AIDA trong Marketing là gì? Cách áp dụng AIDA trong Marketing

Nội dung được viết bởi Mai Phạm

Mô hình AIDA là công cụ hữu ích để các nhà tiếp thị xây dựng các chiến lược Marketing hiệu quả. Thông qua đó giúp thu hút, giữ chân khách hàng và tăng trưởng doanh số. 

Làm thế nào để khai thác tối đa lợi ích từ AIDA mang lại? Hãy cùng Gitiho khám phá câu trả lời ngay trong bài viết sau đây. Tin chắc với những thông tin này bạn sẽ tự tin hơn khi nghiên cứu, lập kế hoạch tiếp thị có tính cạnh tranh tối ưu. 

Mô hình AIDA là gì?

Trước hết bạn cần hiểu rõ mô hình AIDA là gì? Như vậy khi triển khai bạn mới biết bắt đầu từ đâu, nên tập trung vào vấn đề nào để đảm bảo đúng lộ trình, mục tiêu. 

mo-hinh-aida-1
Mô hình AIDA được ứng dụng phổ biến trong các chiến dịch Marketing

Mô hình AIDA là thuật ngữ dùng trong lĩnh vực tiếp thị quảng cáo mô tả quá trình mà khách hàng trải qua để đưa ra quyết định mua hàng. Căn cứ vào đó chúng ta tiến hành xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả nhằm thu hút, giữ chân khách hàng. 

AIDA thực chất viết tắt từ: A – Attention (sự chú ý), I – Interest (sự quan tâm), D- Desire (sự khao khát) và A – Action (hành động). Mô hình này được phát triển từ cuối thế kỷ 19 bởi nhà tiếp thị người Mỹ - E.St.Elmo Lewis. 

Ban đầu, mô hình AIDA được áp dụng trong bối cảnh quảng cáo truyền thống, khi các nhà tiếp thị phải tạo ra các quảng cáo in ấn hoặc truyền hình nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Đến ngày nay, AIDA vẫn là công cụ quan trọng để các nhà quảng cáo thấu hiểu quá trình quyết định mua hàng của người tiêu dùng. 

Nghiên cứu do Đại học Quốc gia Ireland thực hiện năm 2013 đã chứng minh rằng: “Mô hình AIDA là khung khái niệm hữu ích trong việc tạo ra các chiến lược quảng cáo trực tuyến hiệu quả, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và doanh số bán hàng”. 

Xem thêm: Gợi ý 6 bước xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả cho doanh nghiệp

Lợi ích của mô hình AIDA trong Marketing

Mô hình AIDA là công cụ hữu ích trong việc thiết kế chiến lược tiếp thị và quảng cáo hiệu quả. Bằng cách này tỷ lệ chuyển đổi tăng, nâng cao doanh số bán hàng, tạo sự nhận thức thương hiệu cũng như tương tác của khách hàng. 

mo-hinh-aida-2
Mô hình AIDA giúp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn

Bằng cách áp dụng AIDA các nhà quảng cáo có thể tối ưu hóa chiến lược tiếp thị để phù hợp từng giai đoạn. Dưới đây là những lợi ích mô hình AIDA mang đến:

  • Xác định đối tượng mục tiêu bằng cách phân tích các giai đoạn trong quá trình quyết định mua hàng của khách hàng. 
  • Tạo sự chú ý và hứng thú của người dùng thông qua các thông điệp, hình ảnh sáng tạo, phù hợp từng giai đoạn, đặc thù ngành nghề, thói quen tiêu dùng. 
  • Tăng độ tin cậy, tạo niềm tin nhờ cung cấp thông tin chính xác, thực tế về sản phẩm, dịch vụ giúp khách hàng cảm thấy tự tin, yên tâm khi quyết định mua/sử dụng. 
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi bằng cách đưa các thông điệp phù hợp, thuyết phục người dùng trong từng giai đoạn cụ thể. 
  • Nâng cao doanh số bán hàng nhờ chiến lược tiếp thị, quảng cáo hiệu quả, giúp khách hàng cảm thấy hứng thú. 

Bên cạnh đó, mô hình AIDA còn là công cụ giúp các nhà tiếp thị tạo sự nhận thức thương hiệu thông qua chiến lược quảng cáo đáp ứng đúng nhu cầu, mối quan tâm của khách hàng. Vì thế biến khách hàng tiềm năng trở thành khách mua trung thành. 

4 thành tố quan trọng trong mô hình AIDA

Khảo sát được thực hiện bởi Demand Metric năm 2018 cho thấy rằng: “Hơn 80% các chuyên gia tiếp thị đã sử dụng mô hình AIDA trong các chiến lược tiếp thị của họ và hơn 60% trong số đó đánh giá AIDA là công cụ hữu ích trong việc xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả”. 

Nếu bạn đang cân nhắc việc sử dụng AIDA Marketing, bạn nên tham khảo ngay các thành tố quan trọng kiến tạo nên mô hình này. Cụ thể:

A – Attention: Gây sự chú ý

Việc đầu tiên cần làm khi áp dụng mô hình AIDA chính là A – Attention – tạo sự chú ý. Hoạt động này nhằm khơi gợi sự tò mò, quan tâm của khách hàng mục tiêu. Muốn vậy bạn phải tạo nội dung quảng cáo, cách thức tiếp cận phù hợp khiến họ phải dừng lại để tiếp nhận thông tin. 

mo-hinh-aida-3
Ấn tượng ban đầu của khách hàng ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định sau đó

Vinamilk đã thực hiện khá thành công bước gây sự chú ý trong các chiến dịch của mình. Theo đó, hãng xác định vào thị trường thành thị đồng thời chia nhỏ các đối tượng khách hàng. Dựa vào đây, Vinamilk nghiên cứu đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với từng nhóm như: Trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai … giúp họ giải quyết các vấn đề đang quan tâm liên quan tới tăng chiều cao, cân nặng, khỏe xương khớp ….

Trong khi đó, Netflix lại tiếp cận đối tượng mục tiêu bằng các hình thức quảng cáo trên Youtube, Google Adword nhằm tăng độ phủ thương hiệu, sản phẩm. 

I- Interest: Tạo hứng thú

Giai đoạn này được đánh giá vô cùng thử thách trong suốt quá trình triển khai AIDA Marketing. Bởi sau khi đã khơi gợi sự tò mò, nhà tiếp thị bắt buộc phải phân tích, tìm cách kích thích sự hứng thú của họ đối với thương hiệu. 

mo-hinh-aida-4
Một sản phẩm tạo được hứng thú với người dùng phải đáp ứng được những gì họ mong muốn

Muốn hoàn thiện bước này, bạn cần khai thác sâu các thông tin tác động trực tiếp tới nhu cầu, mối lo hay niềm đau ẩn sâu bên trọng. Từ đó bạn sẽ sáng tạo ra những nội dung hữu ích kích thích niềm đam mê, hứng thú cho khách hàng mục tiêu. 

Để tạo hứng thú, kích thích sự quan tâm của khách hàng, Netflix đã mang đến cho người dùng bản dùng thử miễn phí trong vòng một tháng. Đây là khoảng thời gian thương hiệu “câu dẫn” khách tiềm năng, tăng tỷ lệ chuyển đổi thông qua trải nghiệm, cảm nhận trực tiếp các tính năng, chất lượng trình chiếu trên Netflix. 

D – Desire: Mong muốn

Bước đi này thường song song với I – Interest (tạo hứng thú). Bởi khi bạn đánh thức được nỗi lo, niềm đau, nhu cầu của khách hàng cũng là lúc họ mong muốn, khát khao sở hữu sản phẩm, dịch vụ. Một nhà tiếp thị giỏi phải là người thúc đẩy được người dùng mục tiêu chủ động muốn có được sản phẩm. 

mo-hinh-aida-5
Sản phẩm mang lại giá trị, giải quyết được vấn đề khách hàng quan tâm sẽ đạt hiệu quả chuyển đổi cao

Bạn cần xác định sản phẩm của mình giải quyết được vấn đề gì của khách hàng. Sau đó mới tìm ra cách truyền tải, xây dựng câu chuyện thương hiệu trên các kênh truyền thông, quảng bá. Như vậy, khách hàng sẽ “vô tình” nhận ra giá trị sản phẩm và biến đó thành nhu cầu. 

Trở lại với câu chuyện của Netflix, sau khi để người dùng quen với trải nghiệm của bản dùng thử, hãng đã mở ra các gói dịch vụ cho họ đăng ký tiếp tục sử dụng. Đương nhiên với gói trả phí Netflix sẽ bổ sung thêm các tính năng, nội dung độc quyền, chất lượng trình chiếu sắc nét, loại bỏ quảng cáo.

A – Action: Hành động

Thành tố cuối cùng trong mô hình AIDA chính là A – Action (hành động). Thông qua các phương pháp thuyết phục cùng lời kêu gọi hành động, doanh nghiệp dễ dàng thúc đẩy hành động mua hàng của người dùng. Chẳng hạn như:

mo-hinh-aida-6
Quyết định mua hàng của khách hàng phụ thuộc vào cách doanh nghiệp tiếp cận
  • Đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm giá, gói quà tặng cho những khách đăng ký sớm nhất hay voucher giảm giá với đơn hàng tiếp theo. 
  • Tối ưu trải nghiệm đảm bảo quá trình mua hàng không bị gián đoạn. 
  • Thông báo khách hàng mục tiêu về thời hạn khuyến mãi, những cơ hội cuối cùng sở hữu sản phẩm, dịch vụ giá ưu đãi. 

Nghiên cứu do Marketing Sherpa thực hiện năm 2012 chỉ ra rằng: “Áp dụng mô hình AIDA trong quảng cáo trực tuyến có khả năng tăng tỷ lệ chuyển đổi từ 2,9% lên 4,4%”. Trong khi đó, nghiên cứu của HubSpot năm 2019 cũng cho thấy: “Sử dụng mô hình AIDA trong các chiến lược quảng cáo trên Facebook tăng tỷ lệ tương tác lên tới 73%”

Như vậy mô hình AIDA nếu khai thác bài bản theo đúng đặc thù ngành nghề, thói quen tiêu dùng của khách hàng mục tiêu sẽ mang lại hiệu quả vượt trội. 

Cách áp dụng mô hình AIDA trong hoạt động Marketing của doanh nghiệp

Theo khảo sát của American Management Association năm 2014: “80% các nhà quảng cáo đã sử dụng mô hình AIDA trong các chiến lược tiếp thị của họ và đánh giá đây là công cụ hữu ích và hiệu quả”. 

mo-hinh-aida-7
Muốn áp dụng AIDA thành công bạn phải thật hiểu khách hàng của mình

Nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào áp dụng AIDA trong Marketing cũng đạt được hiệu quả như mong muốn. Mỗi công ty, thương hiệu sẽ có những đặc thù riêng, mục tiêu khác nhau. Vì thế nhà tiếp thị cần lưu ý những điểm sau:

  • Đối tượng: Bạn cần đảm bảo khách hàng mục tiêu phù hợp với mô hình AIDA và các giai đoạn trong quá trình quyết định mua hàng. 
  • Thời gian: AIDA sẽ mất khá nhiều thời gian triển khai nên chiến lược tiếp thị phải linh hoạt, có thể thích ứng và thay đổi phù hợp với thị trường, khách hàng mục tiêu. 
  • Cung cấp thông tin chính xác: Đây là cơ sở tạo dựng niềm tin, xây dựng độ tin cậy với khách hàng. 
  • Tạo ra giá trị: Sản phẩm, dịch vụ của bạn phải có giá trị và mang lại lợi ích cho khách hàng. Như vậy mới có thể gây hứng thú, thuyết phục khách hàng hiệu quả. 
  • Tích hợp các kênh tiếp thị: Chiến lược này nhằm nâng cao khả năng tương tác với khách hàng, tạo ra trải nghiệm tiếp thị toàn diện, sâu rộng. 

Ngoài ra, bạn cần tích hợp các kênh tiếp thị khác nhau để tăng tương tác và tạo ra một trải nghiệm tiếp thị toàn diện cho khách hàng của mình.

Kết luận

Như vậy, để áp dụng AIDA trong hoạt động Marketing bạn phải phân tích, hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu cũng như sản phẩm, dịch vụ của mình. Có như vậy bạn mới thiết kế được các thông điệp, hình ảnh phù hợp, có tính thuyết phục cao. 

Hy vọng qua bài viết trên đây bạn đã biết mô hình AIDA là gì, gồm những thành phần nào. Để cập nhật thêm các thông tin về quảng cáo, tiếp thị bạn đừng quên cập nhật Gitiho mỗi ngày. 

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông