Tổng quan những kiến thức cần phải biết về đầu tư quốc tế

Nội dung được viết bởi Thanh Hằng

Hoạt động đầu tư quốc tế là một trong những hoạt động thương mại chính trong nền kinh tế hiện nay. Những khoản đầu tư quốc tế thường đem lại những khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho nhà đầu tư ở khắp nơi trên thế giới. Trong bài viết này, Gitiho sẽ giới thiệu tới bạn những kiến thức cơ bản về đầu tư quốc tế.

Đầu tư quốc tế là gì?

Đầu tư quốc tế là những khoản đầu tư được thực hiện bên ngoài thị trường trong nước, hay nói cách khác là việc nắm giữ chứng khoán do các công ty hoặc chính phủ ở các quốc gia khác phát hành. Các nhà đầu tư thường lựa chọn đầu tư quốc tế để tăng cường đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình và phân tán rủi ro đầu tư giữa các công ty và thị trường nước ngoài. Bằng cách đó, danh mục đầu tư có thể trở nên đa dạng hơn cũng như tăng lợi nhuận cho khoản đầu tư. Ngoài ra, các khoản đầu tư quốc tế cũng đóng vai trò như một phương tiện bổ sung vào danh sách những công cụ tài chính khi thị trường nội địa bị hạn chế và đi xuống.

Nhờ sự phát triển chung của thương mại quốc tế, các nhà đầu tư ở mọi nơi trên thế giới có thể tìm thấy nhiều phương pháp tận dụng kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và công cụ nợ đang được giao dịch ở một số nơi khác trên thế giới. Đầu tư quốc tế được thực hiện nhằm phản ánh rủi ro thị trường trong nước và cơ hội trên thị trường nước ngoài. Trong một số trường hợp, nó cũng có thể giúp giảm thiểu một số rủi ro hệ thống liên quan đến thị trường kinh tế của một quốc gia.

Xem thêm: Cùng tìm hiểu về một số loại rủi ro tài chính

Các loại hình đầu tư quốc tế

Các loại hình đầu tư quốc tế trong nền kinh tế có thể được phân loại như sau:

  • Quỹ / Viện trợ của Chính phủ (Government Funds/Aids): Đây là các quỹ chảy từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác với mục đích viện trợ hoặc hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế nói chung. Các giao dịch đầu tư quốc tế này thường được thực hiện giữa các chính phủ của các quốc gia.
  • Các khoản cho vay xuyên biên giới (Cross-Border Loans): Là một khoản vay trong đó chính phủ hoặc tổ chức tìm kiếm nguồn tài chính cho vay từ một ngân hàng nước ngoài. Loại hình tài chính xuyên biên giới đã trở thành một phương tiện tài trợ phổ biến vì khả năng tiếp cận dễ dàng hơn và ít hạn chế về những tài sản thế chấp.
  • Đầu tư gián tiếp nước ngoài (Foreign Portfolio Investment): FPI bao gồm chứng khoán và các tài sản tài chính khác do các nhà đầu tư ở nước ngoài nắm giữ. Nó không cung cấp cho nhà đầu tư quyền kiểm soát đối với các dự án cũng như quyền sở hữu trực tiếp tài sản của công ty và có tính thanh khoản tùy thuộc vào sự biến động của thị trường. Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) là một trong những cách phổ biến để các nhà đầu tư tham gia vào nền kinh tế ở nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư bán lẻ.
  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment): FDI là các khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia nước ngoài vào một nền kinh tế nội địa. Việc đầu tư có thể liên quan đến việc mua lại nguồn nguyên liệu, mở rộng phạm vi hoạt động của công ty đó sang một khu vực kinh tế mới. Đặc điểm chính của đầu tư trực tiếp nước ngoài là nó thiết lập sự kiểm soát hiệu quả đối với doanh nghiệp nước ngoài hoặc ít nhất là ảnh hưởng đáng kể đến việc ra quyết định của họ.
Đầu tư quốc tế

Các loại công cụ tài chính để đầu tư quốc tế

Có rất nhiều công cụ tài chính giúp các nhà đầu tư đem về khoản lợi nhuận đáng kể trong thị trường tài chính toàn cầu như:

  • Chứng chỉ lưu kí tại Mỹ (ADR): Đây là hình thức đầu tư quốc tế phổ biến nhất. ADR dùng để chỉ một chứng chỉ có thể chuyển nhượng được phát hành bởi một ngân hàng lưu ký của Mỹ, đại diện cho một số lượng cổ phiếu cụ thể của một công ty nước ngoài. ADR giao dịch trên thị trường chứng khoán của Mỹ như bất kỳ cổ phiếu trong nước nào. Ngoài ra, chứng chỉ lưu kí tại Mĩ cung cấp cho các nhà đầu tư một cách để mua cổ phiếu của các công ty ở nước ngoài. Các công ty nước ngoài cũng được hưởng lợi, vì ADR cho phép họ thu hút các nhà đầu tư và vốn của Mỹ mà không mất nhiều phí khi niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ.
  • Chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR): Có các tính chất tương tự như chứng chỉ lưu kí tại Mỹ. GDR là một loại chứng chỉ ngân hàng cho các nhà đầu tư tại nhiều quốc gia để giao dịch với cổ phiếu của công ty nước ngoài. 
  • Trái phiếu chuyển đổi ngoại tệ (FCCB): Là một loại trái phiếu chuyển đổi được phát hành bằng đồng tiền khác với nội tệ của tổ chức phát hành ra nó. Nói cách khác, tiền mà công ty phát hành huy động được sẽ ở dạng ngoại tệ. Trái phiếu chuyển đổi ngoại tệ là sự kết hợp giữa công cụ nợ và vốn chủ sở hữu. Loại hình đầu tư quốc tế này cho phép chủ sở hữu quyền lựa chọn để chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Xem thêm: Tất tần tật kiến thức về thị trường tài chính ai cũng nên biết

Ưu điểm và Nhược điểm của đầu tư quốc tế

Ưu điểm của đầu tư quốc tế

Có thể thấy thị trường trong nước thu hút các nhà đầu tư bằng chính các khoản đầu tư quốc tế cũng mang lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế.

  • Tiếp cận các cơ hội hiện có ở các thị trường khác nhau mà thị trường nội địa có thể không cung cấp.
  • Tiếp cận các công cụ khác nhau cho phép loại bỏ rủi ro hối đoái và có thể đảm bảo lợi nhuận lớn hơn cho các nhà đầu tư.
  • Phân tán các rủi ro liên quan đến thị trường trong nước và đa dạng hóa danh mục đầu tư.
  • Tạo ra nhiều việc làm cho người dân ở nước sở tại, điều đó giúp nâng cao mức sống cho người lao động
Đầu tư quốc tế

Nhược điểm của đầu tư quốc tế

Đầu tư vào thị trường quốc tế có nhiều hạn chế. Một số trong số đó được trích dẫn dưới đây.

  • Tỷ giá hối đoái: Đầu tư nước ngoài ngay từ đầu thường dễ gặp rủi ro về tỷ giá hối đoái. Sự biến động trong trao đổi tiền tệ có thể ảnh hưởng mạnh đến các giao dịch lớn. 
  • Rủi ro tín dụng: Mỗi công ty đều có tình hình kinh doanh cũng như khoản nợ khác nhau. Do đó, các nhà đầu tư nên cân nhắc và đánh giá kĩ càng về xếp hạng tín dụng của từng công ty trước khi thực hiện giao dịch, đặc biệt là khi đầu tư ở nước ngoài còn nhiều bất cập về mặt thông tin. Khả năng tiếp cận và sự sẵn có của các thông tin quan trọng liên quan đến các doanh nghiệp và thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế.
  • Rủi ro thanh khoản: Một trong những mối quan tâm lớn nhất khi đầu tư vào thị trường quốc tế là vấn đề thanh khoản. Ví dụ, một nhà đầu tư ở Hoa Kỳ có thể không tìm thấy người mua để bán chứng khoán của mình trên thị trường Nhật Bản. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền của công ty và tính thanh khoản của cổ phiếu.
  • Luật pháp: Tùy từng quốc gia sẽ có các luật lệ riêng về đầu tư quốc tế và các điều kiện hoạt động khác nhau của thị trường nước đó. Ngoài ra, bất ổn chính trị và kinh tế cũng có thể ảnh hưởng lớn đến các khoản đầu tư quốc tế.

Xem thêm: Đầu tư tài chính hiệu quả cho người mới bắt đầu

Kết luận

Đầu tư quốc tế đang ngày càng trở nên phát triển và có tác động không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù những khoản đầu tư quốc tế này mang lại nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng chúng cũng có phần rủi ro. Nhiều nhà đầu tư ở các nền kinh tế phát triển đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển để tìm kiếm triển vọng thu được lợi nhuận cao hơn. 

Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn những kiến thức bổ ích về đầu tư tài chính. Chúc bạn đọc áp dụng thành công kiến thức chuyên ngành này vào công việc của mình!

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông