Là một người làm L&D, mục tiêu mà chúng ta hướng đến đó là giúp cho nhân viên trong doanh nghiệp được tiếp cận với tri thức, tạo ra sự thay đổi năng lực để họ có khả năng thực thi mục tiêu kinh doanh, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Và để làm được như vậy, một trong những kỹ năng mà người L&D cần biết đó là luyện tập có chủ đích, vậy luyện tập có chủ đích là gì và ứng dụng trong hoạt động đào tạo như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây của Gitiho để biết thêm chi tiết!
Luyện tập có chủ đích hay còn được gọi là luyện tập có chủ ý, thường được liên kết với quy luật 10.000 giờ, một khái niệm đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu một người dành đủ 10.000 giờ (8 năm với 4 tiếng/ngày và 6 ngày/tuần) cho việc luyện tập trong một lĩnh vực hoặc một kỹ năng cụ thể, họ sẽ đạt được sự thành thạo và thuần thục trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, chúng ta sẽ không luyện tập theo cách thông thường mà cần phải luyện tập có chủ đích, đặt ra những mục tiêu vượt quá khả năng của mình.
Như vậy, luyện tập có chủ đích đề cập đến việc thực hành có mục đích và có hệ thống. Chúng ta cần đặt ra những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và bằng cách luyện tập để đạt được mục tiêu đó.
Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí khoa học tâm lý - Psychological Science lập luận rằng luyện tập có chủ đích có thể giúp tăng hiệu suất của con người lên 26% trong các trò chơi, 21% trong âm nhạc và 18% trong thể thao.
Chắc có lẽ bạn biết đến huyền thoại bóng đá Cristiano Ronaldo, người đã từng khiến cho hàng triệu người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới với pha móc bóng vào lưới Juventus. Nhưng đó không phải là sự may mắn mà chính là kết quả của những năm tháng miệt mài khổ luyện.
Ronaldo đã dành nhiều năm để luyện tập, hoàn thiện các kỹ thuật đá bóng và nâng cao thể lực của mình để có thể thực hiện những pha bóng đầy ấn tượng như vậy. Trong quá trình luyện tập, anh có sự giúp đỡ của huấn luyện viên Sir Alex Ferguson, người đã giúp anh tiến bộ từng ngày.
Như vậy, việc luyện tập có chủ đích chính là điều làm nên thành công của rất nhiều huyền thoại trên thế giới, bí quyết khiến một người bình thường tiến đến đỉnh cao sự nghiệp của mình.
Luyện tập có chủ đích là phương pháp đã được chứng minh hiệu quả nhưng điều quan trọng là sự kiên trì và chiến lược luyện tập của người học. Trong doanh nghiệp, có một số kỹ năng, kiến thức rất cần người học phải có sự am hiểu, biết vận dụng và thuần thục, ví dụ như các giá trị cốt lõi, kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực làm việc của nhân viên.
Ví dụ như tại Gitiho Việt Nam, đào tạo văn hóa - giá trị cốt lõi là điều mà công ty rất chú trọng, những giá trị này cần phải “ngấm” vào từng nhân viên, để họ áp dụng vào cách làm việc và đạt được các mục tiêu trong công việc. Tuy nhiên, quá trình luyện tập cũng sẽ khó đạt được 10.000 giờ nhưng nếu luyện tập có chủ đích trong thời gian dài, chắc chắn “mưa dầm thấm lâu”.
Phân tích và xác định những kiến thức, kỹ năng và thái độ mà người học cần phát triển để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp và các bộ phận liên quan.
Thiết kế các hoạt động luyện tập cụ thể tập trung vào các yếu tố được xác định ở bước 1.
Tạo ra các bài tập, kịch bản và các hoạt động thực hành để hỗ trợ việc luyện tập từng phần có cấu trúc và có hệ thống.
Hỗ trợ người học xây dựng kế hoạch cá nhân cho quá trình luyện tập của họ.
Khuyến khích người học ghi lại những cảm nhận của họ, điều gì hiệu quả, điều gì không hiệu quả.
Thiết lập hệ thống góp ý từ mentor để hỗ trợ người học trong quá trình luyện tập.
Người học sẽ chia sẻ quá trình luyện tập của mình lên hệ thống và người mentor chịu trách nhiệm đưa ra nhận xét, góp ý để việc luyện tập trở nên hiệu quả hơn.
Một case study điển hình cho việc luyện tập có chủ ý đó là F88, chắc hẳn bạn đã nghe F88 với những từ khóa như “cầm đồ”, “xã hội đen”, “cho vay”, nhưng bạn lại không biết rằng hoạt động đào tạo F88 được thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp và đáng ngưỡng mộ.
F88 có một Học viện đào tạo với cơ cấu gồm 3 phòng ban đó là Vận hành & học viện trực tuyến, Phát triển năng lực kinh doanh, Phát triển năng lực phi kinh doanh và Giải pháp tổ chức học tập với quy mô khoảng 30 người.
Anh Phùng Anh Tuấn - CEO F88 từng chia sẻ về văn hóa học tập tại công ty đó là 100% nhân viên phải hiểu và áp dụng được các giá trị cốt lõi, quá trình đào tạo này không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mà diễn ra liên tục, cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hết năm này đến năm khác. Vì vậy, trong suốt hơn 13 năm qua, nội dung về giá trị cốt lõi được đào tạo liên tục, theo nhiều góc nhìn khác nhau, được áp dụng vào khung năng lực của mỗi nhân viên.
Luyện tập thường xuyên sẽ tạo nên sự hoàn hảo bởi không ai sinh ra với những kỹ năng thiên bẩm. Chìa khóa để hình thành kỹ năng chính là sự lặp đi lặp lại. Và F88 đã rất thành công khi áp dụng phương pháp này trong hoạt động đào tạo của mình.
Khi L&D áp dụng phương pháp luyện tập có chủ đích cho người học của mình, có một số lưu ý quan trọng cần xem xét đó là:
Đảm bảo rằng mục tiêu của buổi đào tạo được đặt ra rõ ràng, cụ thể. Người học cần biết được tại sao họ cần phải học, khi học xong họ sẽ đạt được những gì và tại sao việc đó lại quan trọng.
Luyện tập có chủ ý cần sự tập trung cao độ, vì vậy hãy tạo ra môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự tập trung cao độ từ phía người học. Điều này có thể bao gồm việc loại bỏ các yếu tố khiến họ phân tâm và tạo ra các hoạt động thú vị và tương tác.
Người làm L&D cần giúp người học nhận được phản hồi liên tục từ mentor hướng dẫn của mình. Người học cần được nhận góp ý, phản hồi định kỳ để đo lường sự tiến bộ và đưa ra những điểm cần cải thiện.
Người làm L&D cần thiết kế các hoạt động giúp người học luyện tập thường xuyên bằng cách sử dụng các phương pháp, hoạt động luyện tập để giúp cho quá trình học tập thú vị và hứng thú. Ví dụ như trò chơi, thảo luận nhóm, bài tập thực hành…
Người làm L&D cần khuyến khích người học áp dụng những gì họ học được vào các tình huống thực tế trong công việc hằng ngày của họ. Điều này giúp củng cố và gia tăng khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế.
Luyện tập có chủ ý được coi là “công thức ngầm” giúp rất nhiều doanh nghiệp thành công trong hoạt động đào tạo. Bởi nó tập trung vào việc luyện tập thường xuyên để đạt được mục tiêu, từ đó giúp củng cố và phát triển kỹ năng, kiến thức của mỗi người một cách hiệu quả.
Xem thêm:
Ứng dụng 4 cấp độ lắng nghe của Otto Scharmer trong trải nghiệm học tập như thế nào?
Edutainment - Thiết kế trải nghiệm học tập qua hoạt động giải trí là gì?
Hy vọng rằng với thông tin về luyện tập có chủ đích sẽ giúp bạn đọc có thể áp dụng thành công với người học trong doanh nghiệp của mình. Đừng quên theo dõi blog Gitiho để tìm hiểu nhiều thông tin về L&D hữu ích bạn nhé!
Nếu bạn là L&D và muốn tìm hiểu về hệ thống LMS tối ưu hoạt động đào tạo doanh nghiệp, click để lại thông tin để đội ngũ nhân viên tư vấn của Gitiho hỗ trợ tận tình.