Trong công việc, chắc hẳn đã có những lúc bạn nhận được những lời góp ý rằng bạn phải làm như thế này, như thế kia trong khi họ không trực tiếp ở trong hoàn cảnh của bạn, họ không hiểu bạn thực hiện như thế nào?
Đây cũng là tình trạng phổ biến trong các tổ chức hiện nay và nó khá giống với hình ảnh “trên khán đài, dưới sân cỏ” trong các trận bóng đá chúng ta thường thấy, vậy mô hình này là gì và có ý nghĩa như thế nào? Cùng Gitiho tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Thông thường trong một trận đấu bóng có 3 nhóm: cầu thủ, huấn luyện viên, và khán giả.
Cầu thủ ở dưới sân cỏ, các cuộc hội thoại của họ chính là một phần của cuộc chơi để hướng đến mục tiêu cả đội giành được chiến thắng. Họ là những người chịu rủi ro cao nhưng cũng có cơ hội nhận được phần thưởng cao.
Còn khán giả ngồi trên khán đài, họ đứng ngoài và phán xét bình luận về những gì đang diễn ra dưới sân cỏ. Họ chịu rủi ro thấp, nhận phần thưởng thấp nếu đội của họ thắng hoặc thua.
Đối với huấn luyện viên, họ không đá nhưng có cuộc hội thoại tạo ra tương lai chiến thắng của trận đấu. Nếu như trận đấu thua thôi huấn luyện viên sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Qua đó, có phải bạn nhận ra mô hình “trên khán đài dưới sân cỏ” đang diễn ra tại tổ chức của mình?
Một đội nhóm đang nỗ lực triển khai thực hiện chiến lược marketing để quảng bá sản phẩm mới của công ty ra thị trường và họ gặp phải một số vấn đề xoay quanh việc tiếp thị. Vì vậy họ rất cần một cuộc họp để tất cả mọi người cùng thảo luận và đưa ra phương án giải quyết.
Thay vì trăn trở suy nghĩ đề xuất hướng giải quyết để đạt được mục tiêu thì một số nhân viên lại giống như khán giả trên khán đài, lại đưa ra những lời phán xét, bình luận không mang tính xây dựng và cải thiện tình hình.
Lúc này, leader sẽ đóng vai trò như huấn luyện viên, họ sẽ điều hướng và định hướng nhân viên của mình phải làm như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, chiến dịch có thành công hay không còn dựa vào đối thủ cạnh tranh, tình hình thị trường và nội dung chiến lược, nguồn nhân lực.
Hơn nữa, leader cũng nên nhận ra được nhân viên của mình đang ở trên khán đài và lôi cuốn, thúc đẩy họ xuống dưới sân cỏ.
Đôi khi con người không đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí của người khác nên họ không hiểu được những gì người khác đang trải qua. Và những lời phán xét đó là những phản xạ vô thức được hình thành một cách tự nhiên trong não bộ con người. Và tất nhiên, họ sẽ không nhận ra mình có những phản xạ vô thức đó, nó không xấu mà chỉ đơn giản là phản xạ tự nhiên của não bộ.
Tuy nhiên, những phán xét vô thức này không tạo ra tác động giúp đội nhóm tiến lên phía trước. Thậm chí nó có thể gây hại rất lớn. Thay vì để cho phản xạ đó điều khiển con người trở thành khán giả trên khán đài một cách vô thức thì hãy sớm nhận ra để có những điều chỉnh phù hợp.
Đặc biệt với người lãnh đạo, không chỉ cần khám phá ra mô hình này mà còn phải nhận thức được mình đang đứng ở vai trò nào, liệu có đang hoạt động như một người chỉ quan sát, phê phán từ xa hay đang tham gia, đóng góp và đưa ra lời khuyên, giải pháp hữu ích. Điều quan trọng nhất là bạn cần nhận ra và chuyển đổi giữa 2 vai trò này một cách linh hoạt và hợp lý để tạo ra tác động tích cực cho tổ chức.
Mô hình “trên khán đài dưới sân cỏ” có thể bắt gặp ở bất kỳ tổ chức nào và để thay đổi nó thì rất cần sự lãnh đạo tài tình của lãnh đạo và quản lý.
Giả sử có một công ty công nghệ đang gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm mới và tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Lãnh đạo và nhân viên trong công ty có thể thực hiện các bước sau để tạo ra sự đột phá và nâng cao hiệu suất.
Bước 1: Khám phá/nhận ra cơ chế trên khán đài, dưới sân cỏ
Lãnh đạo và nhân viên hãy nhận thức về việc họ có thể đang làm khán giả, chỉ đứng ngoài quan sát mà không tham gia tích cực vào quá trình phát triển sản phẩm.
Bước 2: Ý thức được cơ chế trên khán đài không hiệu quả cho tổ chức
Họ nhận ra rằng việc chỉ đứng ngoài quan sát và đánh giá mà không tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu, phân tích, phát triển sản phẩm mới có thể giới hạn khả năng tạo ra giải pháp đột phá và cạnh tranh trên thị trường.
Bước 3: Lựa chọn giữ lập trường luôn xuống sân cỏ
Như vậy, thay vì chỉ nói mà không làm gì thì mọi người quyết định tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm sản phẩm. Từ đó tạo ra môi trường cùng nhau học tập và phát triển trong tổ chức. Nơi mà mỗi thành viên đóng vai trò như cầu thủ dưới sân cỏ, luôn hành động và nỗ lực hết mình để tạo ra giá trị cho đội nhóm, tổ chức của mình.
Bước 4: Quan sát trong công việc và nhận ra những thời điểm mình đang là khán giả ở trên khán đài
Lãnh đạo nên thường xuyên tổ chức những cuộc họp để nhân viên có quyền đưa ra các ý tưởng, phản hồi và đánh giá công việc lẫn nhau. Qua đó, nhìn nhận lại bản thân và những thời điểm họ trở thành khán giản mà không đóng góp vào việc đưa ra các điều chỉnh phù hợp để tạo nên kết quả công việc tốt nhất.
Đồng thời mỗi thành viên cũng có thể đóng vai trò là một người huấn luyện viên để nhận ra và lôi cuốn đồng nghiệp của mình xuống sân cỏ khi thấy họ đang làm khán giả ngồi trên khán đài.
Hiểu hơn về năng lực lãnh đạo: Năng lực Leadership - Sức mạnh của một nhà lãnh đạo
Mô hình “trên khán đài dưới sân cỏ” cũng giúp bạn nhận ra rằng mình nên đặt mình vào vị trí của người khác để có cái nhìn toàn diện và đồng cảm. Đừng bao giờ đưa ra những lời phán xét hay chỉ trích trong khi bạn không ở trong hoàn cảnh của họ.
Là một lãnh đạo, bạn nên hiểu rõ về mô hình “trên khán đài dưới sân cỏ” và chuyển hóa nó vào công việc để quản lý đội ngũ nhân sự hiệu quả nhất.