Tìm hiểu về vận đơn đường biển (Bill of Lading) trong xuất nhập khẩu

Nội dung được viết bởi Lê Nguyễn Nhật Phương

Vận đơn đường biển là chứng từ quan trọng, không thể thiếu trong vận chuyển đường biển hay trong vận tải container. Trong bài viết này, Gitiho sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về vận đơn đường biển: Khái niệm, nội dung, chức năng và phân loại chứng từ này nhé!

Thực hành nghiệp vụ xuất nhập khẩu - Logistics

Vận đơn đường biển là gì?

Vận đơn đường biển (Bill of Lading - B/L) là chứng từ được người vận chuyển phát hành, ký phát cho người gửi hàng trong trường hợp vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. 

Bill of Lading là bằng chứng xác nhận rằng người vận chuyển đã nhận hàng hóa từ người gửi hàng và cam kết giao số hàng đó cho người nhận tại cảng dỡ hàng và đảm bảo chất lượng, số lượng y nguyên như trong biên nhận.

Tìm hiểu về vận đơn đường biển (Bill of Lading) trong xuất nhập khẩu

Chức năng của vận đơn đường biển

Vận đơn đường biển có 3 chức năng chính như sau:

1. Biên lai hàng hóa

Thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền của người vận tải ký để xác nhận rằng đã nhận đầy đủ hàng để vận chuyển đến cảng đích.

2. Như một hợp đồng vận chuyển

Khi vận đơn được phát hành nó được coi như một hợp đồng vận chuyển giữa người gửi hàng và người vận chuyển. Như vậy, người vận chuyển có trách nhiệm đối với hàng hóa từ sau khi nhận hàng hóa đến khi hàng hóa tới tay của người nhận.

3. Chứng từ sở hữu hàng hóa

Chỉ có người chủ hàng hóa hay người giữ vận đơn mới có quyền yêu cầu hãng tàu giao hàng. Như vậy vận đơn là bằng chứng chứng minh người chủ hợp lệ có quyền sở hữu hàng hóa.

Nếu bạn muốn chuyển nhượng quyền sở hữu này cho một người khác thì bạn phải ký hậu vận đơn (trong trường hợp loại vận đơn có thể chuyển nhượng) 

Xem thêm: Các chi phí phát sinh với lô hàng Container trong xuất nhập khẩu

Tìm hiểu về vận đơn đường biển (Bill of Lading) trong xuất nhập khẩu

Nội dung trên vận đơn đường biển

Vận đơn đường biển gồm nhiều loại nên hình thức cũng như nội dung trên mỗi loại vận đơn có thể khác nhau. Bên cạnh đó, vận đươn cho hàng container (tàu chợ) sẽ có số container, seal trong khi vận đơn cho tài chuyến không có.

Vận đơn đường biển thường có 2 mặt, với những nội dung cần chú ý như sau:

1. Mặt trước của vận đơn đường biển bao gồm:

  • Tên và trụ sở chính của người vận chuyển.
  • Tên người gửi hàng.
  • Tên người nhận hàng (ghi rõ vận đơn được ký phát dưới dạng vận đơn theo lệnh hay vận đơn vô danh - xem chi tiết bên dưới)
  • Tên tàu biển.
  • Thông tin hàng hóa: Chủng loại, kích thước, thể tích, số lượng, đơn vị, trọng lượng hoặc giá trị hàng hóa
  • Tình trạng bên ngoài hoặc bao bì hàng hóa.
  • Cước vận chuyển, phương thức thanh toán.
  • Tên tàu & Số chuyến
  • Cảng xếp hàng, cảng dỡ hàng
  • Số container
  • Số bản vận đơn gốc đã ký phát cho người giao hàng.
  • Thời điểm và địa điểm ký phát vận đơn.
  • Chữ ký của người vận chuyển, thuyền trưởng hoặc đại diện của người vận chuyển

Tìm hiểu về vận đơn đường biển (Bill of Lading) trong xuất nhập khẩu

2. Mặt sau của vận đơn đường biển bao gồm;

  • Quy định vận chuyển do hàng tàu in sẵn, người thuê tàu không có quyền bổ sung hay sửa đổi mà phải chấp nhận.
  • Các định nghĩa, điều khoản chung
  • Điều khoản xếp dỡ và giao nhận
  • Điều khoản về cước phí và phụ phí
  • Trách nhiệm của người chuyên chở và điều khoản miễn trách nhiệm của người chuyên chở.

Tất cả các điều khoản đều phải tuân theo quy định của các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mặc dù là các điều khoản đều do các hãng tàu quy định.

Tìm hiểu về vận đơn đường biển (Bill of Lading) trong xuất nhập khẩu

Phân biệt các loại vận đơn đường biển

Vận đơn đường biển theo tính sở hữu hàng hóa

Vận đơn đích danh (Straight bills of lading)

Vận đơn đích danh là loại vận đơn chỉ duy nhất một người có quyền được nhận hàng. Vì vậy, trong vận đơn này ghi rõ thông tin cũng như địa chỉ liên hệ của người nhận này.

Vận đơn theo lệnh (Order bills of lading)

Vận đơn theo lệnh có chức năng như chính tên gọi của nó, người vận tải sẽ thực hiện giao hàng theo lệnh của người gửi hàng. Đây là loại vận đơn phổ biến nhất trong xuất nhập khẩu vận tải quốc tế. Nếu ký hậu vào mặt sau của vận đơn theo lệnh và không nói rõ giao hàng theo lệnh ai thì vận đơn theo lệnh sẽ trở thành vận đơn vô danh.

Vận đơn vô danh (Bearer bills of lading)

Vận đơn vô danh là một loại vận đơn theo lệnh tuy nhiên không nói rõ là theo lệch của ai. Vận đơn này cho phép người vận chuyển giao hàng cho người xuất trình vận đơn. 

Vận đơn đường biển theo tình trạng vận đơn

Vận đơn hoàn hảo (Clean B/L)

Vận đơn hoàn hảo là loại vận đơn không có ghi chú về những khiếm khuyết của hàng hóa hay bao bì sản phẩm

Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L hay Dirty B/L)

Vận đơn không hoàn hảo là vận đơn có những ghi chú về khiếm khuyết của hàng hóa như thùng hàng bị vỡ, hàng bị ướt, ký hiệu không rõ ràng,...

Lưu ý: Những ghi chú khiếm khuyết không rõ ràng của hàng hóa không khiến B/L trở nên không hoàn hảo.
Ví dụ: Bao bì có thể không đáp ứng được vận tải đường biển, bao bì dùng lại, hàng hóa có vẻ bị ẩm,...

Vận đơn đường biển theo tình trạng nhận hàng 

Vận đơn đã xếp hàng lên tàu (Shipped on board B/L)

Vận đơn này được cấp sau khi hàng hóa đã xếp lên tàu.

Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for shipment B/L)

Vận đơn nhận hàng để xếp được cấp trước khi hàng hóa được xếp xuống tàu vì vậy nội dung của loại vận đơn không có tên tàu và ngày xếp hàng xuống tàu.

Vận đơn đường biển theo chủ thể cấp vận đơn

Vận đơn chủ (Master Bill of Lading - MBL)

Loại vận đơn do người sở hữu phương tiện vận chuyển hoặc là người khai thác phương tiện vận chuyển phát hành cho người gửi hàng. MBL thể hiện hợp đồng vận chuyển giữa người gửi hàng và người chuyên chở vì thế MBL được coi là loại vận đơn tốt nhất khi thực hiện thanh toán L/C hoặc thế chấp, chuyển nhượng.

Vận đơn nhà (House Bill of Lading - HBL)

Là vận đơn được phát hành để xác nhận về việc người chuyên chở đã nhận hàng của nười gửi và đưa hàng đến điểm đích, vận đơn này được forwarder hoặc nhà chuyên chở phát hành cho người vận chuyển.

Xem thêm: Tìm hiểu về Master Bill of Lading (MBL) và House Bill of Lading (HBL) trong Xuất nhập khẩu

Vận đơn đường biển theo việc xuất trình vận đơn

Vận đơn gốc (Original B/L)

Vận đơn gốc được xuất trình khi người nhận muốn lấy lệnh giao hàng (D/O)

Vận đơn giao hàng bằng điện (Telex Release B/L)

Người nhận hàng không cần xuất trình vận đơn gốc để nhận lệnh giao hàng vì đã có vận đơn giao hàng bằng điện.

Vận đơn đã được xuất trình (Surrendered B/L)

Vận đơn đã được xuất trình cho hãng tàu thường là tại cảng xếp hàng (sau khi phát hành). Thay vì phải xuất trình vận đơn gốc, người nhận hàng chỉ cần làm thủ tục thanh toán các phí Local charges đầu cảng dỡ là có thể lấy D/O.

Các loại vận đơn đường biển khác

- Seaway bill: Chỉ đóng vai trò là giấy gửi hàng, không có chức năng sở hữu như B/L.

- Switch Bill of Lading: Là loại vận đơn 3 bên thể hiện sự giao dịch, mua bán sang tay giữa 3 bên. Người mua và người bán sẽ trao đổi với nhau thông qua 1 bên trung gian ở giữa.

 - Combined Bill of Lading: Vận đơn đường biển liên hợp tức là sử dụng hơn hai loại phương tiện vận tải khác nhau để vận chuyển hàng hóa từ điểm đầu đến điểm đích bằng, trong đó có 1 chặng tàu biển
Ví dụ: Tàu biển + xe tải.

Xem thêm: Airway Bill đối với lô hàng Air trong xuất nhập khẩu

Kết luận

Như vậy, Gitiho đã cùng bạn tìm hiểu và phân biệt các loại vận đơn đường biển phổ biến trong ngành xuất nhập khẩu. Hy vọng bạn đã hiểu rõ và áp dụng thành công cho công việc của mình. Đừng quên theo dõi chúng mình để xem thêm các bài viết bổ ích về xuất nhập khẩu và các kĩ năng chuyên ngành khác nhé!

Nằm lòng kiến thức chuyên ngành xuất nhập khẩu với tệp "Kiến thức nền về Logistics" đính kèm.

Tài liệu kèm theo bài viết

0/5 - (0 bình chọn)

0/5 - (0 bình chọn)

0 thảo luận

@ 2020 - Bản quyền của Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Gitiho Việt Nam
Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 0109077145, cấp bởi Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội
Giấy phép mạng xã hội số: 588, cấp bởi Bộ thông tin và truyền thông