Các vấn đề cơ bản về thuế doanh nghiệp mới thành lập

Nội dung được viết bởi Sabrina

Nếu bạn mới thành lập doanh nghiệp, một trong những vấn đề cần lưu tâm đầu tiên là thuế doanh nghiệp. Vậy có những lưu ý nào dành cho bạn trong thời điểm này? Ai sẽ là người phụ trách kê khai thuế doanh nghiệp? Cùng Gitiho tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.

Các vấn đề cơ bản về thuế doanh nghiệp mới thành lập

Hồ sơ khai thuế doanh nghiệp ban đầu

Hiện nay, các thông tin đăng ký thuế doanh nghiệp ban đầu, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp trong tờ khai đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư; chứ không phải thực hiện đăng ký thuế ban đầu với cơ quan quản lý thuế trực tiếp (Chi cục thuế quận / huyện nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động) nữa.

Tuy nhiên, sau khi đã nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phải liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp để nộp một số giấy tờ khai thuế doanh nghiệp ban đầu.

Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh; hoặc trong thời hạn 30 ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trong trường hợp doanh nghiệp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông thường, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ phải lập một bộ hồ sơ khai thuế doanh nghiệp lần đầu để gửi lên cơ quan thuế bao gồm giấy tờ sau:

  1. Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  2. Quyết định bổ nhiệm Giám đốc (Tổng giám đốc);
  3. Quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng, người phụ trách kế toán;
  4. Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật, của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán;
  5. Công văn đăng ký hình thức kế toán, chế độ kế toán và sử dụng hóa đơn;
  6. Văn bản đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (nếu có tài sản cố định);
  7. Giấy ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

Sau khi nhận hồ sơ đăng ký khai thuế doanh nghiệp ban đầu và trước khi ra thông báo chấp thuận cho doanh nghiệp áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, cơ quan quản lý thuế trực tiếp sẽ cử người đến kiểm tra thực tế tại trụ sở doanh nghiệp để xác định doanh nghiệp có hoạt động tại trụ sở hay không, có mua sắm tài sản cố định, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê, mượn địa điểm kinh doanh hay không (kiểm tra điều kiện để được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế doanh nghiệp).

Lưu ý: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng thì doanh nghiệp phải thực hiện thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư; không cần thông báo với cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

thuế doanh nghiệp 1

Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán

Quy định chung về Kế toán trưởng

Tùy thuộc vào quy mô hoạt động, yêu cầu quản lý mà doanh nghiệp tổ chức bộ máy làm kế toán của mình; đó có thể là Phòng/Ban Kế toán, thuê dịch vụ làm kế toán,….

Tuy nhiên, dù tổ chức theo hình thức nào, bao nhiêu người làm kế toán đi nữa; thì, doanh nghiệp nhất định phải có Kế toán trưởng, trừ trường hợp là doanh nghiệp siêu nhỏ. Tức là doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.

Giải thích thêm, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có dưới 10 người lao động, tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng (đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng) và không quá 10 tỷ đồng (đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ).

Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của doanh nghiệp, có nhiệm vụ:

  • Tổ chức thực hiện công tác kế toán trong doanh nghiệp;
  • Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;
  • Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015;
  • Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán;
  • Tuy Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật, nhưng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

Nếu chưa thể bổ nhiệm được ngay Kế toán trưởng thì doanh nghiệp phải bố trí Người phụ trách kế toán thay kế toán trưởng (sau đây gọi tắt là Người phụ trách kế toán) hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng.

Thời gian bố trí Người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau đó doanh nghiệp phải bố trí người làm Kế toán trưởng.

Điều kiện để trở thành Kế toán trưởng

Kế toán trưởng và Người phụ trách kế toán phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

  • Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
  • Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên. Trường hợp doanh nghiệp có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng thì Kế toán trưởng và Người phụ trách kế toán chỉ cần có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên;
  • Có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
  • Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên; và, ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.

Đồng thời, Kế toán trưởng và Người phụ trách kế toán không được là những đối tượng sau đây:

  • Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  • Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng doanh nghiệp, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ.
  • Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng doanh nghiệp, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Xem thêm: 6 tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành kế toán trưởng hay phụ trách kế toán

Tổng kết

Trên đây là một số lưu ý về thuế doanh nghiệp dành cho các doanh nghiệp mới thành lập. Hy vọng kiến thức trong bài viết đã giúp bạn nắm được các điều luật xoay quanh thuế doanh nghiệp và vai trò của một người kế toán trưởng đảm nhiệm việc làm hồ sơ kê khai thuế ban đầu, từ đó đưa ra các quyết định cho doanh nghiệp của mình trong tương lai.

Gitiho xin cảm ơn và chúc bạn thành công!

Người mới làm hành chính nhân sự, người trái ngành chuyển sang đang cần bổ sung:

  • Kỹ năng hành chính để làm việc liên quan đến giấy tờ, công văn, tài sản,…
  • Kỹ năng nhân sự để biết cách chấm công, tính thuế, bảo hiểm,… 

Bạn hoàn toàn có thể tham khảo khóa học dưới đây của Gitiho với đầy đủ nghiệp vụ của một Hành chính Nhân sự thực thụ!

/5 - ( bình chọn)

/5 - ( bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông