Có rất nhiều người điều hành doanh nghiệp luôn thắc mắc về tầm ảnh hưởng của vòng đời sản phẩm với doanh nghiệp và các chiến lược kinh doanh. Với các doanh nghiệp nói chung, quản lý tốt vòng đời của sản phẩm chính là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công.
Vậy Vòng đời sản phẩm là gì?
Vòng đời sản phẩm hay còn gọi là Product Life Cycle chính là quy trình mà bạn quản lý sản phẩm của mình, từ lúc nó được sinh ra và cho đến khi sản phẩm đó bị đào thải hay biến mất hoàn toàn khỏi thị trường kinh doanh.
Khái niệm về vòng đời sản phẩm giúp cho những nhà tiếp thị (marketing) xác định được các giai đoạn khác nhau của vòng đời sản phẩm bằng những minh chứng sống từ quá trình thay đổi doanh số - lợi nhuận.
Vòng đời của sản phẩm hay ngắn một phần còn phụ thuộc vào ngành nghề mà bạn kinh doanh, vào thị trường và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bạn.
Các giai đoạn của vòng đời sản phẩm
Giai đoạn 1: Phát triển sản phẩm mới
Đây là giai đoạn khởi đầu, khi một ý tưởng trên giấy trở thành một sản phẩm thực sự để bán. Có khá nhiều yếu tố cần lưu ý trong giai đoạn này:
Thị trường hẹp: Đây là lúc team Marketing bắt đầu xây dựng nhận thức về sản phẩm và tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Khi ở trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đều cố gắng tạo thu hút sự chú ý từ thị trường và đặc biệt là nhóm khách hàng tiềm năng. Mỗi khách hàng trong giai đoạn đều là khách hàng mới, dẫn tới doanh số sẽ thấp.
Chi phí lớn: Vì là một thị trường mới, nhu cầu chưa được tạo ra nhiều nên những chi phí liên quan tới sản phẩm, phân phối, marketing đều đội lên ở giai đoạn này.
Có rất ít hoặc thậm chí không có lợi nhuận: Bởi những yếu tố trên, doanh nghiệp buộc phải duy trì 1 giai đoạn có rất ít hoặc gần như không có lợi nhuận. Trong khi các chi phí khác vẫn phải bỏ ra, nên hầu như các nhãn hàng sẽ phải chịu lỗ ở giai đoạn này để tiếp cận thị trường.
Giai đoạn 2: Tăng trưởng (Growth Stage)
Sau khi tung ra thị trường cùng các chiến lược marketing mở rộng thương hiệu, sản phẩm sẽ được biết đến nhiều hơn. Đây chính là dấu hiệu cho thấy sản phẩm đã chuyển sang giai đoạn phát triển. Ở giai đoạn này, khách hàng đã biết tới sản phẩm và doanh nghiệp nhiều hơn. Doanh thu cũng ổn định hơn giai đoạn trước. Các chi phí doanh nghiệp bỏ ra cũng được giảm dần. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm cũng không còn cao như giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, ở giai đoạn này bắt đầu xuất hiện các đối thủ cạnh tranh. Do vậy, tuy doanh thu kiếm được tăng lên và bù vào các khoản phí giúp doanh nghiệp hòa vốn thì các thách thức trước mắt vẫn còn rất nhiều.
Đặc điểm của giai đoạn tăng trưởng:
Doanh nghiệp tăng nhanh về sản lượng bán
Mức độ cạnh tranh trên thị trường bắt đầu tăng
Doanh nghiệp đã có lãi thậm chí là lãi nhiều (có thể đạt đến điểm tối đa)
Giai đoạn 3: Maturity Stage (Trưởng thành)
Maturity là giai đoạn cho bạn biết rằng sản phẩm của mình đang có chỗ đứng nhất định, vững chắc đối với khách hàng. Tuy nhiên, cũng ở giai đoạn này, khi xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ khó khăn hơn trong việc giữ thị phần cho mình. Vì thế, bạn cần có phương án phòng thủ bằng việc giảm giá, khuyến mãi hay tiến hành cải thiện sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới tiếp theo,…
Một số dấu hiệu của giai đoạn trưởng thành như:
Chi phí đầu tư: thấp hơn so với 2 giai đoạn trước.
Giá thành của sản phẩm: giá ở giai đoạn này có thể nói là tương đối ổn định.
Doanh thu: doanh thu sản phẩm đạt mức đỉnh điểm, thu về lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp. Nhưng sau đó sẽ bị giảm mạnh, bạn cần lưu ý để có phương án triển khai tiếp theo phù hợp nhất.
Đối thủ cạnh tranh: nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường dẫn đến số lượng đối thủ tăng dần. Thế nên, bạn cần có biện pháp nâng cao vị thế cạnh tranh của mình, có thể là đa dạng tính năng sản phẩm hoặc khác biệt hóa thương hiệu,…
Chiến lược marketing: giai đoạn này sẽ tập trung nhiều hơn cho các hoạt động bán hàng trực tiếp, khuyến mãi.
Giai đoạn 4: Thoái trào
Sau một thời gian ra mắt trên thị trường, sản phẩm sẽ lỗi thời, khách hàng thay đổi thị hiếu hoặc một sản phẩm mới hấp dẫn hơn ra đời là những yếu tố chính dẫn đến sự suy thoái của sản phẩm. Giai đoạn thoái trào sẽ có những đặc điểm như:
Thị trường bị co hẹp: Nhu cầu của khách hàng suy giảm sẽ dẫn đến thị trường co hẹp lại. Doanh thu cũng vì vậy mà tụt dốc đáng kể.
Giảm giá thành: Với hy vọng vớt vát lại trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp sẽ ra quyết định giảm mạnh gía bán sản phẩm
Thu hẹp sự lựa chọn: Trong thời điểm này doanh nghiệp sẽ không còn nhiều sự lựa chọn. Họ chỉ có thể quyết định: một là rút sản phẩm khỏi thị trường để phát triển sản phẩm mới, hai là chờ đợi cho đối thủ rút khỏi thị trường.
Bí quyết kéo dài vòng đời của một sản phẩm
Để có được doanh thu cùng lợi nhuận, điều bạn nên làm là kéo dài giai đoạn phát triển và trưởng thành càng lâu càng tốt. Và tất nhiên là cũng phải đẩy lùi càng xa giai đoạn thoái trào.
Sau đây, mình sẽ chia sẻ đến bạn 5 biện pháp vô cùng hiệu quả để kéo dài vòng đời của một sản phẩm:
Quảng cáo và truyền thông
Đây là bí quyết được nhiều doanh nghiệp ứng dụng nhằm kéo dài vòng đời sản phẩm. Quảng cáo và truyền thông vừa là phương án thu hút những khách hàng tiềm năng, vừa có thể remarketing hiệu quả đối với các khách hàng cũ, thuyết phục họ quay trở lại.
Giảm giá sản phẩm
Nếu chiến lược marketing của bạn bắt đầu giảm dần hiệu quả thì việc giảm giá, khuyến mãi sản phẩm sẽ là lựa chọn tối ưu. Giảm giá để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
Thêm tính năng mới
Bổ sung thêm tính năng mới cho sản phẩm sẽ giúp bạn thu hút lại đối tượng khách hàng đã sử dụng sản phẩm của trước đó. Giống như sản phẩm của bạn đã tốt nhưng nay lại tốt hơn vậy.
Tìm kiếm thị trường mới
Nếu thị trường bạn đang kinh doanh bị bão hòa thì đây chính là lúc bạn tìm cơ hội với một thị trường mới đầy tiềm năng.
Bao bì sản phẩm mới
Việc thay bao bì mới cho sản phẩm sẽ khiến khách hàng hứng thú hơn và không cảm thấy nhàm chán. Tuy rượu cũ nhưng bình mới sẽ hỗ trợ tốt cho bạn trong việc bán hàng. Bạn chỉ cần bỏ ra một khoản ngân sách để thiết kế bao bì mới cùng việc quảng bá sản phẩm. Bạn sẽ thu về cho mình doanh thu hơn mong đợi đấy.
Theo dõi website Gitiho để cập nhật những kiến thức mới nhất về quản trị doanh nghiệp.