Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng

Nội dung được viết bởi Sabrina

Căn cứ pháp lý

- Khoản 1h Điều 9 Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng

- Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

- Khoản 1 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

- Điều 1 Thông tư 193/2015/TT-BTC sửa đổi Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

1. Doanh nghiệp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng trong các trường hợp sau: 
Trường hợp 1: Các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác

Khi nhận được các khoản thu từ các nguồn này thì doanh nghiệp có trách nhiệm lập các chứng từ thu theo quy định, còn đối với doanh nghiệp chi tiền thì phải căn cứ vào mục đích chi, từ đó lập chứng từ chi tiền tương ứng đối với các khoản chi trên.

Cũng mang bản chất tương tự đó, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng trong các trường hợp sau:

- Bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ: doanh nghiệp bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ bình thường; doanh nghiệp nhận bồi thường thì phải kê khai, khấu trừ theo quy định.

- Nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân (như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo, ...): doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

Trường hợp 2: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, cụ thể đối với các trường hợp:

- Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế);

- Quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại;

- Môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;

- Đào tạo;

- Chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 3: Chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã

Ví dụ: Doanh nghiệp P thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp. Đến tháng 3/2018, dự án đầu tư đã hoàn thành được 90% so với đề án thiết kế và giá trị đầu tư là 26 tỷ đồng. Do gặp khó khăn về tài chính, Doanh nghiệp P quyết định chuyển nhượng toàn bộ dự án đang đầu tư cho Doanh nghiệp X với giá chuyển nhượng là 28 tỷ đồng. Doanh nghiệp X nhận chuyển nhượng dự án đầu tư trên để tiếp tục sản xuất cồn công nghiệp. Doanh nghiệp P không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với giá trị dự án chuyển nhượng cho Doanh nghiệp X.

Trường hợp 4: Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại

Doanh nghiệp bán vẫn xuất hóa đơn GTGT, nhưng trên hóa đơn, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ. Trường hợp bán các sản phẩm nêu trên cho cá nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai nộp thuế với mức thuế suất là 5%.

Ví dụ: Doanh nghiệp B bán gạo cho doanh nghiệp XNK C thì Doanh nghiệp B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho doanh nghiệp XNK C. Còn nếu Doanh nghiệp B bán trực tiếp gạo cho người tiêu dùng thì kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5%

Đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Trường hợp 5: Điều chuyển tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn

Đối với tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT.

Trong trường hợp này, cở kinh doanh có tài sản cố định điều chuyển phải có Quyết định hoặc Lệnh điều chuyển tài sản kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.

Trường hợp tài sản cố định khi điều chuyển đã thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản hoặc điều chuyển cho cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì phải lập hóa đơn GTGT, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

2. Ngoài các trường hợp trên thì doanh nghiệp cũng không phải kê khai và nộp thuế trong các trường hợp sau:
- Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp: Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có Biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.

- Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp: Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.

Nếu các đơn vị hạch toán này độc lập với nhau hoặc mỗi đơn vị thành viên đều có tư cách pháp nhân đầy đủ thì phải xuất hóa đơn và kê khai, nộp thuế gía trị gia tăng theo quy định, trừ tài sản điều chuyển thuộc trường hợp 5 nêu trên.

- Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm.

- Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.

- Doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thủy; đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đại lý bán bảo hiểm.

- Doanh thu hàng hóa, dịch vụ và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT.

- Nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị phía nước ngoài trả lại: Khi doanh nghiệp bán hàng hóa bị trả lại trong nội địa thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định

- Nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước: Các khoản thù lao này được thu từ hoạt động: thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác cho Bộ Lao động và thương binh xã hội; thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan Nhà nước.

Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không tính thuế giá trị gia tăng trong các trường hợp 1, 3, 4 nêu trên được khấu trừ toàn bộ.

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---------------------------

BIÊN BẢN THOẢ THUẬN GÓP VỐN KINH DOANH

Hôm nay, vào lúc ........ giờ, ngày ........ tại ........

Chúng tôi gồm những Ông, Bà có tên sau:

Ông/Bà: ...

Giới tính: .......

Quốc tịch: .......

Sinh ngày: .......

CMND/CCCD/Hộ chiếu số: .......

Ngày cấp: .......

Nơi cấp: .......

Hộ khẩu thường trú: .......

Ông/Bà: ...

Giới tính: .......

Quốc tịch: .......

Sinh ngày: .......

CMND/CCCD/Hộ chiếu số: .......

Ngày cấp: .......

Nơi cấp: .......

Hộ khẩu thường trú: .......

Đã tiến hành họp về việc góp vốn cùng kinh doanh, với những nội dung cụ thể như sau:

1. Mục đích góp vốn: ........

2. Số vốn góp, loại tài sản góp vốn của từng thành viên: ........

3. Thời hạn góp vốn: ........

4. Cử người quản lý phần vốn góp: ........

5. Cam kết của các bên: ........

6. Nguyên tắc chia lợi nhuận: ........

Các bên đã nhất trí thông qua biên bản với nội dung trên và cùng ký tên dưới đây:

ÔNG (BÀ)

(Ký, họ và tên)

ÔNG (BÀ)

(Ký, họ và tên)

ÔNG (BÀ)

(Ký, họ và tên)

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

-----------------

Số: .................

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------- ***** --------

 

BIÊN BẢN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN GÓP VỐN

Tại thời điểm .................

 

- Căn cứ Luật doanh nghiệp 2020

- Xét nhu cầu của các bên.

 Hôm nay, ngày ................. tại ................. đã tiến hành việc định giá tài sản.

Thành phần tham gia định giá gồm các ông, bà có tên dưới đây:

.................

Đã tiến hành định giá tài sản để phục vụ cho mục đích sử dụng các tài sản dưới đây góp vốn vào việc thành lập và hoạt động của [tdn] theo (cam kết góp vốn tại Điều lệ của Công ty và) các quy định của pháp luật hiện hành như sau:

1. Tài sản định giá:

STT

Tài sản

Mô tả

Số lượng

Giá

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

Tổng cộng

 

2. Nguyên tắc định giá:

Việc đánh giá được tiến hành trên cơ sở các nguyên tắc sau đây:

- Nguyên tắc đồng thuận.

- Nguyên tắc định giá tài sản theo giá thị trường của tài sản.

3. Nội dung việc định giá: .................

4. Kết thúc định giá: .................

5. Cam kết của các bên tham gia định giá:

- Các bên tham gia định giá hoàn toàn trung thực, độc lập trong việc xác định giá trị tài sản. Chúng tôi sẽ liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản vốn góp cao hơn thực tế.

- Các bên sử dụng tài sản trên để góp vốn vào doanh nghiệp cam kết và bảo đảm rằng việc góp vốn vào doanh nghiệp bằng các tài sản hoàn toàn hợp pháp. Các tài sản trên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên/các bên góp vốn hoặc bên/các bên góp vốn có toàn bộ thẩm quyền định đoạt việc đưa tài sản vào góp vốn theo quy định pháo luật.

 Cuộc họp kết thúc lúc ................. giờ cùng ngày, nội dung thảo luận tại cuộc họp đã được các bên dự họp thông qua và cùng ký vào biên bản.

 

Chữ ký của các thành viên

(Ghi rõ họ tên và chức vụ của các thành viên)

 

 

Có một khóa học có thể giúp kế toán mới:

  • Hiểu về hệ thống kế toán, quy định kế toán, từ xây dựng sổ sách đến lập báo cáo thuế và tài chính.
  • Thiết lập và thực hiện các giao dịch kế toán, từ Nhật ký chung đến bảng lương theo quy định mới, và bút toán kết chuyển.
  • Thành thạo việc lên sổ kế toán, xử lý dữ liệu, và tạo tờ khai thuế, cũng như các kỹ năng làm việc trên phần mềm MISA và thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Hãy bấm Đăng ký Học thử ngay bên dưới để trải nghiệm công việc của một Kế toán tổng hợp nha!

/5 - ( bình chọn)

/5 - ( bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông