Mô hình tháp học tập (Learning Pyramid) được nghiên cứu bởi nhà giáo dục người Mỹ Edgar Dale vào những năm 1940 và được coi là mô hình học tập nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong hoạt động đào tạo, nếu người L&D biết cách áp dụng mô hình này sẽ tạo ra trải nghiệm học tập tích cực, tập trung vào việc giúp người học ghi nhớ những kiến thức đã học một cách bền vững nhất. Như vậy sẽ nâng cao được hiệu quả của chương trình đào tạo và mang lại giá trị lớn cho tổ chức.
Vậy mô hình này có ý nghĩa gì và hình thức học nào giúp cho người học ghi nhớ được kiến thức lâu nhất. Tham khảo bài viết dưới đây của Gitiho để biết thêm chi tiết!
Tháp học tập, hay còn gọi là Learning Pyramind, là một mô hình được phát triển bởi nhà giáo dục Edgar Dale vào những năm 1940. Mô hình này được giới thiệu trong cuốn sách “Audio-Visual Methods in Teaching” và được tác giả gọi là “Hình nón trải nghiệm”. Sau này mô hình được phát triển và đặt tên là “Kim tự tháp học tập” hay còn gọi là “Tháp học tập” bởi Viện phòng thí nghiệm Đào tạo quốc gia.
Tháp học tập được minh họa dưới dạng một cấu trúc tháp có 7 tầng, trong đó mỗi tầng đại diện cho một phương pháp học tập khác nhau tương ứng với tỷ lệ ghi nhớ thông tin. Theo hình minh họa, các phương pháp được sắp xếp theo mức độ tương tác và tính chủ động của người học, từ những phương pháp thụ động như bài giảng, đọc đến những phương pháp chủ động như thực hành và dạy lại cho người khác.
Ví dụ như: Sau 2 tuần, người học chỉ tiếp thu được 5% kiến thức thông qua bài giảng, 10% kiến thức sau khi đọc sách, 20% thông qua việc học thông qua hình ảnh, âm thanh…
Tháp học tập thể hiện tỷ lệ ghi nhớ trung bình của 7 hoạt động học tập được chia thành 2 hình thức đó là học tập chủ động và học tập thụ động.
Đây là cách học khá phổ biến, nó được chia thành đọc (đọc sách, đọc báo, nghiên cứu tài liệu…), nghe (nghe giảng, nghe radio…), thấy (những hình ảnh trong sách, tạp chí, website…), nghe + thấy (kết hợp cả việc xem video, tham dự hội thảo) với tỷ lệ ghi nhớ trung bình là 30%.
Đây là phương pháp mà người học chỉ đóng vai trò tiếp nhận thông tin mà không hề có sự tương tác hoặc tham gia tích cực vào quá trình học.
1. Lecture – bài giảng (Khả năng ghi nhớ 5%)
Bài giảng là một phương pháp giảng dạy truyền thống trong đó giảng viên hoặc chuyên gia sẽ cung cấp thông tin đến người học bằng cách nói, thuyết trình slide. Các bài giảng cung cấp cho người học nhận thông tin trực tiếp từ giảng viên - một người có kinh nghiệm, thường là một người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực nào đó.
Tuy nhiên, bài giảng thường không đạt hiệu quả cao vì mang tính thụ động. Người học ít có cơ hội tham gia vào chương trình học một cách tích cực, điều này dẫn đến khả năng lưu trữ thông tin bị giảm đi.
Hơn nữa, thời gian mà người học tập trung có thể khác nhau và một số người có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung trong các bài giảng kéo dài. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của bài giảng, giảng viên có thể kết hợp các yếu tố tương tác như minigame, thảo luận, tạo câu hỏi để thu hút và khuyến khích sự tham gia của người học.
Xem thêm: Gamification là gì? Cách tích hợp trong đào tạo doanh nghiệp như thế nào?
2. Reading – Đọc (Khả năng ghi nhớ 10%)
Đọc là một phương pháp học tập cơ bản trong đó người học sẽ tiếp thu kiến thức qua việc đọc sách, đọc tài liệu, đọc báo… Việc đọc mang lại sự linh hoạt giúp người học xem lại kiến thức khi cần thiết và cho phép họ hiểu sâu cũng như nắm vững các chủ đề phức tạp.
Theo nghiên cứu, người học chỉ nhớ được khoảng 10% kiến thức sau 2 tuần đọc tài liệu hoặc đọc sách. Điều này đồng nghĩa với việc đọc mà không kết hợp với các hoạt động nghiên cứu, không áp dụng vào thực tế, không thảo luận với người khác thì không mang lại hiệu quả cao.
3. Audio Visual – Học tập thông qua âm thanh, hình ảnh (Khả năng ghi nhớ 20%)
Học tập nghe nhìn tích hợp cả yếu tố thính giác và thị giác vào quá trình học tập. Đây là cách để khai phá sức mạnh của đa phương tiện nhằm nâng cao sự hiểu biết và lưu trữ thông tin. Khi vừa được nghe giảng, vừa được nhìn âm thanh, hình ảnh minh họa thì người học sẽ nâng cao được khả năng hiểu biết và lưu trữ thông tin.
Các yếu tố như hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, video nếu được trình bày một cách trực quan và sinh động sẽ giúp cho người học hiểu rõ hơn về bối cảnh và các khái niệm. Mặc dù mang lại nhiều hiệu quả nhưng đây vẫn là một cách tiếp cận thụ động vì người học vẫn chỉ là người tiếp nhận thông tin mà không có sự tương tác.
4. Demonstration – Thuyết trình (Khả năng ghi nhớ 30%)
Trong giai đoạn này, người học được giảng viên hoặc người dạy trình bày kiến thức một cách tổng quan hoặc chi tiết thông qua các buổi thuyết trình, bài giảng hoặc các mô phỏng thực tế.
Phương pháp này tập trung vào việc truyền đạt thông tin từ người dạy đến người học, người học được giải thích về các khái niệm, quy trình hoặc các kỹ năng cụ thể qua các ví dụ minh họa để hiểu rõ hơn nội dung.
Cũng như các phương pháp trên, dù có nhiều ưu điểm như cung cấp thông tin tổng quan, khái quát về chủ đề nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra sự hạn chế về tương tác của người học.
Do đó, trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo, cần cân nhắc và kết hợp một loạt các phương pháp học để tối ưu hóa việc hấp thụ kiến thức của người học.
Học tập chủ động hay còn được gọi là học tập tích cực, tuy không phải là phương pháp phổ biến nhưng lại mang lại hiệu quả cao trong quá trình học tập. Nó bao gồm thảo luận nhóm, thực hành và giảng dạy cho người khác với tỷ lệ ghi nhớ trung bình trên 70%. Bằng cách sử dụng những cách học này, người học sẽ được phát triển kỹ năng học tập và duy trì sự học hỏi liên tục.
5. Group Discussion – Thảo luận nhóm (Khả năng ghi nhớ 50%)
Thảo luận là một trong những cách tạo ra sự tương tác trong các buổi đào tạo. Hoạt động này bao gồm sự tham gia tích cực và trao đổi ý tưởng, cách làm, góc nhìn của những người học, cho phép học làm rõ những thắc mắc và hiểu sâu hơn về kiến thức trong bài học.
Các cuộc thảo luận có thể diễn ra trong nhiều môi trường khác nhau, chẳng hạn như tranh luận trong lớp, thảo luận nhóm, trên các diễn đàn trực tuyến hoặc thông qua trò chuyện giữa nhân viên - sếp, nhân viên - nhân viên…
Bằng cách thảo luận, người học sẽ hình thành được tư duy phản biện, giải quyết vấn đề cũng như phát triển kỹ năng giao tiếp. Trong một buổi đào tạo, nếu hoạt động thảo luận sôi nổi, tích cực thì khả năng rất cao sẽ giúp người học củng cố được kiến thức vừa được học và khiến nó trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình học tập.
6. Practiced By Doing – Thực hành (Khả năng ghi nhớ 75%)
Nếu như thảo luận nhóm giúp người học ghi nhớ được 50% kiến thức sau 2 tuần thì có một cách học giúp người học ghi nhớ được 75% đó là thực hành. Sau khi học xong lý thuyết, người học sẽ áp dụng kiến thức đó vào công việc hằng ngày của mình.
Trong quá trình thực hành, người học được khuyến khích việc áp dụng kiến thức thông qua làm bài tập, dự án hay mô phỏng các tình huống thực tế. Bài tập thực hành giúp cho người học liên hệ lý thuyết và thực tế, tăng khả năng áp dụng kiến thức một cách thành công trong nhiều tình huống khác nhau.
7. Teaching Others – Dạy người khác (Khả năng ghi nhớ 90%)
Dạy người khác là một giai đoạn cao cấp trong quá trình học tập, nơi mà người học không chỉ tiếp thu kiến thức từ các giai đoạn trước mà còn được khuyến khích chia sẻ kiến thức với người khác, như bạn bè hoặc đồng nghiệp, hoặc thông qua việc đóng vai trò cố vấn. Ở giai đoạn này, khả năng ghi nhớ của họ lên đến 90%.
Bởi vì dạy lại cho người khác không chỉ củng cố sự hiểu biết của người học về chủ đề mà còn thúc đẩy kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo. Khi giải thích một chủ đề cho người khác, người học buộc phải tổ chức và diễn đạt kiến thức một cách khoa học, dễ hiểu, rõ ràng và logic, từ đó giúp học hiểu và ghi nhớ một cách tốt nhất.
Qua mô hình tháp học tập, chúng ta thấy rằng sự hiệu quả của việc học đã được chứng minh thông qua việc thực hành (75%) và dạy lại cho người khác (90%), đây cũng rất giống với cách học của phương pháp luyện tập có chủ đích.
Do đó, để giúp người học thành thạo và làm chủ một kỹ năng cụ thể, cần hướng dẫn cho họ cách học thông qua việc họ học thuộc kiến thức, sau đó trao đổi với mentor để nhận phản hồi và hướng dẫn chi tiết. Cứ lặp lại liên tục như vậy sẽ tạo ra một quá trình học có sự tương tác, kích thích khả năng ghi nhớ giúp người học phát triển kỹ năng toàn diện và thực sự làm chủ kỹ năng đó.
Khi hiểu về mô hình tháp học tập, họ có khả năng điều chỉnh và tinh chỉnh phương pháp giảng dạy theo cách nhất định để tối ưu hóa sự tham gia và tiếp thu của người học.
Thay vì chỉ dựa vào các bài giảng hay chương trình đào tạo, người làm đào tạo có thể tích hợp các phương pháp khác nhau như tạo ra buổi thảo luận kiến thức. Từ đó giúp nhân viên có nhiều trải nghiệm thực tế trong quá trình làm việc. Bạn cũng nên tạo cơ hội để nhân viên dạy lại cho người khác sau khi họ đã thành thạo một kỹ nào nào đó.
Như vậy, bằng cách điều chỉnh phương pháp giảng dạy theo mô hình tháp học tập, người làm L&D có thể giúp cho người học của mình tiếp cận và tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Như vậy sẽ tạo ra một môi trường đào tạo tích cực và đa dạng, đồng thời nâng cao hứng thú và động lực học tập của người học.
Ngoài ra để tăng hiệu quả của hoạt động đào tạo, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:
Mô hình 70-20-10: Công thức giúp người học phát triển năng lực toàn diện trong doanh nghiệp
Ứng dụng mô hình 6 nguồn ảnh hưởng: Những động lực thúc đẩy hành vi người học
Mô hình tháp học tập của Edgar Dale không chỉ là một công cụ quan trọng trong lĩnh vực đào tạo mà còn là nền tảng cho việc thiết kế các chương trình học hiệu quả. Áp dụng mô hình không chỉ giúp người làm L&D tối ưu được hiệu quả của chương trình học mà còn tạo ra môi trường học tập tích cực và áp dụng được vào công việc hằng ngày của mình.
Điều mà chúng ta cần nhớ là học phải đi đôi với hành và luôn tạo điều kiện để nhân viên chia sẻ nhiều hơn những gì mà mình đã học được, từ việc dạy lại cho người khác đến việc chia sẻ với quản lý để họ ghi nhớ kiến thức trong một thời gian dài.
Đừng quên liên hệ với Gitiho để tìm hiểu chi tiết hơn về mô hình cũng như cách áp dụng phương pháp học để tăng khả năng ghi nhớ với 165+ tính năng được thiết lập sẵn trên hệ thống LMS nhé!