Điều đáng chú ý trong nghị quyết 43/2022/QH15 về giảm thuế GTGT

Nội dung được viết bởi Linh Mai

Tất tần tật các thông tin đáng chú ý về giảm thuế GTGT 2022 theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đều có trong bài viết này. Các bạn hãy tham khảo ngay để cập nhật thông tin mới áp dụng cho công việc kế toán nhé.

Theo Nghị quyết 43/2022/QH15 thì thuế GTGT đã được giảm từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng. Việc này sẽ làm thay đổi mức giá sau thuế trên hóa đơn của các mặt hàng được áp dụng giảm thuế. Nhờ đó mà thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một động thái của nhà nước giúp giải quyết khó khăn của người dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Việc giảm thuế GTGT 2022 sẽ căn cứ theo các văn bản sau:

  • Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022
  • Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022

Quy định về giảm thuế GTGT 2022

Các loại hàng hóa dịch vụ được giảm thuế GTGT 2022

Đây có lẽ là phần được nhiều bạn quan tâm nhất. Các loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng giảm thuế GTGT được quy định tại Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP như sau:

1. Giảm thuế GTGT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này. 

Các bạn kế toán nên xem kỹ Phụ lục 1 này để tránh trường hợp xuất hóa đơn nhầm sang sản phẩm được giảm thuế GTGT.

b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khải thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II, và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định mới của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm thuế GTGT.

Lưu ý: Chúng mình đã để file Nghị định 15/2022/NĐ-CP trong mục Tài liệu đính kèm bài viết, các bạn tải về để tham khảo chi tiết hơn nhé.

Xem thêm: Hướng dẫn cách lập tờ khai thuế GTGT chi tiết nhất

Mức giảm thuế GTGT

  • Cơ sở kinh doanh kê khai theo phương pháp khấu trừ thì áp dụng mức thuế suất 8%.

Ví dụ: Công ty Z đang kinh doanh mặt hàng A, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ được giảm 2% thuế GTGT. Trong tháng 2/2022, công ty Z bán được 1000 sản phẩm mặt hàng A, giá 2000đ/sản phẩm.

Như vậy, thuế GTGT đầu ra tháng 2 của công ty Z được xác định bằng công thức:

Thuế GTGT = 1000 x 2000 x 8% = 160.000 (đồng)
  • Cơ sở kinh doanh kê khai theo phương pháp trực tiếp thì giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.

Ví dụ: Công ty Z đang kinh doanh mặt hàng A theo phương pháp trực tiếp được giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022. Trong tháng 2/2022, công ty Z bán được 1000 sản phẩm mặt hàng A giá 2000đ/sản phẩm.

Thuế GTGT phải nộp tháng 2 của công ty Z được xác định bằng công thức:

Thuế GTGT = 1000 x 2000 x 1% x (1-20%) = 16.000 (đồng)

Xem thêm: Cách kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp

Cách lập hóa đơn giảm thuế GTGT

Tại Điều 1, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định:

  • Đối với cơ sở kinh doanh kê khai theo phương pháp khấu trừ: Khi lập hóa đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán.
  • Đối với cơ sở kinh doanh kê khai theo phương pháp trực tiếp: Khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hoám dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm…(số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.
  • Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế GTGT.

Dưới đây là một mẫu hóa đơn được lập theo quy định giảm thuế GTGT 2022 theo đúng quy định để các bạn tham khảo:

Điều đáng chú ý trong nghị quyết 43/2022/QH15 về giảm thuế GTGT

Lưu ý: Chúng mình đã để file Nghị quyết số 43/2022/QH15 để các bạn tham khảo trong mục “Tài liệu đính kèm” bài viết này nhé.

Xem thêm: Hướng dẫn cách viết hóa đơn GTGT chính xác cho kế toán

Một số lưu ý quan trọng

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thế đầu vào (nếu có).
  • Trường hợp hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày 01/02/2022 nhưng sang tháng 02/2022 mới nghiệm thu thì vẫn tính thuế GTGT theo mức trước khi được giảm (10%).
  • Nếu mặt hàng được giảm thuế 8% nhưng doanh nghiệp xuất 10% thì bên bán phải nộp 10%, bên mua được khấu trừ 8%.
  • Nếu mặt hàng được giảm thuế 10% nhưng doanh nghiệp xuất 8% thì bên bán sẽ bị truy thu 2% + tiền chậm nộp + phạt kê khai sai; bên mua chỉ được khấu trừ 8%.

Để tra cứu xem mặt hàng mà doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh chịu thuế 8% hay 10% thì các bạn dùng cách sau:

  • Bước 1: Tra cứu mã sản phẩm doanh nghiệp đang kinh doanh tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018. 
  • Bước 2: Tra cứu mã sản phẩm vừa tra được tại các phụ lục I, II, III của Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Nếu tìm thấy mã sản phẩm tại 1 trong 3 phụ lục này thì không được giảm thuế (vẫn là 10%). Nếu ngược lại thì được giảm thuế (giảm con 8%).

Lưu ý: Chúng mình đã để file tài liệu liên quan đến quyết định này trong mục “Tài liệu đính kèm”, các bạn nhớ tải về để tra cứu nhé.

Đối với việc kê khai các hóa đơn được giảm thuế các bạn sẽ kê khai tại phụ lục 43/2022/QH2015 đính kèm tờ khai thuế GTGT.

Điều đáng chú ý trong nghị quyết 43/2022/QH15 về giảm thuế GTGT

Xem thêm: Hướng dẫn cài đặt Hỗ trợ kê khai và khai báo thông tin doanh nghiệp

Kết luận

Hy vọng bài viết của chúng mình đã giúp các bạn hiểu rõ được những quy định mới về việc giảm thuế GTGT 2022.

Có một khóa học có thể giúp kế toán mới:

  • Hiểu về hệ thống kế toán, quy định kế toán, từ xây dựng sổ sách đến lập báo cáo thuế và tài chính.
  • Thiết lập và thực hiện các giao dịch kế toán, từ Nhật ký chung đến bảng lương theo quy định mới, và bút toán kết chuyển.
  • Thành thạo việc lên sổ kế toán, xử lý dữ liệu, và tạo tờ khai thuế, cũng như các kỹ năng làm việc trên phần mềm MISA và thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Hãy bấm Đăng ký Học thử ngay bên dưới để trải nghiệm công việc của một Kế toán tổng hợp nha!

/5 - ( bình chọn)

/5 - ( bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông