Nghỉ phép năm và những điều người lao động cần biết

Nội dung được viết bởi Sabrina

Nghỉ phép năm là một trong những quyền lợi đáng quan tâm của người lao động, do đó, bất kỳ ai cũng cần nắm vững các điểm quan trọng xoay quanh quyền lợi này. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Gitiho tìm hiểu về nghỉ phép năm và những điều bạn cần phải biết để đảm bảo quyền lợi của mình nhé.

Xem thêm: Hướng dẫn cách tính số ngày nghỉ phép năm trên Excel

Nắm vững Luật lao động 2019 cùng khóa học HRG04 - Pháp luật lao động

Những điều cần biết về nghỉ phép năm

Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đó có nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định rất chi tiết về ngày nghỉ phép năm (thực tế thường được gọi là ngày phép năm), các trường hợp được thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ hằng năm mà người lao động còn dư, tạm ứng tiền lương cho những ngày nghỉ hằng năm, chế tài đối với các trường hợp vi phạm…

Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau mà nhiều người lao động không nắm rõ các quy định nghỉ phép năm này dẫn đến thiệt thòi. Để người lao động bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình, sau đây là 05 nội dung quan trọng về nghỉ phép năm, tiền lương ngày phép còn dư. Cụ thể như dưới đây.

nghỉ phép năm 1

Số ngày nghỉ phép năm của người lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động có thời gian nghỉ hằng năm (thực tế thường được gọi là ngày phép năm) được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

  • 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  • 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
  • 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Vậy nên, tùy thuộc vào điều kiện và môi trường làm việc, số ngày nghỉ phép năm của người lao động đã làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động sẽ được tính khác nhau (12, 14 hoặc 16 ngày tương ứng với các điều kiện làm việc nêu trên).

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thời gian học nghề, tập nghề được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm của người lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

Do đó, thời gian người lao động được công ty bố trí cho đi học nghề vẫn sẽ được tính là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm.

Ngoài ra, tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ phép năm như sau: Người lao động làm việc cứ đủ 05 năm cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Xem thêm: Quy định về hợp đồng thử việc theo Bộ Luật lao động mới nhất

Hết hạn hợp đồng nhưng dư ngày phép năm, công ty có phải trả tiền?

Theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm (thực tế thường được gọi là ngày phép năm) hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Căn cứ vào quy định nghỉ phép năm nêu trên, trường hợp khi hết hạn hợp đồng lao động mà công ty không tiếp tục ký hợp đồng lao động mới với người lao động thì công ty phải thanh toán tiền cho những ngày nghỉ hằng năm mà người lao động còn dư.

Theo khoản 3 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ phép năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Do đó, tiền lương để làm căn cứ trả lương cho những ngày nghỉ phép năm còn dư của người lao động là tính theo tiền lương của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về quy định nghỉ phép năm, phạt tiền đối với công ty không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Cụ thể như sau:

  • Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền như trên công ty còn bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm A khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP là trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Xem thêm: Quy định quản lý giờ công lao động

Công ty có quyền bắt người lao động phải nghỉ hết ngày phép năm?

Theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm (thực tế thường được gọi là ngày phép năm) hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Căn cứ vào quy định nghỉ phép năm nêu trên, nếu người lao động còn dư ngày nghỉ hằng năm và vẫn đang làm việc tại công ty thì công ty không có nghĩa vụ phải thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ hằng năm người lao động còn dư.

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Như vậy, việc công ty yêu cầu người lao động phải nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm trong năm dương lịch, trường hợp không nghỉ hết thì người lao động cũng không được công ty thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ là đúng pháp luật. Do đó, nếu người lao động còn dư ngày nghỉ hằng năm thì người lao động có thể thỏa thuận với công ty về việc dồn ngày nghỉ hằng năm sang năm sau (trường hợp công ty không đồng ý, thì người lao động nên sắp xếp thời gian, công việc để nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm để đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của mình).

nghỉ phép năm 2

Người lao động có được tạm ứng tiền lương khi nghỉ phép năm?

Khoản 5 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định, khi nghỉ hằng năm (thực tế thường được gọi là nghỉ phép năm) mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

Khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định, khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ phép năm.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp người lao động nghỉ hằng năm trước kỳ trả lương của công ty thì người lao động có quyền đề nghị công ty tạm ứng tiền lương, số tiền lương mà công ty tạm ứng cho chị căn cứ vào quy định cụ thể của công ty, thỏa thuận giữa người lao động và công ty. Tuy nhiên, số tiền tạm ứng thấp nhất là bằng số ngày ngày lương của người lao động (tương ứng với số ngày nghỉ hằng năm của người lao động).

Lưu ý: Theo khoản 6 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, khi nghỉ phép năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Xem thêm: Các loại hợp đồng liên quan đến quan hệ lao động và những vấn đề cần lưu ý

Công ty không cho người lao động nghỉ phép năm, có bị phạt?

Tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 có quy định nghỉ phép năm như sau:

Điều 113. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ phép năm (thực tế thường được gọi là ngày nghỉ phép năm) theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Căn cứ vào quy định nêu trên, việc công ty cho rằng người lao động làm việc đủ năm mới được nghỉ phép năm là không đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ phép năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Theo quy định này, công ty phải quy định lịch nghỉ phép năm nhưng trước đó buộc phải tham khảo ý kiến của người lao động. Căn cứ vào lịch nghỉ hằng năm của công ty, người lao động sẽ sắp xếp công việc để thực hiện quyền nghỉ hằng năm của mình.

Căn cứ khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với công ty có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng năm đối với người lao động.

Tổng kết

Trên đây là những nội dung quan trọng cần lưu ý về vấn đề nghỉ phép năm của người lao động, người lao động cần nắm rõ và hiểu luật để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người làm nhân sự hay công tác quản lý lao động trong các doanh nghiệp phải nắm rõ luật không chỉ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có xảy ra đối với doanh nghiệp.

Hy vọng bài viết này đem lại cho các bạn một cái nhìn tổng thể nhất về vấn đề nghỉ phép năm của người lao động. Để bổ sung kiến thức về quyền lợi của người lao động, bạn hãy tham khảo các bài viết trên blog Gitiho.com nhé.

Gitiho xin cảm ơn và chúc bạn thành công!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông