Những điểm mới trong Bộ Luật Lao Động 2019 tác động đến doanh nghiệp và người lao động

Nội dung được viết bởi Lê Nguyễn Nhật Phương

Trong bài viết này, Gitiho sẽ tổng hợp những điểm mới trong Bộ Luật Lao Động 2019 thay thế cho Bộ Luật lao động 2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 có tác động đến doanh nghiệp và người lao động. 

Kỹ năng công việc Hành chính Nhân sự tổng hợp

Những thay đổi, bổ sung trong Bộ Luật Lao Động (BLLĐ) năm 2019 mà doanh nghiệp và người lao động cần chú ý

Nhóm 1: Giao kết và thực hiện hợp đồng lao động

- Điều 13: Nhận dạng hợp đồng lao động

- Điều 14: Bổ sung hình thức hợp đồng lao động

- Điều 20: Loại hợp đồng lao động

- Điều 22: Không được sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động

- Điều 49: Bổ sung trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu

Nhóm 2: Chấm dứt hợp đồng lao động

- Điều 35: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

- Điều 36: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

- Điều 42: Nghĩa vụ thông báo cho người lao động khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế 

Những điểm mới trong Bộ Luật Lao Động 2019 tác động đến doanh nghiệp và người lao động

Nhóm 3: Học nghề, công đoàn, thương lượng tập thể và tiền lương

- Điều 61: Học nghề, tập nghề

- Chương XIII + Điều 3: Xuất hiện nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

- Điều 63: Bổ sung trường hợp bắt buộc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

- Điều 68, 76: Thay đổi nhiều quy định về thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể.

- Điều 99: Tiền lương ngừng việc trong một số trường hợp có thể thấp hơn mức lương tối thiểu

Nhóm 4: Thời gian làm việc, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động

- Điều 107: Làm thêm giờ

- Điều 116, 166: Bổ sung công việc tính chất đặc biệt, lĩnh vực có thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi theo quy định riêng.

- Điều 118: Nội quy lao động

- Điều 125: Nội quy sa thải

- Điều 169: Tăng tuổi nghỉ hưu

- Điều 179, 187, 189, 190, 191, 195: Giải quyết tranh chấp lao động

- Điều 216: Quyền thanh tra đột xuất

Xem thêm: 10 cú pháp hàm và chức năng Excel dành cho nghề hành chính nhân sự

Những đổi mới của Bộ Luật Lao Động 2019 tác động đến Doanh nghiệp

Thay đổi hình thức và phương thức giao kết hợp đồng

Điều 13: Doanh nghiệp cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi đưa ra bất kì thỏa thuận nào liên quan đến tính quản lý, giám sát người lao động như một hợp đồng lao động. Vì trong đổi mới của Bộ Luật Lao Động 2019, doanh nghiệp và người lao động thảo thuận bằng một tên gọi khác nhưng có nội dung về việc làm, có trả công, tiền lương, có sự quản lý, điều hành, giám sát từ một bên đều được coi là hợp đồng lao động.

Trong khi theo Điều 15 BLLĐ năm 2012: Hợp đồng lao động là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về trả lương, điều kiện làm việc, quyền, nghĩa vụ của các bên.

Điều 14: Quy định hình thức giao kết hợp đồng lao động có thể thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử theo quy định của Pháp luật về giao dịch điện tử có gái trị như hợp đồng lao động bằng văn bản thay vì chỉ bằng phương thức văn bản hay lời nói như trong BLLĐ 2012.
Bên cạnh đó, hình thức giao kết hợp đồng bằng lời nói chỉ được áp dụng với loại hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng để tạo sự thuận tiện cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Việc thêm hình thức giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử giúp doanh nghiệp đơn giản hóa giấy tờ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn nhân lực trong thời đại 4.0

Những điểm mới trong Bộ Luật Lao Động 2019 tác động đến doanh nghiệp và người lao động

Loại hợp đồng lao động và gia hạn hợp đồng

Điều 20: Theo Bộ Luật Lao Động 2019 doanh nghiệp và người lao động không được giao kết loại hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng theo công việc có thời hạn dưới 12 tháng nữa mà thay vào đó là 2 loại hợp đồng lao động sau:

1. Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Hai bên xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
2. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Hai bên không xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng.

Theo Bộ Luật Lao Động 2019 khi người lao động và người sử dụng lao động có mối quan hệ lao động gồm 3 yếu tố: có trả lương, có điều kiện lao động, có sự quản lý, kiểm soát thì phải có hợp đồng. Điều này mang lại thách thức lớn cho doanh nghiệp vì chi phí sẽ tăng lên bởi chi phí đóng bảo hiểm xã hội.

Khoản 2, điều 20 Bộ Luật Lao Động 2019 quy định về phương thức gia hạn hợp đồng như sau:
Trong thời hạn 30 ngày sau khi hợp đồng hết hạn, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì doanh nghiệp ký tiếp hợp đồng mới hoặc chuyển thành hợp đồng không xác định thời gian trong trường hợp thời hạn đã quá 30 ngày mà chưa ký kết hợp đồng mới mà không còn được gia hạn hợp đồng lao động như BLLĐ 2012 nữa.

Doanh nghiệp có quyền cho người lao động nghỉ việc mà không cần báo trước

Thêm 3 trường hợp doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động được bổ sung trong điều 36 Bộ Luật Lao Động 2019 như sau:
1. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu
2. 
Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
3. 
Người lao động không cung cấp thông tin trung thực khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến quá trình tuyển dụng.

Bổ sung quy định về thời gian thử việc tối đa đối với người quản lý doanh nghiệp

Theo Bộ Luật Lao Động 2019, thời gian thử việc với người quản lý doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty hợp danh, chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, chủ tịch Hội đồng quản trị thành viên, giám đốc, tổng giám đốc,...) là 180 ngày thay vì 60 ngày như BLLĐ trước đây.

Quy định này hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp có thêm thời gian để đánh giá kỹ lưỡng năng lực của người có chức danh cao cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tiết kiệm được chi phí lương, thưởng cho người lao động trong thời hạn thử việc.

Việc chi trả tiền lương cho người lao động

Doanh nghiệp trra tiền lương cho người lao động theo 2 hình thức là tiền mặt và qua tài khoản ngân hàng cá nhân của người lao động. Trong trường hợp chi trả lương qua tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán các loại phí như: phí mở tài khoản, phí chuyển tiền.

Doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo bảng kê trả lương người lao động để minh bạch tiền lương trong mỗi lần trả lương. Phiếu lương bao gồm các nội dung sau: 
- Tiền lương
- Tiền lương làm thêm giờ
- Tiền lương làm việc vào ban đêm
- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)
- Các nội dung liên quan đến phúc lợi, thưởng (nếu có)

Những điểm mới trong Bộ Luật Lao Động 2019 tác động đến doanh nghiệp và người lao động

Xem thêm: Cần lưu ý gì khi ký hợp đồng thử việc – học việc đúng luật lao động

Những đổi mới của Bộ Luật Lao Động 2019 tác động đến Người lao động

Xác lập, ký kết hợp đồng lao động

Bộ Luật Lao Động 2019 bổ sung những điểm mới để bảo vệ người lao động như:
- Loại bỏ hợp đồng lao động theo mùa vụ
- Phụ lục hợp đồng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động thay vì được sử đổi một lần như BLLĐ 2012
- Người cao tuổi và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người sử dụng lao động
- Bổ sung hình thức giao kết hợp đồng điện tử
- Hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ có thời hạn 01 tháng

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần báo trước

Một số trường hợp luật định mà người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng là:

1. Không dược bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp, chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ.
2. Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng.
3. Bị ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
4. Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc
5. Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc.
6. Đủ tuổi nghỉ hưu hoặc theo thỏa thuận của các bên.
7. Doanh nghiệp cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ

Tiền lương

Bộ Luật Lao Động 2019 đã thêm những điểm thuận lợi hơn cho người lao động về tiền lương như sau:

1. Người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương
2. Cấm ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. 
3. Người lao động được doanh nghiệp gửi bảng kê lương chi tiết khi được trả lương. 
4. Khi trả lương qua ngân hàng, doanh nghiệp phải trả các loại phí như: phí mở tài khoản, phí chuyển tiền.
5. Hình thức thưởng cho người lao động không chỉ giới hạn là tiền thưởng, mà có thể bằng các hình thức khác.

Những điểm mới trong Bộ Luật Lao Động 2019 tác động đến doanh nghiệp và người lao động

Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi

Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi được bổ sung và sửa đổi trong BLLĐ 2019 như sau: 

1. Tăng số giờ làm thêm tối đa trong tháng từ 30 giờ lên 40 giờ. 
2. Người lao động được nghỉ Quốc khánh 2 ngày. Tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày. 
3. Khi cha nuôi, mẹ nuôi mất, người lao động được nghỉ nguyên lương 03 ngày.
4. Thời gian nghỉ giữa giờ (30 phút) chỉ được tính vào giờ làm việc trong trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên.
5. Doanh nghiệp phải bảo đảm khi người lao động làm việc vào ban đêm được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục, tuy nhiên thời gian nghỉ này không tính vào thời giờ làm việc.

Giới hạn thời hạn tập nghề

Theo Bộ Luật Lao Động 2019 thời gian tập nghề của người lao động không quá 3 tháng. Người lao động được tạo điều kiện để hoàn thành việc học nghề, tập nghề sớm mà vẫn được đảm bảo mọi quyền lợi.

Quy định riêng về người lao động cao tuổi, người lao động nữ

Bộ Luật Lao Động 2019 quy định, ngươi lao động cao tuổi được thỏa thuận giao kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn và được thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời gian làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Đối với lao động nữ, nếu HĐLĐ hết hạn trong thời gian họ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì được ưu tiên giao kết HĐLĐ mới. Một điều nữa, nếu lao động nữ đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định này thì phải thông báo cho người sử dụng lao động và cung cấp xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Những điểm mới trong Bộ Luật Lao Động 2019 tác động đến doanh nghiệp và người lao động

Xem thêm: Tìm hiểu ý nghĩa của công tác tuyển dụng với công việc hành chính nhân sự

Kết luận

Trong bài viết trên, Gitiho đã cùng bạn tìm hiểu về các sửa đổi, bổ sung trong Bộ Luật Lao Động 2019 có tác động đến doanh nghiệp và người lao động. Hãy đọc kĩ và ghi nhớ các điểm mới này để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp của như bản thân mình bạn nhé! Đừng quên theo dõi chúng mình để xem thêm các bài viết bổ ích khác nhé!

Nằm lòng kĩ năng chuyên ngành hành chính nhân sự trong tài liệu đính kèm bài viết nhé!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông