Các bước xây dựng Quy chế Tiền lương trong Doanh nghiệp (Phần 1)

Nội dung được viết bởi Sabrina

Ngày nay, khi mà sự phổ cập về pháp luật lao động ngày một lớn qua các phương tiện truyền thông nhất là internet, nhận thức của người lao động về những quyền lợi hợp pháp của họ cũng ngày một nâng cao. Một trong vấn đề ưu tiên hàng đầu của những người lao động quan tâm là vấn đề trả lương khi quyết định dự tuyển vào doanh nghiệp.

Giữa tình hình tuyển dụng ngày càng khó khăn, một trong những yếu tố quyết định sức hút của doanh nghiệp trên thị trường lao động là Quy chế tiền lương. Ở nhiều Doanh nghiệp lớn, thường có một bộ phận chuyên về xây dựng chế độ chính sách cho người lao động - thường được gọi là bộ phận C&B hay bộ phận Chính sách & Quan hệ lao động. Tùy từng quy mô mà bộ phận này là 1 phòng trong Ban Nhân sự hay là 1 team trong Phòng Nhân sự. Song không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận chuyên trách này và không phải ai làm nhân sự cũng có thể thực hiện xây dựng Quy chế Tiền lương một cách bài bản, chuyên nghiệp và đúng với quy định của pháp luật lao động hiện hành.

Bài viết này nhằm mục đích giới thiệu đến các bạn các bước để xây dựng một Quy chế Tiền lương trong doanh nghiệp.

tien-luong

Bước 1: Xác định kết cấu của Quy chế tiền lương

Thông thường một Quy chế Tiền lương sẽ được thiết kế theo 7 phần.

Phần 1: Những quy định chung

Phần 2: Chi phí và cấu trúc của chi phí nhân sự

Phần 3: Quy định hệ thống ngạch, chức danh

Phần 4: Chế độ tiền lương

Phần 5: Chế độ phụ cấp

Phần 6: Chế độ phúc lợi và các đãi ngộ khác

Phần 7: Điều khoản thi hành

Thực hành nghiệp vụ Hành chính - Nhân sự cho người mới bắt đầu

Bước 2: Đi vào chi tiết xây dựng nội dung trong từng phần

Phần 1. Những quy định chung.

2.1.1. Ở phần này, người xây dựng Quy chế Tiền lương cần xác định Mục đích của Quy chế Tiền lương này là gì?

Thông thường Mục đích của một Quy chế Tiền lương sẽ bao gồm:

  • Khuyến khích nâng cao năng suất và hiệu quả lao động bằng việc công bằng trong trả lương dựa trên kết quả công việc
  • Thu hút nhân lực giỏi cho Công ty
  • Xây dựng lộ trình phát triển cho người lao động trong doanh nghiệp (dựa trên hệ thống chức danh)
  • Giữ chân đội ngũ nhân lực gắn bó với Công ty.

2.1.2. Dựa trên mục đích đưa ra nguyên tắc trong Quy chế Tiền lương

Nguyên tắc bất di bất dịch trong trường hợp Doanh nghiệp muốn thu hút và giữ chân nhân lực là: “Cạnh tranh - Công bằng - Hợp lý”.

Cạnh tranh: chính là việc đảm bảo mức lương và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn trong mắt người lao động trên thị trường lao động.

Công bằng: về mặt nội bộ Lương và thu nhập của người lao động được quyết định dựa trên phạm vi trách nhiệm, vai trò, năng lực và kết quả công việc cũng như kết quả kinh doanh, chính sách và chiến lược của mỗi Doanh nghiệp

Khả thi: phù hợp với kế hoạch kinh doanh và các quy định trong hạch toán kế toán cũng như tài chính của Doanh nghiệp.

Một Quy chế Tiền lương có cạnh tranh đến đâu đảm bảo công bằng như thế nào, nhưng nếu vượt khỏi khả năng tài chính của Doanh nghiệp thì Quy chế Tiền lương đó cũng không có tính khả thi.

2.1.3. Đối tượng áp dụng

Quy định rõ về đối tượng áp dụng theo Quy chế Tiền lương, có những doanh nghiệp đặc thù thường sẽ có những bộ phận không áp dụng theo Quy chế Tiền lương chung như: Hội động Quản trị, Ban Kiểm soát,….

Trong bài viết này đề cập đến đối tượng người lao động ký hợp đồng lao động theo các loại dưới đây:

  1. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  2. Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
  3. Hợp đồng thử việc

Quy định về hợp đồng thử việc theo Bộ Luật lao động mới nhất

2.1.4. Các định nghĩa và viết tắt trong Quy chế Tiền lương

Tùy quy mô và loại hình doanh nghiệp  à phần định nghĩa và viết tắt này sẽ có những thuật ngữ khác nhau, dưới đây là hệ thống các định nghĩa/viết tắt trong một Quy chế Tiền lương của một trong những Tập đoàn Bất Động sản lớn tại Việt Nam:

Định nghĩa:

  1. Thu nhập thỏa thuận (TNTT): Bao gồm tất cả các khoản mà người lao động nhận được từ sự đóng góp công sức lao động của mình vào Công ty, theo kết quả số lượng, chất lượng hay hiệu quả công việc mang lại. Thu nhập được biểu hiện bằng tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp …;
  2. Thu nhập vị trí (TNVT): Là tổng số tiền thu nhập của người lao động được xác định dựa vào vị trí công việc, bao gồm: Lương Cơ bản, Thưởng kết quả hoạt động, Phụ cấp điện thoại, Phụ cấp ăn ca, Phụ cấp đi lại;
  3. Lương cơ bản (L­CB): Là mức lương tương ứng với từng vị trí công việc, chức danh công việc, bao gồm cả phụ cấp trách nhiệm và chức vụ. Được xác định dựa trên giá trị công việc, là căn cứ xác định để tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn đối với Người lao động;
  4. Phụ cấp (PC): Bao gồm các loại phụ cấp mà Công ty trả cho người lao động để cân bằng cuộc sống và công việc. Mức phụ cấp được xác định dựa trên cấp bậc chức danh và thực tế công việc của từng cá nhân;
  5. Phụ cấp điều động (PDĐ): Là khoản phụ cấp áp dụng đối với Người lao động đang làm việc tại Công ty hoặc một đơn vị khác trực thuộc Công ty được điều động đến làm việc có thời hạn tại đơn vị khác trực thuộc Công ty cách nơi làm việc thường xuyên của Người lao động từ 200 km trở lên;
  6. Thưởng cân bằng công việc (TCBCV): Là khoản thưởng được nhận thêm khi người lao động đảm nhận và hoàn thành thêm phần công việc ngoài phạm vi công việc so với thỏa thuận ban đầu trong khoảng thời gian ngắn hạn;
  7. Thưởng thành tích cao (TTTC): Là phần thưởng cho những cán bộ nhân viên hoàn thành công việc vượt kế hoạch, được đánh giá xếp loại cá nhân cả năm đạt loại A1 hoặc A2. Danh sách các CBNV thuộc diện được xét thưởng thành tích cao sẽ được TGĐ quyết định vào cuối năm âm lịch hàng năm sau khi có kết quả đánh giá cá nhân hợp lệ;
  8. Thưởng kết quả hoạt động (TKQHĐ): Là khoản thưởng dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của công ty, kết quả hoạt động của ban/phòng và kết quả hoạt động của từng người lao động trong chu kỳ. Khoản thưởng kết quả hoạt động sẽ được tạm ứng trước vào cùng với kỳ trả lương tháng cho người lao động được tạm tính theo ngày công làm việc và sẽ được quyết toán dựa trên kết quả hoạt động của công ty, kết quả hoạt động của phòng ban và kết quả hoạt động của cá nhân theo từng chu kỳ kinh doanh của công ty;
  9. Thưởng kết quả kinh doanh cả năm (TKQKD): Là số tiền được thưởng vào cuối năm cho mỗi cán bộ công nhân viên dựa theo kết quả kinh doanh của Công ty và thời gian làm việc, kết quả công việc của cá nhân vào cuối mỗi năm;
  10. Thưởng khác (TK): Gồm các phần thưởng, mức thưởng cho những sáng kiến cải tiến cho các kết quả công việc, thành tích vượt trội của cá nhân, của nhóm làm việc;
  11. Phúc lợi (PL): Là các khoản tiền, tương đương tiền hoặc quà tặng vật chất dành cho người lao động vào các dịp lễ tết, các trường hợp hiếu hỉ, thăm hỏi và các hoạt động khác…;
  12. Tăng lương định kỳ (TLĐK): Là việc điều chỉnh lương được căn cứ dựa vào thâm niên giữ ngạch/bậc lương từ đủ 1 năm của từng cá nhân và được điều chỉnh theo các tỷ lệ cố định tương ứng với kết quả đánh giá của từng cá nhân trong cả năm;
  13. Tăng lương khuyến khích (TLKK): Là việc điều chỉnh lương trước thời hạn cho những cá nhân có thời gian giữ ngạch/bậc lương từ đủ 6 tháng đến dưới 1 năm, nhưng có những sáng kiến, cải tiến trong công việc đã được ghi nhận và công ty tặng giấy khen trong năm. Mức/tỷ lệ điều chỉnh được căn cứ dựa trên quỹ tăng lương hàng năm của từng Ban/phòng và không được vượt quá dải lương của vị trí đó;
  14. Tăng lương nóng (TLN): Là hình thức tăng lương không theo định kỳ, nhằm ghi nhận kịp thời cho những cá nhân (CBNV) có những thành tích đặc biệt vượt trội đem lại các giá trị lớn về kinh tế hoặc các giá trị về hình ảnh/thương hiệu cho Tập đoàn mà có sự lan tỏa, sức ảnh hưởng lớn đến xã hội, được Ban lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận và khen thưởng;
  15. Ngạch thu nhập (NTN): Là hệ thống phân cấp các chức danh theo tính chất, mức độ phức tạp của công việc và phạm vi trách nhiệm của công việc đó trong tổ chức hoạt động của Công ty;
  16. Bậc thu nhập (BTN): Là mức độ phản ánh cấp bậc công việc của NLĐ dựa trên kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực, thời gian và thành tích công tác;
  17. Thang lương (T­L): Là hệ thống dải lương được áp dụng đối với từng vị trí chức danh được xác định dựa trên giá trị công việc, ngạch thu nhập và cấp độ Ban/phòng của từng vị trí;
  18. Ban, phòng: Bao gồm các ban, phòng, các chi nhánh trực thuộc Công ty;
  19. Công ty/Tập đoàn Là tên Công ty/ Tập đoàn;
  20. Người lao động (NLĐ): Là những người đang làm việc tại Công ty theo một trong các hình thức hợp đồng quy định tại Quy chế này.;
  21. Người sử dụng lao động (NSDLĐ): Là Công ty/Doanh nghiệp

Các từ viết tắt

  1. Hội đồng quản trị - HĐQT (Ở Doanh nghiệp Cổ phần thì sẽ là HĐQT còn ở Công ty TNHH sẽ là Hội đồng Thành viên)
  2. Chủ tịch Hội đồng quản trị - CT.HĐQT (Ở Công ty TNHH sẽ là Chủ tịch Hội đồng Thành viên hoặc Chủ tịch Công ty)
  3. Tổng Giám đốc - TGĐ (hoặc Giám đốc)
  4. Trưởng ban Nhân sự - TBNS (hoặc Trưởng phòng Nhân sự/Trưởng phòng Hành chính Nhân sự - tùy theo quy mô Công ty)
  5. Cán bộ nhân viên - CBNV
  6. Bảo hiểm xã hội - BHXH
  7. Bảo hiểm y tế - BHYT
  8. Bảo hiểm thất nghiệp - BHTN
  9. Người lao động - NLĐ
  10. Hợp đồng lao động - HĐLĐ

Hết phần 1

Tổng kết

Bài viết đã giới thiệu tới bạn kết cấu của quy chế tiền lương cũng như những quy định chung khi xây dựng quy chế tiền lương. Để tìm hiểu những bước tiếp theo của quy trình xây dựng quy chế tiền lương, hãy theo dõi các phần sau của bài viết nhé!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông