Tất cả những gì bạn cần biết về cơ cấu vốn doanh nghiệp

Nội dung được viết bởi Linh Mai

Trong bất kì hoạt động kinh doanh, vốn luôn luôn là yếu tố hàng đầu để đánh giá khả năng vận hành và tình hình tài chính của một công ty. Trong bài viết này, Gitiho sẽ cho các bạn biết cơ cấu vốn của doanh nghiệp là gì? Vì sao chúng quan trọng và các phân loại vốn đang có trên thị trường.

Tổng quan về cơ cấu vốn doanh nghiệp

Vốn là gì?

Tất cả những gì bạn cần biết về cơ cấu vốn doanh nghiệp

Rất nhiều định nghĩa về vốn đã được hình thành xuyên suất lịch sử. Theo nhà triết học K. Marx thì vốn là tư bản mà tư bản được hiểu là giá trị mang lại giá trị thặng dư. Theo cuốn Từ điển Longman rút gọn về tiếng Anh kinh doanh, vốn được định nghĩa như sau:

Vốn là tài sản tích luỹ được sử dụng vào sản xuất nhằm tạo ra lợi ích lớn hơn; đó là một trong các yếu tố của quá trình sản xuất bên cạnh đất đai và lao động".

Tóm gọn lại, vốn có thể được hiểu đơn giản là toàn bộ giá trị của cải vật chất được đầu tư để tiến hành hoạt động kinh doanh. Vốn có thể là toàn bộ vật chất do con người tạo ra hay là những nguồn của cải tự nhiên như đất đai, khoáng sản… Trong nền kinh tế thị trường bên cạnh vốn tồn tại dưới dạng vật chất còn có các loại vốn dưới dạng tài sản vô hình nhưng có giá trị như bằng phát minh, sáng chế, nhãn hiệu, lợi thế thương mại… Với một quan niệm rộng hơn người ta cũng có thể coi lao động là vốn.

Xem thêm: Cách sử dụng Excel để tính toán thời gian hoàn vốn của dự án

Vai trò của vốn trong kinh doanh

Vốn là điều kiện thiết yếu để duy trì, tăng trưởng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để mang tới thị trường. Một nguồn vốn tốt sẽ giúp công ty phát triển lớn mạnh, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người và tăng cường thu nhập cho mỗi cá nhân. Tài sản kinh doanh (hữu hình và vô hình) được đại diện bởi vốn. Vốn càng nhiều, tài sản kinh doanh càng lớn.

Vốn luôn vận động để sinh lời, vốn là biểu hiện bằng tiền nhưng tiền chỉ là dạng tiềm năng của vốn. Để biến thành vốn thì tiền đó phải đưa vào hoạt động kinh doanh để kiếm lời.

Luôn phải sử dụng vốn vào hoạt động kinh doanh để có thể sinh lời. Vốn không tách rời chủ sở hữu trong quá trình vận động. Mỗi đồng vốn phải được gắn với một chủ sở hữu nhất định. Khi xác định được chủ sở hữu thì đồng vốn mới không bị sử dụng lãng phí và phát huy được tiềm năng tối đa.

Vốn có giá trị về mặt thời gian và phải được tích tụ tới một lượng nhất định thì mới có thể phát huy tác dụng. Vốn được khai thác từ nhiều nguồn, từ trong đến ngoài nước. Bên cạnh đó vốn có thể xuất hiện dưới dạng trái phiểu, cổ phiếu, liên doanh, đầu tư mạo hiểm,... Vì vậy, doanh nghiệp luôn cần tìm cách để thu hút những nguồn vốn về phía mình.

Vốn được quan niệm là một loại hàng hoá đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Nghĩa là, những người có vốn có thể cho vay và những người cần vốn có thể đi vay. Nói cách khác, họ có thể mua quyền sử dụng vốn của người có quyền sở hữu.

Định nghĩa về cơ cấu vốn của doanh nghiệp

Tất cả những gì bạn cần biết về cơ cấu vốn doanh nghiệp
 

Cơ cấu vốn doanh nghiệp là sự kết hợp cụ thể giữa nợ và vốn chủ sở hữu được một công ty sử dụng để tài trợ cho hoạt động và tăng trưởng chung của doanh nghiệp. ... Nợ dưới hình thức phát hành trái phiếu hoặc các khoản vay, trong khi vốn chủ sở hữu có thể ở dạng cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi hoặc lợi nhuận giữ lại.

Xem thêm: Hướng dẫn cách tính điểm hòa vốn bằng Excel chuẩn xác từng chữ số

Tầm quan trọng của việc phân tích cơ cấu vốn của doanh nghiệp

Vốn là điều kiện bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp và là yếu tố không thể thiếu khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nguồn vốn của doanh nghiệp còn phản ánh nguồn lực tài chính của một doanh nghiệp. Nhìn vào cơ cấu vốn chủ sở hữu và cơ cấu vốn vay cũng như tương quan giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu có thể nói lên phần nào tình hình tài chính của doanh nghiệp và các chính sách điều hành quản lý doanh nghiệp đó.

Phân loại vốn 

Dựa trên các góc độ khác nhau, có những loại vốn sau đây:

Trên góc độ pháp luật 

  • Vốn pháp định: là mức vốn tối thiểu cần phải có để thành lập doanh nghiệp do pháp luật quy định với từng ngành, nghề và từng loại hình sở hữu doanh nghiệp. Dưới mức vốn pháp định thì không thể thành lập doanh nghiệp.
  • Vốn điều lệ: là số vốn do các thành viên đóng góp và được ghi vào điều lệ của công ty (doanh nghiệp). Tuỳ theo từng loại hình sở hữu, theo từng ngành, nghề, vốn điều lệ không được thấp hơn vốn pháp định.

Đứng trên góc độ chu chuyển vốn:

  • Vốn lưu động: là biểu hiện bằng tiền của tài sản lưu động và vốn lưu thông. Vốn lưu động tham gia hoàn toàn vào quá trình kinh doanh của doanh nghiệp và giá trị của nó lại trở về trạng thái ban đầu sau mỗi vòng chu chuyển.
  • Vốn cố định: là biểu hiện bằng tiền của tài sản cố định. Tài sản cố định dùng trong sản xuất, kinh doanh tham gia hoàn toàn vào quá trình kinh doanh, nhưng về mặt giá trị thì chỉ có thể thu hồi sau nhiều chu kỳ kinh doanh.

Đứng trên giác độ hình thành vốn:

  • Vốn chủ sở hữu: là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp đang có. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, nguồn vốn tự có là vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đối với công ty cổ phần hoặc công ty TNHH, nguồn vốn ban đầu do các cổ đông hoặc thành viên đóng góp để hình thành công ty. Đối với các Công ty cổ phần, vốn kinh doanh có thể huy động thêm từ việc phát hành cổ phiếu. Công ty TNHH không thể phát hành cổ phiếu mà chỉ có thể phát hành trái phiếu.
  • Vốn vay: Ngoài phần vốn tự có của doanh nghiệp (vốn góp) thì nguồn vốn vay có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó có thể đáp ứng các nhu cầu về vốn trong ngắn hạn hoặc dài hạn, có thể huy động được số vốn lớn, tức thời. Tuy nhiên, sử dụng vốn vay phải hết sức chú ý đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp, kế hoạch sử dụng vốn phải đảm bảo hợp lý, đúng mục đích; quản lý tốt quỹ tiền mặt, kỳ trả vay và kỳ thu tiền, kế hoạch sản xuất kinh doanh phải được lập bám sát thực tế… nếu không vốn vay sẽ trở thành một gánh nặng đối với doanh nghiệp.
  • Vốn chiếm dụng: là một nguồn vốn tương đối quan trọng trong doanh nghiệp. Nguồn vốn này xuất phát từ việc doanh nghiệp chiếm dụng tiền hàng của nhà cung cấp (trả chậm), việc chiếm dụng này có thể phải trả phí (lãi) hoặc không phải trả phí nhưng lại đáp ứng được việc doanh nghiệp có nguyên vật liệu, điện, nước,… để sản xuất kinh doanh mà chỉ phải bỏ ra ngay lập tức một số tiền ít hơn số tiền đáng lẽ phải bỏ ra ngay lập tức để có được số nguyên vật liệu, điên, máy móc,… để tiến hành sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp có thể sử dụng quỹ tiền mặt của mình cho mục đích khác. Tuy nhiên, sử dụng nguồn vốn này cần lưu ý: không nên chiếm dụng quá nhiều hoặc quá lâu một khoản vay nào đó vì nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với đối tác, với thị trường hoặc kiện tụng pháp luật, tốt nhất nên có sự thoả thuận về việc chiếm dụng vốn.
  • Nguồn vốn khác: ví dụ lợi nhuận để lại, lương cán bộ công nhân viên chậm thanh toán,….

Xem thêm: Phân tích Cấu trúc tài chính - Đánh giá cơ cấu Nguồn vốn trong Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Kết luận

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về khái niệm cơ cấu vốn doanh nghiệp cũng như nhiệm vụ của nó trong các hoạt động kinh doanh. Chúc bạn có thể áp dụng kiến thức trên vào việc phân tích tình hình kinh doanh một cách thuận lợi và hiệu quả.

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông