Ứng dụng 4 cấp độ lắng nghe của Otto Scharmer trong trải nghiệm học tập như thế nào?

Nội dung được viết bởi Thái Minh

Kỹ năng lắng nghe chiếm 53% thời gian giao tiếp và là kỹ năng quan trọng thể hiện sự thấu hiểu, đón nhận những quan điểm mới, cùng nhau chia sẻ những giá trị thông tin liên quan đến công việc hay một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thật sự biết lắng nghe, họ luôn cho rằng mình đã biết mà bỏ qua những thông tin chiều sâu. 

Đặc biệt đối với người làm đào tạo, chúng ta cần mở lòng mình để đón nhận những ý kiến, thông tin của người khác thì lúc đó ta mới lắng nghe được trọn vẹn. Đây cũng là lúc những chương trình đào tạo, trải nghiệm học tập cải thiện và phát triển sáng tạo, tốt đẹp hơn. 

4 cấp độ lắng nghe dưới đây sẽ giúp người làm LnD, Learning Design hiểu hơn về người học, từ đó thiết kế những giải pháp học tập hiệu quả, lôi cuốn. Cùng theo dõi nhé!

Hiểu về 4 cấp độ lắng nghe của Otto Scharmer 

Otto Scharmer là một giảng viên cấp cao tại MIT và Chủ tịch sáng lập của Viện Presencing, ông đã dành 20 năm để giúp các nhà lãnh đạo tiếp nhận quá trình biến đổi hệ thống thông qua các ngành. 

4 cấp độ lắng nghe được ông đề xuất trong lý thuyết U của mình. Đây được biết đến là một phương pháp mô tả cách mà cá nhân hay tổ chức có thể thay đổi cách họ nhìn nhận, tương tác với thế giới để đạt được sự thay đổi bền vững. 

Bên cạnh đó, lý thuyết U tập trung vào việc phát triển khả năng lắng nghe một cách sâu sắc và trọn vẹn, đồng thời nắm bắt những cơ hội và tiềm năng trong quá trình học tập và tạo ra sự thay đổi. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về 4 cấp độ lắng nghe: 

Cấp độ 1 - Downloading

Ở cấp độ 1, chúng ta có sự lắng nghe nhưng là lắng nghe nửa vời, vẫn tự hạn chế bản thân với những suy nghĩ, kiến thức trong quá khứ. Dù có nghe nhưng chúng ta chỉ để khẳng định “cái này tôi biết rồi”. 

Tức là chúng ta không chịu mở lòng mình để xem quan điểm ý kiến của người khác như thế nào mà tự bó hẹp suy nghĩ của mình dựa trên kiến thức đã có. 

Ví dụ như bạn nhân viên A tham gia buổi đào tạo nhưng bạn ấy lại lắng nghe và tiếp cận với tư cách “à, cái này mình biết rồi nên mình không cần chú ý nữa”. 

Cấp độ 2 - Factual

Chúng ta đã quyết định mở lòng để đón nhận kiến thức mới từ người khác bằng cách chấp nhận rằng kiến thức mà mình có đã không phù hợp hoặc chưa được cập nhật. Nếu cấp độ 1 chúng ta sẽ lập tức đánh giá hay đối chiếu với kiến thức trước đó thì ở cấp độ này chúng ta tập trung vào việc thu thập thông tin, học hỏi từ người khác

Ở cấp độ 2, bạn sẽ mở lòng mình và hiểu rằng có những thông tin mà bạn biết nhưng biết qua qua. Bạn cần tập trung lắng nghe thông tin và học hỏi từ giảng viên. 

Cấp độ 3 - Empathic Listening

Ở cấp độ 3, chúng ta sẵn sàng đi vào bối cảnh, vào thế giới của người khác để cảm nhận và học hỏi, tiếp thu với thái độ tích cực. Không những thế, chúng ta còn đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu cảm xúc, thấu hiểu góc nhìn.

Ở cấp độ này, bạn tự mình đặt ra những câu hỏi như tại sao lại như thế này nhỉ?, tại sao anh ấy lại lựa chọn như vậy chẳng hạn. Sau đó bạn không ngần ngại mà xem xét, phân tích bối cảnh và đi tìm câu trả lời. 

Cấp độ cao nhất - Generative Listening

Đây là cấp độ lắng nghe cao nhất, ở cấp độ này không chỉ là việc đón nhận thông tin mà chúng ta còn mở rộng tầm nhìn của mình, khám phá những tiềm năng và ý tưởng lớn để tạo nên những kết quả ấn tượng

Ở cấp độ cao nhất, nhờ có sự lắng nghe tích cực mà bạn đã hiểu bài giảng và những gì mà giảng viên đề cập. Không những thế bạn còn những ý tưởng mới mẻ để đề xuất với giảng viên. 

4 cấp độ lắng nghe của Otto Scharmer
4 cấp độ lắng nghe của Otto Scharmer

Cách ứng dụng 4 cấp độ lắng nghe của Otto Scharmer trong trải nghiệm học tập

Để hiểu về cách ứng dụng 4 cấp độ lắng nghe một cách hiệu quả, có thể thông qua ví dụ sau:

Tỷ lệ hoàn thành khóa học của nhân sự thấp và không đạt như kỳ vọng. Qua khảo sát nhiều nhân sự nói rằng: “Phần đầu khóa học rất hay, rất cuốn nhưng họ chưa có đủ thời gian để hoàn thành”. 

Cấp độ 1 - Downloading: Nghe chỉ khẳng định là kiến thức này mình đã biết

Ở cấp độ này, người làm Learning Design có xu hướng đưa ra kết luận đó là “Có thể do nhân sự lười học trong khi khóa học chỉ có 2 tiếng mà deadline hoàn thành là 3 ngày”. 

Cấp độ 2 - Factual: Có sự mở lòng đón nhận thông tin, kiến thức mới

Để hiểu rõ vấn đề mà người học đang gặp phải thì Learning Designer cần đặt thêm những câu hỏi cho nhiều người nữa để tìm ra nguyên nhân thật sự là gì. Có thể hỏi như: “Bạn thấy việc trình bày thông tin, kiến thức trong khóa học thế nào?”, “Tại sao phần đầu của khóa học cuốn hút như vậy mà bạn lại không tiếp tục?” hay “Bạn nghĩ thời gian lý tưởng để học các khóa đào tạo là thời gian nào?”.

Lúc này chúng ta sẽ tập trung lắng nghe câu trả lời của người học một cách nghiêm túc vì chúng ta thật sự tò mò nguyên nhân khác là gì?

Ví dụ như lúc này chúng ta sẽ nhận được một số câu trả lời như: 

Mình thấy hình ảnh, biểu đồ trong khóa học rất sinh động nhưng phần voice lại không được tốt khiến mình không hiểu ý. 

Phần đầu khóa học rất cuốn hút nhưng mà đến phần trọng tâm chính thì mình lại thấy trình bày đơn giản, nên mình vẫn chưa học hết. Hơn nữa, mình nghĩ phần kiểm tra kiến thức nên tăng độ khó lên chứ mình thấy khá dễ. Phần này nếu tích hợp Game-based Learning như ở những bài trước chắc sẽ hấp dẫn đó. 

Công việc ở công ty khá nhiều mà về nhà thì hơi nhiều việc liên quan đến gia đình, vậy nên mình đề xuất nên có thời gian để học trong giờ làm việc (khoảng 1 tiếng gì đó).

Ứng dụng 4 cấp độ lắng nghe của Otto Scharmer trong trải nghiệm học tập như thế nào?
 

Cấp độ 3 - Empathic Listening: Đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu

Như vậy, khi sang đến cấp độ 3 thì việc lắng nghe không chỉ dừng ở việc tiếp nhận thông tin mà người làm Learning Design cần đặt mình vào vị trí của người học để xem xét và phân tích vấn đề. 

Sau khi nhận được câu trả lời ở trên, bạn có thể đưa ra một số câu trả lời khác nếu bạn có những điều còn thắc mắc hoặc chưa rõ. 

Ví dụ như người học có nói là phần âm thanh không được tốt, ở ý này bạn có thể hỏi thêm là “Cụ thể thì bạn thấy không được tốt như thế nào, vì có nhiều người phản hồi là âm thanh rất truyền cảm…”. 

Để đạt được thành công ở cấp độ này, người làm Learning Design cần bỏ qua những định kiến của bản thân về việc học của nhân sự sang một bên mà chỉ tập trung lắng nghe, phân tích để có những quyết định đúng đắn nhất. 

Ứng dụng 4 cấp độ lắng nghe của Otto Scharmer trong trải nghiệm học tập như thế nào?

Cấp độ cao nhất - Generative Listening: Tạo ra những cơ hội, tiềm năng từ việc lắng nghe

Sau khi lắng nghe được một cách rõ ràng, đầy đủ ý kiến từ câu trả lời của người học, hãy kết hợp với việc trải nghiệm lại khóa đào tạo. Từ đó có những góc nhìn mới về việc cải thiện và phát triển khóa học nhằm tăng tỷ lệ hoàn thành của người học. 

Ví dụ như từ chia sẻ của người học, Learning Design sẽ biết được:

Âm thanh khóa học chưa ổn ở phần 3.1, còn khó nghe, khàn tiếng => cần chỉnh sửa. 

Phần nội dung chính chưa lôi cuốn => diễn đạt trực quan sinh động hơn, thêm ví dụ case study…

Phần test kiến thức => thiết kế dựa trên trò chơi và tăng độ khó của câu hỏi.

Liên quan đến 4 cấp độ lắng nghe thì có 1 khái niệm khá tương đồng đó là “lắng nghe luôn mặc định sẵn”. Đó là con người thường lắng nghe với những suy nghĩ mặc định, họ hay áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên mọi thứ mà không dành thời gian để tìm hiểu hay đặt mình vào vị trí của người khác. Chính điều này đã cản trở họ trên con người phát triển, tìm ra cái mới, góc nhìn mới. 

Xem thêm: Lắng nghe luôn mặc định sẵn là gì? Bạn đã thực sự biết cách lắng nghe

Có thể thấy trong quy trình thiết kế trải nghiệm học tập, việc lắng nghe để thấu hiểu người học và nhu cầu, khó khăn mà họ đang gặp phải… đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên trải nghiệm học tập hấp dẫn, lôi cuốn và hiệu quả. 

Nhờ vào lắng nghe mà người làm Learning Design sẽ biết được điều mình không biết là không biết, thu thập được nhiều giá trị hữu ích liên quan đến khóa học cũng mở ra tiềm năng để sáng tạo và phát triển hơn nữa. 

Xem thêm: 5 xu hướng học tập trực tuyến năm 2024 mà người làm Learning Design cần biết

Bởi vì thiết kế trải nghiệm học tập là đặt người học làm trung tâm nên bản thân người làm Learning Design cần đi sâu vào suy nghĩ, nhu cầu, thói quen… của họ để có những góc nhìn mới, tìm ra cách cải thiện chương trình đào tạo của mình được tốt nhất. Hy vọng rằng với 4 cấp độ lắng nghe hiệu quả sẽ giúp cho Learning Designer thấu hiểu người học, có thêm góc nhìn mới khi thực hiện công việc của mình. 
 

/5 - ( bình chọn)

/5 - ( bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông