Quản lý cảm xúc là gì? Tầm quan trọng của việc kiểm soát, cân bằng cảm xúc

Nội dung được viết bởi Mai Phạm

Quản lý cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến công việc. Bởi đôi khi chúng ta phải đối mặt với áp lực, lo lắng, sợ hãi hay cáu gắt khiến khó lòng làm chủ bản thân. Vì thế Gitiho muốn gửi đến bạn những thông tin hữu ích về quản lý cảm xúc là gì? Qua đây bạn sẽ biết thêm bí kíp rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc cá nhân. Nhờ vậy bạn dễ dàng cân bằng cuộc sống hơn.  

Kỹ năng quản lý cảm xúc là gì?

Muốn điều khiển cảm xúc bản thân, chúng ta cần hiểu rõ quản trị cảm xúc là gì? Theo Don Hockenbury và Sandra E.Hockenbury tác giả cuốn “Khám phá tâm lý học”: “Cảm xúc là trạng thái tâm lý phức tạp, sự rung động, phản ứng của con người đối với những yếu tố ngoại cảnh tác động”. 

quan-ly-cam-xuc-1
Kỹ năng quản lý cảm xúc giúp mỗi người làm chủ được bản thân

Kiểm soát cảm xúc là kỹ năng điều khiển cảm xúc bản thân trong mọi tình huống giao tiếp. Dù hoàn cảnh thảm hại tới thế nào chúng ta vẫn có thể tự chủ được.

Quản lý cảm xúc không đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc hay khống chế, kìm hãm chúng. Ở đây bạn cần hiểu rõ cảm xúc của chính mình cũng như người đang giao tiếp. Qua đó bạn có thể điều chỉnh một cách hài hòa, phù hợp. 

Xem thêm: 5 phương pháp giúp bạn làm chủ kỹ năng kiểm soát cảm xúc

Hai nhà tâm lý học John Mayer và Peter Salovey cho rằng: “Một người có trí tuệ cảm xúc có kỹ năng nhận diện, vận dụng, hiểu và điều hướng cảm xúc”. Những người kiểm soát cảm xúc tốt thường có chỉ số EQ cao. Họ biết cách kết hợp nhận thức cá nhân, ứng phó với căng thẳng cũng như ứng xử với người khác. 

Tầm quan trọng của việc quản lý, cân bằng cảm xúc

Việc không kiềm chế được cảm xúc là lý do dẫn tới nhiều mâu thuẫn ở công sở hay cuộc sống. Kỹ năng quản lý cảm xúc đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta giảm bớt rắc rối, các mối quan hệ trở nên hài hòa hơn. 

quan-ly-cam-xuc-2
Quản lý cảm xúc tốt giúp tránh được những rắc rối không đáng có

Hiểu tiết chế cảm xúc là gì góp phần thấu hiểu bản thân và những người xung quanh. Khi nhận diện được cảm xúc cá nhân bạn mới có thể điều khiển lời nói, hành động theo lý trí, suy xét kỹ lưỡng, tránh xảy ra sai lầm đáng tiếc. 

Trong công việc, quản lý cảm xúc tốt giúp bạn cư xử đúng mực hơn. Nhờ đó các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, tất cả mọi người cùng sẵn sàng hỗ trợ nhau để nhiệm vụ hoàn thành tốt. 

Người có kỹ năng quản trị cảm xúc sẽ tự tin, chủ động đối mặt với khó khăn, thử thách. Thay vì sợ hãi, chúng ta dùng tinh thần tích cực để giải quyết hiệu quả. Giữ tâm trạng cân bằng, con người sẽ ra quyết định sáng suốt hơn. 

Bí kíp rèn luyện cách quản lý cảm xúc trong công việc

Quản lý cảm xúc không phải là khả năng bẩm sinh mà được rèn luyện, điều chỉnh mỗi ngày. Thực tế có người hiểu rất rõ kiểm soát cảm xúc là gì nhưng chính bản thân họ lại không làm được điều đó. 

Biết điều hòa cảm xúc cá nhân vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Vậy làm sao để đạt tới kỹ năng thượng thừa? Bạn nên lưu ngay những bí kíp sau đây:

Điều chỉnh hành động

Shannon L.Alder từng nói rằng: “Tức giận, oán giận, ghen tuông không thay đổi được trái tim người khác, chỉ thay đổi trái tim của bạn”. Người duy nhất bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực không ai khác. Lúc này sự căng thẳng, khó chịu có thể bộc phát thành hành động, bạn không thể làm chủ bản thân. 

quan-ly-cam-xuc-3
Những hành động bộc phát khi tức giận có thể gây nên xung đột gay gắt

Trước tình huống ấy, bạn cần học cách điều khiển cảm xúc để trở về trạng thái cân bằng. Hãy thực hiện những điều đơn giản như: Hít thở sâu, thả lỏng toàn bộ cơ thể, điều chỉnh tư thế để bản thân cảm thấy thoải mái nhất. 

Nhờ vậy bạn sẽ khiến tinh thần được giải phóng hoàn toàn. Bạn nhanh chóng thoát ra được mớ cảm xúc tiêu cực hỗn độn đang bao trùm. 

Vận dụng trí tuệ sức mạnh để cân bằng cảm xúc

Một trong những kỹ năng quản lý cảm xúc hữu hiệu chính là sử dụng sức mạnh của trí tuệ cảm xúc – EQ. Nhà triết học Aristotle từng chia sẻ: “Ai cũng có thể tức giận. Điều này rất dễ. Nhưng tức giận đúng người, đúng mực, đúng thời điểm, đúng mục đích, đúng cách không nằm trong khả năng của mỗi người và không dễ dàng chút nào”. 

quan-ly-cam-xuc-4
Người có EQ cao thường biết cách cân bằng cảm xúc hiệu quả

EQ giúp chính ta nhận biết rõ ràng điểm mạnh nên phát huy và điểm yếu cần cải thiện. Người có EQ cao thường ham hiểu, cảm thông với cảm xúc của người khác. Họ biết lắng nghe, quan tâm, xây dựng, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Vậy nên những người này luôn có cuộc sống cởi mở, chân thành. 

Quản trị cảm xúc bằng EQ còn giúp bạn kiềm chế cảm xúc, không để chúng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Lẽ dĩ nhiên bạn biết cách tự điều chỉnh, đánh giá, chế ngự khát vọng, đam mê. Bên cạnh đó trí tuệ cảm xúc còn là cách để nâng cao tính kỷ luật bản thân, kích thích tinh thần tự tư duy, sáng tạo tìm ra biện pháp xử lý công việc hiệu quả hơn. 

Xem thêm: Chỉ số EQ là gì? Làm sao để phát triển chỉ số EQ

Sử dụng ngôn từ mang tính khích lệ

Nhà truyền cảm hứng Israelmore Ayivor từng nói: “Nụ cười có thể hàn gắn mọi thứ, sự tức giận có thể giết chết hàng triệu điều. Một cái bắt tay có thể động viên tinh thần hàng chục người, những cái chỉ tay khiến hàng ngàn người rời xa bạn”. 

quan-ly-cam-xuc-5
Lời nói khi nóng giận có thể làm tổn thương người khác

Thay vì mỗi ngày than vãn về mọi chuyện xung quanh, bạn nên học cách quản lý cảm xúc bằng việc dùng những ngôn từ tích cực mang tính khích lệ, động viên. Nếu cứ mãi than thân trách phận thì vô hình chúng ta đang tạo ra vô vàn cảm xúc tiêu cực cho chính mình. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ bị chính những điều ấy làm tổn thương tới tinh thần, thể xác. 

Vận dụng sức mạnh ngôn từ không chỉ giúp kiểm soát cảm xúc riêng mình mà còn tác động tích cực tới người đang giao tiếp. Ví dụ: Khi bạn và đồng nghiệp xảy ra bất đồng quan điểm, bạn có thể lựa lời để nói cho đối phương hiểu mà không bị tổn thương. Không nên chê bai thẳng thừng hay bác bỏ quan điểm của họ. Điều đó vừa mang đến cảm xúc tiêu cực, vừa khiến mối quan hệ giữa hai người càng căng thẳng. 

Rèn luyện sự tự tin

Rèn luyện sự tự tin cũng là cách trau dồi kỹ năng quản lý cảm xúc hiệu quả. Một người thiếu tự tin thường dễ bi quan, cáu gắt hoặc tức giận vô cớ. Bên cạnh đó họ cũng luôn cảm thấy sợ hãi mọi thứ xung quanh. 

quan-ly-cam-xuc-6
Sự tự tin mang lại cho chúng ta thế chủ động

Không đủ tự tin còn khiến chúng ta nghi ngờ sự lựa chọn của bản thân. Để thoát khỏi ma trận của những cảm xúc tiêu cực, lấy lại sự tự tin là điều cần thiết. 

Để rèn luyện tự tin bạn cần thật sự nghiêm khắc với bản thân. Đặc biệt bạn nên ghi nhớ những quy tắc sau:

  • Luôn luôn nhìn trực diện vào mắt người nói chuyện với mình. 
  • Hành động dứt khoát, không để bản thân chìm đắm trong sợ hãi. 
  • Can đảm, tự tin thử sức với những điều mới mẻ. 
  • Không ngừng khám phá bản thân. 
  • Thiết lập mục tiêu có tính khả năng, nghiêm túc thực hiện.

Xã hội hiện tại rất dễ vùi dập sự tự tin của một người. Những lời chế giễu, khinh thường của người quen, bạn bè chính là con dao giết chết điều đó. Muốn vượt qua được và quản lý cảm xúc bạn phải tự dựa vào bản thân mình. 

Làm chủ cảm xúc

Người kiểm soát cảm xúc thành công chính là không để tâm trạng tiêu cực điều khiển hành động, lời nói. Như tác giả Ellen Hopkins từng nói: “Tức giận là cảm xúc bình thường. Nó chỉ xấu khi bạn mất kiểm soát, làm những việc bạn không muốn làm”. Để loại bỏ sự tiêu cực trong suy nghĩ, bạn nên chú ý:

quan-ly-cam-xuc-7
Cảm xúc tiêu cực đôi khi là con dao giết chết lòng nhiệt huyết của một người
  • Nâng cao ý thức trách nhiệm, không trốn tránh, đổ lỗi. 
  • Không bào chữa cho những sai lầm mình mắc phải, hãy can đảm nhận lỗi và sửa đổi. 
  • Đừng đặt nặng tính thiệt hơn trong các mối quan hệ. 
  • Loại bỏ ngôn từ tiêu cực, ưu tiên những lời nói tích cực, tươi sáng, lời khen ngợi. 

Theo TS.Lê Thẩm Dương: “Cảm xúc là kẻ thù số 1 của thành công”. Những người đạt thành tựu trong công việc đều có kỹ năng kiểm soát cảm xúc vô cùng tốt. Họ ý thức cao độ về việc rèn luyện việc điều khiển cảm xúc cá nhân. Vì thế ngay từ giờ bạn hãy dần bồi dưỡng kỹ năng này để đạt được những mục tiêu mong muốn. 

Phương pháp kiểm soát, cân bằng cảm xúc

Như phân tích ở trên, tự điều khiển cảm xúc mang đến rất nhiều lợi ích trong công việc, cuộc sống. Khả năng quản lý cảm xúc không phải bỗng nhiên xuất hiện. Tất cả đều cần quá trình rèn dũa bản thân. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp cân bằng tâm trạng dưới đây:

Điều chỉnh trạng thái cơ thể

Muốn cảm xúc cân bằng, trước tiên cơ thể cần ở trong trạng thái tốt nhất. Một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn thì suy nghĩ tích cực sẽ dễ dàng ghé thăm. Ngược lại người mệt mỏi, lo lắng, buồn bã kéo theo cảm xúc tiêu cực, chán nản xâm chiếm. 

quan-ly-cam-xuc-8
Sắp xếp hài hòa công việc – cuộc sống giúp bản thân trở nên thoải mái hơn

Khi tức giận, đồng nghĩa với việc tim đập nhanh, máu dồn lên não gây căng thẳng, khó chịu. Lúc này bạn dễ rơi vào tình trạng mất khả năng làm chủ bản thân, dễ cáu giận, hành động bộc phát. Để điều chỉnh cơ thể thoải mái hơn, bạn hãy thư giãn bằng cách hít thở sâu, thả lỏng và uống một cốc nước. 

Thiền

Thiền hoặc yoga là liệu pháp tĩnh tâm cực hiệu quả nhất đặc biệt với người đang khó chịu, giận giữ. Chỉ với vài phút thực hiện những điều sau bạn có thể kiểm soát cảm xúc tiêu cực, cải thiện tâm trạng tốt hơn lên. 

quan-ly-cam-xuc-9
Thiền giúp chúng ta tĩnh tâm, bỏ sau lưng những sân si tầm thường
  • Hít thở sâu, thật chậm để cân bằng nhịp tim, giảm căng thẳng. 
  • Thả lỏng cơ bắp, thư giãn toàn bộ cơ thể. 
  • Đưa suy nghĩ thoát khỏi những áp lực, mệt mỏi, thả mình vào miền yên tĩnh.

Khi đã tĩnh tâm lại được bạn sẽ không còn quá sân si, lưu luyến tới những điều tiêu cực trước đó. Vì vậy bạn hãy áp dụng cách quản lý cảm xúc này bất cứ lúc nào. 

Viết nhật ký

Một phương pháp kiểm soát cảm xúc ở nơi công sở chính là viết tất cả mọi điều dồn nén trong lòng vào nhật ký. Trong công việc sẽ không hiếm trường hợp bị sếp phê bình hay đồng nghiệp chèn ép, gây khó dễ. 

quan-ly-cam-xuc-10
Trút mọi nỗi lòng vào nhật ký giúp bạn thoải mái hơn

Để bình tĩnh, tìm ra giải pháp bạn hãy trút tất cả vào những trang giấy. Kết hợp cùng hít thở sâu giúp bạn nhanh chóng sắp xếp suy nghĩ của kiểm, kiềm chế cơn giận tốt hơn, tránh hành động bộc phát tức thời. 

Giải tỏa cảm xúc

Nghiên cứu của Heiy & Cheavens cho rằng: “Các hoạt động tự xoa dịu bản thân giúp giảm cảm xúc buồn bã, cáu giận”. Cảm xúc không nên bị dồn nén mà cần được giải tỏa một cách lành mạnh. 

quan-ly-cam-xuc-11
Chia sẻ cùng bạn bè, người thân có thể làm chúng ta tìm thấy nhiệt huyết

Khi thấy mình bị mất cân bằng trong cuộc sống, chán nản bạn hãy dành nhiều thời gian cho bản thân. Tham gia các hoạt động như: Tập thể dục, vẽ tranh, xem phim, đi ăn đồ ngon, mua quần áo đẹp có thể giúp bạn nhẹ lòng hơn. 

Ngoài ra, bạn hãy chia sẻ cảm xúc với bạn bè, gia đình. Những người hiểu, sẵn sàng lắng nghe sẽ giúp bạn giảm bớt uất ức, khó chịu trong lòng. 

Như vậy kỹ năng kiểm soát cảm xúc đóng vai trò quan trọng với tất cả mọi người. Dù bạn làm ở đâu, vị trí nào cũng đều cần biết cách điều hòa cảm xúc, hành động để làm việc hiệu quả, mở rộng cơ hội thăng tiến. Với chia sẻ trên đây Gitiho hy vọng bạn hiểu hơn về quản lý cảm xúc. Tâm lý được giải tỏa thoải mái sẽ giúp bạn trở thành phiên bản ngày càng tốt hơn. 

5/5 - (1 bình chọn)

5/5 - (1 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông