3 tiêu chí đánh giá năng lực nhân viên chuẩn

Nội dung được viết bởi Mai Phạm

Đánh giá năng lực nhân viên đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp. Hoạt động này đảm bảo tổ chức nhân sự tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường. 

Nhưng nên đánh giá nhân viên thông qua những tiêu chí nào? Cần lưu ý điều gì để đảm bảo tính minh bạch? Hãy cùng Gitiho khám phá ngay trong bài viết sau đây. 

Đánh giá năng lực nhân viên là gì? 

Theo Cục quản lý nhân sự: “Năng lực là những đặc điểm có thể đo lường được của kỹ năng, kiến thức, thái độ, phẩm chất để hoàn thành công việc được giao. Yếu tố này giúp một nhân sự làm việc hiệu quả hơn so với người khác”. 

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-1
Đánh giá năng lực nhân viên giúp phát hiện ra những điểm chưa tốt để hoàn thiện

Từ khái niệm trên có thể hiểu đánh giá năng lực nhân viên là đánh giá về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc đối với mỗi cá nhân trong doanh nghiệp. Qua đó nhà quản trị xác nhận được những giá trị tiềm ẩn bên trong của nhân viên nhằm đưa ra định hướng phát triển hiệu quả nhất. 

Nếu nhân sự có năng lực làm việc tốt, lãnh đạo giao đúng việc, cung cấp đủ điều kiện làm việc sẽ mang đến hiệu suất cao. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thu về những lợi ích, giá trị tuyệt vời. 

Xem thêm: 5 tiêu chí đánh giá nhân sự cực chi tiết cho nhà quản trị

Như diễn giả người Anh – Ken Robinson từng nói rằng: “Nguồn nhân lực giống như tài nguyên thiên nhiên – thường bị chôn sâu. Bạn phải đi tìm vì tài nguyên không xuất hiện trên bề mặt”. Vì thế quá trình đánh giá là một cách bạn khai phá tiềm năng nhân sự của mình. 

Vì sao doanh nghiệp cần thực hiện đánh giá nhân viên?

Đánh giá năng lực nhân sự có vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác quản lý nhân sự doanh nghiệp. Quá trình này giúp nhà quản trị biết sắp xếp, bổ nhiệm công việc phù hợp, đúng chuyên môn. Như vậy, họ sẽ phát huy tối đa sở trường của mình. 

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-2
Đánh giá nhân viên giúp doanh nghiệp đào thải đi những nhân sự yếu kém

Điều này cũng đã được chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị - Peter Ferdinand Drucker từng chia sẻ: “Cách dùng người hiệu quả không nằm ở chỗ làm mọi cách để hạn chế nhược điểm. Điều quan trọng hơn là biết cách phát huy ưu điểm của họ”. 

Đánh giá chính xác năng lực nhân viên được coi là thước đo để doanh nghiệp dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu công việc. Thông qua hoạt động, nhà quản trị cũng có thêm cơ sở trả lương đúng với khả năng thực tế. 

3 tiêu chí đánh giá năng lực nhân viên cơ bản nhất

Muốn đánh giá năng lực nhân viên bài bản, có hệ thống, trước hết bạn cần xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá phù hợp. Dưới đây là 3 tiêu chí thường được các nhà quản trị áp dụng nhiều nhất:

Năng lực làm việc

Năng lực làm việc thể hiện rõ ràng nhất thông qua chất lượng, thời gian làm việc của nhân viên. Lãnh đạo có thể dựa vào đây để nhận xét các khía cạnh khác như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, lập kế hoạch, xử lý tình huống ….

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-3
Năng lực làm việc của nhân sự quyết định rất nhiều tới hiệu quả công việc

Mức độ hoàn thành công việc cũng là tiêu chí cụ thể để đánh giá năng lực nhân viên. Bởi việc này không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu chung của phòng ban mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tập thể doanh nghiệp. 

Vì thế đo lường khả năng hoàn thành công việc của nhân sự sẽ giúp nhà quản trị dễ dàng đưa ra những kế hoạch đào tạo, nâng cao kỹ năng kịp thời. Điều đó giúp doanh nghiệp bồi dưỡng nên một đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, đáp ứng tốt mọi thử thách đặt ra. 

Thái độ làm việc

Năng lực, kỹ năng làm việc của nhân viên hoàn toàn có thể huấn luyện, bồi đắp được. Tuy nhiên, thái độ lại là yếu tố quan trọng không phải cứ đào tạo là sẽ thành công. Đa phần các doanh nghiệp hiện nay rất coi trong nhân sự thái độ làm việc tốt sau đó mới tới kỹ năng. 

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-4
Một nhân sự có thái độ làm việc tốt thường được đánh giá cao

Điều này được nhà sáng lập hãng tư vấn Novations - Zenger Folkman chia sẻ thẳng thắn: “Thái độ sống và làm việc có thể phản ánh năng lực lãnh đạo của chính họ”. Một nhân viên có thái độ làm việc tốt sẽ luôn nhiệt tình trong công việc. Họ tận tụy, hăng say làm việc không ngại khó khăn, gian khổ. 

Không chỉ vậy, những nhân sự đó còn đề cao sự tôn trọng đồng nghiệp, khách hàng. Họ đảm bảo đúng giờ với mọi nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, thái độ nhân sự tốt thể hiện rõ ràng qua sự chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc. 

Dù được giao bất cứ trọng trách gì, lớn hay nhỏ họ cũng làm việc một cách cẩn thận, chỉn chu. Trường hợp xảy ra vấn đề, nhân sự sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, trốn tránh. Điều này giúp nhà quản lý luôn hài lòng với kết quả nhận được. 

Tiềm năng phát triển của nhân viên trong công việc

Bill Gates từng nói rằng: “Một công ty muốn phát triển nhanh thì phải giỏi trong việc tìm ra nhân tài, nhất là những nhân tài thông minh”. Điều phân biệt một nhân sự giỏi và một người bình thường chính là sự phát triển trong công việc. Chúng thể hiện qua việc họ đã hoàn thành công việc như thế nào, mức độ hoàn thiện về năng lực, tư duy công việc ra sao. 

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-5
Những nhân sự có tiềm năng phát triển sẽ dễ dàng được trao cơ hội

Đó là tấm gương phản chiếu sự phát triển của doanh nghiệp rõ ràng nhất. Vậy nên các nhà quản trị cần tạo điều kiện, môi trường để nhân viên có cơ hội nâng cao năng lực cá nhân. Như thế chính tổ chức sẽ hưởng lợi rất nhiều. 

Những yếu tố quan trọng khi xây dựng bảng đánh giá năng lực nhân viên

Muốn xây dựng bảng đánh giá năng lực nhân viên chính xác, mang lại hiệu quả cao nhà quản lý cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Dưới đây là 4 tiêu chí bạn không nên bỏ qua khi thực hiện:

Tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng

Quá trình đánh giá năng lực nhân sự chỉ có thể đạt kết quả như mong đợi khi các yếu tố đánh giá được gắn tiêu chuẩn rõ ràng, định lượng được. Bởi thật khó để biết năng lực nhân viên đang ở mức nào nếu chỉ toàn yếu tố cảm tính như: Xuất sắc, rất tốt, tốt, trung bình, kém. 

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-6
Đánh giá nhân viên dù ở vị trí nào cũng cần phải có những tiêu chí cụ thể

Tiêu chí đánh giá cần gắn liền với nhiệm vụ được giao và mục tiêu doanh nghiệp đặt ra cho từng vị trí công việc. Ví dụ: Nhân viên Digital Marketing cần đạt KPI là bao nhiêu cho một chiến dịch truyền thông, chỉ số tương tác, tiếp cận như thế nào? Hay nhân viên sale phải đảm bảo tối thiểu doanh số trong tháng bao nhiêu?

Dựa trên những thông số rõ ràng, cũ thể bạn có thể đánh giá khách quan về khả năng làm việc. Đây cũng là cơ sở để nhà quản lý tìm hiểu nguyên nhân khiến nhân sự của mình chưa hoàn thành được mục tiêu và cùng hỗ trợ đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Qua đó họ biết mình nên trau dồi, rèn luyện điều gì để đáp ứng tốt nhu cầu công việc. 

Thiết lập kỳ vọng dựa trên cơ sở thực tế

Một số nhà quản lý có xu hướng đưa ra mục tiêu quá xa vời, không gắn với cơ sở thực tế. Điều đó khiến nhân viên cảm thấy bị “đuối sức”. Kỳ vọng có thể gia tăng động lực làm việc cho nhân sự nhưng đôi khi việc thiếu thực tế lại làm họ chán nản, suy giảm hiệu suất làm việc thậm chí bỏ cuộc. 

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-7
Căn cứ vào thực tế để đặt ra nhiệm vụ cho nhân viên đảm bảo quá trình hoàn thành tốt hơn

Vì thế, để đặt ra kỳ vọng có cơ sở bạn nên căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm nhân sự. Kết hợp với kết quả công việc nhân sự đã đạt được trong quá khứ. Ngoài ra bạn đừng quên dựa trên những khó khăn, biến đổi trạng thái của thị trường. 

Điều chỉnh bảng đánh giá phù hợp từng vị trí

Mỗi doanh nghiệp, vị trí việc làm sẽ có đặc thù riêng. Vậy nên sẽ không có bất kỳ bảng đánh giá năng lực nhân viên nào mang tính quy phạm chung. Tùy thuộc tình hình cụ thể từng công việc bạn cần điều chỉnh các tiêu chí đánh giá cho phù hợp. 

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-8
Bảng đánh giá cần điều chỉnh theo vị trí công việc khác nhau

Ví dụ: Trong cùng 1 công ty bạn không thể dùng bảng đánh giá nhân viên Marketing áp dụng cho phòng kế toán hay ngược lại. Mỗi phòng ban sẽ đòi hỏi năng lực riêng tương ứng với điều kiện, tính chất. 

Bên cạnh đó biến độ thị trường cũng ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc của nhân sự. Chẳng hạn với nhân viên sale bất động sản thời điểm nóng sốt KPI đặt ra doanh số hàng tháng khác với khi dịch COVID 19 diễn ra. Vì thế chỉ khi có sự linh động chúng ta mới có thể đánh giá một cách hiệu quả nhất. 

Đánh giá dựa trên sự khách quan, công bằng

Đánh giá năng lực nhân viên dù ở vị trí nào cũng phải đảm bảo công bằng. Bạn cần căn cứ vào những thước đo chính xác từ năng lực của nhân sự. Để đáp ứng điều này, nhà quản trị nên đánh giá trên nhiều phương diện: Bản thân nhân viên tự đánh giá, đồng nghiệp đánh giá, lãnh đạo đánh giá. 

danh-gia-nang-luc-nhan-vien-9
Khách quan, công bằng là điều phải đặt lên hàng đầu khi đánh giá năng lực nhân sự

Quá trình nhận xét đó có thể thực hiện ẩn danh để tránh tình trạng ảnh hưởng tâm lý, cả nể. Như vậy kết quả nhận về mới có tính khách quan nhất. 

Tóm lại, đánh giá năng lực nhân viên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Hoạt động này càng tiến hành bài bản, có hệ thống, bạn càng dễ dàng xây dựng được đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, chuyên môn cao, sẵn sàng cống hiến. 

Trên đây Gitiho đã chia sẻ cụ thể về một số tiêu chí cũng như những yếu tố cần có khi xây dựng bảng đánh giá năng lực nhân viên. Nếu cần tham khảo thêm các thông tin về quản trị nhân sự, bạn đừng quên cập nhật chuyên trang mỗi ngày. 

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông