Xây dựng văn hóa làm việc tích cực đã trở thành một trong những ưu tiên chính của các tổ chức trên toàn thế giới. Cùng với sự bùng nổ của đại dịch trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đang chuyển trọng tâm sang xây dựng một môi trường làm việc mà ở đó nhân viên của họ cảm thấy an toàn, gắn bó, được truyền cảm hứng và làm việc hiệu quả.
Hơn nữa, 94% giám đốc điều hành tin rằng công ty có một nền văn hóa làm việc mạnh mẽ chính là chìa khóa để dẫn đến thành công trong kinh doanh.
Vậy văn hóa làm việc là gì? Xây dựng văn hóa làm việc tích cực có lợi ích như thế nào đối với mỗi doanh nghiệp? Cùng Gitiho theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Văn hóa làm việc (work culture) là tập hợp các giá trị, các quy tắc, thái độ và hành vi mà một tổ chức hoặc một nhóm người cùng áp dụng giống nhau trong quá trình làm việc. Điều này được tạo ra thông qua những hành vi của tất cả thành viên trong tổ chức từ CEO đến nhân viên mới gia nhập.
Các yếu tố về không gian và cơ sở vật chất của một công ty cũng ảnh hưởng đến văn hóa làm việc. Mỗi doanh nghiệp có một môi trường riêng, được tạo thành bởi niềm tin, thái độ, sự tương tác, quy tắc, tiêu chuẩn, thói quen, quy trình làm việc...
Với thời gian 8 tiếng mỗi ngày dành cho công việc, chắc chắn môi trường cũng như văn hóa làm việc ảnh hưởng ít nhiều đến cá nhân mỗi người.
Văn hóa làm việc không phải là môi trường cố định, nó phát triển dựa trên hành vi của những người làm việc trong tổ chức.
Xem thêm: Văn hóa doanh nghiệp là gì? 6 bước xây dựng VHDN bài bản, chuyên nghiệp
Nói một cách đơn giản, văn hóa làm việc tích cực là văn hóa có sự ưu tiên phúc lợi cho nhân viên, luôn có sự hỗ trợ nhân viên ở mọi cấp bậc và có các chính sách công nhận & khen thưởng, đồng cảm, lắng nghe và hỗ trợ.
Một nghiên cứu năm 2011 của Cameron et al thấy rằng một nền văn hóa làm việc tích cực gồm 6 yếu tố sau:
- Đối xử thân thiện với đồng nghiệp như bạn bè, có những hành động quan tâm và hỏi thăm sức khỏe của họ
- Hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc cũng như trong cuộc sống
- Bỏ qua những lỗi lầm của đồng nghiệp và không đổ lỗi
- Luôn truyền cảm hứng làm việc tích cực cho nhau
- Khen ngợi đồng nghiệp khi họ làm tốt công việc
- Đặt niềm tin, tôn trọng lẫn nhau, có lòng biết ơn với những người đã tận tình giúp đỡ mình
Nếu xây dựng được một văn hóa làm việc tích cực trong doanh nghiệp sẽ mang đến rất nhiều lợi ích như:
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiết lập mối quan hệ xã hội tích cực trong môi trường làm việc đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của nhân viên.
Khi nhân viên và mọi người trong công ty có mối quan hệ tích cực với nhau, họ có xu hướng ít gặp các vấn đề về sức khỏe và ít gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm. Ngoài ra còn mang đến lợi ích là tư duy trong công việc tốt hơn và hiệu suất công việc tăng đáng kể.
Năm 2014, nghiên cứu của Dutton et al University of Michigan’s Compassion đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thấu hiểu tại nơi làm việc là: “Hầu hết các nghiên cứu đều xem xét sự thấu hiểu, đồng cảm mang lại lợi ích như thế nào cho những người thường xuyên căng thẳng, hay gặp khó khăn về mặt tâm lý.
Khi có sự thấu hiểu, họ sẽ được được phục hồi tâm lý, trở nên thoải mái hơn. Một số bằng chứng cũng cho thấy rằng sự thấu hiểu tại nơi làm việc cũng khơi gợi lên những cảm xúc tích cực, làm giảm đi sự lo lắng và tăng sự gắn bó của những nhân viên hay gặp căng thẳng với tổ chức.”
Bằng cách thể hiện sự thấu hiểu một cách thường xuyên, công ty có thể giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc và thúc đẩy sự gắn bó của nhân viên với công ty.
Nghiên cứu về khả năng lãnh đạo cho thấy khi lãnh đạo hết lòng giúp đỡ những nhân viên không chủ động yêu cầu hỗ trợ, nhân viên sẽ đáp lại bằng cách làm việc chăm chỉ hơn, nhiệt huyết hơn và cống hiến nhiều hơn.
Một người quản lý sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ nhân viên có thể tạo ra động lực mạnh mẽ với nhóm của họ, tạo ra kết quả tốt nhất cho mục tiêu của tổ chức và cải thiện phúc lợi cho nhân viên của mình.
Hành động này không chỉ làm tăng lòng trung thành của nhân viên mà các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nó còn giúp nhân viên tích cực hơn; ví dụ như giúp và quan tâm đến đồng nghiệp của mình.
Hành vi tích cực được thực hiện bởi những nhà quản lý cũng có thể làm giảm các hành vi tiêu cực của họ, ví dụ như cư xử không tôn trọng đồng nghiệp, không làm theo yêu cầu của cấp trên hoặc bỏ bê công việc của mình.
Một nghiên cứu cho thấy rằng, nhân viên tin tưởng vào lãnh đạo và họ cảm thấy công việc của họ được đảm bảo, họ sẽ có nhiều khả năng cống hiến và đề xuất những giải pháp giúp công ty ngày càng đổi mới.
Ví dụ như các công ty được Great Place to Work chứng nhận rằng sẵn sàng đầu tư vào văn hóa làm việc sẽ có mức tăng trưởng doanh thu gấp 4.1 lần, thu nhập ròng tăng 756%, doanh số bán hàng trên mỗi nhân viên tăng 13% và lợi nhuận gấp 15 lần.
Ngược lại, khi một nhân viên lo sợ rằng nếu làm sai sẽ bị phạt, bị chỉ trích hoặc không được lãnh đạo hỗ trợ khi gặp khó khăn, họ sẽ thực hiện công việc một cách cứng nhắc ngay cả khi những hành vi đó đã lỗi thời, không phù hợp với dự án và không mang lại hiệu quả.
Nghiên cứu về niềm tin tại nơi làm việc của Nazli Mohammed đã làm sáng tỏ mối liên hệ chặt chẽ giữa niềm tin và hạnh phúc: “So với những người làm việc tại các công ty có độ uy tín thấp thì những người làm việc tại những công ty có độ uy tín cao cho biết họ ít căng thẳng hơn 74%, nhiều năng lượng hơn trong công việc 106%, năng suất cao hơn 50%, số ngày nghỉ ít hơn 13%, mức độ gắn kết cao hơn 76%, mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn 29% và tình trạng kiệt sức ít hơn 40%”.
Một công ty có nền văn hóa làm việc tiêu cực là ở đó chứa đựng những hành vi như đấu đá, nói xấu nhau, tranh giành quyền lực, thiếu tinh thần làm việc, không giao tiếp trọn vẹn. Ngoài ra, phúc lợi của nhân viên cũng không được đặt lên hàng đầu.
Đây không phải là tâm trạng uể oải vào sáng thứ 2 mà là sự thiếu tinh thần làm việc trong suốt quá trình làm việc.
Các nghiên cứu cho thấy sự tiêu cực này rất dễ lây lan và môi trường tiêu cực có thể làm ảnh hưởng đến những người làm việc hiệu quả, khiến họ rời bỏ công ty cao gấp 13 lần so với những nhân viên khác.
Những công ty có môi trường làm việc tiêu cực thể hiện ngay trong việc không minh bạch về tiền lương, chế độ, công việc, cấp bậc.
Điều này có thể là do cách truyền đạt không hiệu quả, không biết cách quản lý, đấu tranh quyền lực giữa nhân viên với nhau hoặc sự mập mờ của lãnh đạo.
Tất cả điều đó dẫn đến một lực lượng nhân sự không biết phải làm gì, làm như thế nào hoặc phải tìm ai để được hỗ trợ.
Tin đồn sai sự thật, hành vi gây hấn hay sự bắt nạt tại nơi làm việc đều là những lý do dẫn đến sự bất đồng giữa nhân viên.
Điều này chắc hẳn không chỉ trong bộ phận nhân sự mà ở cả lãnh đạo. Thậm chí sự tranh giành quyền lực giữa các quản lý cấp cao còn nghiêm trọng hơn và cũng có thể chính họ là nguyên nhân gây ra sự mâu thuẫn trong các phòng ban.
Khi nhân viên làm việc trong một tâm thế sợ hãi thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu suất công việc kém đi so với những nhân viên luôn tự tin.
Vì vậy có thể thấy một môi trường làm việc độc hại là khi một nhân viên luôn nghĩ rằng họ sẽ bị chỉ trích, phê phán nếu gây ra sai lầm trong công việc.
Năm 2019, SHRM đã thực hiện một báo cáo tại môi trường làm việc độc hại cho thấy cứ có 5 nhân viên thì 1 nhân viên đã nghỉ việc vào 5 năm trước do văn hóa làm việc của công ty cũ tiêu cực.
Nhân viên cũng thừa nhận rằng 1 trong 3 lý do hàng đầu khiến họ rời bỏ công việc trong 3 tháng đầu tiên hoặc trong thời gian thử việc là văn hóa công ty. (Robert Half).
Google đã liên tục giành được giải thưởng về văn hóa công ty tốt nhất. Họ khuyến khích nhân viên của mình làm việc bất cứ lúc nào và làm việc ở đâu mà họ muốn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo trong quy trình làm việc.
Là một công ty được xây dựng dựa trên sự đổi mới, linh hoạt, Google luôn thực hiện các chương trình lấy nhân viên làm trung tâm. Công ty có những giá trị cốt lõi rõ ràng và khuyến khích sự giao tiếp minh bạch ở tất cả các cấp trong công ty.
Phát triển nhân viên cũng là một sự ưu tiên, cho phép nhân viên luân chuyển công việc và giảm tỷ lệ nghỉ việc.
Giống như Google, Tesla cũng là công ty có môi trường làm việc đầy áp lực. Tesla luôn tập trung vào sự đổi mới, sáng tạo so với những đối thủ khác trên thị trường. Công ty luôn khuyến khích nhân viên được thử nghiệm và vượt ra khỏi vùng an toàn của mình.
Văn hóa của công ty là tập trung vào sự phát triển của từng cá nhân thông qua các hoạt động nhóm và sự đảm nhận trách nhiệm cá nhân. Công ty luôn kỳ vọng nhân viên đạt được thành tích xuất sắc bất kể hoàn cảnh nào.
Trong vòng 6 năm qua, Microsoft đã nỗ lực để tiến hành một cuộc chuyển đổi văn hóa từ tư duy cố định thành tư duy phát triển nhằm khuyến khích nhân viên phát triển kỹ năng và chuyên môn, thử nghiệm và coi sự thất bại là một phần quan trọng trong quá trình làm việc tại Microsoft.
Tập trung vào sự hợp tác, Microsoft yêu cầu nhân viên phải hết mình với khách hàng và cung cấp nhiều cơ hội để học tập và phát triển.
Giá trị cốt lõi của họ là đề cao sự thấu hiểu lẫn nhau, hợp tác và ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Vào năm 2021, Microsoft đã thăng chức Kathleen Hogan từ trưởng phòng nhân sự lên giám đốc nhân sự của năm để ghi nhận sự cống hiến trong việc xây dựng văn hóa làm việc tại công ty.
Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng được văn hóa làm việc tích cực, đây là môi trường lý tưởng để mỗi nhân viên có cơ hội học hỏi, phát triển bản thân mỗi ngày. Điều này không chỉ tạo ra động lực mạnh mẽ mà còn góp phần vào sự thành công bền vững của doanh nghiệp.