Tự đánh giá bản thân trong công việc: 4 nguyên tắc cần nhớ để trở nên chuyên nghiệp hơn

Nội dung được viết bởi Mai Phạm

Tự đánh giá bản thân trong công việc là phần quan trọng của quá trình đánh giá hiệu suất. Thông qua đây bạn có thể tự thể hiện năng lực, tố chất trước lãnh đạo. 

Bản tự đánh giá này áp dụng cho cả những nhân sự lâu năm lẫn đang trong quá trình thử việc. Đó là căn cứ để nhà quản lý cân nhắc việc tăng lương thưởng, thăng chức hoặc ký hợp đồng chính thức. 

Vậy làm thế nào để tự đánh giá bản thân trong công việc ấn tượng? Hãy cùng Gitiho làm rõ qua bài viết sau đây. 

Tự đánh giá bản thân là gì?

Tự đánh giá bản thân (Self-assessment) là quá trình cá nhân tự nhìn nhận những tố chất, kỹ năng, kiến thức mà mình có được. Mục đích của việc này để mỗi nhân sự có thể soi xét năng lực bản thân một cách cụ thể, khách quan. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-1
Tự đánh giá bản thân là cách nhìn nhận khách quan nhất về năng lực, khả năng xử lý công việc

Cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt từng nói rằng: “Không một ai có thể làm bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của chính bạn”. Như vậy thông qua tự đánh giá, bạn sẽ hiểu rõ giá trị chính mình trong công việc, tổ chức. 

Đối với nhà quản lý, bản đánh giá bản thân trong công việc là cơ sở để hiểu rõ năng lực nhân sự, phân bổ công việc phù hợp. Đồng thời qua đây, lãnh đạo cũng đưa ra được quyết định thưởng phạt, cất nhắc nâng lương, thăng chức. 

Tự đánh giá được xem là kỹ năng mềm quan trọng mà nhà tuyển dụng rất chú trọng. Bởi lẽ ứng viên không hiểu rõ chính bản thân, không biết tố chất nổi bật của mình là gì làm sao có thể gắn bó lâu dài cùng công việc.  

Ý nghĩa của việc tự đánh giá năng lực bản thân trong công việc

Cựu chính trị gia người Mỹ - Les Brown từng nói rằng: “Cuộc sống là một chuyến hành trình, có khó khăn và cả tàn nhẫn không ngờ tới. Nhưng chúng ta đều có thể chuẩn bị tốt nếu biết nắm lấy tài năng của bản thân và tạo điều kiện cho chúng nảy nở”. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-2
Thông qua bản tự đánh giá, nhà quản trị sẽ đưa ra những quyết định về quản trị nhân sự phù hợp

Vì thế, khả năng tự đánh giá mang đến cho ta những giá trị riêng. Kỹ năng này có ý nghĩa vô cùng to lớn với hành trình sự nghiệp mỗi người. Cụ thể:

Chủ động hoàn thiện bản thân: Tự đánh giá năng lực bản thân trong công việc là cách tốt nhất để chúng ta nhận ra những thiếu sót. Nhờ vậy giúp nâng cao ý thức khắc phục nhược điểm, mang đến động lực hoàn thiện tốt hơn từng ngày. 

Hiểu được vị thế bản thân: Khi đánh giá đúng bản thân, chúng ta sẽ biết mình là ai, đang đứng ở đâu trong doanh nghiệp. Điều đó làm bạn tin tưởng năng lực bản thân và tự tin khẳng định giá trị của mình. 

Thiết lập mục tiêu tương lai chính xác: Căn cứ vào việc nhìn nhận đúng ưu – nhược điểm cá nhân, bạn sẽ biết mình hợp với ngành nghề, vị trí nào. Vì thế bạn sẽ chọn đúng được mục tiêu hướng tới, đặt ra kế hoạch chinh phục thuận lợi hơn. 

Xem thêm: Hướng dẫn cách tạo bản tự giới thiệu bản thân chuyên nghiệp

Như vậy, đánh giá bản thân trong công việc vô cùng có ý nghĩa. Bởi lẽ đó, chúng ta nên thực hiện một cách nghiêm túc, có đầu tư để nhà quản lý thấy được sự chuyên nghiệp. 

4 nguyên tắc cần nhớ khi tự đánh giá bản thân trong công việc

Tự đánh giá trong công việc cần thiết dù bạn làm việc ở bất cứ vị trí, ngành nghề nào. Muốn bản tự đánh giá hoàn hảo bạn nên lưu ý những nguyên tắc sau đây:

Hãy tự hào

Mục tiêu chính của tài liệu tự đánh giá bản thân trong công việc là làm nổi bật những thành tích, tổng kết lại dấu mốc quan trọng trong quãng thời gian làm việc của bạn. Một bản tự đánh giá tốt nên chỉ ra các nhiệm vụ, dự án cụ thể đã hoàn thành xuất sắc. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-3
Chúng ta được phép tự hào vì những gì mình cống hiến trong sự phát triển của công ty

Khi mô tả thành tích đạt được, bạn đừng ngại nhấn mạnh tác động của thành tựu đó đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Như vậy bạn đã làm nổi bật được giá trị bản thân đem đến cho công ty. 

Giám đốc điều hành Applied Training Systems Inc – Julie Rieken từng nói: “Nếu quản lý của bạn cần đạt một con số nhất định, hãy mạnh dạn chia sẻ bạn đã đóng vai trò thế nào trong việc đạt đến con số đó”. Chính những dẫn chứng đó đã cho lãnh đạo thấy được năng lực, đóng góp quan trọng của bạn. 

Luôn trung thực, tự phê bình

Bên cạnh việc làm nổi bật thành tích, bạn cũng cần nhìn nhận nghiêm túc những lần bạn chưa đạt đủ mục tiêu. Trung thực đồng nghĩa với việc chỉ ra những điểm yếu có thể cải thiện hoặc những thất bại quá khứ để lại bài học quý giá. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-4
Trung thực trong mọi trường hợp là điều nhà quản lý đánh giá cao

Nhận ra khuyết điểm bản thân chứng tỏ mong muốn được học hỏi, phát triển không ngừng của bạn. Điều quan trọng, bạn không nên thể hiện sự tự tin trong bản tự đánh giá. Giống như cách Timothy Butter – Giám đốc chương trình phát triển nghề nghiệp tại Harvard Business School từng khuyên nhân viên: “Sử dụng ngôn ngữ tích cực khi phê bình những điểm hạn chế mình cần cải thiện”. 

Không ngừng phấn đấu

Bản tự đánh giá bản thân trong công việc đừng bao giờ mang đến người đọc cảm giác trì hoãn. Bởi dù đã trải qua thời gian đóng góp cho công ty như thế nào thì bạn cũng phải cam kết cải thiện, nâng cao năng lực cá nhân. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-5
Có định hướng công việc rõ ràng giúp hành trình thăng tiến trở nên thuận lợi hơn

Trong tài liệu này, bạn có thể dành một phần để liệt kê các mục tiêu năm tới của mình. Qua đó nhà quản lý thấy được đây là một nhân viên có chí tiến thủ, sẵn sàng thích nghi. Như vậy lãnh đạo sẽ tạo thêm nhiều cơ hội giúp nhân sự có thể phát huy một cách tối đa.  

Thể hiện sự chuyên nghiệp

Khi viết tự đánh giá bản thân trong công việc, bạn nên thể hiện thái độ chuyên nghiệp. Có nghĩa bạn không nên chỉ trích sếp hay nói xấu đồng nghiệp. Tất cả đánh giá đưa ra cần đứng trên góc độ khách quan, không bị ảnh hưởng bởi tình cảm cá nhân.

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-6
Tất cả những điều tự đánh giá cần dựa trên tính khách quan

Áp dụng những nguyên tắc này sẽ giúp bạn thiết lập nên những bản tự đánh giá chuyên nghiệp, hoàn hảo, nâng tầm giá trị bản thân. 

5 yếu tố cần có trong mẫu tự đánh giá trong công việc

Hiện nay một số công ty còn cung cấp hẳn mẫu tự đánh giá bản thân trong công việc cho nhân sự. Tuy nhiên, để tạo nên một file riêng biệt, mang tính cá nhân bạn nên đầu tư thời gian nghiên cứu, xây dựng. 

Theo đó, trong một bản tự đánh giá bạn đừng quên 5 yếu tố dưới đây:

Xác định rõ phạm vi

Trước hết, bạn phải xác định bản tự đánh giá của mình sẽ dùng vào mục đích gì? Để quản lý đánh giá thành tích, cân nhắc lương thưởng hay thăng chức? Khoảng thời gian cần nhìn lại bao xa: 1 tháng, 1 năm, toàn thời gian làm việc ở công ty?

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-7
Xác định mục đích của việc tự đánh giá bạn sẽ đưa ra được những nội dung cốt yếu

Có như vậy chúng ta mới đưa ra được cấu trúc cụ thể, những nội dung cốt yếu cần đưa ra. Tốt nhất những vấn đề này bạn nên hỏi lãnh đạo trực tiếp trước khi bắt đầu viết. 

Liệt kê những phẩm chất tích cực

Bản tự đánh giá bản thân không nhất thiết phải liệt kê đầy đủ những phẩm chất tích cực của bạn. Theo đó bạn hãy ưu tiên những gì quan trọng trước. Cụ thể chúng ta có thể nhấn mạnh về hiệu suất công việc, tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, kỹ năng giải quyết vấn đề …. Song song với đó là những dẫn chứng cụ thể đo lường được như chỉ số KPI, OKR. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-8
Tất cả những thành tựu cần dựa trên dẫn chứng cụ thể có tính thuyết phục

Ví dụ: Doanh số bán hàng quý I/2023 của bạn được bao nhiêu? Số lượng khách hàng ký hợp đồng mới như thế nào? Lợi nhuận thu về ra sao? 

Thừa nhận những sai lầm, điểm yếu của bản thân

Albert Einstein đã từng nói rằng: “Một người không bao giờ mắc sai lầm sẽ không bao giờ dám thử làm bất cứ điều gì mới”. Đã là con người ai cũng mắc lỗi. Nhưng chúng ta luôn nhận được cơ hội để suy ngẫm, xác định những điều cần cải thiện. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-9
Dám thừa nhận yếu kém là điều lãnh đạo đánh giá cao ở người nhân viên

Vì thế trong bản tự đánh giá bản thân, bạn hãy sẵn sàng đối mặt với những sai lầm, điểm yếu của mình. Chỉ khi chấp nhận thiếu sót bạn mới có thể rút kinh nghiệm, lấy đó làm động lực để thay đổi, phát triển tốt hơn trong tương lai. 

Thông tin phản hồi cho quản lý

Việc tự đánh giá không nên một chiều. Bên cạnh nhận định về bản thân, bạn nên đưa ra những phản hồi cụ thể cho quản lý. Để họ hiểu được rằng bạn đang gặp vấn đề, cản trở gì ảnh hưởng đến kết quả công việc. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-10
Phản hồi đến quản lý trực tiếp là cách tăng cường kết nối hiệu quả

Thông qua sự trao đổi này, lãnh đạo sẽ cân đối khối lượng công việc. Đồng đời đây là cơ sở để doanh nghiệp tối ưu quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả. 

Xem thêm: 4 lý do doanh nghiệp khiến nhân viên không nhiệt tình trong công việc

Nói lên tham vọng của bạn

Kết thúc bản tự đánh giá, bạn hãy đưa ra một ghi chú mang tính tích cực, nói lên tham vọng của mình. Nhà quản lý cực đánh giá cao những nhân sự coi trọng phát triển nghề nghiệp, có khát vọng với công việc. 

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-11
Bản tự đánh giá cần thể hiện được mong muốn cống hiến cho doanh nghiệp

Vì thế, bạn hãy đề cập đến các cơ hội mà mình muốn góp sức trong tương lai. Chẳng hạn mong muốn được đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực, sở hữu thêm bằng cấp, kỹ năng mềm hay có sự thăng tiến. 

Một số sai lầm cần tránh khi viết bản tự đánh giá năng lực cá nhân trong công việc

Bản tự đánh giá bản thân trong công việc cũng như một bài thuyết trình bằng văn bản về năng lực, thành tích cá nhân gửi sếp. Để đảm bảo đúng chuẩn, ấn tượng bạn cần tránh một số sai lầm dưới đây:

tu-danh-gia-ban-than-trong-cong-viec-12
Bản tự đánh giá cần viết rõ ràng, rành mạch với các phần logic
  • Không nhận xét bản thân quá dài dòng. Tối đa chỉ nên khoảng 1 – 2 trang giấy với nội dung trình bày ngắn gọn, súc tích. 
  • Văn phong đảm bảo phù hợp, nghiêm túc, chuyên nghiệp. Tuyệt đối không dùng từ ngữ địa phương hoặc văn nói vào văn bản. 
  • Tránh mắc lỗi chính tả trong bản tự nhận xét bản thân. Bạn hãy soát lại nhiều lần để loại bỏ các lỗi này. 
  • Thông tin đưa vào cần khách quan, đúng sự thật dựa trên căn cứ cụ thể, không nói dối, phóng đại. 

Có thể thấy, tự đánh giá bản thân vô cùng quan trọng trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Cùng với báo cáo công việc, văn bản này giúp lãnh đạo có cái nhìn toàn diện về nhân sự. Từ đó họ sẽ đưa ra quyết định thăng chức, nâng lương thưởng tương ứng với công sức của nhân viên. 

Trên đây Gitiho đã chia sẻ rất cụ thể về những nguyên tắc khi viết tự đánh giá bản thân trong công việc. Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin về các chỉ số đánh giá hiệu quả làm việc, bạn đừng quên cập nhật chuyên trang mỗi ngày. 

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông