Thiết kế phổ quát là gì? Có nên ứng dụng trong giáo dục không?

Nội dung được viết bởi Thái Minh

Với những người làm Learning Design, chắc hẳn đã không còn xa lạ với khái niệm thiết kế phổ quát (Universal Design), tuy nhiên đây vẫn là khái niệm mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Hiểu một cách đơn giản đó là việc tạo ra một thiết kế mà nó áp dụng cho mọi trường hợp chứ không chỉ giới hạn trong một ngữ cảnh cụ thể. 

Vậy có những nguyên tắc nào khi áp dụng thiết kế phổ quát và có nên ứng dụng vào giáo dục đào tạo không? Theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết!

Thiết kế phổ quát là gì?

Thuật ngữ “thiết kế phổ quát” thường được nói nhiều trong ngữ cảnh thiết kế, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm, thiết kế giao diện người dùng, hệ thống phần mềm… nhằm tạo ra một thiết kế có thể áp dụng rộng rãi cho mọi trường hợp. 

Như vậy, sản phẩm, giao diện hay hệ thống sẽ trở nên linh hoạt và có thể sử dụng cho nhiều tình huống khác nhau mà không cần phải tạo ra nhiều phiên bản riêng biệt.

Còn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khái niệm “Thiết kế phổ cho việc học - Universal Design Learning” (UDL) đã được phổ biến với nhiều Learning Designer. Đây là một phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của học viên, tức là khóa học phù hợp với khả năng của tất cả người học. Đồng thời sẽ loại bỏ những trở ngại không cần thiết trong quá trình học tập. 

UDL sẽ hướng đến việc phát triển một môi trường học tập linh hoạt trong đó thông tin, hình ảnh được trình bày và thể hiện theo nhiều cách mà người học sẽ được cung cấp các lựa chọn khi học tập. 

Nguyên tắc khi áp dụng thiết kế phổ quát vào chương trình đào tạo, ví dụ

Thiết kế phổ quát khi áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo dựa trên 3 yếu tố đó là phương thức học tập, trình bày thông tin và thể hiện kiến thức đa dạng:

1. Phương thức tham gia học tập đa dạng

Khi áp dụng thiết kế phổ quát vào việc học, Learning Design cần quan tâm đến việc liệu môi trường học tập đã thật sự trao quyền tự chủ và quyền tự chọn cho người học hay chưa? Môi trường học tập liệu đã phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người học? Cách thức tổ chức đã tạo được điều kiện cho tất cả đối tượng học hay chưa?

Như vậy, người làm Learning Design khi xây dựng môi trường học tập cần quan tâm đến việc giúp cho người học chủ động học tập, phù hợp với nhu cầu của người học và bất cứ ai cũng được tiếp cận với chương trình đào tạo. 

Mục tiêu chính là tạo ra không gian học tập mà tất cả mọi người có thể tham gia sôi nổi, tích cực và cung cấp nhiều lựa chọn phù hợp với sở thích, phong cách học cũng như khả năng học của họ. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả học tập mà còn loại bỏ những rào cản không cần thiết trong quá trình đào tạo. 

Ví dụ như hình thức đào tạo hiện tại của công ty X đang là đào tạo theo kiểu truyền thống và gặp rất nhiều khó khăn như nhân viên không có nhiều thời gian để tham gia vì lượng công việc nhiều, họ quên rất nhanh kiến thức vừa được đào tạo… 

Vì vậy công ty đã áp dụng thêm hình thức đào tạo trực tuyến và tùy thuộc vào nhu cầu mà sẽ thực hiện đào tạo kết hợp (blended learning) nhằm tăng tỷ lệ tham gia, tăng tỷ lệ hoàn thành, tăng khả năng ghi nhớ kiến thức và áp dụng vào công việc của người học.

Đào tạo trực tuyến bằng hệ thống LMS tích hợp các khóa học là cách ứng dụng thiết kế phổ quát được nhiều Leaning Designer sử dụng hiện nay. 

Thiết kế phổ quát là gì? Có nên ứng dụng trong giáo dục không?

2. Phương thức trình bày thông tin đa dạng

Khi thiết kế chương trình đào tạo theo thiết kế phổ quát, người làm Learning Design cần phải đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin theo nhiều cách khác nhau của người học, quan tâm xem việc trình bày bài giảng đã phù hợp với người học hay chưa?, thông tin trong bài học có phù hợp với nhóm đối tượng cần hỗ trợ đặc biệt không? 

Có thể là đối với một nhóm người học, có những người tiếp cận bằng cách xem video trong khi đó có người xem tài liệu, có người theo dõi slide, nghe podcast… Khi hiểu rõ điều này, Learning Designer sẽ có cách để cung cấp nội dung phù hợp. 

Điều này đặt ra thách thức đó là người làm Learning Designer cần tạo ra một bộ tài liệu đa dạng bao gồm văn bản, video, podcast… phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của người học.

Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, trong một lớp học có thể sẽ có nhóm những người học là người khuyết tật, việc trình bày thông tin cần phải được thiết kế sao cho họ tiếp cận một cách dễ dàng. 

Learning Design cần tích hợp các yếu tố như văn bản chú thích, biểu đồ hỗ trợ… đảm bảo tất cả mọi người, bao gồm học viên khuyết tật hiểu và tích cực tham gia vào quá trình học tập. 

Ví dụ như trong buổi đào tạo về Giá trị cốt lõi của Gitiho được trình bày bởi CEO thì có nhân viên vừa nghe vừa theo dõi brochure, có nhân viên xem slide trên tivi, có nhân viên lại theo dõi trên máy tính… Như vậy cùng một nội dung nhưng CEO có các cách thức trình bày khác nhau phù hợp với nhu cầu của mỗi người. 

3. Phương thức thể hiện kiến thức đa dạng

Ngoài việc giúp người học tiếp cận kiến thức và tiếp thu qua cách trình bày thì phương thức thể hiện kiến thức đa dạng cũng rất quan trọng. Lúc này, người làm Learning Design cần trả lời một số câu hỏi như:

Làm thế nào để cung cấp cho người học đa dạng cách thức để họ thể hiện những gì mình đã học?

Chương trình học liệu đã có sự linh hoạt về tốc độ và thời gian cho người học để học theo kịp chưa? 

Ngoài phương thức kiểm tra phát đề thi, kiểm tra trên Kahoot thì còn cách nào để kiểm tra kiến thức thuận tiện hơn không?

Ví dụ như khi kết thúc khóa học “Tuyệt đỉnh Excel - Ứng dụng 15 hàm vào công việc hằng ngày” thì giảng viên cho phép người học lựa chọn cách thức kiểm tra như kiểm tra trực tuyến, làm bài tập thực hành hay một dự án dựa trên những gì đã học được… Như vậy có thể nhân viên sẽ rất hào hứng vì có nhiều sự lựa chọn để họ thể hiện kiến thức của mình và giúp họ sáng tạo hơn. 

Có nên ứng dụng thiết kế phổ quát không? 

Trong một số trường hợp khi áp dụng thiết kế phổ quát, một số người cảm thấy thiếu động lực khi học theo mô hình này bởi nó không tận dụng được những điểm mạnh và sở thích cá nhân của họ. Không những thế, một số chủ đề trở nên quá chung chung và khó phản ánh được sự đa dạng của người học. 

Dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên áp dụng thiết kế phổ quát trong giáo dục hay không bởi vì một số trường hợp nó không đem lại hiệu quả ấn tượng. 

Tuy nhiên, với những gì mà nó đem lại vẫn không thể phủ nhận một số quy tắc trong thiết kế phổ quát vì nó giúp cho chương trình đào tạo trở nên dễ tiếp cận hơn, giải quyết được những khó khăn liên quan đến tâm lý, địa lý hay khoảng cách. 

Chính vì vậy, quyết định áp dụng thiết kế phổ quát trong các chương trình giảng dạy cần được cân nhắc kỹ lưỡng và luôn đảm bảo rằng loại bỏ những rào cản không cần thiết và tạo cơ hội để người học đều được tiếp thu kiến thức. 

Xem thêm: Game-based learning là gì? Tại sao nên áp dụng vào chương trình đào tạo?

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông