Thiết kế bài giảng theo cấu trúc Ropes - Cách cấu trúc hóa bài giảng tiêu chuẩn toàn cầu

Nội dung được viết bởi Thái Minh

Thiết kế bài giảng theo cấu trúc Ropes là tiêu chuẩn đã được ATD (Hiệp hội phát triển nhân tài toàn cầu) sử dụng để cấu trúc hóa các bài giảng trong các chương trình đào tạo toàn cầu. Mục đích chính là nâng cao kết quả học tập của người học thông qua cách trình bày nội dung hợp lý. 

Vậy Ropes gồm những gì và cách ứng dụng như thế nào? Cùng Gitiho tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

Cấu trúc Ropes là gì?

Ropes là cụm từ được viết tắt bởi: 

1. REVIEW & RELATE: Ôn tập và liên kết

Chúng ta sẽ không đi thẳng vào chủ đề chính của bài học mà trước hết cần ôn tập lại kiến thức của buổi trước (nếu buổi đào tạo đó diễn ra nhiều buổi). Hoặc ở buổi đầu tiên, giảng viên cần có những câu hỏi hay bài test để biết được mức độ kiến thức của người học như thế nào. Mục đích là để liên kết kiến thức của họ với chủ đề mà giảng viên sẽ giới thiệu trong khóa học

Ví dụ như mức độ hiểu biết về chủ đề của nhân viên chỉ ở mức 1, tức là biết nhưng biết qua qua thì bài giảng sẽ không thể đề cập đến những kiến thức chuyên sâu được mà trước hết phải giúp người học hiểu được khái niệm căn bản trước đã. 

Bên cạnh đó, thông qua việc gợi nhắc chủ đề sẽ kích thích sự tò mò của người học, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ rằng liệu chủ đề hôm nay có liên quan gì đến những gì mà họ đã biết. 

Trong trường hợp, giảng viên đi thẳng vào bài học mà không quan tâm đến sự hiểu biết của nhân viên với chủ đề đó thì sẽ dẫn đến việc họ khó hiểu bài mà bản thân giảng viên cũng sẽ mất nhiều thời gian để giải thích. 

Đây cũng là lý do mà khi chúng ta đi học, thầy cô giáo thường những câu như: “Có bao nhiêu bạn biết đến câu chuyện niêu cơm của Khổng Tử”, “Những ai đã đọc Tam quốc diễn nghĩa dơ tay” hay “Những ai đã xem bộ phim Trò đời dơ tay”... 

Vậy ở bước này, giảng viên hoặc người thiết kế chương trình đào tạo cần thực hiện một số hành động cụ thể như: 

Thu hút sự chú ý bằng cách đặt câu hỏi tò mò…

Làm bài kiểm tra ôn lại kiến thức buổi trước

Hỏi, khảo sát về mức độ hiểu biết của người học về những kiến thức liên quan đến chủ đề

2. OVERVIEW: Tổng quan

Sau khi ôn tập và liên kết kiến thức của người học với nội dung chính trong buổi đào tạo thì ở bước này giảng viên sẽ trình bày cho người học biết về các nội dung chính của bài, mục tiêu học tập, kết quả nhận được sau khóa học/bài giảng là gì? Đặc biệt là giảng viên cần nhấn mạnh lợi ích và tầm quan trọng của kiến thức, nó giúp người học gặt hái được gì, ứng dụng như thế nào trong công việc. Như vậy, người học mới có động lực trước khi vào chủ đề chính. 

Qua việc giới thiệu, người học sẽ nắm được bức tranh tổng quan thật rõ ràng mà không bị mơ hồ. Như vậy việc truyền đạt những ý trong khóa học mới trở nên dễ dàng và thuận tiện. 

Một số hoạt động mà bạn có thể triển khai ở phần này như: 

Trình bày rõ ràng mục tiêu học tập và kết quả đầu ra

Trình bày những hoạt động sẽ diễn ra trong khóa học

Giải thích một cách ngắn gọn, hấp dẫn tại sao chủ đề này lại quan trọng và hữu ích với học viên

3. PRESENTATION: Trình bày

Ở bước này, giảng viên sẽ dẫn dắt để trình bày nội dung mà mình đã chuẩn bị đến người học bao gồm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm… mà người học cần trang bị để đạt được mục tiêu của chương trình đào tạo. 

Đây là phần khá quan trọng và yêu cầu giảng viên hay Learning Designer không chỉ có kiến thức mà phải có kỹ năng giảng dạy, thiết kế slide, tăng tương tác hay trải nghiệm học tập. Nếu mọi yếu tố trình bày đều đảm bảo, nó sẽ được đo lường bằng việc học viên hiểu bài, hứng thú với khóa học và thường xuyên có sự tương tác... 

Đây là bước cần giảng viên triển khai nhiều hoạt động như: 

Trình bày nội dung

Giúp người học học tập tốt hơn

Sử dụng hình ảnh hoặc video trực quan, sinh động, có sự liên kết với bài học

Đưa ra các ví dụ cụ thể

Phân chia nhóm để thảo luận, làm bài tập

Tự nghiên cứu, đọc tài liệu

4. EXERCISE: Thực hành

“Học phải đi đôi với hành”, vì vậy sau khi học lý thuyết, giảng viên cần đưa người học vào các bài tập hoặc tình huống thực hành từ cơ bản đến nâng cao. Đặc biệt là ở những buổi đầu tạo về kỹ năng như tin học văn phòng, phân tích dữ liệu, thiết kế, kỹ năng mềm… 

Ở bước này, giảng viên có thể triển khai một số hoạt động như: 

Tạo ra các bài tập như bài tập tình huống, đưa ra yêu cầu để giảng viên thực hiện, game based on learning…. 

Tạo cơ hội để người học biết cách áp dụng kiến thức đã học vào công việc của mình… 

Tạo ra các dự án để người học thực hiện

5. SUMMARY: Tổng kết

Đầu tiên là đưa ra bức tranh tổng quan, sau đó là phân tích từng mảnh ghép trong bức tranh đó và cuối cùng là tổng kết lại. Đây cũng chính là cách tóm lược lại nội dung đã diễn ra trong suốt khóa học, nhắc nhở lại kiến thức một lần nữa, đâu là nội dung quan trọng cần ghi nhớ, đâu là từ khóa quan trọng… 

Cùng với đó hãy đặt câu hỏi nhằm ôn tập lại kiến thức để một lần nữa xác nhận rằng người học có nhớ những thông tin cơ bản và hiểu bài không. 

Ví dụ như: “Bạn nào có thể nhắc lại hôm nay chúng ta đã học những gì không?”, “Với chủ đề đào tạo hôm nay thì em ấn tượng với nội dung nào nhất?”, “Trong 7 hình thức học tập trực tuyến thì em nghĩ doanh nghiệp của mình sẽ phù hợp với hình thức nào và vì sao?”... 

Giảng viên có thể triển khai một số hoạt động ở phần này như: 

Ôn tập lại chủ đề

Tổng kết những ý quan trọng và nêu ví dụ

Đặt câu hỏi (đối với hình thức học trực tiếp)

Thực hiện các bài kiểm tra kết hợp với các yếu tố giải trí

Có thể giới thiệu về chủ đề tiếp theo

Cấu trúc Ropes có thể là cái tên mới với nhiều người nhưng thực chất, khi phân tích ra thì những bước ở trên đều đã khá quen thuộc với những người làm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Có điều là, thông tin được cụ thể và sắp xếp khoa học, hệ thống hơn. 

Việc sắp xếp theo các bước như ôn tập, tổng quan, trình bày, thực hành và tổng kết giúp cho giảng viên, người thiết kế nội dung học tập tập trung vào mục tiêu đào tạo và tạo ra một trải nghiệm học tập có tổ chức. 

Ví dụ áp dụng cấu trúc Ropes thiết kế khóa học

Để hiểu hơn về cấu trúc Ropes, hãy cùng Gitiho phân tích yêu cầu dưới đây. Ví dụ như bạn phải tổ chức đào tạo nhân viên với chủ đề Kỹ năng quản lý thời gian, vậy bạn sẽ xây dựng chương trình đào tạo theo cấu trúc Ropes như thế nào?

Tên khóa học: Chiến lược quản lý thời gian - Chu toàn một việc

1. Review & Related - Ôn tập & Liên kết 

Thu hút sự chú ý bằng cách nêu ra vài ví dụ về cách quản lý thời gian kém hiệu quả của số đông. 

Hỏi xem có bạn nào có cách quản lý thời gian của riêng mình không? 

Giải thích tại sao không phải là “chu toàn mọi việc” mà lại là “chu toàn một việc” 

Ví dụ: 

Với thời gian của bạn đang có thì công việc, cuộc sống, dự án đang làm hằng ngày bạn có thấy bị thiếu thời gian hay thừa thời gian hay không? Hay mọi người có rơi vào trạng thái là không biết nên làm gì không? 

Nếu chúng ta biết cách quản lý thời gian tốt, chúng ta sẽ tránh được những tình huống như vậy, mọi thứ sẽ trở nên hiệu suất và hiệu quả hơn rất nhiều. 

Có một câu đố mà mình muốn hỏi mọi người, câu này rất là dễ nhưng mỗi người nên tự trả lời và nghĩ càng sâu càng tốt đó là: Thứ gì mà ai cũng có?. 

Đó chính là thời gian 24 tiếng, người giàu cũng có mà người nghèo cũng có, người già cũng có mà người trẻ cũng có, Obama cũng có, Phạm Nhật Vượng cũng có và cả chúng ta cũng có. Vậy điều gì tạo ra lợi thế cạnh tranh của mỗi người, đó chính cách sử dụng thời gian như thế nào. 

=> Sau đó dẫn dắt đi vào bài giảng.

2. Overview - Tổng quan 

Gợi ý cách trình bày: 

Khóa học gồm có 11 phương pháp quản lý thời gian, nhưng mà tôi chỉ cần các bạn áp dụng 5 phương pháp chính thôi. Mọi kinh nghiệm hay bí quyết mà tôi gửi đến các bạn là những kiến thức tôi học được trong khóa “ABC” mà tôi mất hơn 300 triệu đồng để tham gia bởi một người thầy cực kỳ giỏi. 

11 phương pháp bao gồm:

  • Làm việc có mục tiêu
  • Nguyên lý 80.20
  • Búp bê Nga
  • Cắt bánh chưng
  • Nguyên tắc 90.10
  • Tập nói không
  • Tập trung cao độ
  • Không là người cầu toàn
  • Đối mặt với nghịch lý thời gian
  • Ăn thịt ếch
  • Cuộc sống tươi đẹp

3. Presentation - Trình bày 

Lúc này giảng viên sẽ trình bày từng nội dung, ví dự như: 

Phần nội dung “Ăn thịt ếch”:

Đây là nội dung mà mình rất tâm đắc trong buổi chia sẻ ngày hôm nay mà sau khi kết thúc khóa học, nhiều năm sau thì mọi người vẫn nhắc lại. Đó chính là làm thế nào để ăn thịt  ếch. Ai mà chưa biết đến câu chuyện này thì hãy thử hình dung xem tôi có một con ếch sống và tôi yêu cầu bạn ăn thì bạn ăn con ếch sống này như thế nào, mọi người có ăn được không? Mọi người sẽ nói rằng không ăn được nhưng mình có cách giúp mọi người. Chúng ta không thể ăn được 1 con ếch nhưng nếu chia nhỏ từng phần ra thì sao? Chia thành 10 phần, 1000 phần, 10000 thì sao. Chắc chắn rồi, cách này ai cũng làm được đúng không ạ? 

Tức là nếu bạn đối diện với những việc khó, nhiều việc thì cách tốt nhất là chia nhỏ nó ra và thực hiện từng việc một. 

4. Exercise - Thực hành 

Hãy đưa ra một tình huống cụ thể và yêu cầu người học áp dụng những chiến lược quản lý thời gian ở trên để giải quyết công việc sao cho hợp lý và hiệu quả. 

Ví dụ như:

Tình huống 1: Thời điểm cuối năm tài chính thường là thời điểm bận rộn nhất của người làm kế toán vì họ phải xử lý rất nhiều công việc và hoàn thiện các báo cáo, giấy tờ, sổ sách. Trong một ngày chị kế toán sẽ phải làm những việc như:

  • Đối chiếu công nợ và liệt kê những công nợ khó đòi. Một số công nợ có sự chênh lệch và yêu cầu phải tìm ra nguyên nhân là do đâu, do người mua hay do người bán hạch toán thiếu. 
  • Thứ 2, kế toán phải kiểm kê tài sản trong công ty trong ngày hôm nay. 
  • Thứ 3, kế toán phải kiểm kê lại một cách chi tiết và trích trước những khoản chi phí đã phát sinh nhưng chưa đủ chứng từ, chi phí lãi vay dự trả

Không những thế, trong quá trình làm việc chị lại nhận được số điện thoại từ cô giáo là con chị bị ốm, phải đến đón cháu về nhà. 

Vậy chị sẽ phải quản lý thời gian như thế nào để có thể giải quyết hiệu quả công việc và gia đình? Thử áp dụng các chiến lược trên nhé!

Tình huống 2: Anh Thành là CEO của công ty có quy mô 50 nhân sự. Các phòng ban công ty anh đều rất đầy đủ, tuy nhiên chỉ có bộ phận marketing là đang trong quá trình tuyển dụng. Do vậy, có thể anh Thành sẽ phải thực hiện một số công việc liên quan đến marketing trong 1 tuần. Trước đó, trong suy nghĩ của anh công việc nhiều vô số kể và khiến anh cực kỳ chóng mặt, lo lắng. 

Anh đã liệt kê một số công việc cần anh giải quyết như: 

  • Hoàn thiện kế hoạch phát triển sản phẩm mới mảng đồ gia dụng cho năm 2024 (hiện tiến độ đang là 60%)
  • Cân đối ngân sách để đưa ra kế hoạch thưởng tết cho cán bộ nhân viên. 
  • Vận hành quảng cáo để đảm bảo số lượng lead là 100/ngày. 
  • Tham gia với tư cách là khách mời của Workshop “Cách giữ chân nhân sự thời 4.0” do công ty đối tác tổ chức. 
  • Họp phòng ban Kinh doanh để đưa ra phương án triển khai dự án mới sớm nhất. 
  • Làm việc với báo chí để lên nội dung cho số phát sóng mới nhất nói về “Cách công ty đã vượt qua một năm 2024 suy thoái và khủng hoảng như thế nào”.

Vậy nếu áp dụng những chiến lược trên thì bạn sẽ giúp CEO như thế nào để đảm bảo công việc và vẫn hoàn thành đúng deadline?

5. Summary - Tổng kết

Ở bước này giảng viên có thể đánh giá, nhắc lại những ý chính về việc quản lý thời gian đã được trình bày ở trên. Cùng với đó, hãy thực hiện một bài kiểm tra hoặc đố vui để xem người học đã thật sự hiểu bài và biết cách áp dụng vào công việc của mình hay chưa. 

Ví dụ một số câu hỏi như:

Câu hỏi 1: Búp bê Nga trong quản lý thời gian có ý nghĩa gì? 

  1. Việc phân biệt các công việc theo độ khó
  2. Làm những việc quan trọng đầu tiên 
  3. Chia việc ra thành nhiều cấp độ quan trọng khác nhau
  4. Gia tăng sự tương tác trong công việc

Câu hỏi 2. Phương pháp “Ăn thịt ếch” trong quản lý thời gian có nghĩa là gì?

  1. Ăn ếch sống để thể hiện sức mạnh
  2. Chia nhỏ công việc khó thành những phần nhỏ để làm
  3. Quản lý thời gian bằng cách dùng phương pháp ăn uống
  4. Chỉ là một biểu tượng, không liên quan đến công việc

Xem thêm: 5 xu hướng học tập trực tuyến năm 2024 mà người làm Learning Design cần biết

Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về cấu trúc thiết kế bài giảng ROPES, dựa vào đây bạn có thể linh hoạt áp dụng vào các chương trình đào tạo của mình một cách chặt chẽ, logic và thuyết phục. Đừng quên theo dõi Blog của chúng tôi để cập nhật thêm kiến thức về Learning Design nhé!

Bài viết có sự tham khảo của chuyên gia trong lĩnh vực Learning Design Đỗ Thành Công

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông