Phân biệt 4 hàm tính tổng trong Excel: SUM, SUMIF, SUMIFS và DSUM

Ngọc Diệp14/12/2022

Nhắc đến hàm tính tổng trong Excel, bạn sẽ nghĩ đến hàm gì đầu tiên? Chắc hẳn là hàm SUM phải không? Vậy bạn đã biết đến các hàm SUMIF, SUMIFS và DSUM chưa? Hãy cùng Gitiho tìm hiểu tất tần tật về 4 hàm tính tổng trong Excel ngay nhé.

Xem thêm: Giới thiệu các hàm trong Excel và các ví dụ minh họa dễ hiểu

Tìm hiểu về các hàm tính tổng trong Excel

Hàm tính tổng trong Excel: Hàm SUM

Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về hàm tính tổng trong Excel cơ bản nhất, chính là hàm SUM. Hàm SUM có chức năng tính tổng các giá trị số trong một phạm vi ô tính nhất định hoặc nhiều phạm vi ô tính riêng lẻ trong Excel.

Cú pháp hàm SUM đơn giản như sau:

=SUM(number1,[number2],...)

Trong đó: number1, number2,... là các giá trị số bạn muốn đưa vào phép tính tổng trong Excel

Các tham số của hàm SUM có thể là các giá trị số, cũng có thể là các tham chiếu đến các ô tính riêng lẻ hoặc một phạm vi trên trang tính của bạn. Tuy nhiên, hàm SUM sẽ không chấp nhận các tham số là giá trị văn bản hay giá trị logic. Do đó, nếu trong các tham số của bạn có xuất hiện các loại giá trị này, hàm SUM sẽ tự động bỏ qua.

Cách sử dụng hàm SUM để tính tổng trong Excel vô cùng đơn giản. Tất cả những gì bạn cần làm là đưa toàn bộ các giá trị cần tính tổng vào trong công thức hàm. Giả sử mình có một cột giá trị như trong hình dưới đây, mình sẽ cộng chúng lại bằng hàm tính tổng trong Excel như sau:

hamtinhtongtrongexcel1

Qua ví dụ này, chắc chắn bạn đã có thể ngay lập tức sử dụng hàm SUM cho dữ liệu của mình rồi đúng không? Vậy thì chúng ta sẽ tìm hiểu các hàm tính tổng trong Excel tiếp theo nhé.

Xem thêm: Hướng dẫn tính lũy kế trong Excel bằng hàm SUM và vẽ đồ thị doanh số

Hàm tính tổng trong Excel: Hàm SUMIF

Ngay từ tên gọi, bạn cũng có thể đoán được công dụng của hàm SUMIF. Là sự kết hợp giữa hàm SUM tính tổng và hàm IF đối chiếu điều kiện, hàm SUMIF được sử dụng để tính tổng có điều kiện trong Excel với cú pháp như sau:

=SUMIF(range, criteria, [sum_range])

Trong đó:

  • range (Tham số bắt buộc) - Vùng dữ liệu hoặc dải ô chứa dữ liệu cần đánh giá dựa theo điều kiện
  • criteria (Tham số bắt buộc) - Điều kiện cần đáp ứng
  • sum_range (Tham số tùy chọn) - Vùng dữ liệu chứa dữ liệu cần cộng nếu thỏa mãn điều kiện. Nếu bỏ qua tham số này, hàm SUMIF sẽ tính tổng dựa trên phạm vi tham số range.

Tương tự như hàm SUM, hàm SUMIF chỉ chấp nhận các tham số là giá trị số, và nó sẽ tự động loại trừ các giá trị văn bản và giá trị logic ra khỏi sum_range trong quá trình tính toán. Đây cũng là lưu ý chung dành cho tất cả các hàm tính tổng trong Excel.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về chức năng của hàm SUMIF, mình sẽ đưa ra một ví dụ nhanh dưới đây. Giả sử mình có bảng tổng hợp doanh thu của một đại lý hoa quả. Tại bảng phụ bên phải, mình sẽ lọc ra doanh thu đến từ táo bằng cách sử dụng hàm tính tổng trong Excel như sau:

=SUMIF(A2:A8,"Táo",C2:C8)

Trong đó:

  • range = A2:A8 - Cần đối chiếu các dữ liệu trong phạm vi A2:A8 với điều kiện
  • criteria = “Táo” - Chỉ nhận các giá trị “Táo” trong phạm vi đối chiếu
  • sum_range = C2:C8 - Vùng chứa các giá trị cần cộng là C2:C8, chỉ cộng những giá trị tương ứng với các giá trị thỏa mãn điều kiện.
hamtinhtongtrongexcel2

Như vậy, chúng ta đã hoàn thành tính tổng có điều kiện bằng cách sử dụng hàm SUMIF. Vậy nếu như chúng ta muốn đối chiếu nhiều hơn một điều kiện thì có sử dụng hàm SUMIF được không? Câu trả lời là không. Thay vào đó, chúng ta sẽ sử dụng một hàm tính tổng trong Excel khác.

Xem thêm: Hàm SUMIF không hoạt động trong Excel? Nguyên nhân và cách sửa lỗi

Hàm tính tổng trong Excel: Hàm SUMIFS

Nếu bạn muốn tính tổng dựa trên nhiều hơn một điều kiện cho trước thì hàm SUMIFS chính là hàm bạn cần. Cú pháp hàm SUMIFS không có nhiều điểm khác biệt so với hàm SUMIF:

=SUMIFS(sum_range,criteria_range1,criteria1,criteria_range2,criteria2,…)

Trong đó:

  • sum_range - Vùng dữ liệu chứa các giá trị cần tính tổng
  • criteria_range1 - Vùng dữ liệu thứ nhất cần áp dụng đánh giá theo điều kiện thứ nhất.
  • criteria1 - Điều kiện đầu tiên cần phải đáp ứng
  • criteria_range2, criteria2,… - Các cặp phạm vi-điều kiện khác. Bạn có thể áp dụng tối đa 127 cặp phạm vi-điều kiện cho hàm SUMIFS.

Với cú pháp như trên, bạn có thể coi hàm SUMIFS là sự kết hợp của nhiều hàm SUMIF nhỏ. Chính vì vậy mà cách sử dụng hàm SUMIFS hoàn toàn tương tự như những gì chúng ta đã thực hành với hàm SUMIF ở phần trên. Vẫn sử dụng ví dụ cũ, tuy nhiên lần này mình sẽ tính tổng dựa trên 2 điều kiện về sản phẩm và doanh thu như sau: Tính tổng tiền từ các dòng táo mang về hơn 15 triệu doanh thu.

Để làm được điều này, mình sẽ sử dụng công thức hàm tính tổng trong Excel như sau:

=SUMIFS(C2:C8,A2:A8,"Táo",C2:C8,">15000000")

Trong đó:

  • sum_range = C2:C8 - Vùng dữ liệu chứa các giá trị cần tính tổng là C2:C8.
  • criteria_range1,criteria1 = A2:A8,“Táo” - Lọc ra các sản phẩm táo trong phạm vi A2:A8
  • criteria_range2,criteria2 = C2:C8,“>15000000” - Lọc ra các sản phẩm có doanh thu tương ứng trên 15 triệu
hamtinhtongtrongexcel3

Như vậy, chúng ta đã có thể dễ dàng hoàn thành bài toán trên nhờ vào hàm SUMIFS tính tổng nhiều điều kiện. Trên thực tế, hàm SUMIFS là một trong những hàm được sử dụng nhiều nhất trong các loại báo cáo, phân tích dữ liệu. Tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu một ứng dụng cụ thể của hàm SUMIFS bạn nhé.

Xem thêm: Hướng dẫn lập báo cáo chi phí lương với hàm SUMIFS trong Excel

Hàm tính tổng trong Excel: Hàm DSUM

Nói đến các hàm tính tổng trong Excel, có lẽ bạn vẫn chưa biết đến hàm DSUM. Vậy hàm DSUM là gì? Đây là một hàm tính tổng có điều kiện. Cú pháp của hàm DSUM như sau:

=DSUM(database, field, criteria)

Trong đó:

  • database (tham số bắt buộc) - Cơ sở dữ liệu chứa ít nhất một trường dữ liệu kiểm tra điều kiện và một trường dữ liệu để tính tổng. Với database, dòng đầu tiên của phạm vi trang tính sẽ chứa tiêu đề của các cột.
  • field (tham số bắt buộc) - Trường dữ liệu được dùng để tính tổng các giá trị thỏa mãn. 
  • criteria (tham số bắt buộc) - Trường dữ liệu chứa điều kiện bạn đã thiết lập.

Hàm DSUM có thể tính tổng với một hoặc nhiều điều kiện cho trước, tương tự như hàm SUMIF và hàm SUMIFS. Tuy nhiên, cách dùng của hàm DSUM có phần khác biệt vì nó yêu cầu bạn phải có tiêu đề cột cho cả phạm vi rangecriteria.

Cụ thể hơn, chúng ta sẽ giải lại bài toán tính tổng có điều kiện phía trên bằng hàm DSUM thay cho hàm SUMIFS nhé. Đề bài như sau: Tính tổng tiền từ các dòng táo mang về hơn 15 triệu doanh thu.

Với hàm DSUM, chúng ta sẽ có công thức dưới đây:

=DSUM(A1:C8,C1,E1:F2)

Trong đó:

  • database = A1:A8 - Cơ sở dữ liệu là toàn bộ bảng A1:C8.
  • field = C1 - Trường dữ liệu cần tính tổng là cột Doanh thu.
  • criteria = E1:F2 - Trường dữ liệu chứa điều kiện là phạm vi E1:F2.
hamtinhtongtrongexcel4

Kết quả của công thức hàm DSUM hoàn toàn không có gì khác biệt so với hàm SUMIFS. Vậy là bạn đã có thêm một hàm tính tổng trong Excel để sử dụng cho các trường hợp khác nhau.

Tổng kết

Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta đã cùng tìm hiểu vè 4 hàm tính tổng trong Excel cơ bản và thông dụng nhất, bao gồm hàm SUM, hàm SUMIF, hàm SUMIFS và hàm DSUM. Bạn có thể thấy, chỉ với một công việc tính tổng thôi nhưng chúng ta cũng có thể sử dụng linh hoạt rất nhiều hàm khác nhau để tạo nên công thức phù hợp nhất.

Gitiho xin cảm ơn và chúc bạn thành công!

Xem thêm: Tuyệt đỉnh Excel - trở thành bậc thầy Excel trong 16 giờ

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông