Chèn thêm hiệu ứng như thế nào để bài thuyết trình sinh động và hấp dẫn? Gitiho sẽ hướng dẫn bạn cách tạo hiệu ứng trong powerpoint đơn giản, dễ hiểu nhất cho người mới bắt đầu. Gitiho cũng tặng miễn phí bộ template powerpoint cực đẹp để bạn sử dụng khi làm slide.
Powerpoint là công cụ có rất nhiều ứng dụng trong học tập và công việc. Bạn có thể sử dụng Powerpoint để làm slide thuyết trình, thiết kế banner hoặc sản xuất video.
Tạo hiệu ứng trong powerpoint là tính năng giúp các thành phần của bài thuyết trình trong powerpoint trở nên sinh động và thu hút người xem hơn. Khi bạn không chèn hiệu ứng thì hình ảnh, biểu đồ hay văn bản chỉ xuất hiện một cách nhàm chán. Điều này sẽ khiến cho bài thuyết trình kém hấp dẫn.
Nếu ví bản slide của bạn như một ngôi nhà thì hiệu ứng là những vật dụng trang trí. Tuy không phải thứ nhất định phải có nhưng lại khiến “ngôi nhà” của bạn trở nên đẹp mắt, dễ gây ấn tượng với người khác. Cách thêm hiệu ứng trong Powerpoint rất đơn giản, bạn làm theo các bước sau:
Bước 1: Chọn đối tượng mà bạn muốn thêm hiệu ứng. Ví dụ: Bấm chuột vào hình ảnh, video hoặc bôi đen một đoạn văn bản.
Bước 2: Trỏ chuột vào mục Animation và chọn Add Animation. Nếu bạn muốn chèn hiệu ứng chuyển tiếp cho slide thì hãy chọn mục Transition.
Bước 3: Chọn hiệu ứng phù hợp với mong muốn của bạn
Animation (hoạt hình) và Transition (chuyển tiếp) là 2 loại hiệu ứng thường xuyên được sử dụng trong Powerpoint. Hãy cùng tìm hiểu về các loại hiệu ứng này ngay dưới đây nhé!
Animation là hiệu ứng động, có tác dụng tạo ra chuyển động dạng hoạt hình cho nội dung trong slide. Bạn có thể sử dụng hiệu ứng animation cho văn bản, hình ảnh, đồ thị trong Powerpoint.
Bộ hiệu ứng Animation mặc định được chia làm 4 nhóm:
1. Entrance: Hiệu ứng xuất hiện, có biểu tượng màu xanh lá. Nhóm này thường được sử dụng để đưa nội dung vào slide. Tùy vào loại hiệu ứng cụ thể mà bạn chọn mà văn bản, hình ảnh, video hay biểu đồ sẽ được đẩy từ dưới lên, từ trên xuống,... và nhiều cách hiển thị khác.
2. Emphasis: Hiệu ứng tạo điểm nhấn, có biểu tượng màu vàng. Nhóm này được sử dụng khi cần nhấn mạnh, thu hút sự chú ý vào một đối tượng cụ thể trong slide. Văn bản, hình ảnh, đồ thị có thể được làm sáng lên, tối đi, xoay hoặc thay đổi màu sắc tùy bạn lựa chọn.
3. Exit: Hiệu ứng biến mất, có biểu tượng màu đỏ. Nhóm này được sử dụng để đưa nội dung ra khỏi slide. Giả sử trong slide của bạn có nhiều thành phần khác nhau. Bạn cài hiệu ứng thuộc nhóm Exit thì những phần đã dùng xong sẽ được tắt đi để người xem tập trung vào các phần khác.
4. Motion Paths: Hiệu ứng di chuyển. Bộ hiệu ứng này sẽ đưa hình ảnh, văn bản hoặc bảng biểu chuyển động theo quỹ đạo cụ thể. Nhóm này có sẵn các quỹ đạo cơ bản.Tuy nhiên, bạn có thể tự sáng tạo ra quỹ đạo chuyển động cho nội dung bằng cách chọn Custom Path rồi vẽ hình dạng bạn muốn.
Transition là hiệu ứng chuyển tiếp. Trong đó, có hiệu ứng chỉ sử dụng được cho toàn bộ slide và có hiệu ứng thì dùng được cho cả nội dung cụ thể nhữ chữ, số, hình ảnh, đồ thị,... trên slide.
Bộ hiệu ứng có tác dụng giúp việc chuyển slide trở nên thu hút hơn này được chia làm 3 nhóm:
1. Subtle: Được sử dụng cho toàn bộ slide. Là các hiệu ứng chuyển tiếp đơn giản, phù hợp sử dụng khi làm những bài thuyết trình trang trọng.
2. Exciting: Được sử dụng để chuyển tiếp slide với hiệu ứng phức tạp và độc đáo hơn. Slide của bạn sẽ xuất hiện một cách ấn tượng hơn dưới dạng lượn sóng, gấp giấy, tổ ong, phóng lớn,... tùy vào hiệu ứng mà bạn chọn.
3. Dynamic Content: Được sử dụng cho nội dung cụ thể trong slide như văn bản, hình ảnh hay đồ thị. Khác với nhóm Subtle và Exciting, nhóm này có tác dụng giống các hiệu ứng Animation nhưng không tạo ra chuyển động mà dùng để chuyển tiếp.
Khi tạo hiệu ứng trong Powerpoint chắc hẳn bạn sẽ băn khoăn về các thuộc tính liên quan. Với mỗi hiệu ứng, bạn cần cài đặt mục sau để nội dung hiển thị như mong muốn.
Animation Pane: Là tính năng giúp bạn sắp xếp thứ tự xuất hiện của các hiệu ứng. Trong một slide không chỉ có một hiệu ứng. Nhưng nếu chúng xuất hiện cùng lúc thì sẽ không đẹp. Do đó, tính năng này giúp bạn sắp xếp thời điểm xuất hiện của từng hiệu ứng sao cho hợp lý, gây thiện cảm với người xem.
Animation Painter: Là tính năng giúp bạn sao chép lại hiệu ứng đã chọn. Khi làm bài thuyết trình, nếu hiệu ứng nào cũng phải tự chỉnh lại thông số cho các tính năng mở rộng thì sẽ mất nhiều thời gian. Animation Painter sẽ giúp bạn ghi nhớ một hiệu ứng đã sử dụng trước đó mà không cần phải chọn và chỉnh lại từ đầu.
Start: Dùng để tùy chỉnh cách xuất hiện của hiệu ứng. Có 3 lựa chọn là: Onclick (xuất hiện khi bạn bấm chuột); With Previous (xuất hiện cùng lúc với hiệu ứng trước đó); After Previous (xuất hiện sau hiệu ứng trước đó).
Duration: Có tác dụng cài đặt khoảng thời gian hiển thị của hiệu ứng. Hiệu ứng sẽ hiển thị trong bao lâu tùy vào thời gian bạn cài đặt.
Delay: Dùng để cài đặt thời điểm xuất hiện của hiệu ứng. Các hiệu ứng sẽ xuất hiện lần lượt hoặc cùng lúc tùy theo cách bạn điều chỉnh trục thời gian.
Sound: Là mục để chèn âm thanh đi kèm hiệu ứng. Khi hiệu ứng xuất hiện thì cũng sẽ phát ra âm thanh này. Phần mềm sẽ mặc định sẵn là [No Sound] tức là không có âm thanh. Sau khi chèn hiệu ứng bạn chỉ cần chọn âm thanh mong muốn trong danh sách có sẵn là đã tăng được tính sinh động cho bài thuyết trình.
Duration: Là khoảng thời gian hiển thị của hiệu ứng. Hiệu ứng có thể hiển thị nhanh hay chậm theo thời gian bạn cài đặt.
Advance Slide: Đây là mục để bạn tùy chỉnh cách hiển thị của slide. Nếu bạn chọn On Mouse Click thì khi bạn bấm chuột, hiệu ứng chuyển tiếp sẽ xuất hiện để đưa sang slide tiếp theo. Nếu bạn chọn After và cài đặt thời gian cụ thể thì hiệu ứng sẽ xuất hiện để chuyển sang slide kế tiếp sau đúng khoảng thời gian đó.
Gitiho đã hướng dẫn cách tạo hiệu ứng trong Powerpoint đơn giản và dễ thực hiện nhất. Chúc bạn áp dụng thành công để có bài thuyết trình hấp dẫn và sinh động. Nếu bạn có điều gì thắc mắc, hãy để lại bình luận để được giải đáp.
Tài liệu kèm theo bài viết
KHÓA HỌC POWERPOINT MIỄN PHÍ
Với hơn 1400 HỌC VIÊN đang theo học với đánh giá trung bình 4.5 SAO