ROI là gì? Hướng dẫn cách tính chỉ số ROI nhanh và chuẩn xác nhất

Nội dung được viết bởi Ngọc Diệp

Là người đang tìm hiểu về tài chính, đầu tư, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua chỉ số ROI. Thế nhưng bạn đã biết ROI là gì hay chưa? Nếu chưa thì hãy cùng Gitiho tìm hiểu ngay về chỉ số ROI và cách tính chỉ số này nhanh và chuẩn xác nhất nhé.

Về mặt lý thuyết, có rất nhiều chỉ số khác nhau giúp bạn đo lường hiệu quả của một khoản đầu tư. Trên thực tế cũng vậy, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng sử dụng nhiều hơn một thước đo tài chính để đánh giá hiệu quả của các khoản đầu tư dành cho các chiến dịch, dự án quan trọng.

Tuy nhiên, giữa muôn vàn công cụ đo lường, chỉ số ROI vẫn luôn là một trong những chỉ số hàng đầu khi nói đến đầu tư. Vậy ROI là gì? Tại sao chúng ta cần đo lường ROI? Cách tính ROI như thế nào? Làm thế nào để tối ưu chỉ số ROI? Cùng mình tìm hiểu tất tần tật về ROI ngay dưới đây nhé.

Chỉ số ROI là gì?

ROI (Return on investment), hay còn được biết đến với tên gọi tỷ lệ hoàn vốn, là thước đo tài chính có chức năng đo lường tỷ lệ phần trăm doanh thu trên tổng chi phí đầu tư. Nói theo cách khác, ROI là chỉ số đo lường hiệu suất lợi nhuận của một khoản đầu tư. Như vậy, chỉ số ROI càng cao cho thấy khoản đầu tư của bạn càng có hiệu quả.

Nếu như bạn nhìn thấy chỉ số ROI ở mức dương, điều này nghĩa là tổng doanh thu từ dự án lớn hơn tổng chi phí đầu tư, đồng nghĩa với việc khoản đầu tư đang đem lại lợi nhuận cho bạn. Ngược lại, chỉ số ROI ở mức âm là dấu hiệu cảnh báo về một khoản lỗ do tổng doanh thu đang thấp hơn tổng chi phí đầu tư cho dự án.

Trong phân tích kinh doanh, chỉ số ROI, cùng với các chỉ số đo lường dòng tiền như NPV (Giá trị hiện tại ròng) và IRR (Tỷ suất hoàn vốn nội bộ), là các chỉ số chính được sử dụng để đánh giá và xếp hạng mức độ hấp dẫn các dự án đầu tư. Mặc dù bản chất chỉ số ROI là tỷ lệ, nhưng trên thực tế, nó được biểu diễn dưới dạng phần trăm nhiều hơn.

Xem thêm: Tổng quan những kiến thức cần phải biết về đầu tư quốc tế

Tại sao cần đo lường chỉ số ROI?

Giờ thì bạn đã hiểu ROI là gì rồi, có lẽ bạn đang thắc mắc tại sao chỉ số này lại quan trọng đến thế. Không chỉ đo lường hiệu quả, chỉ số ROI còn nói lên rất nhiều điều về một khoản đầu tư, và quan trọng hơn là nó giúp bạn nhìn ra những hành động cần thực hiện để đảm bảo khoản đầu tư của mình không trở nên vô nghĩa. Dưới đây là các lợi ích của ROI có thể bạn cần biết.

Phân tích và đánh giá hiệu quả đầu tư

Lợi ích đầu tiên của chỉ số ROI là nó cho bạn thấy trực tiếp hiệu quả của khoản đầu tư. Đối với các doanh nghiệp, chỉ số ROI là một công cụ cực kỳ quan trọng để giúp các nhà quản lý phân tích sức khỏe của khoản đầu tư và đo lường lợi ích mà khoản đầu tư sẽ đem lại cho doanh nghiệp, bao gồm doanh thu bán hàng, khối lượng hàng bán ra, tỷ lệ chuyển đổi,…

So sánh tiềm năng của các khoản đầu tư

Khi bạn có nhiều hơn một dự án để đầu tư, chắc chắn bạn sẽ cần các chỉ số đo lường để phân tích tiềm năng của từng dự án và đặt chúng lên bàn cân. ROI là một trong những chỉ số sẽ giúp bạn làm được việc này. Tương tự với các doanh nghiệp, chỉ số ROI của các dự án sẽ giúp họ có được cái nhìn tổng quan về các hoạt động đang sinh lời nhiều nhất và các hoạt động không có hiệu quả hoặc thậm chí đang khiến họ phải chịu một khoản lỗ. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược bán hàng để tối ưu chi phí nhất.

Tính chỉ số ROI như thế nào?

Có 2 cách để bạn có thể tính được chỉ số ROI một cách nhanh chóng và chuẩn xác nhất. Cùng mình tìm hiểu các công thức tính ROI dưới đây nhé.

Các công thức tính ROI

Cách tính ROI dựa trên lợi nhuận ròng và chi phí đầu tư

Công thức tính ROI như sau:

ROI = (Lợi nhuận ròng / Chi phí đầu tư) x 100

Trong đó:

  • Lợi nhuận ròng = Tổng doanh thu - Chi phí đầu tư
  • Chi phí đầu tư = Chi phí cố định + Chi phí biến đổi

Một số lưu ý:

Lợi nhuận ròng (lãi ròng) là lợi nhuận sau thuế, là phần còn lại sau khi lấy tổng doanh thu trừ đi toàn bộ các khoản chi phí đã bỏ ra để tạo nên sản phẩm bán hàng, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chi phí cố định là các khoản chi phí không thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi về quy mô của hoạt động sản xuất hay mức doanh thu.

Chi phí biến đổi là các khoản chi phí có thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi về quy mô của hoạt động sản xuất hay mức doanh thu.

Cách tính ROI dựa trên lợi nhuận sau cùng, lợi nhuận ban đầu và chi phí đầu tư

Công thức tính ROI như sau:

ROI = [(Lợi nhuận sau cùng - Lợi nhuận ban đầu) / Chi phí đầu tư)] x 100

Trong đó:

  • Lợi nhuận sau cùng - Lợi nhuận ban đầu = Lợi nhuận ròng
  • Chi phí đầu tư = Chi phí cố định + Chi phí biến đổi

Về mặt bản chất, 2 cách tính ROI phía trên đều phụ thuộc vào lợi nhuận ròng và chi phí đầu tư của doanh nghiệp. Đây cũng là 2 yếu tố duy nhất bạn cần nắm chắc để xác định được hiệu quả đầu tư theo chỉ số ROI. Nếu như lý thuyết là chưa đủ thì hãy thực hành một số ví dụ về cách tính ROI dưới đây nhé.

Xem thêm: Hướng dẫn lập bảng tính lợi nhuận bằng Excel dựa theo biến động giá

Ví dụ về cách tính ROI

Ví dụ 1

Nhận thấy hành vi khách hàng ngày càng có xu hướng nghiêng về online shopping, doanh nghiệp của bạn tiến hành xây dựng website bán hàng online. Tổng chi phí của hoạt động này là 200 triệu VNĐ, bao gồm chi phí tạo trang bán hàng online và xây dựng kho nội dung trên trang bán hàng.

Sau tháng đầu đi vào hoạt động, hệ thống website mới này mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận ròng là 50 triệu VNĐ. Khoản tiền này đã được trừ đi phí hosting, phí vận chuyển hàng hóa và các loại phí khác liên quan đến trang bán hàng online của bạn.

Lúc này, cách tính ROI của hoạt động xây dụng website bán hàng như sau:

ROI = (50.000.000 / 200.000.000) x 100 = 25%

Trong đó:

  • 50.000.000 - Chi phí đầu tư
  • 200.000.000 - Lợi nhuận ròng

Như vậy, có thể thấy website bán hàng đã bắt đầu mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp chỉ sau 1 tháng đầu. Với chỉ số ROI này, doanh nghiệp có thể triển khai và đẩy mạnh các chiến lược bán hàng, marketing để khai thác tối đa hiệu quả của một cửa hàng online.

Xem thêm: Cách tạo báo cáo bán hàng cho doanh nghiệp nhỏ với Google data studio

Ví dụ 2

Sau khi doanh nghiệp đã triển khai bán hàng online, họ bắt đầu thực hiện các chiến dịch quảng cáo trên 2 nền tảng Facebook và Google. Để thử nghiệm hiệu quả của 2 chiến dịch này, doanh nghiệp chia đôi kinh phí quảng cáo 20 triệu VNĐ cho mỗi nền tảng, nghĩa là 10 triệu VNĐ cho quảng cáo Facebook và 10 triệu VNĐ cho quảng cáo Google.

Sau 1 tháng thử nghiệm, doanh nghiệp nhận thấy chiến dịch quảng cáo trên Facebook đem về 80 triệu VNĐ, trong khi Google Ads chỉ mang lại doanh thu 25 triệu đồng.

Lúc này, cách tính ROI của 2 chiến dịch quảng cáo trên Facebook và Google lần lượt như sau:

ROI Facebook = (80.000.000 / 80.000.000) x 100 = 80%

Trong đó:

  • 70.000.000 - Lợi nhuận ròng
  • 10.000.000 - Chi phí đầu tư

ROI Google = (25.000.000 / 10.000.000) x 100 = 25%

Trong đó:

  • 25.000.000 - Lợi nhuận ròng
  • 10.000.000 - Chi phí đầu tư

So sánh 2 chỉ số ROI từ hoạt động quảng cáo trên Facebook và Google, chúng ta có thể thấy Facebook là nền tảng đem lại hiệu quả quảng cáo cao hơn.

Với kết quả này, doanh nghiệp có thể phân bổ chi phí quảng cáo vào nền tảng Facebook nhiều hơn và tiếp tục duy trì mức chi phí vào quảng cáo Google. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể sáng tạo các nội dung Google Ads mới để nâng cao hiệu quả vì chỉ số ROI của Google cho thấy các quảng cáo trên nền tảng này vẫn có hiệu quả.

Xem thêm: 5 điều quan trọng bạn phải biết trước khi bắt đầu chạy quảng cáo Facebook

Chỉ số ROI thế nào là tốt?

Trong hầu hết các trường hợp, chỉ số ROI dương được coi là một dấu hiệu tích cực. Nếu bạn muốn doanh nghiệp của mình đạt mức tăng trưởng nhanh, hãy nhắm đến chỉ số ROI cao nhất có thể. Để làm được điều này, bạn sẽ cần thúc đẩy doanh thu trong khi vẫn giữ nguyên, hoặc cắt giảm tổng chi phí đầu tư. Đến đây, có lẽ bạn sẽ phải tính đến hàng loạt các chiến lược như tối ưu chi phí, mở rộng mô hình kinh doanh hoặc đầu tư tài chính.

Làm thế nào để tăng chỉ số ROI?

Có thể nói đây là câu hỏi muôn thuở của các doanh nghiệp. Trên thực tế, không có một công thức cố định nào để bạn có thể áp dụng và chắc chắn đạt được thành công như mong đợi. Thay vào đó, có rất nhiều cách giúp bạn nâng cao chỉ số ROI. Phụ thuộc vào loại hình lợi nhuận bạn đang kỳ vọng từ khoản đầu tư của mình, bạn sẽ chọn được các cách thức khác nhau để cải thiện hiệu quả đầu tư. Nhìn chung, việc định nghĩa mục tiêu rõ ràng và xác định các tham số định lượng được nhiều nhất có thể sẽ giúp cho khoản đầu tư của bạn mang lại nhiều lợi ích hơn.

Xác định mục tiêu

Bước đầu tiên để cải thiện lợi nhuận đầu tư chính là xác định các loại hình lợi ích bạn có thể nhận được từ khoản đầu tư của mình, ví dụ như doanh số nhiều hơn, doanh thu cao hơn, lợi nhuận tăng trưởng, giảm thiểu chi phí chung hoặc chi phí sản xuất, nâng cao mức độ hài lòng khách hàng, tăng độ nhận diện thương hiệu,… Nếu có thể, hãy sử dụng thật nhiều điểm chuẩn có thể đo lường. Ví dụ, thay vì xác định mục tiêu là nâng cao doanh số, bạn hãy thêm vào đó một con số, phạm vi và khoảng thời gian cụ thể.

Tính toán lợi nhuận hiện tại

Việc nắm bắt lợi nhuận hiện tại là điều bắt buộc khi bạn đang vận hành một doanh nghiệp hoặc đơn giản là tham gia đầu tư vào một dự án. Không chỉ là 1 trong 2 yếu tố cần thiết để tính chỉ số ROI, lợi nhuận hiện tại còn đóng vai trò là một điểm chuẩn để bạn đo lường hiệu quả khi thay đổi phương án hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như thay đổi cách phân bổ chi phí sản xuất, thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực,…

Thúc đẩy doanh thu

Một cách để bạn tăng chỉ số ROI là thúc đẩy doanh số, doanh thu hoặc nâng giá bán sản phẩm. Nếu bạn có thể tăng doanh số và doanh thu mà không tăng chi phí, hoặc tăng chí phí ở mức tối thiểu để đạt được sự tăng trưởng trong lợi nhuận ròng, điều này có nghĩa bạn đã nâng cao hiệu quả đầu tư của mình. Mặt khác, nếu bạn có thể tăng giá bán sản phẩm mà doanh số không giảm đến mức lợi nhuận bằng 0, điều này cũng có nghĩa chỉ số ROI của bạn đã được tăng lên. Chính vì vậy, hãy nghĩ đến các phương pháp bạn có thể áp dụng để tăng doanh thu và đồng thời tăng lợi nhuận hiện tại.

Xem thêm: Marketing tổng thể - Giải pháp thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp

Giảm thiểu chi phí

Nếu như bạn không thể nghĩ đến các phương án thúc đẩy doanh thu, hãy cân nhắc giảm thiểu chi phí hiện tại. Bạn có thể phân loại tất cả các khoản chi phí vào các nhóm chi phí chung và chi phí sản xuất, từ đó tìm ra các yếu tố có thể tác động để làm giảm số tiền cần bỏ ra cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Đánh giá lại kỳ vọng về khoản đầu tư

Tất cả các khoản đầu tư của bạn không nhất thiết phải mang về lợi ích về tiền bạc, tuy nhiên, chúng phải đem đến các lợi ích có thể xác định được. Ví dụ, bạn tổ chức một buổi tiệc tri ân khách hàng thân thiết, có thể doanh số của bạn sẽ không tăng, nhưng đổi lại, bạn sẽ cải thiện được sự trung thành của khách hàng và giữ chân họ, khiến họ tiếp tục tin dùng các sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu như bạn đang đau đầu về hiệu quả của khoản đầu tư, hãy thử đánh giá lại các kỳ vọng của mình nhé, vì có thể bạn sẽ nhận ra các lợi ích vô hình của các khoản đầu tư đấy. Mình chắc chắn một điều rằng bạn có thể tận dụng các lợi ích này để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tổng kết

Chỉ số ROI từ trước đến nay vẫn luôn là một trong những chỉ số đáng lưu ý hàng đầu đối với mọi cá nhân đầu tư và doanh nghiệp. Do vậy, việc nắm rõ kiến thức về ROI là một điều chắc chắn bạn cần để có thể xây dựng nền tảng kiến thức chắc cho công việc sau này. Hy vọng khi đọc đến đây, bạn đã hiểu được ROI là gì và trả lời được các câu hỏi xoay quanh ROI và cách tính ROI

Gitiho xin cảm ơn và chúc bạn đọc thành công!

Bạn là một nhà quản lý doanh nghiệp, quản lý tài chính, nhà đầu tư hay các chuyên gia tài chính,... nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong phân tích và xây dựng mô hình Tài chính? 

Bạn sẽ không cần phải mất nhiều thời gian nghiền ngẫm, hay phải bỏ một số tiền lớn để trả cho những chuyên gia phân tích báo cáo tài chính thuê ngoài. Hãy Đăng ký tham gia và Học thử để trải nghiệm nhé!

5/5 - (1 bình chọn)

5/5 - (1 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông