L&D là gì? Vì sao doanh nghiệp nên có bộ phận L&D?

Nội dung được viết bởi Hà Đinh

Xã hội ngày càng phát triển, con người nếu không muốn tụt hậu so với xã hội cần liên tục cập nhật, bổ sung những kiến thức mới. Vậy nhân sự trong mỗi doanh nghiệp làm thế nào để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Mỗi nhân sự đều có thể tự học, tự nâng cấp bản thân nhưng không có kế hoạch học tập sẽ dẫn đến chán nản và nhanh chóng bỏ cuộc. 

Bộ phận L&D ra đời chính là để giải quyết triệt để những vấn đề này của mỗi nhân sự trong doanh nghiệp. Vậy L&D là gì? L&D có vai trò như thế nào trong doanh nghiệp. Hãy cùng Gitiho tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Công việc của một người làm LnD là gì?

L&D là thuật ngữ viết tắt của Learning & Development (học tập và phát triển) là một bộ phận thuộc phòng ban hành chính nhân sự. Đây là bộ phận thực hiện các chương trình đào tạo cho toàn bộ nhân sự trong công ty để họ đáp ứng yêu cầu công việc và đóng góp vào sự phát triển của tổ chức. 

Theo Hiệp hội Phát triển Nhân tài (ATD), Learning & Development (L&D) là một chức năng trong một tổ chức giúp cho nhân viên học tập kiến ​thức, kỹ năng, năng lực để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Theo Hiệp hội Quản lý Nguồn Nhân lực lớn nhất thế giới (SHRM), L&D (Learning & Development) là một tập hợp các hoạt động nhằm phát triển kiến thức, kỹ năng và năng lực của nhân viên để họ có thể hoàn thành tốt công việc và đóng góp cho mục tiêu chung của tổ chức.

Cùng quan điểm với 2 tổ chức trên, 2 chuyên gia LnD tại Việt Nam cũng đưa ra quan điểm của mình về hoạt động LnD. Theo Thầy Chu Quang Khởi: Doanh nghiệp cần người lao động thực thi mục tiêu kinh doanh, vận hành. Sứ mệnh hay lý do tồn tại của LnD là “tạo ra sự thay đổi năng lực” bao gồm: kiến thức, kỹ năng, thái độ của người lao động” nhằm đáp ứng những mục tiêu ấy. 

Còn theo thầy Phan Sơn, xuất phát từ mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp là hoàn thành các mục tiêu kinh doanh, LnD cần cung cấp năng lực cho đội ngũ để thực thi hiệu quả các chiến lược và mục tiêu kinh doanh hằng năm. 

Bộ phận L&D thực hiện các chương trình đào tạo nhân sự trong tổ chức
Bộ phận L&D thực hiện các chương trình đào tạo nhân sự trong tổ chức

Ví dụ: Tại Gitiho, khi tuyển dụng một bạn Sale thì bộ phận L&D phải thực hiện đào tạo cho bạn ấy về onboarding, văn hóa doanh nghiệp, sản phẩm, thị trường, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp đang hướng đến. Tiếp theo là đào tạo cho nhân viên sale các kỹ năng liên quan đến chuyên môn như tư vấn, thuyết phục khách hàng, xử lý tình huống, bán hàng… Tất cả những hoạt động đó được người làm L&D triển khai và đào tạo cho các bạn trong công ty. 

Một số yêu cầu công việc của người làm L&D: 

Mô tả công việc của nhân viên L&D
Mô tả công việc của nhân viên L&D
Một số công việc của nhân viên L&D
Một số công việc của nhân viên L&D

Vậy đối với nhân viên L&D, công việc hằng ngày của họ sẽ diễn ra như thế nào?

1. Tìm hiểu nhu cầu học tập của nhân sự

Đầu tiên, nhân viên L&D sẽ phải phân tích, tìm hiểu nhu cầu học tập của các bạn nhân sự trong công ty. Bộ phận L&D có thể lập bảng khảo sát, phỏng vấn trực tiếp, phân tích khoảng cách kỹ năng…

2. Xác định nội dung đào tạo theo từng nhân sự, phòng, ban

Tiếp theo L&D phải nghiên cứu với vai trò, nhiệm vụ của mình thì triển khai chương trình đào tạo nào cho nhân sự để các bạn ấy đáp ứng được mục tiêu kinh doanh hoặc tầm nhìn của doanh nghiệp. Ví dụ như năm nay công ty có mục tiêu là phát triển sản phẩm, vậy để làm sản phẩm tốt đội L&D cần phải đào tạo những gì cho bộ phận Phát triển sản phẩm. 

3. Lập kế hoạch đào tạo

L&D sẽ thực hiện lập kế hoạch đào tạo, thông thường phần việc này thường sẽ phải lập vào cuối năm trước và đầu năm tiếp theo. Mục đích là để biết được trong năm tới sẽ đào tạo gì, nội dung đào tạo này phục vụ cho mục tiêu gì. 

4. Phân loại chương trình đào tạo

Sau khi tìm hiểu nhu cầu đào tạo, biết được phải đào tạo nội dung cho nhân sự thì bộ phận L&D sẽ phải phân loại chương trình đào tạo. Có nghĩa là xác định đào tạo như thế nào, đào tạo bắt buộc hay không bắt buộc, đào tạo online hay offline, đào tạo những kỹ năng gì… 

5. Tổ chức đào tạo cho nhân sự

Bộ phận L&D triển khai chương trình đào tạo bằng cách thông báo đến các bạn nhân viên qua email, thông báo chung hoặc phân quyền cho các bạn tham gia các khóa trực tuyến… 

6. Đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo

Sau khi kết thúc mỗi khóa đào tạo, bộ phận L&D sẽ thực hiện đánh giá xem các bạn có dành thời gian để học tập không, khả năng ghi nhớ kiến thức như thế nào, có áp dụng vào công việc không, hiệu suất công việc có được cải thiện không…

Mọi người thường nhầm lẫn khái niệm này với khái niệm đào tạo nội bộ, tuy nhiên có sự khác nhau rõ rệt ở đây. Đào tạo nội bộ tập trung vào việc đào tạo kiến thức và kỹ năng cụ thể. L&D cũng làm những công việc của đào tạo nhưng có thêm một nhiệm vụ phát triển con người. Ngoài việc đào tạo, bộ phận L&D còn có nhiệm vụ huấn luyện, chia sẽ, cố vấn trực tiếp cho nhân viên. Một số công ty để tiết kiệm chi phí đã hợp nhất 2 bộ phận này làm một. 

Xem thêm: Nhân lực là gì? Ý nghĩa của phát triển nguồn nhân lực với doanh nghiệp

L&D đóng vai trò gì trong doanh nghiệp?

Gitiho là đơn vị cung cấp các khóa học dành cho người đi làm trong các lĩnh vực chính như tin học văn phòng, dữ liệu, marketing, nhân sự, kế toán, kỹ năng mềm… Tuy nhiên, bỗng một ngày có một khách hàng nhắn tin hỏi đăng ký khóa học Yoga trong khi Gitiho không có khóa học này. 

Vậy khi nhận được câu hỏi này, các bạn sale sẽ trả lời như thế nào? Đa số các bạn đều trả lời rằng “Anh/chị ơi hiện tại bên em không có khóa học Yoga ạ”, “Anh/chị ơi bên em chủ yếu là các khóa học phát triển và nâng cao kỹ năng dành cho người đi làm nên hiện tại Gitiho chưa có khóa học yoga. Nhưng trong thời gian tới có thể bên em sẽ có khóa học này nên khi nào có em sẽ phản hồi lại ạ”. 

Lý do vì sao mà nhân viên lại có những câu trả lời khác nhau như vậy, đó là bởi đội ngũ nhân sự chưa được đào tạo. Nếu được đào tạo, nhân viên sale sẽ biết cách trả lời để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thể hiện được giá trị cốt lõi hoặc tính cách của công ty. 

Trên toàn cầu có một công ty rất nổi tiếng đã làm được điều này đó là Zappos - công ty thương mại điện tử lĩnh vực thời trang. Bỗng một ngày, có một khách hàng gọi điện đến số hotline của Zappos hỏi mua thịt bò và tất nhiên Zappos không có bán thịt bò. 

Bạn nhân viên trực hotline đã xử lý bằng cách hỏi địa chỉ khách hàng và lên google search cửa hàng thịt bò quanh khu vực của vị khách đó, đồng thời bạn ấy cũng xem rất kỹ review về chất lượng thịt bò ở đó. Cuối cùng, bạn nhân viên mới nói với khách hàng rằng: “Thưa anh/chị, ở Zappos không bán thịt bò nhưng tuy nhiên em đã tìm kiếm trên mạng thì ở gần nhà anh/chị có 3 cửa hàng này. Vì vậy anh/chị có thể đến các cửa hàng này hoặc liên hệ đến số hotline của họ để mua hàng nhanh nhất ạ.” 

Vậy, lý do gì mà các bạn nhân viên lại có cách hành xử như vậy. Đó là bởi ở Zappos có theo đuổi mục tiêu là tạo ra trải nghiệm khách hàng xuất sắc và họ đào tạo cho nhân viên là không bao giờ được nói không với khách hàng. 

Chính vì các bạn L&D đào tạo cho nhân viên Zappos những giá trị của công ty nên khi làm việc, các bạn chăm sóc khách hàng sẽ biết được mình phải làm gì với tình huống vừa rồi. 

Di sản của “triệu phú bán giày” Tony Hsieh: Văn hoá doanh nghiệp của đế chế

Tại Việt Nam, một số công ty có hoạt động L&D mạnh mẽ phải kể đến như hệ thống nhà hàng Golden Gate với 400+ nhà hàng và 19.000 nhân sự trên khắp Việt Nam. Tại sao cũng là kinh doanh nhà hàng, có người lại chỉ mở được vài cửa hàng và không thể phát triển được nữa nhưng có người lại mở đến vài trăm cửa hàng, thậm chí là hàng nghìn nhà hàng? 

Câu trả lời chính là họ đầu tư vào đào tạo và họ có khả năng nhân bản người chủ cửa hàng từ những người sáng lập thành những con người có khả năng lãnh đạo và vận hành nhà hàng. 

Golden Gate có hơn 400+ nhà hàng và hơn 19.000 nhân viên trên khắp cả nước
Golden Gate có hơn 400+ nhà hàng và hơn 19.000 nhân viên trên khắp cả nước

Dưới đây là một số tầm quan trọng của nhân viên L&D đối với sự phát triển doanh nghiệp:

Phát triển đúng khả năng con người

Mỗi người đều có một khả năng vượt trội nhất định, vấn đề là khả năng đó có được tìm thấy và phát triển hay không. Bộ phận L&D sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra và phát triển những khả năng này tốt nhất. Khi mỗi người trong doanh nghiệp đều phát huy đúng khả năng thì công ty sẽ ngày một phát triển. 

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG đã chia sẻ rằng mục đích của phát triển con người là phát triển doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo hãy dành thời gian và sức lực để phát triển năng lực của đội ngũ, chính họ sẽ mang lại khách hàng cho công ty.

Tập đoàn MWG từ lâu đã nổi tiếng trong việc đầu tư vào sự phát triển của nhân viên thông qua những chương trình đào tạo về văn hóa doanh nghiệp, đào tạo chuyên môn và đào tạo kỹ năng. Sự phát triển của nhân viên MWG luôn đi liền với sự phát triển kinh doanh của tập đoàn. Tính đến cuối tháng 2/2023, hệ thống MWG có 1189 cửa hàng Thế giới di động (bao gồm 100 cửa hàng Topzone), 2287 cửa hàng Điện máy xanh, 1729 cửa hàng Bách hóa xanh, 504 cửa hàng An Khang và 64 cửa hàng AVAKid.  Đây chính là minh chứng rõ ràng cho cam kết của họ trong việc phát triển và mở rộng mạng lưới cửa hàng thông qua việc đầu tư vào nguồn nhân lực.

L&D là gì? Vì sao doanh nghiệp nên có bộ phận L&D?

Thu hút và giữ chân nhân tài

Nhân tài thì có nhiều nhưng làm sao để thu hút được họ. Đây chắc hẳn là điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Có nhiều cách để thu hút nhân tài như đưa ra những phúc lợi mà những doanh nghiệp khác không có hay đưa ra mức lương thưởng hấp dẫn. Thu hút được nhân tài rồi nhưng làm sao để họ phát huy hết khả năng cống hiến hết cho công ty. Những vấn đề này sẽ được bộ phận L&D giải quyết bằng những chiến lược tạo động lực, thúc đẩy, động viên người lao động học hỏi.

Thông qua những chiến lược của bộ phận L&D, người lao động có cơ hội học tập, nâng cao giá trị bản thân. Nếu không có chiến lược này, người lao động dễ cảm thấy rằng họ không còn đem lại giá trị cho công ty, điều này có nghĩa là họ có nguy cơ bị doanh nghiệp loại bỏ.

Tạo sự gắn kết của nhân viên

Ngoài thời gian làm việc cùng nhau, người lao động sẽ có thêm cơ hội giao lưu với nhau thông qua những buổi học tập đào tạo, phát triển kỹ năng. Từ đây mối quan hệ của người lao động được gắn bó hơn. 

Xem thêm: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - Yếu tố thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp

Gia tăng hiệu suất công việc

Việc phát hiện và phát triển những khả năng tiềm ẩn của nhân viên sẽ giúp cho doanh nghiệp sỡ hữu đội ngũ nhân viên chất lượng. Điều này góp phần vào sự thành công của bất cứ chiến lược nào trong công ty. Bởi nhân sự là những yếu tố quan trọng đảm bảo cho doanh nghiệp được vận hành xuyên suốt. 

l&d-la-gi

Tạo nên thương hiệu tuyển dụng

Doanh nghiệp có những kế hoạch L&D cụ thể là doanh nghiệp đó đã ngầm khẳng định doanh nghiệp có chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực đó. Điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh và nâng cao danh tiếng cho doanh nghiệp.

Xem thêm: 5 bước để xây dựng quy trình đào tạo nhân viên mới hiệu quả và chuyên nghiệp

Kết luận

Có thể thấy L&D là bộ phận cực kỳ quan trọng trong một doanh nghiệp. Nhân viên có phát triển hay không, có tiếp tục ở lại cống hiến cho công ty hay không đều nhờ bộ phận L&D. Một khi bộ phận L&D phát huy hết năng lực sẽ tìm ra chiến lược, chương trình phát triển nhân sự phù hợp với doanh nghiệp. Lúc này doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin phát triển trên thị trường bởi doanh nghiệp đã sở hữu nguồn nhân lực chất lượng, sẵn sàng đối mặt với những điều mới những thử thách mới.

Nếu bạn đang làm ở bộ phận L&D và đang tìm kiếm chương trình đào tạo để phát triển nhân sự nội bộ bạn hãy tham khảo ngay Giải pháp Gitiho for Leading Business. Đây là giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực với hơn 500+ chương trình "Học ngay làm luôn" và thư viện 1.500 đề thi sẵn sàng cho thi tuyển và đánh giá. Gitiho for Leading Business mong muốn đồng hành cùng với doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm chi phí đào tạo, phát triển toàn diện nguồn nhân lực, thúc đẩy hiệu suất kinh doanh và nâng tầm thương hiệu trên thị trường.

 

5/5 - (1 bình chọn)

5/5 - (1 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông