Giảm trừ gia cảnh là gì? Mức giảm trừ gia cảnh 2022 có gì thay đổi?

Nội dung được viết bởi Trần Linh Chi

Trước khi tính số tiền lương thuế thu nhập cá nhân, người lao động sẽ được hưởng mức giảm trừ gia cảnh. Sau khi trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, người lao động sẽ biết được mình có phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho khoản thu nhập nhận được trong tháng. Vậy giảm trừ gia cảnh là gì? Và có sự thay đổi gì trong mức giảm trừ gia cảnh năm 2022 hay không? Hãy cùng Gitiho theo dõi trong bài viết này nhé!

Xem thêm: Các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân

Khoản giảm trừ gia cảnh là gì? 

Khái niệm giảm trừ gia cảnh

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú. 

Các khoản giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân

Có 2 khoản được tính là khoản giảm trừ gia cảnh:

(1) Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 
(2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc: Chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế cá nhân. Nếu không đăng ký thuế và không có mã số thuế cá nhân thì cũng không được giảm trừ dù có đối tượng người phụ thuộc.

Đối tượng người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh

Đối tượng người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh gồm những ai?

giảm-tru-gia-canh

Điểm d, khoản 1, điều 9, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: Người phụ thuộc bao gồm những đối tượng sau:

(1) Con: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của chồng, con riêng của vợ:

  • Con dưới 18 tuổi (tính đủ tháng)
  • Con từ 18 tuổi trở lên nhưng bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
  • Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập đó không vượt quá 01 triệu đồng.

(2) Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng đủ điều kiện trở thành người phụ thuộc

(3) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha chồng, mẹ chồng (hoặc cha vợ, mẹ vợ); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện trở thành người phụ thuộc

(4) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện

  • Anh - chị - em ruột của người nộp thuế.
  • Ông - bà nội; ông - bà ngoại; cô - cậu ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
  • Cháu ruột của người nộp thuế: Con của chị ruột, anh ruột, em ruột.
  • Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật

Xem thêm: Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân

Điều kiện trở thành người phụ thuộc tính giảm trừ gia cảnh

Căn cứ vào điểm đ, khoản 1, điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:cá nhân thuộc đối tượng (2) (3) được tính là người phụ thuộc khi đáp ứng được các điều kiện sau:

Trường hợp 1: Người trong độ tuổi lao động:

  1. Bị khuyết tật, không có khả năng lao động
  2. Không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng

Trường hợp 2: Người ngoài độ tuổi lao động không có thu nhập hoặc có nhưng thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng

Mức giảm trừ gia cảnh năm 2022

Căn cứ vào điều 1, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân như sau:

  • Đối với bản thân người nộp thuế: Mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm)
  • Đối với người phụ thuộc: Mức giảm trừ gia cảnh là 4,4 triệu đồng/tháng
muc-giam-tru-gia-canh
Mức giảm trừ gia cảnh tăng từ năm 2020 và không có thay đổi trong năm 2021, 2022

Như vậy, so với năm 2021 thì mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân năm 2022 không có sự thay đổi. Người lao động cần nhớ kỹ mức giảm trừ gia cảnh này để thuận tiện trong quá trình tính phần thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. 

Thực hành nghiệp vụ Hành chính - Nhân sự cho người mới bắt đầu

Tổng kết

Trên đây là những thông tin về khoản giảm trừ gia cảnh cũng như các đối tượng được tính là người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân. Những nội dung chính bạn cần ghi nhớ về khoản giảm trừ gia cảnh là:

  1. Khoản giảm trừ gia cảnh được khấu trừ trực tiếp vào thu nhập trước khi tính thuế thu nhập cá nhân 
  2. Người lao động đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế mới được tính giảm trừ  gia cảnh
  3. Đối tượng phụ thuộc cần đảm bảo được các điều kiện để trở thành đối tượng phụ thuộc mới được tính giảm trừ gia cảnh
  4. Mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng

Để trở thành một chuyên viên Hành chính - Nhân sự, bạn cần nắm rõ quy định về các loại hợp đồng, bảo hiểm, thuế và rất nhiều kiến thức khác. Tham khảo khóa học “Thực hành nghiệp vụ Hành chính - Nhân sự cho người mới bắt đầu” để trau dồi thêm kiến thức, vững vàng trở thành một nhân viên Hành chính - Nhân sự tài năng nhé!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông