn là sự thật bởi những gì mà con người nhìn thấy chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật mà thôi. Trong trường hợp ai cũng cho là mình đúng thì chắc chắn sẽ không thể tìm được tiếng nói chung. 

Câu chuyện 5 thầy bói mù xem voi dưới đây chính là một ví dụ điển hình. 

Cách xây dựng văn hóa tôn trọng góc nhìn trong giao tiếp

Câu chuyện kể về 5 ông thầy bói xem voi, bởi vì chưa từng được nhìn thấy con voi bao giờ nên các ông bàn nhau xem nó ra sao. 

Thầy sờ vòi thì bảo con voi sun sun như con đỉa. Thầy sờ ngà thì bảo con voi dài như cái đòn càn. Thầy sờ tai thì bảo nó bè bè như cái quạt thóc. Thầy sờ chân thì cãi con voi sừng sững như cái cột định. Còn thầy sờ đuôi lại nói con voi tua tủa như cái chổi sể cùn. 

Sau một hồi, thầy nào cũng cho rằng mình nói đúng và không ai chịu ai nên thành ra xô xát, đánh nhau toác đầu chảy máu. 

Tuy nhiên, nếu cả 5 thầy bói tôn trọng góc nhìn của nhau, cùng nhau ngồi lại phân tích thì các thầy sẽ biết được đó là 5 bộ phận trên coi voi và tưởng tượng được con voi thật sự là như thế nào. 

Trong công việc, tình yêu, mối quan hệ bạn bè cũng vậy, nếu ai cũng kiên quyết cho rằng mình đúng và không mở lòng để lắng nghe, hiểu góc nhìn của người khác thì thực sự rất khó để tìm được tiếng nói chung hoặc đạt được sự đồng thuận trong cuộc trò chuyện hoặc trong quá trình ra quyết định. 

Để tìm được tiếng nói chung, mỗi người cần đặt mình vào vị trí của người để lắng nghe. Khi tất cả có thái độ tôn trọng góc nhìn của nhau, sẽ mở ra cơ hội tìm ra điểm chung và xây dựng sự đồng thuận. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết xung đột, thúc đẩy sự hợp tác và xây dựng mối quan hệ tốt hơn.

Hầu hết chúng ta đều có con mắt sáng, nhưng mắt sáng không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể thấy được mọi thứ, mà hầu hết mọi thứ ở “vùng chúng ta không biết là không biết”. Có nghĩa là chúng ta cũng giống như những ông thầy bói mù, chỉ tốt hơn là có đôi mắt sáng. 

Nếu chúng ta biết cách tôn trọng góc nhìn của người khác, tò mò về góc nhìn của người khác, thì chúng ta sẽ tìm ra được sự thật, tìm ra được những ý tưởng có sự sáng tạo và có tính đột phá.

Nếu góc nhìn của người khác không phải là sự thật thì có cần tôn trọng không?

Tôn trọng góc nhìn của người khác là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp và quan hệ xã hội. Để làm được điều này, bạn cần phải lắng nghe và thể hiện sự coi trọng đối với quan điểm của họ. 

Tuy nhiên góc nhìn của người khác không phải lúc nào cũng đúng với sự thật bởi góc nhìn của họ nằm trong phạm vi hiểu biết của họ. 

Nếu bạn không giúp họ có cái nhìn đa chiều hơn mà phán xét họ thì kết quả bạn nhận được là họ sẽ không tham gia trao đổi, bàn luận ý kiến trong những lần tiếp theo. 

Với tình huống này, cách tốt nhất là bạn nên làm cho họ tò mò về góc nhìn của họ bằng những cách sau đây:

Lắng nghe chân thành: hãy chân thành lắng nghe ý kiến, quan điểm của họ bởi điều này có thể khuyến khích họ mở lòng và chia sẻ nhiều hơn về góc nhìn của họ. Bên cạnh đó, sự lắng nghe của bạn sẽ làm cho họ cảm thấy bạn hoàn toàn muốn xây dựng chứ không phải là phán xét. 

Đặt câu hỏi khéo léo: Hãy đặt những câu hỏi để khám phá kỹ hơn về quan điểm của họ và tại sao họ lại suy nghĩ như vậy. Hoặc bạn có thể đặt ra những câu hỏi để khơi gợi vấn đề, dần dần giúp họ mở rộng góc nhìn của mình. 

Chia sẻ thông tin bổ sung: Chia sẻ với họ những thông tin hữu ích mà họ chưa biết để từ đó họ dần tìm ra sự thật, điều mà họ vẫn nghĩ rằng nó không hề tồn tại. 

Tôn trọng góc nhìn giúp xây dựng văn hóa sáng tạo trong tổ chức

Để xây dựng một cuộc họp có nhiều ý kiến và tăng tỷ lệ tham gia của nhân viên, các tổ chức nên bắt đầu bằng việc xây dựng một văn hóa tôn trọng góc nhìn. Nếu góc nhìn của ai cũng được tôn trọng, không bị phán xét thì chắc chắn sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của mọi người. 

Các tổ chức cần đảm bảo rằng nhân viên cảm thấy thoải mái và an toàn khi thể hiện ý kiến cá nhân, một môi trường không đánh giá hoặc gạt bỏ ý kiến sẽ khuyến khích sự tự tin trong việc chia sẻ cái nhìn đa chiều. 

Khi nhân viên biết được tổ chức tôn trọng góc nhìn của họ, họ sẽ không ngừng sáng tạo và suy nghĩ, từ đó có khả năng nhiều ý tưởng ra đời để phát triển tổ chức. 

Văn hóa sáng tạo là kết quả của việc tôn trọng góc nhìn, nó khuyến khích mọi người tìm ra giải pháp mới, cải tiến cách làm cũ và điều quan trọng là không ngừng học hỏi. 

5/5 - (1 bình chọn)

5/5 - (1 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông