Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết

Nội dung được viết bởi G-Multimedia

Bạn đã thực sự hiểu về các định dạng hình ảnh trong thiết kế? Mỗi loại ảnh và ấn phẩm đều có mục đích khác nhau vì vậy mà định dạng ảnh cũng cần phù hợp với nhu cầu sử dụng. Vì vậy ngoài các kĩ năng thiết kế, bạn cũng cần trau dồi kiến thức về định dạng file ảnh để phục vụ cho công việc in ấn cũng như xử lí ảnh của bạn tốt nhất. Vậy thì hãy cùng G-Multimedia tìm hiểu ngay cách sử dụng các định dạng hình ảnh cơ bản nhất dưới đây bạn nhé!

Master Illustrator: làm chủ từ Tư duy đến Công cụ thiết kế

Một số khái niệm liên quan tới định dạng hình ảnh

Raster và Vector

Raster và Vector là hai dạng đồ họa phổ biến trong lĩnh vực thiết kế. Trong đó Raster là một cấu trúc dữ liệu được cấu tạo bởi một mạng lưới bao gồm nhiđịnhều pixel. Và phần mềm chủ yếu hỗ trợ cho dạng đồ họa này là công cụ Photoshop. Ngược lại, Vector là yếu tố đồ họa kĩ thuật số được tạo ra bởi các điểm dựa trên công thức toán học. Phần mềm hỗ trợ cho dạng đồ họa này chính là công cụ AI (Adobe Illustrator). Đồ họa Vector và Raster cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chọn định dạng hình ảnh phù hợp cho thiết kế, vì vậy bạn nên bổ sung ngay cho mình kiến thức về ý nghĩa của hai khái niệm này nhé!

Xem thêm: Sự khác biệt giữa Vector và Raster trong thiết kế đồ họa

Lossy và Lossless

Lossy và Lossless là hai khái niệm đề cập tới thao tác nén hình ảnh, đây có thể coi là hai kĩ thuật phổ biến được dùng để tối ưu chất lượng ảnh và thời gian tải file ảnh nhanh chóng trên web.

Các file ảnh có định dạng lossy khi bị nén sẽ giảm bớt số lượng màu hoặc loại bỏ các thông tin không cần thiết khỏi ảnh. Vì vậy file ảnh lossy sẽ có dung lượng thấp hơn ảnh gốc. Điều này đi kèm với việc chất lượng hình ảnh sau khi bị nén sẽ giảm bởi số lượng màu đã mất đi. Nếu bạn cần tối ưu dung lượng để có thể dễ dàng sử dụng trên web hoặc tải về nhanh gọn, thì lossy là định dạng hình ảnh thích hợp. Nhưng bạn sẽ phải đánh đổi là chất lượng ảnh sẽ giảm hơn so với ảnh gốc. 

Đối với ảnh có định dạng lossless thì khi được nén, nó cho phép bạn giảm kích thước file nhưng KHÔNG làm giảm chất lượng hình ảnh. Đây có thể coi là định dạng ảnh mơ ước đối với các Designer bởi nó vừa hỗ trợ khả năng thể hiện của ảnh trên web, vừa không làm mất đi chất lượng ảnh gốc. Nếu bạn muốn xuất file nhưng vẫn giữ lại được chất lượng tốt cho ảnh, thì lossless là định dạng hình ảnh phù hợp so với lossy. Nhưng lưu ý là file lossless có thể có dung lượng khá lớn (Tùy theo kích thước file gốc của bạn).

Định dạng hình ảnh JPG/JPEG

JPG là định dạng ảnh phổ biến nhất cho file ảnh kĩ thuật số và đồ họa kĩ thuật số. JPG được áp dụng thuật toán nén "Lossy", có nghĩa khi kích thước tệp giảm thì chất lượng hình ảnh cũng giảm theo. Càng nén ít thì chất lượng file ảnh sẽ càng rõ.

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết

Điểm mạnh của định dạng JPG

  • JPG là định dạng ảnh phổ biến nhất cho hầu hết các máy ảnh số hiện nay.
  • Đây là định dạng ảnh rất thích hợp nếu bạn cần tạo ra file ảnh tốn ít dung lượng (dung lượng thấp hơn).
  • Tương thích rộng rãi với nhiều thiết bị như Mac, PC, điện thoại, công cụ chỉnh sửa ảnh.
  • Có độ sâu màu từ 24-bit cho tới 16 triệu màu.
  • Sử dụng tốt cho ảnh tĩnh, ảnh nhiều màu sắc phức tạp hoặc trong nhiếp ảnh.

Điểm yếu của định dạng JPG

  • Vì JPG có thuật toán nén (Lossy) làm giảm dung lượng file, vậy nên nó sẽ không phù hợp cho ảnh cần chỉnh sửa nhiều lần (Càng sửa chất lượng càng giảm).
  • File ảnh JPG không có kênh trong suốt mà luôn phải có nền màu đặc (nếu không có thì màu trắng sẽ tự động được chọn là màu nền).

Định dạng hình ảnh PNG

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết

PNG định dạng file raster, hay viết tắt cho Portable Network Graphics. PNG có thể là một sự cải tiến cho định dạng GIF. Định dạng PNG có tính năng nền trong suốt, tuy nhiên cũng có thể hiện thị độ sâu của màu tốt hơn. PNG cũng là định dạng tiêu chuẩn cho web và được sử dụng nhiều nhất trên Internet. Sẽ có hai định dang PNG khác nhau đó là:

  • PNG-8: Đây là định dạng ảnh tương đương như GIF, sử dụng bảng màu gồm 256 màu, hỗ trợ màu trong suốt tốt hơn và có dung lượng xuất file nhỏ hơn.
  • PNG-24: Giống JPG, định dạng PNG-24 có độ sâu màu từ 24-bit cho tới hơn 16 triệu màu. Nhưng file PNG sẽ có dung lượng rất lớn. Nếu mục đích bạn cần là chất lượng ảnh thay vì dung lượng nhỏ thì PNG-24 là lựa chọn phù hợp.

Điểm mạnh của định dạng PNG

  • PNG được phát triển theo tiêu chuẩn lossless (dạng ảnh nén không bị mất dữ liệu) nên chất lượng ảnh sẽ không bị giảm khi nén ra file.
  • Định dạng ảnh PNG hỗ trợ nền trong suốt. Điều này cho phép bạn đặt đối tượng lên bất kì đâu mà không lo có viền trắng như JPG.
  • Vì có nền trong suốt nên phù hợp cho việc thiết kế như chèn logo, biểu tượng,...
  • Sử dụng tốt cho ảnh web có nền trong suốt, hình ảnh đơn giản như văn bản, ảnh cần chỉnh sửa nhiều lần, ảnh chụp nhiếp ảnh.

Điểm yếu của định dạng PNG

  • File ảnh PNG có dung lượng lớn, vậy nên nếu bạn cần ảnh có dung lượng nhỏ cho web, hãy chọn JPEG.
  • Định dạng PNG không được hỗ trợ bởi một số trình duyệt (thường là các trình duyệt cũ), vì vậy đôi khi không phải lựa chọn lý tưởng để chia sẻ trên web.
  • Không phù hợp cho in ấn vì hay bị thay đổi kích thước (PNG được sử dụng để tối ưu hóa màn hình). Tất nhiên bạn vẫn có thể in file ảnh PNG, nhưng để chắc chắn hãy sử dụng file JPEG.

Định dạng hình ảnh GIF

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết

GIF là định dạng ảnh thường được sử dụng trên web, được viết tắt cho "Graphics Interchange Format". GIF áp dụng thuật toán lossless nên không làm suy giảm chất lượng hình ảnh khi nén. Ngoài ra GIF có hệ thống màu khá khiêm tốn là 256 màu cho một hình ảnh. 

Điểm mạnh của định dạng GIF

  • GIF có tính năng ảnh động - được tạo nên từ nhiều khung hình sau đó gộp lại và tạo ra các chuyển động. Bạn có thể sử dụng phần mềm Photoshop để tạo ra ảnh động và xuất dưới dạng GIF.
  • Ảnh GIF cũng hỗ trợ tính năng nền trong suốt cho ảnh.
  • Vì có khối lượng màu ít nên file ảnh GIF sẽ có dung lượng nhỏ hơn nhiều so với JPG.
  • Ảnh GIF theo tiêu chuẩn lossless nên khi nén ra sẽ không bị giảm chất lượng ảnh.
  • Nên sử dụng GIF cho hình động đơn giản, hình ảnh không quá nhiều màu sắc, hình icon nhỏ.

Điểm yếu của định dạng GIF

  • Vì khối lượng màu ít (tối đa 256 màu/ảnh), vậy nên GIF không phải định dạng phù hợp cho việc in ấn.
  • Cũng vì lí do độ sâu màu quá ít, nên hình ảnh GIF dù có ở độ phân giải cao cũng không mang lại chất lượng ảnh sống động và tươi sáng như PNG hoặc JPG.
  • File ảnh GIF khá lỗi thời và dường như chỉ sử dụng cho mục đích tạo ảnh động.

Xem thêm: 5 nguyên lý thiết kế cơ bản các Designer bắt buộc phải ghi nhớ

Định dạng hình ảnh PSD

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết
 

PSD là định dạng hình ảnh độc quyền cho công cụ Photoshop. Đây là file ảnh thiết kế giúp bạn có thể chỉnh sửa hình ảnh gốc trở thành ấn phẩm đồ họa sáng tạo thông qua các layer khác nhau. 

File PSD dùng để tạo và chỉnh sửa hình ảnh Raster, tuy nhiên vẫn có thể chứa file vector dù không tối ưu như phần mềm Illustrator. Bên cạnh đó PSD cũng có thể xuất ra ở nhiều định dạng đã kể trên như PNG, JPG và GIF.

Điểm mạnh của định dạng PSD

  • PSD phù hợp nếu bạn cần chỉnh sửa bức ảnh gốc có sẵn, ví dụ như thay đổi màu tóc, quần áo, xóa tàn nhang, làm trắng da, xóa nọng cằm.... 
  • PSD được dùng để tạo hình động (GIF) hoặc làm mockup.
  • Vì là file chỉnh sửa đồ họa Raster nên PSD cho phép bạn chỉnh sửa màu sắc cũng như tạo hiệu ứng đổ bóng chính xác hơn.

Điểm yếu của định dạng PSD

  • File PSD dùng để chỉnh sửa đồ họa trong công cụ Photoshop nên nó không dùng để in ấn. Vì vậy nếu bạn cần in ảnh hoặc gửi bản xem trước cho khách hàng, hãy xuất sang file JPEG hoặc PNG nhé.
  • File PSD sẽ có dung lượng khá lớn, vì nó chứa nhiều thông tin về màu sắc của đồ họa Raster.

Định dạng hình ảnh RAW

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết
 

RAW là định dạng hình ảnh thô được chụp bởi máy ảnh kĩ thuật số hoặc máy scanner. Lý do định dạng này được gọi là ảnh thô vì nó chưa được qua xử lý, nghĩa là những thông tin về ánh sáng, màu sắc, cân bằng trắng, độ nét, độ tương phản,... sẽ được chuyển thẳng đến bộ nhớ tạm và lưu lại thành 1 file, gọi là file RAW.

Có rất nhiều định dạng RAW khác nhau, nhưng nổi bật nhất là một số định dạng như CRW(Canon), NEF (Nikon) và DNG (Adobe).

Điểm mạnh của định dạng RAW

  • Bạn nên sử dụng định dạng hình ảnh RAW nếu chụp ảnh từ máy kĩ thuật số để có ảnh gốc chất lượng cao. Sau đó nếu cần có thể vào phần mềm chỉnh ảnh tương thích để chỉnh sửa ảnh.

Điểm yếu của định dạng RAW

  • RAW được xây dựng để chỉnh sửa ảnh, nên nếu mục đích của bạn là đăng ảnh web, hãy xuất nó sang file ảnh JPEG trước nhé.
  • Ngoài ra file RAW cũng không dùng để in ấn, nên hãy chuyển sang các định dạng hình ảnh phù hợp khác.

Định dạng hình ảnh TIFF

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết

TIFF (Tagged Image File Format) là định dạng hình ảnh lossless (nén không mất dữ liệu) nên có hình ảnh chất lượng rất cao. Vì vậy định dạng này thường được sử dụng chủ yếu trong nhiếp ảnh hoặc scan tài liệu. Ngoài ra, TIFF cũng có thể giúp lưu trữ thẻ, layler và transparency (nền trong suốt) như file ảnh PNG và hoàn toàn tương thích với nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh phổ biến (ví dụ như Photoshop).

Điểm mạnh của định dạng TIFF

  • Giống với RAW, định dạng TIFF là một trong các định dạng hình ảnh có chất lượng cao nhất.
  • Vì chất lượng cao nên TIFF phù hợp cho việc in ấn các hình ảnh có kích thước lớn hoặc dùng để scan tài liệu, nó sẽ đảm bảo bạn có file gốc tốt để xử lý.
  • Định dạng TIFF có khả năng chứa một dung lượng lớn dữ liệu. Vì vậy tệp TIFF phù hợp nếu bạn cần lưu trữ nhiều ảnh có độ phân giải cao và tài liệu nặng.

Điểm yếu của định dạng TIFF

  • Điểm yếu duy nhất của định dạng TIFF chính là có dung lượng tệp quá lớn, vì vậy không phù hợp để sử dụng trên web. Ví dụ như gửi email, đăng ảnh web ở định dạng file ảnh TIFF sẽ mất thời gian để tải lên cũng như tải về. Vì thế nếu cần sử dụng cho mục đích trên web, bạn nên chuyển về định dạng JPEG hoặc PNG để có hình ảnh tốt hơn.

Định dạng hình ảnh EPS

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết
 

Encapsulated PostScript (EPS) là định dạng hình ảnh quen thuộc với người dùng Illustrator. EPS sử dụng ngôn ngữ lập trình tên là PostScript nên có thể chạy được cả hai đồ họa Vector và Raster. 

Điểm mạnh của định dạng EPS

  • EPS dựa trên ngôn ngữ lập trình PostScript nên có thể chứa đồ họa vector và bitmap. Có nghĩa bạn có thể lưu file ảnh EPS trên Photoshop.
  • EPS là lựa chọn tốt để in ấn hình ảnh illustrator chất lượng cao.
  • Vì EPS cũng chứa nhiều thông tin và yếu tố đồ họa như AI nên bạn hoàn toàn có thể mở và chỉnh sửa trên định dạng AI file. Hơn nữa nếu bạn lưu file EPS từ phần mềm Illustrator sẽ bao gồm hình ảnh preview bitmap "được đóng gói" bên trong.

Điểm yếu của định dạng EPS

  • Điểm trừ của file ảnh EPS chính là sự cũ kĩ của nó. Ngày nay hầu như mọi thiết bị đều có thể hiển thị file AI, nên file EPS thường dùng để hỗ trợ các dòng thiết bị lâu đời.

Định dạng hình ảnh AI

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết
 

Giống như PSD, AI là định dạng hình ảnh đồ họa Vector độc quyền cho công cụ Adobe Illustrator. Định dạng này được phát triển dựa trên hai tiêu chuẩn file EPS và PDF. Vì là đồ họa Vector nên AI không hỗ trợ hình ảnh Raster như PSD.

Điểm mạnh của định dạng AI

  • File AI dựa trên đồ họa Vector nên dù tăng giảm kích thước sẽ không làm giảm chất lượng hình ảnh của bạn.
  • Dung lượng file AI cũng nhỏ hơn so với PSD.
  • Phù hợp nếu bạn cần thiết kế logo, biểu tượng, poster, danh thiếp...
  • Dù là đồ họa Vector nhưng bạn vẫn có thể sử dụng hình ảnh Raster bằng cách nhúng (Embeded).
  • Tệp AI dễ dàng xuất ra nhiều dạng tệp khác nhau như: PDF, EPS, JPG, PNG…

Điểm yếu của định dạng AI

  • Nếu bạn cần chỉnh sửa bức ảnh gốc chụp từ thiết bị (ảnh đồ họa Raster) thì AI không thể hỗ trợ điều này. Thay vào đó hãy sử dụng Photoshop với định dạng PSD.
  • Các thiết kế trên file AI được tạo ra theo cách minh họa từ các đa giác, nên tính thực tế sẽ không cao như đồ họa raster của PSD. 

Xem thêm: So sánh Illustrator và Photoshop: Công cụ nào dành cho bạn?

Định dạng ảnh PDF

Các định dạng hình ảnh cơ bản trong thiết kế đồ họa bạn nên biết

PDF (Portable Document Format) là định dạng hình ảnh được sử dụng khá phổ biến của hãng Adobe Systems. PDF được dùng để hiện thị hình ảnh hoặc văn bản chất lượng cao, bất kể trên thiết vị, ứng dụng hoặc trình duyệt web nào. Dù file PDF dựa trên đồ họa Vector tuy bạn hoàn toàn có thể xuất file PSD sang PDF dễ dàng.

Điểm mạnh của định dạng PDF

  • File PDF là định dạng phổ biến nhất cho in ấn.
  • File PDF hiển thị trên hầu hết các thiết bị.
  • Dung lượng của file PDF cũng rất nhỏ.
  • Định dạng PDF thường được dùng để chia sẻ các tài liệu trên web. Với dung lượng nhỏ kết hợp với chất lượng nội dung được giữ nguyên, điều này giúp người dùng dễ dàng tải về hoặc in ấn.
  • Vì các file PDF không dựa trên phần mềm hay hệ điều hành nào nên file sẽ giống nhau cho dù được mở với thiết bị bất kì.
  • Bạn có thể xuất ảnh ở cả hai định dạng Vector (AI) hoặc Raster (PSD) sang PDF.

Điểm yếu của định dạng PDF

  • PDF chỉ là file dùng để hiển thị nội dung, vì vậy bạn không thể chỉnh sửa ảnh trên định dạng này. Thay vào đó, hãy sử dụng phần mềm AI hoặc Ps cho việc này và xuất sang PDF để dễ xem, dễ tải nhé.

Tổng kết

Trên đây là tổng hợp các định dạng hình ảnh mà bạn cần biết. Mỗi định dạng đều có đặc điểm và mục đích sử dụng riêng, vì vậy bạn hãy tìm hiểu kĩ từng đình dạng trước khi xuất ảnh thiết kế của mình để có được chất lượng ảnh cao nhất nhé! 

Nếu bạn muốn học thiết kế bài bản, hãy cùng G-Multimedia tham gia vào khóa học Master Illustrator để làm chủ công cụ thiết kế đình đám này nhé. Nếu như có bất kỳ câu hỏi nào về bài học, bạn chỉ cần bình luận, và giảng viên sẽ giải đáp cho bạn chỉ trong vòng 24 giờ. Vậy thì bạn còn chần chừ gì mà không đăng ký ngay nào!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông