Hồ sơ giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau - thai sản - TNLĐ - BNN

Nội dung được viết bởi Sabrina

Đối với người lao động trải qua một đợt ốm nặng hoặc cần can thiệp phẫu thuật, việc dưỡng sức để phục hồi sức khỏe là điều cần thiết. Lúc này, người lao động sẽ cần tới chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau - thai sản theo quy định của bảo hiểm xã hội. Hồ sơ để hưởng chế độ này như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!

Chương trình học: HRG04 - Pháp luật lao động

Hồ sơ giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau - thai sản

Căn cứ pháp lý

  • Điều 103 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
  • Điểm 2:4 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 về Quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
  • Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
  • Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
  • Điều 13 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
  • Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm hoặc ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm (đối với ốm đau), từ 05 ngày đến 10 ngày (đối với thai sản).

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Các khoản không tính vào lương tháng tham gia bảo hiểm xã hội (Phần 1)

Số ngày nghỉ theo chế độ dưỡng sức

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:

Đối với chế độ dưỡng sức sau ốm đau

- Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày áp dụng từ 01/03/2017 được quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT.

- Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

- Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Đối với chế độ dưỡng sức sau thai sản:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản và ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, doanh nghiệp lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (mẫu 01B-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH) và nộp cho cơ quan BHXH.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Hồ sơ giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp

Căn cứ pháp lý

  • Điều 60 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
  • Điều 54 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
  • Điểm 2:4, Khoản 2, Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 về Quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
che-do-duong-suc

Bảo hiểm xã hội 1 lần là gì? Cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Số ngày nghỉ này là do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định dựa trên mức độ suy giảm khả năng lao động, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Cụ thể:

- Nghỉ tối đa 10 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.

- Nghỉ tối đa 7 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 31% - 50%.

- Nghỉ tối đa 5 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 15% - 30%.

Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức

  • Doanh nghiệp có trách nhiệm lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (mẫu 01B-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH) và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe chưa phục hồi.
  • Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.
  • Mức hưởng chế độ trợ cấp cho người lao động trong trường hợp này là 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Tổng kết

Trên đây là chi tiết về hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội theo chế độ nghỉ dưỡng sức sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mong rằng bạn đã nắm vững các thông tin này để chuẩn bị thật tốt, đảm bảo quyền lợi của mình.

 

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông